“Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” – bài học thành công từ cách mạng Tháng Tám

 “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” – bài học thành công từ cách mạng Tháng Tám

“Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” – bài học thành công từ cách mạng Tháng Tám

Quốc An

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh Việt Nam diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị, “tình hình đen tối tưởng chừng như không có đường ra”, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, mang theo hoài bão lớn giành lại “độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi”. Câu hỏi lớn cần lời giải đáp: Lựa chọn con đường nào để giành độc lập dân tộc, cứu nước, cứu dân đã được Nguyễn Tất Thành từng bước làm sáng tỏ trên hành trình bôn ba ở hải ngoại. Một điều rất quan trọng mà Nguyễn Tất Thành đã nhận ra qua tiếp cận với các cuộc cách mạng tư sản ở một số quốc gia trên thế giới là: “Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản. Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng bản thân mình”.

Suy nghĩ ấy ngày càng được củng cố và phát triển khi Nguyễn Tất Thành đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn về các cuộc cách mạng tư sản. Đặc biệt, khi Nguyễn Tất Thành được đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lênin đăng trên báo “Nhân đạo” của Đảng Xã hội Pháp (16/7/1920). Có thể nói chính sự kiện này đã tạo ra sự chuyển biến căn bản trong tư tưởng của Nguyễn Tất Thành – từ nhận thức của người thanh niên yêu nước, chuyển sang nhận thức của người cộng sản. Nhờ bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lênin mà tư tưởng “Tự lực cánh sinh”, “Dựa vào sức mình là chính” của Nguyễn Ái Quốc được củng cố vững chắc và phát triển thành tư tưởng “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Tư tưởng về con đường giải phóng dân tộc “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” của Nguyễn Ái Quốc được nâng lên ở tầm cao mới khi Người quyết định đến với quê hương của Cách mạng Tháng Mười, đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin.

Được hình thành, phát triển mạnh mẽ ngay sau sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập vào ngày 3-2-1930, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng nói chung và tư tưởng “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” chính thức được truyền bá sâu rộng và phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Bằng tư tưởng, tinh thần ấy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ cho phong trào cách mạng Việt Nam. Hàng loạt cuộc đấu tranh quy mô lớn, nổi bật là phong trào Xô viết – Nghệ Tĩnh. Khí thế cách mạng sục sôi của cao trào Xô viết – Nghệ Tĩnh đã lan rộng nhanh chóng ra khắp cả nước với hàng loạt các cao trào, cuộc khởi nghĩa… Đây chính là quá trình Đảng ta bổ sung và hoàn thiện đường lối chính trị, phương thức tiến hành, chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc sau này. Khi thời cơ cách mạng xuất hiện, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, tinh thần đoàn kết của toàn dân đã lên đến đỉnh điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước nhất tề đứng lên giành chính quyền. Ngay trong lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử, bằng tư tưởng “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, Đảng ta đứng đầu là Hồ Chủ Tịch đã dẫn dắt cả dân tộc đứng lên tận dụng triệt để thời cơ lịch sử giành thắng lợi to lớn trong cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, vận mệnh đất nước trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quân và dân ta tiếp tục phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” để vượt qua tất cả. Nhấn mạnh tinh thần ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Bằng tư tưởng “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đã vững vàng chèo lái đưa dân tộc vượt mọi chông gai, băng qua mọi thác ghềnh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thành quả và những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị, trong đó, bài học về tinh thần “Phát huy sức mạnh nội sinh”, “Dựa vào sức mình là chính”, “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” có ý nghĩa thời sự sâu sắc, luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta xác định vừa là phương châm, vừa là giải pháp để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của cách mạng. Đặc biệt, bằng tinh thần “Tự lực cánh sinh”, “Dựa vào sức mình là chính”, “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giành nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam. Bằng cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.

Trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chính nhờ kế thừa và phát huy tư tưởng, tinh thần “Dựa vào sức mình là chính”, “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thành tựu ấy là sự kết tinh ý chí, tinh thần, nghị lực, sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Trong điều kiện mới hiện nay, bài học “Dựa vào sức mình là chính”, “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” từ cách mạng Tháng Tám năm 1945 tiếp tục được Đảng ta kế thừa và phát huy nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, quốc gia hùng cường, thịnh vượng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này