Bài 4: Cuộc chiến giữa “xây” và “chống”

 Bài 4: Cuộc chiến giữa “xây” và “chống”

Nếu coi chấn hưng văn hóa là một cuộc cách mạng chống lại những thói hư, tật xấu, những cái ác… phản tiến bộ, bảo vệ những điều tốt đẹp trong cuộc sống thì có lẽ xét cho cùng câu chuyện của chấn hưng văn hóa cũng chính là câu chuyện của “xây” và “chống”.

Ngân vang giai điệu tự hào

Việt Nam từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu nay đã trở thành một nước đang phát triển, được khu vực và thế giới biết đến với những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt “thương hiệu” Việt Nam vẫn đang không ngừng được tỏa sáng với những con người cần mẫn, kiên cường, bất khuất, sáng tạo…, đã viết nên những trang sử vẻ vang với những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…

Và cũng chính những con người ấy, hàng ngàn năm lịch sử đã tạo dựng và hun đúc nên một nền văn hóa Việt Nam vô cùng độc đáo, đặc sắc, đa dạng và phong phú mang cốt cách, tâm hồn dân tộc, đó chính là “tấm giấy thông hành”, là “căn cước” để chúng ta tự tin hội nhập cùng thế giới.

Để có một Việt Nam rạng rỡ gấm hoa như ngày hôm nay, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn, bao thế hệ con người Việt Nam đã không tiếc công sức, hy sinh cả xương máu… để xây dựng, vun đắp cho đất nước “ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”… Thế nhưng, bên cạnh những giá trị tốt đẹp ấy trong quá trình tiến lên xây dựng CNXH, chúng ta cũng đã và đang gặp không ít vật cản, ngáng đường, ảnh hưởng đến sự phát triển mọi mặt của đất nước, đó chính là những hủ tục lạc hậu phản tiến bộ, những thói hư, tật xấu, những biểu hiện lệch chuẩn… vẫn đang hiện hữu, len lỏi trong cuộc sống.

Biết bao nhiêu câu chuyện buồn về văn hóa ứng xử, sự xuống cấp về đạo đức, băng hoại về lối sống, nhân cách… vẫn diễn ra hàng ngày. Qua báo chí và các trang mạng xã hội, chúng ta thấy ngày càng nhiều tình trạng bạo lực, tội phạm, tệ nạn xã hội. Đau lòng thay, có những vụ án mà ngay cả những người thân thích ruột thịt cũng sẵn sàng “xuống tay” sát hại nhau, để rồi dẫn đến những kết cục thương tâm. Rồi những vụ “đại án” mà thủ phạm lại nằm ngay trong “bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”…

Trong cuộc sống, bên cạnh những tấm gương, những điển hình tiên tiến về người tốt, việc tốt thì vẫn còn bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức… cản trở sự tiến bộ của xã hội. 

Đáng quan ngại nhất là một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay đang chạy theo lối sống hưởng thụ, ngại khó, ngại khổ; sống thiếu lý tưởng, hoài bão, thiếu trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội; chuộng lối sống thực dụng, chạy theo lợi ích cá nhân tầm thường, dễ dãi; vô cảm trước những nỗi đau và mất mát hy sinh của người khác… Những thói hư, tật xấu như cờ bạc, rượu chè, trọng nam khinh nữ… tàn dư của xã hội cũ vẫn ẩn nấp, len lỏi trong cuộc sống hàng ngày.

Xây dựng, phát triển và chấn hưng văn hóa ngoài việc tập trung xây dựng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp chúng ta đồng thời phải thanh lọc, đẩy lùi, “chống” lại những thói hư, tật xấu, phản tiến bộ này.

Siêng bắt sâu nhặt cỏ

Những ngày này, cả nước đang sôi sục dõi theo “đại án chuyến bay giải cứu” với kỷ lục về số tiền đưa nhận hối lộ… thể hiện sự tha hóa đạo đức tới tột cùng của một số người vẫn được coi là “công bộc” của dân đúng lúc người dân khó khăn nhất, cần sự giúp đỡ nhất đó là trong đại dịch COVID-19. Đáng tiếc, trong số 54 bị cáo, phần lớn lại là những cán bộ công chức và lãnh đạo cấp cao nhà nước. Từ những chứng cứ và lời khai của các bị cáo chúng ta không khỏi rùng mình bởi sức công phá mạnh mẽ của những “viên đạn bọc đường”. Đồng tiền với sức mạnh bí hiểm đã làm tha hóa con người một cách ghê gớm.

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 cho thấy, 10 năm qua, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng trong năm 2023, các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng, tăng gần 2 lần so với năm 2022 và tăng gấp 3 lần so với năm 2021.

Những con này là hồi chuông báo động về sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay. Đây chính là những “ung nhọt” cản trở sự phát triển và tiến bộ của xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, làm xói mòn niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước, cũng như khả năng lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy đất nước Việt Nam phát triển hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”. Thử hỏi đất nước sẽ đi đâu, về đâu nếu như chúng ta không thanh lọc được những “ung nhọt” mà cứ để những “sâu mọt” như thế này tham mưu, điều hành các lĩnh vực của đất nước…?

Để những giá trị tốt đẹp luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, tạo thành sức mạnh nội sinh phát triển đất nước, trong nhiều năm qua, Đảng luôn chủ trương “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, ”lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”. 

