Bóc trần luận điệu xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam: Nhận diện những trò lố

 Bóc trần luận điệu xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam: Nhận diện những trò lố

Việc Việt Nam đã hai lần trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là minh chứng rõ nhất về thành tựu liên quan quyền con người ở nước ta. Thế nhưng, bất chấp sự thật được công nhận đó, các tổ chức chống phá vẫn ngoan cố không thừa nhận và liên tục chĩa mũi dùi xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

ể từ lần đầu Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cho tới ngày 26/2/2024 khi Việt Nam tuyên bố tái ứng cử làm thành viên Hội đồng này nhiệm kỳ 2026 – 2028 và kêu gọi quốc tế ủng hộ, chưa lúc nào các tổ chức và đối tượng thù địch ngừng vận dụng mọi chiêu trò để ngáng đường Việt Nam.

Có thể thấy rõ một số trò lố mà các tổ chức chống phá thích sử dụng, thậm chí sử dụng đi sử dụng lại, hết năm này qua năm khác hòng tiếp tục bôi nhọ, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về nhân quyền, cũng như hạ thấp, coi nhẹ, phớt lờ những thành tựu đã được công nhận.

Trò lố được diễn nhiều nhất gần đây chính là xung quanh thời điểm Việt Nam tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ tiếp theo, diễn dưới dạng công bố các báo cáo, yêu sách, khuyến nghị… về nhân quyền.

Ví dụ, ngày 3/10/2023, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam cần khẩn cấp cải tổ quyền con người trước chu kỳ rà soát định kỳ phổ quát (UPR). Có điều là những kêu gọi trên của HRW không hề có cơ sở và lý lẽ xác thực, chỉ dựa trên một số thông tin cóp nhặt từ những phần tử, cá nhân, tổ chức bất mãn, chống đối trong nước cung cấp. Dù không nắm được ngọn ngành, căn bản về tình hình quyền con người ở Việt Nam, nhưng HRW lại luôn tự cho mình quyền phán xét, quyền kêu gọi.

Mới đây, ngày 11/1/2024, HRW lại công bố báo cáo thường niên về thực hành nhân quyền tại hơn 100 quốc gia năm 2023, trong đó có Việt Nam. Như giọng điệu mọi lần, báo cáo dùng từ “u ám” khi đưa ra các nhận định tình hình nhân quyền tại Việt Nam một cách phiến diện, quy chụp.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đại sứ phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva Mai Phan Dũng cùng đoàn công tác của Việt Nam tham dự Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: Nguyễn Anh Hiển – P/v TTXVN tại Thụy Sỹ

Phản bác báo cáo trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói: “Việt Nam hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vì những nội dung sai sự thật, bịa đặt trong báo cáo. Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức này đưa ra những luận điệu vu cáo, định kiến với ý đồ xấu nhằm vào Việt Nam, âm mưu phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế”. Bà Hằng khẳng định: “Những nỗ lực, quyết tâm, thành tựu của chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của con người đã được thể hiện thông qua những kết quả phát triển kinh tế, xã hội thực tế, được đông đảo nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế thừa nhận, đánh giá cao”.

Trả lời phỏng vấn báo chí trong nước, ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng khẳng định rằng các báo cáo của HRW không có giá trị pháp lý. Báo cáo chỉ dùng những từ bình luận chung chung mang tính định kiến kiểu như chưa tốt, u ám… mà thiếu lý lẽ, nhận xét khách quan, công tâm, thì tất cả chỉ nhằm mục đích bôi xấu.

Mới đây, tại chu kỳ 4 Cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ngày 13/2/2024, Văn bút Hoa Kỳ, Văn bút quốc tế và Trung tâm Văn bút Việt Nam hải ngoại, vốn là các tổ chức có chủ trương chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đã lợi dụng thời điểm này để cài cắm các khuyến nghị mang ý đồ thâm độc.

