Quy luật đào thải và phát triển
Quy luật đào thải và phát triển
“Trời ơi sao chẳng ai chịu vào Đảng hết vậy” là tựa bài của blogger Nguyễn Nhơn – một cộng tác viên thường xuyên của trang truyền thông chống cộng RFA. Dù đề tài này đã cũ và nhàm chán, nhưng tác giả cố tình dựng lên các nhân vật như “chị hàng xóm là giảng viên đại học” cùng câu chuyện bịa đặt về họ như thật. Rồi qua các tình tiết bịa đặt trong bài, Nguyễn Nhơn quy kết: Tất cả những ai vào Đảng đều nhằm mục đích leo lên một vị trí nào đó trong bộ máy của Đảng hay bộ máy công quyền. Vì thế, có thêm một người vào Đảng thì đồng nghĩa quần chúng bớt đi một kẻ tư lợi và đám đông quần chúng sẽ “sạch” hơn (!?).
Đọc tên bài viết và chủ đề mà Nguyễn Nhơn khai thác, thấy có vẻ như anh ta đang rất bí đề tài! Bởi thường thì các tay bút sống bằng nghề viết thuê cho mấy trang truyền thông chống cộng ở hải ngoại, như BBC tiếng Việt, RFA, RFI, VOA, Chân trời mới, Việt Tân… thường hay “săn” những vụ việc không hay, xảy ra trong đời sống xã hội Việt Nam như thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn thảm khốc hay cán bộ tham nhũng bị bắt giữ – nghĩa là những vụ việc cụ thể, đang thu hút sự quan tâm của dư luận để mổ xẻ. Rồi qua lăng kính méo mó, phiến diện của họ, tất cả mọi việc, từ thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn giao thông… đều do chế độ một đảng cầm quyền mà ra!
Trong bài viết sặc luận điệu chống phá này, Nguyễn Nhơn rút tít phụ: “Vào đảng cho trong sạch quần chúng” và “Đi họp cho mất thời giờ”. Tít thì có vẻ gây chú ý, nhưng nội dung bài viết thì vô cùng nhạt nhẽo và không thể coi là một bài báo. Điều này thể hiện năng lực tư duy của tác giả cũng như năng lực thẩm định nội dung của người quản lý trang đều quá thấp. Không biết có phải trang RFA “đo gang trả nhuận bút” hay không mà tác giả bài viết liệt kê các thủ tục kết nạp Đảng với rất nhiều bước mà không biết rằng, việc làm ấy đang phản lại luận điệu chê bai, dè bỉu của mình. Bởi từ một quần chúng ưu tú, để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải trải qua các bước rất chặt chẽ và phải có đủ thời gian rèn luyện, vượt qua thử thách. Các đánh giá, nhận xét của tác giả cũng hoàn toàn vô căn cứ khi viết rằng: “Không có con số thống kê chung cho cả Đảng, nhưng đấy là tình hình chung từ độ chục năm nay. Có chi bộ cả năm không kết nạp được đảng viên nào, nhiều chi bộ chỉ kết nạp được tỷ lệ rất thấp so với chỉ tiêu”. Một lần nữa, chính tác giả Nguyễn Nhơn và trang RFA lại thể hiện sự mâu thuẫn trong lập luận của mình. Bởi ngay trên trang này, ngay với tác giả Nguyễn Nhơn trước đó có rất nhiều bài viết chê bai việc “phát triển đảng viên ào ào”, rằng “ai thích vào Đảng thì giơ tay”, “bị ép vào Đảng”… Nếu vào Đảng dễ đến thế thì làm sao có chuyện “Có chi bộ cả năm không kết nạp được đảng viên nào, nhiều chi bộ chỉ kết nạp được tỷ lệ rất thấp so với chỉ tiêu” như bài viết mô tả!? Vậy là với trang chống cộng RFA cùng những kẻ sống bằng nghề bồi bút cho phương Tây, chẳng có việc gì Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã, đang làm khiến chúng “vừa mắt” cả! Dù không đưa ra được bất cứ con số cụ thể nào, bất cứ sự việc và địa chỉ cụ thể nào, tác giả này vẫn xổ ra những nhận xét mỉa mai, phỉ báng thế này: “Lạ nhỉ? Vào Đảng là vinh dự, đảng viên là tinh hoa của quần chúng. Muốn lên chức, làm lãnh đạo, điều kiện tiên quyết phải là đảng viên. Thế sao người ta lại… đổ đốn ra thế”?
Ngay từ những ngày Đảng ta mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập, rèn luyện Đảng ta đã khẳng định: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” và “vào Đảng là để hết lòng, hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân”. Chính vì vậy, việc xác định động cơ vào Đảng ở mỗi quần chúng là rất quan trọng. Đây luôn là vấn đề được các cấp ủy đảng đặt lên hàng đầu và có ý nghĩa quyết định để người xin vào Đảng được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam hay không. Tuyệt nhiên không có chuyện vào Đảng rồi là đã xong. Bởi Đảng Cộng sản Việt Nam có rất nhiều quy định, có cả một hệ thống tổ chức chặt chẽ để quản lý tổ chức đảng và đảng viên cũng như giám sát hoạt động thường xuyên của các tổ chức cơ sở đảng. Tổ chức đảng sẽ kịp thời phát hiện và đào thải những cá nhân trong quá trình công tác phạm vào các quy định của Đảng như tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Việc duy trì sinh hoạt Đảng hằng tháng là một trong những quy định bắt buộc để tổ chức đảng quản lý, giám sát đảng viên. Vậy mà một kẻ không hiểu gì về nguyên tắc hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam như Nguyễn Nhơn lại la làng lên rằng “đảng viên đều phải đóng đảng phí”; “mỗi tháng phải tham gia họp chi bộ định kỳ, chưa kể các buổi họp bất thường…”.
Thực tế, chúng ta không phủ nhận hiện nay vẫn còn tình trạng một bộ phận đảng viên trẻ do hoàn cảnh khó khăn, làm ăn xa nên bỏ sinh hoạt Đảng; cũng không phủ nhận một bộ phận đảng viên từng giữ các chức vụ quan trọng, khi nghỉ hưu lại suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “đổi giọng”, “trở cờ” quay sang chỉ trích, chê bai, nói xấu Đảng, có người trở thành mồi ngon cho các trang truyền thông chống cộng khai thác để chống phá đất nước. Song đây cũng chỉ là hiện tượng đơn lẻ, không thể nhìn vào hiện tượng ấy rồi quy kết, xuyên tạc như tác giả Nguyễn Nhơn.
Chẳng riêng gì Đảng Cộng sản Việt Nam, bất cứ tổ chức nào, ở quốc gia nào cũng có vào, có ra, có lên, có xuống. Vào Đảng là tự nguyện và phải phấn đấu, rèn luyện mới được kết nạp. Khi trở thành đảng viên, nhưng do hoàn cảnh cá nhân, hoặc vì lý do khác, không thể tiếp tục sinh hoạt thì xin ra khỏi Đảng. Trường hợp vi phạm quy định sinh hoạt Đảng không có lý do thì tổ chức sẽ gạch tên. Đó là quy luật đào thải và phát triển, có gì đâu mà rộn!
Thảo Linh (BPO)
Nhận xét
Đăng nhận xét