Trong thời đại mở, chịu sự tác động của cơ chế thị trường đã mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng mang lại không ít thách thức đòi hỏi chúng ta phải vượt qua. Hội nhập để phát triển là đòi hỏi tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới nhưng làm sao để chúng ta “hòa nhập” nhưng không “hòa tan”? Trong thế giới “mở”, nếu như chúng ta không đủ tỉnh táo để nhận diện, để “gạn đục khơi trong” tiếp thu những tinh hoa của nhân loại bồi đắp và làm giàu có thêm văn hóa dân tộc; dũng cảm loại bỏ những “ung nhọt”, những cái cũ kỹ lạc hậu, không phù hợp; lan tỏa, xây dựng những giá trị tốt đẹp nhằm “tăng sức đề kháng” chống lại những thủ đoạn, những âm mưu diễn biến hết sức tinh vi của kẻ thù, chúng ta rất dễ bị đồng hóa, bị xâm lăng, nô dịch về văn hóa… “Văn hóa còn thì dân tộc còn” đây chính là chân lý không thể chối cãi và đã được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử.

Để những giá trị tốt đẹp luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, tạo thành sức mạnh tinh thần, sức mạnh nội sinh phát triển đất nước, trong nhiều năm qua, Đảng luôn quan tâm củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hóa, chủ trương “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”… Có lẽ cũng nhờ thế mà sau gần 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Thế nhưng, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam là nước phát triển có thu nhập cao như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, chúng ta cần phải quyết tâm và đẩy mạnh việc củng cố, xây dựng, phát triển, chấn hưng văn hóa nhằm tạo môi trường lành mạnh thúc đẩy các lĩnh vực phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy, muốn “diệt cỏ dại phải trồng nhiều hoa”; nhưng muốn hoa tốt tươi, ngoài việc tưới tắm, chăm bón mỗi ngày chúng ta còn phải siêng “nhặt cỏ”, “bắt sâu”. “Xây” và “chống” như hai bánh xe vững chắc. “Chống” triệt để, bảo đảm cho công việc “xây” thành công. “Xây” phát triển mạnh mẽ thì đối tượng “chống” sẽ được xóa bỏ tận gốc.

Xây dựng, phát triển và chấn hưng văn hóa trong thời kỳ mới chính là chúng ta xây dựng “cẩm nang” thiết yếu để chúng ta “tăng sức đề kháng”, tăng sức mạnh nội sinh cho dân tộc. Xây dựng, phát triển và chấn hưng văn hóa cũng là cách để chúng ta lan tỏa những giá trị tốt đẹp, để đẩy lùi những tiêu cực vẫn cố len lỏi trong cuộc sống hiện nay.

Để có được một Việt Nam “rạng rỡ gấm hoa” như ngày hôm nay, bao mồ hôi, xương máu, và nước mắt của bao thế hệ người Việt Nam đã đổ xuống… Nhưng những thế lực thù địch luôn phủ nhận, thậm chí ra sức xuyên tạc, bóp méo, bôi đen lịch sử, tác động vào trận địa tư tưởng, môi trường văn hóa; lôi kéo những phần tử cực đoan, bất mãn… Bên cạnh một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không giữ được lời thề vi phạm đạo đức, kỷ luật nghề nghiệp, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị bị bắt, bị kỷ luật, nguy hiểm hơn còn có không ít cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ… chạy theo lợi ích cá nhân, phản bội lại lợi ích quốc gia, dân tộc… Không ít người dù có công lao với cách mạng, được Đảng và nhân dân nuôi dưỡng, giáo dục thành đạt, thành danh đã “quay xe”, “trở cờ”, trở thành con rối cho các thế lực phản động ở hải ngoại giật dây. Xây dựng, phát triển và chấn hưng văn hóa cũng chính là chúng ta củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm, trào lưu tư tưởng thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Gia đình là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành nhân cách của mỗi con người. Gia đình là “tế bào” của xã hội. Sự phát triển, lớn mạnh của mỗi một đất nước phụ thuộc rất nhiều vào thành trì kiên cố là mỗi một gia đình. Để chấn hưng văn hóa, tạo nền tảng vững mạnh phát triển đất nước đòi hỏi mỗi cá nhân, gia đình và các tổ chức phải thật sự nghiêm khắc với những thói hư tật xấu, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội, xây dựng cho mình những thói quen và lối sống chuẩn mực tốt đẹp. “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.

Chống lại những thói hư tật xấu, những hủ tục lạc hậu, những tệ nạn xã hội, những biểu hiện lệch chuẩn trong xã hội… cũng chính là “chống giặc nội xâm” góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân.

Cũng giống như việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, GS.TS Đinh Xuân Dũng – Nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, chống lại những thói hư tật xấu, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội là một cuộc chiến khổng lồ, trường kỳ, bền bỉ, nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các giải pháp… Để đảm bảo môi trường văn hóa thật sự lành mạnh, để những “giai điệu tự hào” của dân tộc mãi được ngân vang và lan tỏa… chúng ta phải kiên quyết, dũng cảm loại bỏ những cái xấu xa, phản tiến bộ, sẵn sàng “chặt cành để cứu cây”, “chặt cây để cứu rừng”, kỷ luật, loại bỏ một người để cứu muôn người./.

Theo dangconsan.vn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này