Khuyến nghị nực cười nhất là đề nghị Việt Nam chấm dứt đàn áp các nhà văn, nhà báo và nghệ sĩ vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận, đòi Việt Nam trả tự do cho họ và yêu cầu Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc một cách vô điều kiện.

Không hiểu Văn bút Hoa Kỳ làm phép tính gì để đưa được ra con số trên 150 nhà báo và nhà hoạt động đang bị cầm tù ở Việt Nam. Nếu trong số 150 cái tên đó có cái tên như Phạm Đoan Trang, thì hẳn Văn bút Hoa Kỳ không biết người này có mối liên hệ mật thiết với các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân hay VOICE, chuyên chống phá quyết liệt và tuyên truyền các thông tin xuyên tạc?

Nếu trong số 150 cái tên đó có cái tên như Phạm Chí Dũng thì hẳn Văn bút Hoa Kỳ không biết người này đã khai nhận trước tòa toàn bộ các hành vi “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”?

Và còn rất nhiều cái tên tương tự nữa. Có thể trong quãng đời của những đối tượng này, đã có lúc họ làm nhà văn, nhà báo chân chính. Nhưng một khi đã đi chệch khỏi con đường phụng sự nhân dân, phụng sự nhà nước, một khi lòng không còn trong, một khi ngòi bút đã cong thì họ chỉ còn là những đối tượng chống phá, vi phạm pháp luật, dùng ngòi bút để gây hoang mang, xói mòn niềm tin trong xã hội.

Có thể khẳng định rằng trong suốt quá trình tham gia Cơ chế UPR, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm. Điều đó được thể hiện qua tỷ lệ chấp thuận khuyến nghị ngày càng tăng, lên tới gần 83% tại chu kỳ 3 và gần 90% tại chu kỳ 4, cao hơn mặt bằng chung của các quốc gia khác.

Bất chấp thực tế này, ba tổ chức “văn bút” nói trên và các tổ chức tương tự vẫn không ngừng xuyên tạc, bịa đặt và bôi nhọ tình hình dân chủ nhân quyền, tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Việt Nam. Bằng chứng như đã kể ở trên là trước mỗi chu kỳ UPR hay kỳ họp đánh giá của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, các tổ chức kiểu này đều ráo riết vận động hành lang, gây áp lực với Liên hợp quốc để gia tăng sức ép lên Việt Nam xoay quanh vấn đề nhân quyền.

Không chỉ vận động hành lang một cách độc lập mà các yếu tố như động cơ, thời điểm đều cho thấy rõ ràng có sự cấu kết, phối hợp hành động giữa các nhóm này.

Không phải ngẫu nhiên và tình cờ khi cũng cùng thời điểm với ba tổ chức “văn bút”, các tổ chức nhân quyền Article 19, tổ chức phi lợi nhuận Legal Initiatives for Vietnam và tổ chức OpenNet ngày 11/2/2024 cũng đệ trình một kiến nghị chung lên Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc liên quan tới phiên rà soát sắp tới trong kỳ họp thứ 140 của ủy ban này.

“Ăn theo” các tổ chức trên, tổ chức phản động có tên “Hiệp hội Khmer Kampuchea Krom vì nhân quyền và phát triển” ở Campuchia cũng có động thái tương tự.

Có thể tiên lượng, từ sau khi Việt Nam tuyên bố tái ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền hồi cuối tháng 2/2024 cho tới khi Hội đồng Nhân quyền thông qua kết quả rà soát tại khóa họp 57 vào tháng 9/2024, sẽ còn nhiều trò lố tương tự để cản trở Việt Nam trong hành trình khẳng định mình trên trường quốc tế.

Thế nhưng, dù có chớp mọi thời cơ để bôi nhọ, xuyên tạc, thì chắc chắn họ sẽ không thể thay đổi được sự thật, là chân lý: Ở Việt Nam, nhân quyền là điều luôn được tôn trọng. Tất cả những luận điệu nhằm bóp méo sự thật, đó chỉ là những trò lố mà thôi!

Thùy Dương (baotintuc.vn)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này