Những chiêu trò phá hoại đại đoàn kết dân tộc
Những chiêu trò phá hoại đại đoàn kết dân tộc
Lịch sử dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay luôn được ghi dấu bằng những trang vàng chói lọi. Trong mọi hoàn cảnh, tinh thần yêu nước của người Việt luôn gắn liền với ý thức cộng đồng, sự cố kết toàn dân tộc, trở thành truyền thống bền vững, thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi người Việt Nam. Đây chính là lý do khiến bất cứ kẻ xâm lược nào – dù mạnh đến đâu, khi sang xâm chiếm đất nước này đều thất bại. Cũng chính vì thế, các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Thực tiễn đã khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách xuyên tạc, phủ nhận. Chúng tán phát tài liệu bịa đặt, dựng cảnh người dân ăn mặc rách rưới, nhem nhuốc rồi chụp ảnh, quay video gửi một số trang mạng phản động để rêu rao, tạo dư luận xấu về Đảng, Nhà nước Việt Nam. Địa bàn chúng thường nhắm tới là các buôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh lợi dụng chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”, “tự do tôn giáo, dân tộc”, các thế lực thù địch thường triệt để lợi dụng các vụ việc để chống phá chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Và các vùng “ba Tây” – Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ là những địa bàn trọng điểm chống phá của chúng.
Địa hình vùng Tây Nguyên hiểm trở, đời sống nhiều người dân còn khó khăn, dân trí phát triển không đồng đều nên các đối tượng phản động, chống phá thường tập trung tấn công vào khu vực này. Các tổ chức phản động ở nước ngoài lôi kéo những đối tượng chống phá trong nước liên tiếp gây ra các vụ bạo loạn ở Tây Nguyên vào các năm 2001, 2004, 2008. Gần đây nhất là vụ khủng bố do nhóm đối tượng trang bị vũ khí tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 6-2023, gây ra cái chết của 9 người, làm bị thương 2 người và gây bất ổn về an ninh chính trị khu vực. Thế nhưng trên nhiều kênh thông tin, báo chí nước ngoài, trang mạng cá nhân của các đối tượng chống phá liên tục đưa thông tin sai sự thật để xuyên tạc, bóp méo vụ việc. Chúng cố tình hướng lái vụ án sang nguyên nhân “người dân bị phân biệt đối xử, bị ngược đãi nên tức nước vỡ bờ”, nhằm kích động tâm lý kỳ thị dân tộc, xuyên tạc chính sách đại đoàn kết các dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Tương tự, tại vùng Tây Bắc và Tây Nam Bộ, các thế lực phản động, cơ hội chính trị lợi dụng một số hạn chế trong phát triển kinh tế – xã hội, những khó khăn, thách thức mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đang phải đối mặt để xuyên tạc, tạo cớ chống phá về chính trị. Vùng Tây Nam Bộ, chúng chia rẽ đồng bào các dân tộc Kinh – Khmer – Hoa – Chăm; khuyến khích hình thành các hội, nhóm du nhập tà đạo và truyền đạo trái phép, gửi “thỉnh nguyện thư” đến các tổ chức nhân quyền quốc tế và kêu gọi “bảo vệ” những người vi phạm pháp luật. Vùng Tây Bắc, chúng kích động tư tưởng ly khai, tự trị, hướng đồng bào Mông “đi tìm Tổ quốc” riêng cho dân tộc mình; tuyển chọn thanh niên người Mông gửi ra nước ngoài huấn luyện quân sự và xây dựng nguồn nhân sự lâu dài cho “Nhà nước Mông”…
Được sự “hà hơi” tiếp sức bởi các tổ chức quốc tế như Tổ chức Theo dõi nhân quyền – HRW, Ân xá quốc tế – AI, Đài phát thanh Á châu tự do – RFA… các hội, nhóm, phần tử cơ hội chính trị kích động biểu tình, tạo điểm nóng chính trị để gây sự chú ý của dư luận thế giới. Đáng nói, tất cả tổ chức phản động ở nước ngoài đều có trang web và kênh phát thanh riêng để đẩy mạnh tuyên truyền, kích động chống phá. Không chỉ ở vùng “ba Tây”, thế lực thù địch, chống phá Việt Nam còn triệt để lợi dụng các vụ tranh chấp đất giữa các cơ quan nhà nước, quốc phòng với một bộ phận người dân tại các thành phố lớn để tạo điểm nóng. Điển hình là vụ Đồng Tâm ở TP. Hà Nội, vụ Thủ Thiêm ở TP. Hồ Chí Minh… nhằm gây bất ổn từ bên trong, gây hiểu nhầm đối với dư luận thế giới để kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức quốc tế vào công việc nội bộ của Việt Nam.
“Vấn đề người Thượng”, “Nhà nước Mông”, “Nhà nước Đê Ga”, “Tin lành Đê Ga”… là những chiêu bài quen thuộc mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thường xuyên khai thác. Nhiều cách đấu tranh của lực lượng công an và cơ quan chức năng, từ động viên, thuyết phục; tổ chức kiểm điểm trước dân đến đưa ra xét xử những kẻ cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam, chống phá Đảng, Nhà nước, kết hợp với cải thiện điều kiện kinh tế – xã hội… đã được Đảng, Nhà nước ta thực hiện một cách bền bỉ. Dù lực lượng chức năng của Việt Nam đã bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng chống phá nhưng các thế lực thù địch không từ bỏ mục đích và âm mưu đen tối. Những chiếc vòi bạch tuộc chứa đầy độc tố của tổ chức phản động Fulro, tổ chức khủng bố Việt Tân cùng nhiều tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn luồn lách, chui sâu vào từng ngõ ngách của cuộc sống để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sức mạnh của chúng ta. Vì thế, chỉ cần lơ là, chủ quan, mất cảnh giác thì không chỉ người dân mà ngay cả những cán bộ, đảng viên từng giữ trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước cũng có thể bị nhiễm độc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa chiến lược và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Người đã nêu ra luận điểm có tính chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nguyên tắc nhất quán trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta. Những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới hướng đến đồng bào các dân tộc thiểu số và đại đoàn kết toàn dân tộc. Không ai có thể phủ nhận những thành quả to lớn trong thực hiện chính sách dân tộc, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Và những chuyển động căn bản trong đời sống mọi mặt ở khu vực miền núi, dân tộc, trên khắp mọi miền đất nước chính là câu trả lời đanh thép với những kẻ cơ hội chính trị và tổ chức phản động đang ngày đêm chống phá đất nước.
Thảo Linh (BPO)
Nhận xét
Đăng nhận xét