Sự bịa đặt trơ trẽn!
Sự bịa đặt trơ trẽn!
“Chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người” là câu ca dao ý nói bản thân mình còn rất nhiều thói hư, tật xấu, khiếm khuyết lại đi soi mói, bới móc chuyện người khác. Câu ca dao này nói về tổ chức khủng bố Việt Tân lúc nào cũng đúng. Tuy là tổ chức bị xã hội Việt Nam lên án, khinh bỉ, nhưng chúng vẫn đi rao giảng về đạo đức, dân chủ, nhân quyền một cách trơ trẽn.
Diễn đàn với chủ đề “Phụ nữ có thể thay đổi xã hội như thế nào” được facebook Việt Tân phát trực tiếp vào ngày 31-3-2024. Thông qua diễn đàn, các nhà “dân chủ” đã vu cáo Việt Nam không có bình đẳng giới; Việt Nam phân biệt đối xử với phụ nữ; quyền của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam bị đối xử nghiêm trọng, bị bỏ rơi. Từ đó, chúng cổ xúy phong trào phụ nữ Việt Nam đứng lên để xóa bỏ sự ngược đãi, phân biệt đối xử… Chúng còn trơ trẽn so sánh sự can trường, dũng cảm của Hai Bà Trưng ngày xưa với Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thúy Hạnh bây giờ. Đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc của những kẻ đội lốt dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam, làm lu mờ những giá trị đích thực mà phụ nữ Việt Nam đã và đang đóng góp cho xã hội, cho đất nước.
Trong suốt hơn 38 năm kể từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng tự hào, đặc biệt là việc bảo đảm nhân quyền và đóng góp vào sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam cũng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025 và luôn được đánh giá là một thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, để chống lại Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch liên tục đưa ra những luận điệu xuyên tạc về việc bảo đảm nhân quyền, quyền bình đẳng giới ở Việt Nam. Thực tế, quyền phụ nữ đã được khẳng định trong Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946. Từ đó đến nay, vấn đề quyền phụ nữ luôn được thể hiện xuyên suốt trong tất cả bản Hiến pháp của nước ta. Thời gian qua, Nhà nước thường xuyên luật hóa các quy định về quyền con người của Liên hợp quốc. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước về quyền con người. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia thứ 6 tham gia ký kết Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Điều đó cho thấy Việt Nam rất chủ động trong thực hiện các quyền của phụ nữ. Trong các mục tiêu thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững thì mục tiêu về bình đẳng giới, Việt Nam luôn được quốc tế đánh giá cao. Chỉ số khoảng cách giới toàn cầu do “Diễn đàn kinh tế thế giới” đánh giá, trong 3 năm vừa qua, Việt Nam tăng liên tục từ vị trí 87 (năm 2021) lên 83 (năm 2022) và 73 (năm 2023) trong tổng số 146 quốc gia trên thế giới. Điều đó cho thấy nỗ lực của Chính phủ Việt Nam là rất lớn để đạt được sự tiến bộ như vậy.
Thực chất, bình đẳng giới chưa đạt được ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Những nước thường xuyên nói mình đi đầu về nhân quyền, tự do nhưng họ vẫn chưa đạt được bình đẳng giới. Ví dụ Hoa Kỳ trong 2 năm vừa qua, chỉ số khoảng cách giới giảm từ vị trí 27 (năm 2022) xuống 43 (năm 2023). Trong cuộc sống, phụ nữ nước này đâu đó vẫn còn bị phân biệt đối xử, không chỉ với nam giới mà còn giữa màu da, sắc tộc hoặc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Ở Việt Nam, đánh giá của cộng đồng quốc tế liên quan đến bình đẳng giới là một điểm sáng. Bởi trong số 17 mục tiêu về phát triển bền vững, mục tiêu số 5 về bình đẳng giới luôn đạt được ở mức có tiến triển hoặc đáng khích lệ so với nhiều mục tiêu khác. Trong khía cạnh quyền của phụ nữ, một số nhóm yếu thế hiện nay cũng được bảo đảm. Luật về người khuyết tật cũng đề cập đến vấn đề phụ nữ khuyết tật. Có nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ khuyết tật để họ có thể tham gia kinh tế bình đẳng như các nhóm đối tượng khác. Gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã triển khai một số dự án nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề đáng quan tâm đối với phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp rất cao, đặc biệt là Quốc hội, đạt hơn 30%. Đây là con số đáng ngưỡng mộ, không chỉ là đối với Việt Nam mà đối với nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII. Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, cán bộ nữ tham gia cấp ủy cả 3 cấp đều tăng về số lượng và chất lượng. Cụ thể, ở cấp cơ sở tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 21%, tăng 2%; cấp trên cơ sở đạt 17%, tăng 2%; các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 16%, tăng 3%. Có hơn 4.200 cán bộ nữ được lựa chọn, giới thiệu và bầu giữ chức vụ cán bộ chủ chốt trong Đảng, chính quyền ở cả 3 cấp.
Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”. Đó thực sự là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng đúng nghĩa cho phụ nữ. Vì thế, phụ nữ Việt Nam vẫn luôn luôn nỗ lực vươn lên, khẳng định mình trong tất cả hoạt động xã hội. Với truyền thống “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà” nên dù khó khăn, gian khổ thế nào phụ nữ Việt Nam vẫn luôn cố gắng, bền chí vượt qua. Trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam hiện nay đều có hình bóng phụ nữ, kể cả những ngành nghề được coi là thế mạnh của nam giới. Trong đó, những bóng hồng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan là một ví dụ sinh động. Họ đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè thế giới. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày càng có nhiều tấm gương phụ nữ giỏi trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Họ như những bông hoa điểm tô thêm sự rạng danh của đất nước. Đây cũng chính là minh chứng rõ nét, là nền tảng cốt lõi để các đối tượng chống phá không còn cơ hội xuyên tạc về quyền phụ nữ ở Việt Nam.
Tiên Chế (BPO)
Nhận xét
Đăng nhận xét