Bộ mặt thật của một ‘tổ chức nhân quyền’

 Bộ mặt thật của một ‘tổ chức nhân quyền’

Ngày 2-11 vừa qua, tổ chức có tên gọi Article 19 (Hiến chương 19) đã tung ra luận điệu cho rằng “tình hình nhân quyền tại Việt Nam đang bị khủng hoảng vì có gần 200 người bị cầm tù chỉ vì sử dụng quyền tự do biểu đạt qua internet”, “đàn áp tự do nguôn luận đe dọa quyền phát triển ở Việt Nam”… Dưới sự trợ sức của các “kênh truyền thông lề trái” như RFA, Chân trời mới media…, những luận điệu lệch lạc này đã được lan truyền, chia sẻ trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Cũng như các “tổ chức nhân quyền” khác, Article 19 là một trong những tổ chức thường xuyên đưa ra các thông tin sai lệch, phiến diện, xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Thành lập từ năm 1987 và đặt trụ sở tại Anh, Article 19 tuyên bố mục đích hoạt động là thúc đẩy phong trào tự do ngôn luận, hoạt động vì một thế giới nơi tất cả mọi người được tự do thể hiện bản thân và tích cực tham gia vào đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, nhìn vào những gì Article 19 thể hiện thì mọi người không khỏi lắc đầu ngao ngán. Trong tuyên bố mới được đưa ra, Article 19 tiếp tục hù dọa người dân bằng nhiều luận điệu phi lý như: “Chính phủ Việt Nam sử dụng các công cụ theo dõi kỹ thuật số để giám sát và đe dọa công dân của mình, nuôi dưỡng bầu không khí sợ hãi trên nền tảng xã hội”, “nhiều tổ chức bị đe dọa đóng cửa hoặc cáo buộc ngụy tạo về trốn thuế”… Từ đó, chúng yêu cầu chính quyền phải “sửa đổi hoặc bãi bỏ toàn bộ Luật An ninh mạng và các điều 117, 318, 331 của Bộ luật Hình sự”, “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả những người đã bị cầm tù tùy tiện, trong đó có nhà báo Phạm Thị Đoan Trang và luật sư Đặng Đình Bách”…

Những năm qua, Article 19 cố tình “lộng giả thành chân”, núp danh thúc đẩy tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam để tiến hành các hoạt động bôi đen chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước và kích động sự bất ổn trong xã hội. Article 19 tiếp cận Việt Nam với một thái độ vô cùng hằn học và từ đó tung ra các đánh giá thiếu thiện chí về vấn đề tự do, dân chủ ở Việt Nam. Thực tế, Article 19 có mối quan hệ chặt chẽ với tổ chức phản động Việt Tân, Ðài Á châu tự do – RFA và nhiều “kênh truyền thông lề trái” khác. Thậm chí, tổ chức này còn từng phối hợp với các tổ chức phản động để tiến hành “đào tạo phương thức đấu tranh” cho các đối tượng “dân chủ” người Việt. 

Khách quan đánh giá, tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Để có được nền hòa bình, độc lập và được thừa hưởng các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền như hiện nay, nhiều thế hệ cha ông người Việt đã phải hy sinh xương máu chống thực dân xâm lược. Bởi vậy, không bao giờ có chuyện Đảng, Nhà nước ngăn chặn, cấm đoán việc người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, càng không bao giờ có chuyện người dân bị cầm tù vì tự do biểu đạt qua internet. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo đảm mọi quan hệ xã hội đều được điều chỉnh theo pháp luật. Các quy định liên quan đến việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền đã ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp (văn bản có giá trị pháp lý cao nhất) và các bộ luật, luật như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Báo chí, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng… Đặc biệt, với sự phát triển của khoa học – công nghệ, người dân đang có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận cũng như chia sẻ thông tin. Chỉ tính riêng mạng xã hội, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các hoạt động diễn ra vô cùng náo nhiệt. Từ Facebook, YouTube, TikTok cho đến Instagram, Telegram… đều có số người dùng đông. Do đó, luận điệu cho rằng “Việt Nam không có tự do ngôn luận”, “đàn áp nhà đấu tranh”… là hết sức kệch cỡm, lạc lõng và phi lý.

Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ, tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng không có nghĩa là vô ý thức, vô kỷ luật. Mọi quyền tự do của người dân đều phải gắn chặt với việc chấp hành các quy định pháp luật. Đây là điều kiện quan trọng để bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định xã hội cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của các công dân khác trong cộng đồng. Không một quốc gia nào cho phép người dân được tự do mà không phải chấp hành các nghĩa vụ kèm theo. Mặt khác, bản chất của pháp luật luôn mang tính chất giai cấp, phụ thuộc vào thể chế chính trị, đặc điểm lịch sử, văn hóa, tôn giáo… của từng quốc gia. Do vậy, không thể có một “mẫu số chung” về mặt luật pháp cho mọi quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, mọi hành vi đăng, phát thông tin chống Nhà nước; gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; kích động thù hằn, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc; chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ… đều bị nghiêm cấm. Những hành động đòi Việt Nam phải thay đổi pháp luật, chấp nhận điều này, xóa bỏ điều kia nhưng không phù hợp đặc điểm xã hội Việt Nam đều vô căn cứ và không thể chấp nhận.

Muốn đánh giá nền tự do, dân chủ, nhân quyền của một quốc gia phải lắng nghe ý kiến của đại đa số người dân chứ không thể chỉ chăm chăm vào một số kẻ bất đồng với chế độ. Hành động mà Article 19 thực hiện rõ ràng là đang chống lưng, giúp sức cho những kẻ chống phá Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của dân tộc Việt Nam. Suy cho cùng, tổ chức này cũng chỉ là một kẻ “đi buôn dân chủ” không hơn, không kém…

Anh Tú (BPO)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này