Chuyển đến nội dung chính

Lan tỏa giá trị văn hóa áo dài Việt Nam

 

Lan tỏa giá trị văn hóa áo dài Việt Nam

“Sẽ rất ấn tượng nếu các hoa văn độc đáo và nghề dệt vải của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk được thể hiện trên những tà áo dài truyền thống Việt Nam, góp phần tôn vinh, quảng bá giá trị văn hóa áo dài”, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam nói.

Trong chuỗi các hoạt động nhân Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023, Câu lạc bộ (CLB) Di sản áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vừa ra mắt tại TP Buôn Ma Thuột. Đây là ngôi nhà chung dành cho những người yêu áo dài, cổ vũ việc mặc áo dài thường xuyên trong các hoạt động đời thường; đồng thời là nơi trao đổi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc tôn vinh, quảng bá giá trị của áo dài Việt Nam.

Lan tỏa giá trị văn hóa áo dài Việt Nam

 Các đại biểu dự ra mắt CLB Di sản áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm CLB Di sản áo dài Việt Nam (thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cho biết, áo dài Việt Nam tượng trưng cho sự thuần khiết, giản dị nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa. Tà áo dài truyền thống được người Việt Nam bảo tồn, phát huy qua nhiều thời kỳ, trân trọng truyền lại cho thế hệ mai sau. CLB Di sản áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk ra đời với mong muốn góp phần tạo thêm một địa chỉ thiết thực, ý nghĩa trong việc giữ gìn, phát huy giá trị áo dài, góp phần để trang phục này có thêm những ứng dụng trong đời sống.

Lan tỏa giá trị văn hóa áo dài Việt Nam
 

Lan tỏa giá trị văn hóa áo dài Việt Nam
 Diễu hành và trình diễn áo dài trên đường phố Buôn Ma Thuột của các hội viên CLB.

“Thời gian vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều dự án bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống rất có hiệu quả, vừa hỗ trợ các nhóm phụ nữ phát triển sản xuất nhằm giảm nghèo bền vững, vừa mở lớp hướng dẫn, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho thế hệ trẻ. Chúng tôi hy vọng CLB Di sản áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk sẽ trở thành địa chỉ văn hóa thu hút sự tham gia của các nhà thiết kế và các nghệ nhân, phụ nữ dệt vải truyền thống trong tỉnh và các địa phương khu vực Tây Nguyên”, bà Thanh Tâm cho hay.

Lan tỏa giá trị văn hóa áo dài Việt Nam
 

Lan tỏa giá trị văn hóa áo dài Việt Nam
Trình diễn các mẫu áo dài thiết kế từ chất liệu thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. 

Nối dài tình yêu di sản, CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ góp phần hướng tới việc đưa áo dài trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đề nghị UNESCO công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ban chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk gồm 5 thành viên, do bà Trần Thị Thúy Thanh, Phó chủ tịch Hội nữ doanh nhân TP Buôn Ma Thuột làm chủ nhiệm. Nhân dịp này, CLB cũng đã đấu giá thành công một số vật phẩm gồm áo dài, trang sức, tranh thu về số tiền hơn 200 triệu đồng làm quỹ hoạt động.

Lan tỏa giá trị văn hóa áo dài Việt Nam
 Màn biểu diễn của các CLB áo dài tại lễ ra mắt CLB Di sản áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk.

Chào mừng ngày ra mắt CLB Di sản áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, chương trình đồng diễn áo dài đã diễn ra tại Quảng trường 10-3 TP Buôn Ma Thuột. Sự kiện thu hút gần 1.000 hội viên của tỉnh Đắk Lắk.

HÀ ANH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này