Một số giải pháp chống những luận điệu xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng

 Một số giải pháp chống những luận điệu xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng

Đã có rất nhiều bài viết, bài nói trên các diễn đàn ở Việt Nam chống những luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở bài viết này, xin nêu lên bốn giải pháp chống những luận điệu xuyên tạc đó.

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, đối tượng xấu phát tán thông tin giả, thông tin xấu độc. Ảnh minh họa

Thứ nhất, phấn đấu để Đảng luôn trong sạch, đất nước hùng cường.

Có thể có người cho rằng, đây đâu phải là giải pháp. Hoặc cũng có thể có người nghĩ rằng, nếu là giải pháp thì đây chỉ là giải pháp phòng thôi, chứ không phải là giải pháp chống.

Chúng ta thấy rằng, gọi là giải pháp cũng được và gọi là điều kiện tiên quyết cũng được. Nếu Đảng luôn trong sạch, đất nước hùng cường thì các thế lực thù địch tuy vẫn đưa ra những luận điệu xuyên tạc chống đối nền tảng tư tưởng của Đảng, nhưng không thể nào dễ dàng “ru ngủ” được nhiều người. Nếu như vậy thì chắc chắn là có rất ít “dư địa” để kẻ xấu dựa vào những cái không tốt trong xã hội ta nhằm moi móc, xuyên tạc bản chất vấn đề hoặc khuếch đại chúng lên hòng làm rối loạn dư luận xã hội. Do đó, Đảng thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn bản thân mình cho thật tốt, đất nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thành công, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nước độc lập, bảo đảm chủ quyền vững chắc, dân ấm no, tự do, hạnh phúc thì, đương nhiên, các thế lực thù địch thật khó mà xuyên tạc được; dù chúng có nói đủ đường lắt léo, “vòng vo tam quốc” hay đốp chát trực diện hàng tôm hàng cá như hiện nay trên các diễn đàn, nhất là trên mạng xã hội, thì cũng không ai thèm nghe!

Sự cảnh báo của Trung ương Đảng về tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là sự cảnh báo chính xác, cần thiết vì nếu Đảng yếu kém, đất nước không phát triển bền vững thì đất nước sẽ mất chế độ xã hội chủ nghĩa chứ không phải do các thế lực thù địch nào cả. Do đó, hãy bắt đầu từ bản thân Đảng. Phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn bản thân Đảng, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa chính là giải pháp cơ bản nhất, hữu hiệu nhất để tạo ra những “vaccine”, “kháng nguyên”, miễn dịch đối với mọi luận điệu xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, dù cho chúng “biến thể” như thế nào đi chăng nữa. Một cơ thể Đảng khỏe mạnh, cường tráng, được tôi rèn trong cuộc sống, biết vượt qua chính mình, biết nhân lên cái tốt, cái mạnh, thẳng tay diệt trừ cái xấu, cái ác, tiêu cực thì không một thế lực nào có thể làm cho Đảng suy yếu, không thể làm hoen ố nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ hai, tăng cường cả số lượng và cả chất lượng những công trình “chính diện”.

Những công trình “chính diện” là những công trình sáng tác xây dựng cho cái tốt, cho sự phát triển bền vững của dân tộc. Ở đây, những công trình “chính diện” là sách, tạp chí, báo mà mỗi loại đều có thế mạnh riêng. Phải biết khai thác thế mạnh của từng loại để khẳng định cái đúng, phản ánh được bản chất Đảng: Đảng sinh ra từ xã hội; “là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”(1); mục đích của Đảng và của nhân dân là một; Đảng ra đời và phát triển là vì Tổ quốc, vì cách mạng, vì nhân dân.

Những công trình “chính diện” còn là những bài nói trên các diễn đàn, trên các phương tiện nghe nhìn khác như đài phát thanh, truyền hình, mạng xã hội (không nên coi nhẹ vai trò, tác dụng của mạng xã hội trong công tác tư tưởng, lý luận ở thời đại bùng nổ công nghệ thông tin với một thế giới phẳng).

