Nghệ nhân gìn giữ “lời ru” Tày bên dòng sông Chảy
Nghệ nhân gìn giữ “lời ru” Tày bên dòng sông Chảy
“Tàng mừa thâng nưa bản quây lỳ/ Khửn pù khau bioóc phống pần lương”… tiếng hát vang cả bản làng gây thương nhớ cho ai đó mỗi khi đặt chân đến bờ Thác Bà bên dòng sông Chảy thân thương.
Theo tiếng hát ngọt ngào, chúng tôi tìm về nhà Nghệ nhân Ưu tú Mai Hồng Chắn (huyện Lục Yên.) người gìn giữ lời ru của đồng bào dân tộc Tày tại vùng đất ngọc đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Giọng hát của nghệ nhân ngọt ngào, tình tứ qua tiếng hát tựa như lời chào hỏi của người con người sinh ra và lớn lên cùng các câu dân ca dân tộc Tày gửi những vị khách phương xa ghé thăm:
“Tàng mừa thâng nưa bản quây lỳ
Khửn pù khau bioóc phống pần lương
Tha chiều lồng tồng bioóc mặn khao kháo
Nả đảo nọng slao pay lỉn hội
Pân mèng thương dát pích mùa xuân”
Dịch là:
“Đường về quê chúng em xa vời
Vượt mười non, chín sông người ơi
Có đào nở rộ, có mận chín đây
Óng ánh mật ong thơm ngào ngọt
Cả bản làng sống giữa trời mây”.
Nối mạch nguồn dân ca quê hương
Nếu nghệ nhân Hoàng Quan Nhạn là “cây cao bóng cả” của dân ca Tày thì nghệ nhân Mai Hồng Chắn là thế hệ nối mạch nguồn của quê hương, một trong những nghệ nhân ưu tú trẻ nhất của huyện Lục Yên.
Nghệ nhân Mai Hồng Chắn nói vui với chúng tôi: “Ở đâu có người Tày bên bờ Thác Bà thì ở đó có dân ca Tày”. Bởi lẽ, sông Chảy là một trong những dòng sông hiền hòa dịu êm ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Khi ngăn dòng sông Chảy làm thủy điện đã hình thành hồ nước nhân tạo lớn (hồ Thác Bà) thuộc địa phận huyện Yên Bình và Lục Yên (tỉnh Yên Bái), nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Tày.
Nghệ nhân Mai Hồng Chắn sinh năm 1986, thôn Nà Trạng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. |
Biết hát dân ca Tày từ khi 6 tuổi, tiếng hát cứ thế đi tới hết làng trên bản dưới, thậm chí là cả tỉnh Yên Bái, giao lưu với địa phương khác. Không chỉ sưu tầm sách hát của cha ông, tất cả các bài hát của nghệ nhân đều tự sáng tác, đặt lời mới phù hợp với yêu cầu và ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, về sự đổi mới của Lục Yên, thực hiện tốt các nhiệm vụ của địa phương, xây dựng đời sống mới, nông thôn mới.
Gắn bó máu thịt với mảnh đất quê hương cùng nét đẹp văn hóa đang dần mai một nên chị Chắn hiểu rõ bản thân phải biết trân trọng và giữ gìn mạch nguồn văn hóa đã nuôi nấng mình từ thuở bé. Bước chân của nghệ nhân đi qua bao cuộc hát, khẳng định niềm đam mê của bản thân bằng nhiều thành tích xuất sắc.
Có thể kể đến Huy chương Vàng tiết mục “Tiếng sáo Mường Lai”, Hội thi Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục Người đẹp các dân tộc tỉnh Yên Bái lần thứ 5 năm 2001; giải A tiết mục “Hái hoa”, Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018; giải B trình diễn “lễ oóc bươn của dân tộc Tày”, ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV…
Đặc biệt, với những cống hiến nổi bật trong suốt nhiều năm qua, nghệ nhân Mai Hồng Chắn đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Yên Bái có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc năm 2022.
Cũng chính từ lý do đó mà nghệ nhân luôn xác định bảo tồn, truyền dạy dân ca dân tộc là trách nhiệm của bản thân và tất cả mọi người. “Đến khi chân mỏi, tiếng hát không cất lên thì tôi sẽ vẫn còn truyền dạy cho con cháu, cho những ai đam mê văn hóa dân tộc, miễn sao gìn giữ được bản sắc, vốn quý của cha ông để lại”, nghệ nhân Mai Hồng Chắn khẳng định.
Miệt mài “gìn giữ” lời ru Tày
Nói về dân ca dân tộc Tày, nghệ nhân Mai Hồng Chắn sôi nổi một cách tự hào: “Người Tày yêu ca hát, hễ cứ gặp nhau là hát, bất kể ở hoàn cảnh, sự kiện nào đi chăng nữa. Dân ca dân tộc Tày có 7 làn điệu: Hát then, hát coọi, hát ví, hát khảm hải (hát bụt), hát phong slư, hát iếu (hát khắp) và cuối cùng là hát ứ noọng nòn”.
Những giai điệu đàn tính và các câu hát dân ca thấm đượm nghĩa tình đã sớm ăn sâu vào tâm trí khiến nghệ nhân không ngừng nghỉ sáng tác nhiều bài hát của đồng bào dân tộc mình. |
Theo nghệ nhân, hát Then trong đời sống, văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Tày được ví là “điệu hát thần tiên”, điệu hát của “Trời”. Điệu hát này có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Hát Then của người Tày phản ánh chuyện từ đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi… thể hiện rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày.
