Khóc mướn thời nay
Khóc mướn thời nay
Người hành nghề khóc mướn là người có “chuyên môn” được thuê để khóc trong đám tang nhằm tạo ấn tượng rằng, người quá cố là nhân vật có tiếng và được quyến thuộc yêu mến, kính trọng. Trong các đám tang của những nhà giàu ngày xưa thường có một người phụ nữ xõa tóc, vật vã gào khóc bên linh cữu người quá cố. Nếu không để ý thì nhiều người cứ ngỡ bà ta là ruột thịt của người đã mất. Tuy nhiên, chỉ khi nghe bà ta liên tục sụt sịt đổi giọng xưng hô lúc thì vợ, sau lại em, rồi sang con, cháu, chắt của người xấu số thì ai nấy mới vỡ lẽ đây là người khóc mướn. Ngoài ý nghĩa nêu trên, cụm từ “khóc mướn” còn biểu hiện sự thương cảm, đau xót một cách giả dối, không chân tình.
Ở Việt Nam, từ khi chế độ phong kiến bị sụp đổ cũng là lúc nghề khóc mướn không còn tồn tại. Thế nhưng thời nay và ở tít tận trời Tây, nghề khóc mướn này vừa đang thịnh lại cũng đang phát. Bằng chứng là ở nhiều nước châu Âu cùng Hoa Kỳ, Canada, Úc… hằng ngày có không ít kẻ lưu vong, tha phương cầu thực đã và đang kiếm sống bằng nghề khóc mướn. Không chỉ thế, mà còn có cả vài chục tổ chức ăn theo nói leo cũng đang lay lắt bằng nghề này. Minh chứng là sau một thời gian thu thập chứng cứ, ngày 5-6-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với bà Hoàng Thị Minh Hồng, sinh năm 1972 về tội trốn thuế theo quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự. Ngay sau đó, các trang mạng như RFA, VOA tiếng Việt, BBC News – tiếng Việt, Thoibao.de, Việt Tân… liên tục cho đăng tải các bài viết với giọng điệu khóc mướn nhưng hết sức lộng ngôn và lố bịch.
Ngày 22-6-2023, trang facebook của VOA tiếng Việt đã phát tán bài viết với tựa đề: “Hơn 65 tổ chức nhân quyền và môi trường quốc tế kêu gọi trả tự do cho bà Hoàng Thị Minh Hồng bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam bắt giam”. Điều đáng nói ở đây là trong bài viết này có nội dung hoàn toàn xuyên tạc, bịa đặt về lý do bà Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt và bị khởi tố. Thâm độc và bỉ ổi hơn, họ còn cố tình chụp mũ rằng, “Chính phủ Việt Nam có âm mưu sử dụng tội trốn thuế như một cách để trấn áp phong trào bảo vệ môi trường… Hiện nay, hầu hết những người ủng hộ nổi bật cho kế hoạch đại loại là giảm sử dụng than trong kế hoạch năng lượng chung của Việt Nam đều đã bị giam tù. Đây không phải là một sự lầm lẫn. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đây là một chiến dịch hành động của chính phủ Việt Nam nhằm tấn công và trừng phạt phong trào bảo vệ môi trường tại Việt Nam”.
Thật là trơ trẽn đến tận cùng, vì việc bà Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt giữ là do có hành vi vi phạm pháp luật và đây là việc nội bộ của Việt Nam, nó chẳng liên quan hay ảnh hưởng gì đến đài VOA và mấy chục cái tổ chức “vô” chính phủ kia. Việt Nam là một quốc gia độc lập có chủ quyền, dù là cá nhân hay tổ chức phi chính phủ cũng không có tư cách bàn đến những việc thuộc nội bộ của Việt Nam. Hơn nữa, ở tất cả quốc gia trên thế giới này, nếu công dân nào vi phạm pháp luật cũng đều bị xử lý theo pháp luật của quốc gia đó và ở Việt Nam, bà Hồng không phải là ngoại lệ.
Về vấn đề này, ngay sau khi bà Hồng bị bắt giữ, trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài trong cuộc họp báo ngày 1-6-2023, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng cho biết: “Tại Việt Nam, các cá nhân, hội, tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ được bảo đảm hoạt động theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình. Như tại các quốc gia khác, những người vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, hành vi vi phạm pháp luật của bà Hồng đã quá rõ ràng và chính bản thân bà Hồng cũng đã cúi đầu nhận tội tại phiên tòa ngày 28-9-2023, rằng: Từ năm 2012-2022, trung tâm CHANGE phát sinh doanh thu hơn 69 tỷ đồng. Bị cáo Hồng đã chỉ đạo nhân viên không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không thực hiện đầy đủ thủ tục về kế toán, hóa đơn, chứng từ… nhằm trốn thuế hơn 6,7 tỷ đồng.
Khi được chủ tọa cho phép nói lời cuối tại tòa, bị cáo Hồng đã thể hiện rõ sự ăn năn, hối hận về hành vi phạm tội của mình: “Việc bị cáo đứng tại tòa hôm nay là bài học cho bị cáo, cho các tổ chức phi lợi nhuận khác để họ vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình và không vi phạm pháp luật. Bị cáo đã vận động gia đình khắc phục hậu quả hơn 3,5 tỷ đồng và rất mong nhận được sự khoan hồng của Nhà nước”. Ấy vậy mà trong bài viết nêu trên, cả Việt Tân lẫn mấy cái loa méo là BBC, RFA, VOA, RFI, cùng các tổ chức HRW – Tổ chức Theo dõi nhân quyền, RSF – Phóng viên không biên giới…, đã tru tréo lên rằng: “Bà Hoàng Thị Minh Hồng không làm gì sai, vì ủng hộ tôn trọng môi trường và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch không nên bị coi là một tội ác”. Chưa hết, họ còn cố tình kéo thêm các vụ án của Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương vào cuộc nhằm dễ bề lừa dối dư luận.
Thế nhưng, căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng, các vụ án này đã được truy tố và xét xử theo đúng quy định pháp luật, với các tài liệu, chứng cứ kết tội rõ ràng, khách quan. Bằng chứng là bà Ngụy Thị Khanh phạm tội trốn thuế với số tiền 456 triệu đồng; ông Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương trốn thuế gần 2 tỷ đồng và Đặng Đình Bách trốn thuế 1,38 tỷ đồng. Vì vậy, các tổ chức nêu trên cho rằng, cả 5 người này “bị đàn áp do các hoạt động vận động về vấn đề môi trường” là không đúng với bản chất vụ việc, là cố tình phớt lờ sự thật, để xuyên tạc, suy diễn, dựng chuyện và vu khống “chính quyền bỏ tù các nhà hoạt động môi trường – những người đấu tranh cho một môi trường trong sạch hơn”. Tuy nhiên, trò hề của những kẻ khóc mướn ở bên trời Tây từ lâu nay đã chẳng lừa được ai, vì người Việt xưa nay rất trọng cái danh. Một khi ai đó danh đã không chính thì dù có khóc kiểu gì cũng chỉ là giả.
Ở đời, dù là ai và ở đâu, nếu bất chấp tất cả để bán rẻ lương tri, sẵn sàng làm con rối, quân cờ cho các thế lực thù địch để phản bội Tổ quốc, nhân dân thì đều phải trả giá bằng những bản án nghiêm minh của pháp luật. Để rồi thân bại danh liệt và bị người thân ruồng bỏ, bạn bè khinh ghét.
Nhật Minh (BPO)
Nhận xét
Đăng nhận xét