Nhưng, lưu ý rằng, phải nói, phải viết cho chính xác. Những công trình khoa học ở nước ta tính đến nay khá nhiều, nhất là từ sau Đại hội VII năm 1991 khi Đảng chính thức nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh và xác định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Nhưng chưa thấm vào đâu so với yêu cầu. Cần nhiều hơn nữa. Ở đây, cần lắm chất lượng tốt từ những công trình khoa học, những bài viết trên tạp chí, trên báo. Những công trình kém về chất lượng tạo ra những phản cảm để bọn xấu lợi dụng, “bôi đen” chủ nghĩa Mác – Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mà chúng đã làm như vậy rồi. Có đầy rẫy những điều xuyên tạc nhảm nhí, nhố nhăng, cục súc về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trên mạng nhằm “hạ bệ thần tượng”! Điều này thật là tai hại cho nhiều người Việt Nam, không những tai hại đối với những người trẻ, mà thực ra còn chủ yếu là đối với những người lớn tuổi, thậm chí, tệ hại thay, còn đối với cả một số đảng viên, kể cả đảng viên kỳ cựu, những trí thức có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội nước ta.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thứ ba, trong các văn kiện Đảng, nên đưa vào khái niệm và nội dung rất cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin.

Khái niệm và nội dung cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng ta đưa vào các văn kiện Đảng (cả Cương lĩnh) từ năm 1991 do Đại hội VII thông qua, và sau đó các Đại hội sau bổ sung, phát triển, hoàn chỉnh. Còn đối với chủ nghĩa Mác – Lênin, tại sao không? Rất tiếc là trong văn kiện các Đại hội toàn quốc của Đảng từ trước đến nay, chưa thấy nêu. Việc nêu rõ khái niệm cũng như những nội dung rất cơ bản, súc tích về chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong văn kiện Đảng là việc rất cần thiết vì việc này không những có tác dụng tích cực trong công tác xây dựng Đảng, mà còn là một biện pháp quan trọng, hữu hiệu chống các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, cái điều mà các thế lực thù địch tung ra “bóng ma chủ nghĩa cộng sản” cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nay chúng vẫn tiếp diễn dai dẳng những hành động chống cộng một cách dữ dằn và quyết liệt hơn.

Điều này, xét một cách thấu đáo nhất, cũng nằm trong nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang xây dựng, củng cố, phát triển ba trụ cột của chế độ chính trị: 1. Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; 2. Xã hội xã hội chủ nghĩa; 3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Ba trụ cột này làm thành thế chân vạc, thế kiềng ba chân vững chắc cho chế độ ta (Mượn thuật ngữ của vật lý học theo thể hình học không gian tam giác đều – thế chân vạc/thế kiềng ba chân, như dân gian nói: “Dù ai nói ngả nói nghiêng/Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”). 

Nếu một trụ cột đổ thì thế đứng của chế độ chính trị của nước ta hiện nay sẽ đổ. Nếu hai hoặc cả ba trụ cột đổ thì chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa của nước ta càng bị đổ nhanh hơn. Vì vậy, xây dựng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí cũng tức là sự nghiệp cách mạng cao cả của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Đưa khái niệm và nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong văn kiện Đảng, do đó, chính là một biện pháp rất cần thiết để chính thức khẳng định nhân tố trụ cột của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa của nước ta. Đó không đơn thuần là câu chữ trong văn kiện Đảng, mà còn là và chủ yếu là thông điệp tư duy và hành động cho mọi người Việt Nam yêu nước, thông điệp về kiên trì theo lý luận chính trị dẫn đường đúng đắn; không có và sẽ không bào giờ có một lý luận, tư tưởng nào khác có thể thay thế được ở đất nước Việt Nam chúng ta hiện nay và mai sau.

Thứ tư, tăng cường xây dựng đội ngũ chuyên trách làm công tác lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đủ phẩm chất và năng lực để tác nghiệp chống những luận điệu xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đội ngũ chuyên nghiệp là những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền lý luận chính trị (Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh). Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước cho đến nay đã trải qua hơn 35 năm với 8 khoá Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta càng thấy rõ hơn một điều rằng, xây dựng nguồn nhân lực là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Tiêu chí chung nhất con người có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu chống các luận điệu xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, gồm 6 khía cạnh như sau: 1. Có sức khỏe tốt (hiểu sức khỏe là cả về thể xác và tinh thần, theo đúng quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của UNESCO). 2. Có tinh thần yêu nước; trung với nước, với Đảng, hiếu với dân. 3. Có đạo đức tốt (bao gồm cả đạo đức nghề nghiệp). 4. Có kỹ năng sống (bao gồm cả trí lực và kỹ năng trong công việc). 5. Có trách nhiệm công dân. 6. Con người Việt Nam có những tố chất cơ bản của “công dân toàn cầu” trong thế giới phẳng và hội nhập quốc tế. Muốn cạnh tranh thì phải có sức mạnh, có thế mạnh, biết nắm lấy mọi cơ hội thuận lợi của Thiên – Địa – Nhân để có được thế chân vạc Thời – Thế  – Lực. Con người Việt Nam trong cuộc sinh tồn và phát triển, phải đi lên bằng sức mạnh cạnh tranh đúc từ sức mạnh nội tại kết hợp với yếu tố bên trong và bên ngoài, biết biến ngoại lực thành nội lực. Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin đi vào mấy nội dung:

