Bóc trần luận điệu xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam – Bài 4: Câu trả lời cho những vu cáo lạc lõng
Bóc trần luận điệu xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam – Bài 4: Câu trả lời cho những vu cáo lạc lõng
Trong lúc người dân Việt Nam đồng lòng, nỗ lực trong công cuộc dựng xây đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, thì những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch trở nên hết sức lạc lõng bởi đi ngược lại sự thật và lòng người.
20 năm trước, từ Liên bang Nga, những người Việt Nam với lòng tin Chúa, quay trở về Tổ quốc. Họ là những thành viên đầu tiên của Hội thánh Lời Sự sống- một tổ chức tôn giáo thuộc đạo Tin lành, tại Việt Nam.
Mục sư Phạm Tuấn Nhượng, Hội trưởng Hội thánh Lời Sự sống Việt Nam chia sẻ: Mặc dù Hội thánh Lời Sự sống chưa được cấp hoạt động tôn giáo hay tư cách pháp nhân, nhưng khoảng 40 điểm nhóm của Hội thánh tại các tỉnh/thành của Việt Nam đã được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo. “Cá nhân tôi và các thành viên Hội thánh được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động tôn giáo ở nhiều địa phương, nhất là tại Thủ đô và một số thành phố lớn khác” – Mục sư Phạm Tuấn Nhượng cho biết.
Tại Việt Nam, Mục sư Phạm Tuấn Nhượng, cũng như các chức sắc và thành viên, tín đồ của các tôn giáo khác, từ nhiều năm nay, vẫn cùng đồng bào cả nước chung sức trong công cuộc dựng xây đất nước và được tạo điều kiện để thực hành tôn giáo tại các địa phương. Niềm tin tôn giáo trong huyết mạch mỗi cá nhân hòa cùng tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức công dân, là động lực cho mỗi cá nhân vun đắp cuộc sống tốt đời, đẹp đạo. Sự đoàn kết và cùng một mục tiêu cuộc sống đó đã khiến tại Việt Nam, một đất nước với 54 dân tộc anh em, 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau, nhiều ngày lễ trọng của các tôn giáo trở thành “lễ hội chung” của người dân các tôn giáo khác nhau, và được chính quyền tôn trọng, hỗ trợ tổ chức hết sức trang trọng, quy mô, hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự…
Gần đây nhất, nhân dịp Lễ Giáng sinh 2023 và năm mới 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đến thăm, chúc mừng Giáng sinh Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh và các vị chức sắc Hội đồng Giám mục Việt Nam; thăm, chúc mừng Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam). Tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám mục Nguyễn Năng đã trân trọng cảm ơn tình cảm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Công giáo, bày tỏ niềm vui, tự hào về những thành tựu to lớn mà đất nước đạt được trong năm qua, đặc biệt với những thành tích trong công tác đối ngoại, nhất là sự phát triển tích cực trong quan hệ với Tòa thánh Vantincan, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Tại Tổng Liên hội Hội Thánh Tin lành Miền Nam (Việt Nam), khi tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Mục sư Hội trưởng Thái Phước Trường trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và đồng bào Tin lành trên cả nước hoạt động ổn định và phát triển.
Có thể thấy rằng, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật. Song song với các quy định pháp luật, là những sự quan tâm, tạo điều kiện để mỗi người dân được thực sự phát huy quyền tự do tín ngưỡng. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ngày càng phong phú; số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Cả nước có 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với 26,7 triệu tín đồ, gần 60.000 chức sắc, gần 30.000 cơ sở thờ tự và chục triệu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản. Sự tôn trọng và nhất quán của Đảng và Nhà nước trong chính sách tôn giáo và thực tiễn cuộc sống đã củng cố niềm tin trong mọi giáo dân, khuyến khích người dân mọi tôn giáo cùng đồng lòng chung sức xây dựng quê hương, đất nước.
Bên cạnh đó, thời gian qua, việc đảm bảo quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng ở nước ta đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin. Cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí và 42.400 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Các tờ báo đều đẩy mạnh tương tác với bạn đọc, mở phần bình luận cho người đọc tham gia cả trên báo viết, phát thanh và truyền hình trực tiếp. Cùng với đó, mạng xã hội tham gia mạnh mẽ vào môi trường truyền thông, đặc biệt khi tại Việt Nam, công dân không bị ngăn cấm tham gia mạng xã hội. Mọi người dân đều có thể tìm hiểu, trao đổi, thảo luận về mọi vấn đề quốc kế dân sinh…trên tinh thần công khai, dân chủ và tuân thủ pháp luật. Đó là những biểu hiện rất rõ ràng của tự do báo chí, tự do ngôn luận, gắn với quy định pháp luật, luôn hướng tới mục đích phụng sự nhân dân, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Trên thực tế, sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ, sau những ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, nguồn lực kinh tế của Việt Nam có những hạn chế, và trên đất nước vẫn còn những nơi đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất các ngành giáo dục, khoa học, văn hóa, thể thao, y tế… còn thiếu thốn, hệ thống pháp luật hiện hành còn thiếu đồng bộ, chưa thật sự sát với thực tiễn… Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng, và Chính phủ luôn nhìn thẳng vào những tồn tại để thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn nữa những chương trình, chính sách, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thực thi cơ hội tiếp cận các dịch vụ công ích cho mọi người dân, tạo điều kiện để mỗi người dân đều được đảm bảo những quyền lợi cơ bản của chính mình.
Với những nỗ lực không ngừng của Đảng, Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam trong thực hiện mục tiêu vì quyền con người, năm 2013, Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016. Năm 2022, Việt Nam đã được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Và lần thứ 2, Việt Nam đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chọn là một trong 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Từ đó đến nay, Việt Nam không ngừng nỗ lực trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, tích cực triển khai các cam kết và nỗ lực mạnh mẽ để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Những thành tựu trong công tác an sinh xã hội, trong thực thi các quyền cơ bản của con người, trong tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận… cho thấy Việt Nam đã và luôn dành mọi ưu tiên để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và thực thi nhân quyền cho mọi công dân. Những nỗ lực của Việt Nam vì quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Đây cũng chính là căn cứ quan trọng, để mới đây, tại Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam tuyên bố tái ứng cử làm thành viên Hội đồng này nhiệm kỳ 2026 – 2028 và kêu gọi quốc tế ủng hộ. Việc tiếp tục giữ trọng trách tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, sẽ càng giúp Chính phủ và người dân Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa vào thúc đẩy tất cả các quyền con người.
Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực, quyết liệt trong thực thi quyền con người và hiện thực hoá một môi trường sống dân chủ, công bằng, văn minh, lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người, thúc đẩy và bảo đảm nhân quyền. Môi trường sống này không chỉ là mục tiêu của các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ, mà còn là điều hướng tới của gần 100 triệu con dân Việt Nam, nên dù ở vùng miền nào của đất nước, dù theo tôn giáo tín ngưỡng nào…, mọi người dân nước Việt đều thống nhất một lòng, ra sức giữ gìn và vun đắp.
Chính vì vậy, những vu cáo, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch về nhân quyền tại Việt Nam thực sự là những luận điệu lạc lõng, bởi trắng trợn phủ nhận sự thật và đi ngược lại tâm nguyện của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Thuỳ Hương
Nhận xét
Đăng nhận xét