Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân tộc thiểu số

 Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân tộc thiểu số

Chính sách đổi mới của Ðảng và Nhà nước đã đem lại sự thay đổi căn bản trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; hoạt động tôn giáo đi vào ổn định, tín đồ, chức sắc, nhà tu hành tham gia tích cực hoạt động xã hội.

Cần bảo đảm tính trang nghiêm của lễ hội. Ảnh: KHIẾU MINH
Cần bảo đảm tính trang nghiêm của lễ hội. Ảnh: KHIẾU MINH

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo với khoảng 95% dân số có tín ngưỡng, hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54 nghìn chức sắc, hơn 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự, 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động.

Theo số liệu báo cáo, tại Việt Nam, khoảng 2,8 triệu người dân tộc thiểu số theo tôn giáo ở các khu vực Tây Nguyên, miền núi phía bắc, Tây Nam Bộ và duyên hải miền trung đều được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định, là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Biểu hiện cụ thể và rõ nét là trong sinh hoạt tôn giáo tập trung, hằng năm, có gần 13 nghìn lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng bản địa cấp quốc gia và địa phương được tổ chức. Trong đời sống văn hóa, tinh thần, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều có nhu cầu về đời sống tâm linh, tôn giáo; trừ dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông, dân tộc Chăm theo Bà La môn và Hồi giáo, còn hầu hết các dân tộc thiểu số theo tín ngưỡng đa thần, thờ cúng tổ tiên và thần linh theo phong tục tập quán truyền thống.

Trước khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, Việt Nam có hơn 2.600 điểm nhóm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, sau khi luật có hiệu lực, có thêm hơn 1.100 điểm nhóm được đăng ký. Riêng đạo Tin lành trong 3 năm thực hiện luật (2018-2020) có khoảng 500 điểm nhóm được cấp đăng ký mới; từ năm 2021-2023 khu vực miền núi phía bắc chấp thuận thêm 151 điểm nhóm; năm tỉnh

Tây Nguyên chấp thuận 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc từ các điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trước đó.

Ðối với các điểm nhóm chưa được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung do chưa đủ điều kiện hoặc không thực hiện các thủ tục đăng ký sinh hoạt theo quy định nhưng một số địa phương vẫn tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hiện nay, Việt Nam có 62 cơ sở đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ để đào tạo chuyên biệt cho sư sãi, từ khi thành lập đến nay, Học viện đã đào tạo được bảy khóa chuyên ngành cử nhân Phật học với hơn 200 tăng sinh tốt nghiệp, góp phần nâng cao trình độ tăng sinh, sư sãi ở các chùa Khmer khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương có đồng bào dân tộc Khmer đã quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động của các lớp sơ cấp Pàli, Vìni, các lớp Kinh Luận Giới tại các chùa ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long. Tại các cơ sở đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, nhiều người theo học là người dân tộc thiểu số: Trường Thánh kinh Thần học Hà Nội có sinh viên là người H’Mông, Dao, Sán Chỉ…

Hoạt động quốc tế của các cá nhân, tổ chức tôn giáo ngày càng được Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện. Trong đó các tín đồ tôn giáo người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện tham gia hoạt động quốc tế, như: Hiện có hơn 100 chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer đang du học tại nước ngoài với học vị thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Phật học tại các nước như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Srilanka, Ấn Ðộ; nhiều tín đồ Hồi giáo người Chăm được tham gia các cuộc thi đọc Kinh Koran quốc tế tại Thái Lan, Brunei, Malaysia, Indonesia, dự các hội nghị, hội thảo quốc tế về Hồi giáo, du học giáo lý tại các nước Hồi giáo…

Chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Ðảng và Nhà nước ta luôn nhất quán nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của mọi người; các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Ðồng thời, Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.

Theo đó, Nhà nước luôn chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Ðáng chú ý, ngay sau khi Nghị định số 162/2017/NÐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, Bộ trưởng Nội vụ đã ban hành quyết định về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ, gồm 96 thủ tục thuộc bốn cấp: Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Hiện nay, 43 thủ tục giải quyết ở cấp Trung ương đã được Ban Tôn giáo Chính phủ đưa vào thực hiện trên môi trường mạng (dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4), đã cấp 13 tài khoản cho các tổ chức tôn giáo tham gia dịch vụ công trực tuyến. Nhờ nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính mà hằng năm có hàng trăm hồ sơ được giải quyết thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính, niêm yết công khai các thủ tục hành chính, thời hạn trả lời cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Nhà nước tiếp tục quan tâm sâu sắc, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ, pháp luật của Nhà nước; chủ động giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng của quần chúng tín đồ; kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo, quần chúng tôn giáo và có phương hướng giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Các cấp, ngành tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quần chúng tôn giáo; vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Chính quyền các địa phương tạo điều kiện cho các Hội thánh Tin lành có tư cách pháp nhân tổ chức nhiều chương trình bồi dưỡng Thần học, Bồi linh cho chức sắc, chức việc trong các tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên. Tính từ năm 2015 đến nay có hơn 1.600 lượt người được học các lớp bồi dưỡng Thần học, 2.400 chức sắc, chức việc được tham dự chương trình bồi dưỡng Bồi linh tại khu vực miền núi phía bắc; hơn 1.300 lượt người được tham gia bồi dưỡng, đào tạo làm chức sắc tại khu vực Tây Nguyên…

Về xuất bản kinh sách, từ năm 2018 đến 2022, đã có 2.527 xuất bản phẩm liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được phép xuất bản với hơn 8,5 triệu bản in, trong đó kinh sách của một số tôn giáo đã được xuất bản bằng 21 thứ tiếng dân tộc (H’Mông, Khmer, Ê Ðê, Gia Rai, Ba Na…), 82 đầu sách Phật giáo được in bằng chữ Khmer. Nhà nước cho phép nhập 473 bộ Ðại Tạng Kinh, 96 đầu Kinh sách bằng chữ Khmer từ Campuchia về để phân phối cho các chùa.

VĨNH KHANG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này