Một là, phải đặc biệt coi trọng công tác giáo dục – đào tạo.Giáo dục không chỉ là quốc sách hàng đầu mà còn là yếu tố bảo đảm sinh mệnh của dân tộc. Xét đến cùng, những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế của con người Việt Nam nói chung, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…nói riêng, đều là do những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế của công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực mà ra. Sự cố gắng của Đảng và Nhà nước ta đã được thể hiện cơ bản trong Chiến lược Phát triển giáo dục, ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ cũng như trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI; đặc biệt là thể hiện ở Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Làm nghề gì cũng phải học – học mọi lúc, mọi nơi, học trên ghế nhà trường, học thầy, học bạn, học trong sách vở, trên mạng internet, học trong đường đời, trong thực tế hoạt động cách mạng. Rất cần thiết phải bố trí nhân lực chủ chốt một cách thích đáng cho vị trí ngành Giáo dục – Đào tạo. Trong tình hình hiện nay, ngành Sư phạm càng cần được coi trọng.

Hai là, làm trong sạch môi trường văn hóa đạo đức.Tại sao lại đặt vấn đề như vậy? Lôgíc tất yếu này cũng tương tự tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người viết bài Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1969). Mặc dù nhiều người góp ý, Người không chịu nhưng nhượng bộ bằng cách đảo vế ở nhan đề đưa “nâng cao đạo đức cách mạng” lên trên vế “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” thành tiêu đề đăng báo là Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trong nội dung bài viết, Người vẫn để nguyên thứ tự đặt vế “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” lên trước vế “nâng cao đạo đức cách mạng”. Nếu môi trường văn hóa đạo đức bị ô nhiễm thì rất khó hoặc không thể nào xây dựng được con người Việt Nam một cách thuận lợi được, nói như câu ngạn ngữ của nước ngoài: nếu trong môi trường như thế mà làm việc tốt thì như con lạc đà chui qua lỗ kim. Vậy, xét về mặt nào đó thì môi trường văn hóa đạo đức trong sạch chính là một điều kiện quan trọng cho cả quá trình đào tạo để tạo ra đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay.

Ba là, coi trọng đào tạo chuyên gia.Xây dựng cơ chế khuyến khích trở thành chuyên gia chứ không bị hút vào con đường “chức vụ lãnh đạo, quản lý” (thường được gọi là con đường quan chức). Vì vậy, muốn đào tạo, hướng cho người ta đi vào lĩnh vực chuyên sâu, chuyên môn thì phải tiệt nọc với đặc quyền đặc lợi thì mới mong có nhiều người đức – tài đi chuyên sâu vào lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền lý luận chính trị chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bốn là, phát hiện những người có khả năng làm công tác lý luận, tư tưởng để đưa đi đào tạo(tức là tạo nguồn). Cần có những trường lớp chuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này đặt trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các học viện, nhà trường Quân đội, Công an nhân dân. Vấn đề là ở chỗ, phải có cơ chế phát hiện thật hiệu quả. Môi trường đào tạo cũng là một điều kiện để tạo những người này.

Năm là, đổi mới toàn bộ công tác đào tạo.Nói đến công tác đào tạo nói chung là nói đến một chuỗi các khâu liên hoàn và có quan hệ chặt chẽ với nhau, từ khâu tuyển chọn đầu vào cho đến quản lý, môi trường, chương trình, giáo trình, đội ngũ thầy cô giáo, phương pháp dạy và học, cơ chế sát hạch, đánh giá. Ngay cả đầu tư kinh phí thì cũng phải đầu tư cho tương xứng. Phải đào tạo theo hướng chuyên sâu, theo từng đối tượng theo đúng phương pháp đào tạo chuyên gia để tạo ra đội ngũ cán bộ xung kích thật sự có chất lượng trên mặt trận đấu tranh chống các luận điệu xuyên tác nền tảng lý luận của Đảng.

Cuộc đấu tranh này thật sự lâu dài, gian khổ, cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, cần có phẩm chất và năng lực của những người tâm huyết với Đảng, với sự nghiệp cách mạng.

Tương lai và quang vinh vẫn thuộc về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh!

GS.TS. MẠCH QUANG THẮNG


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này