Hát coọi là một trong những điệu hát đối đáp giao duyên độc đáo của người dân tộc Tày. Mỗi khi mùa xuân đến, nam thanh nữ tú đi đến đâu là sẵn sàng hát đối để giao lưu tìm hiểu nhau và qua những cuộc hát đó nhiều đôi đã nên duyên vợ chồng. Không chỉ có vậy, tiếng hát coọi còn làm vơi đi nỗi vất vả đêm ngày, làm tâm hồn con người thanh thản và tự tin như hoa nở mùa xuân. Như hoa phặc phiền trên núi đá đã kết nối đôi lứa trăm năm hạnh phúc.
Hát ví vốn là hát dân ca ở đồng bằng và trung du Bắc bộ nhưng người Tày di cư đến nên có sự giao lưu văn hóa giữa cộng đồng người Việt và cộng đồng người Tày. Nhờ sự giao thoa, tiếp biến mạnh của văn hóa Tày bản địa mà hát ví có xu hướng “Tày hóa” và trở thành một loại hình dân ca của người Tày.
Hát khảm hải là một điệu hát có ý nghĩa lớn, hấp dẫn nhất trong được đánh giá là đoạn hấp dẫn nhất trong hát “Pựt” của người Tày. “Pựt” là một trường thơ dân gian của cộng đồng được chuyển thành lời ca, dưới sự thể hiện của thầy cúng có tên là Bụt. Ông Bụt hay bà Bụt khi làm chủ lễ trong lễ cúng vía của một gia đình sẽ phải hát “Pựt” để cầu phúc, cầu may cho gia chủ.
Trái ngược với hát coọi để giao duyên thì phong slư (còn gọi là phảng lài) là một bức thư tình viết theo thể thơ thất ngôn trường thiên bằng tiếng Tày và đôi câu Hán tự, Hán Nôm có lẫn với cả Nôm Tày thể hiện nỗi niềm suy tư thầm kín, sâu lắng từ đáy lòng của các chàng trai, cô gái mới quen hay đã và đang bén duyên nhau hoặc là tơ duyên trắc trở.
Hát ru ứ noọng nòn hay còn có tên gọi khác là vén noọng nèn; “nòn” hay “nèn” đều đồng nghĩa là ngủ. Nghệ nhân Mai Hồng Chắn cho biết “nèn” biểu hiện sự trìu mến thân thương, ngôn ngữ phù hợp phổ biến khắp nơi có dân tộc Tày.
Nghệ nhân Mai Hồng Chắn luôn xác định bảo tồn, truyền dạy dân ca dân tộc là trách nhiệm của bản thân và tất cả mọi người nên việc bồi dưỡng bắt đầu từ trẻ mầm non trở đi. |
Nhờ có điệu ru mượt mà, ngân nga trưa hè, có thể là ấm áp như tia nắng ban man của mùa đông lạnh giá khiến nghệ nhân quyết tâm gìn giữ các làn điệu dân ca dân tộc Tày.
“Trẻ em người Tày từ lúc sinh ra đến khi 3 tuổi đều gắn liền với chiếc nôi hòa vào tiếng hát êm ái ru ngọt ngào của các bà, các mẹ, các chị, ngày qua ngày chúng còn thuộc lòng và hát được bi bô. Đến khi trưởng thành, lời ru ấy đã trở thành hành trang từ tuổi thơ vào đời với tình cảm ơn sâu nghĩa nặng mẹ cha”, nghệ nhân Mai Hồng Chắn chia sẻ.
Bất cứ người con của dân tộc Tày nào lớn lên cũng được tắm mát tâm hồn bằng những câu hát ru mượt mà trong bài Ứ noọng nòn nổi tiếng:
“Ứ noọng nòn
Nòn đắc noọng nòn đí
Nòn tắng pí au qua
Nòn tắng a au luổm
Luổm lầu đảy sloong boóc
Nốc choóc đảy sloong tua”.
Dịch nghĩa:
“Ư em ngủ
Ngủ say em ngủ ngoan
Ngủ đợi chị lấy dưa
Ngủ đợi cô bắt muỗm
Muỗm to được hai ống
Chim sẻ được hai con”.
Hát iếu là lối hát đối đáp, bên ra lời hát thì bên kia phải hát đối đáp lại sao cho hợp lý, thuyết phục một cách ngẫu hứng. Hát iếu thường chia thành 5 loại: Iếu định duyên, iếu quấn quýt, iếu khoáy, iếu đố và iếu lượn và 5 loại hát iếu này được xem như các cung bậc: hỷ – nộ – ái – ố của đồng bào Tày.
Thông qua lời ca tiếng hát, người nghệ nhân còn muốn mang văn hóa của người Tày thông qua những bộ trang phục truyền thống. Được làm hoàn toàn từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn trang trí; quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công.
Áo của phụ nữ Tày thường là loại áo năm thân, dài quá bắp chân, thân áo và tay bó hẹp lấy người. Bộ quần áo của dân tộc Tày bao gồm: Khăn, áo, quần, dây lưng, vòng bạc đeo trên cổ và bộ xà tích đeo bên hông.
Có thể thấy, việc giữ gìn và bảo tồn được các làn điệu dân ca hay những bộ trang phục truyền thống của Nghệ nhân Ưu tú Mai Hồng Chắn đã góp phần lưu truyền và khẳng định giá trị văn hóa Tày cổ trong cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống bên dòng sông Chảy.
Dân ca là một mảnh đất trù phú, một kho tàng âm điệu vô tận, là nhân tố thể hiện tính cách dân tộc Tày, chính vì vậy qua từng làn điệu dân ca mà người nghệ nhân có thể truyền tải đến người nghe hiểu thêm về bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc Tày gắn bó cùng Thác Bờ, tất cả góp phần phát huy giá trị đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đều bắt nguồn từ di sản dân tộc như vậy.
Nhận xét
Đăng nhận xét