Bài 1: Chấn hưng văn hóa là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân
Bài 1: Chấn hưng văn hóa là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân
Xây dựng, phát triển và chấn hưng văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm, triển khai thường xuyên, liên tục qua các thời kỳ nhằm xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển đất nước.
Hiện nay, đất nước đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hoá nhằm tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Chấn hưng văn hóa là một “Đại công trình thế kỷ” với rất nhiều hạng mục cần phải thực hiện trong thời gian dài. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định những vấn đề trọng tâm, then chốt, để tập trung triển khai, cấp bách thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, huy động sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, ghi dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới.
Để làm rõ hơn những vấn đề này, Hương Sen Việt giới thiệu loạt bài “Câu chuyện chấn hưng văn hóa” được đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhiệm vụ chính trị quan trọng cấp thiết
Văn hóa vốn có nội hàm rất rộng, bao trùm mọi lĩnh vực đời sống. Văn hóa được đúc kết, hình thành qua nhiều thế hệ, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lịch sử, phát triển của dân tộc… Trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Chúng ta luôn tự hào vì là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu. Trong lịch sử nhờ có văn hóa “giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh” đã tạo nên sức mạnh vô song “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…
Trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc giữ gìn, khai thác và phát triển các giá trị văn hóa có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Thực tiễn cách mạng đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hoá để tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Chúng ta sắp bước sang năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2021-2026, có thể nói là năm “nước rút” chạy đua để cán đích thành công mọi mục tiêu, kế hoạch Đại hội XIII đề ra. Vì vậy, việc chấn hưng và phát triển văn hóa càng trở nên cấp thiết để tạo nền tảng, động lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Chấn hưng văn hóa không chỉ là khát vọng mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, sau này được in trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Trong bài viết, Tổng Bí thư đã phân tích, làm rõ những thành tựu và hạn chế trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là từ Đổi mới đến nay: “Chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Những mặt “hạn chế, yếu kém” nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa… Những yếu kém, bất cập nêu trên chậm được giải quyết mặc dù đã được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Sự yếu kém, khuyết điểm này đã gây hệ lụy, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa của chúng ta. Chúng ta cần phân tích sâu sắc các mặt hạn chế và nguyên nhân để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới”.
Chấn hưng văn hóa luôn gắn bó mật thiết với vận mệnh, lộ trình hội nhập và phát triển của quốc gia, dân tộc. Để hoàn thành sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”, có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng trong thời kỳ mới nhằm xây dựng thành công nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định thì chắc chắn phía trước chúng ta còn ngổn ngang rất nhiều việc phải làm. Chấn hưng văn hóa – Đại công trình đã được chúng ta thực hiện nhiều thế kỷ nhưng trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên hội nhập toàn cầu, chúng ta cần phải có lộ trình phù hợp, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, để quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước”. Như vậy, chấn hưng văn hóa có lẽ cũng phải bắt đầu từ nguồn lực con người. Trong Văn kiện Đại hội XIII cũng như trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã chỉ rất rõ nhiệm vụ, giải pháp để chấn hưng văn hóa trong thời kỳ mới. Vấn đề là chúng ta phải có đủ nguồn lực, đủ quyết tâm, đủ kiên trì để thực hiện sứ mệnh cao cả này.
Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Môi trường văn hóa tạo ra con người văn hóa, con người văn hóa lại giữ vai trò chủ thể để giải quyết những bài toán căn cơ về phát triển văn hóa. Chính vì vậy, có lẽ chấn hưng văn hóa, chưa cần vội phải “đao to búa lớn” mà có lẽ trước hết chúng ta cần tập trung giáo dục, đào tạo con người văn hóa trong các môi trường: gia đình – nhà trường – xã hội. Đúng như Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định: Khi đất nước bước vào thời kỳ mới, phải đối diện với những thách thức to lớn bên ngoài, rất cần những động lực mạnh mẽ, nhất là nguồn lực nội sinh, sức mạnh tinh thần của toàn xã hội để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, giải quyết những thách thức của thời đại. Những lúc đó, chúng ta cần phải thực hiện một công cuộc chấn hưng văn hóa, xây dựng và phát triển con người hội tụ được những phẩm chất, năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng
Chấn hưng văn hóa là làm cho văn hóa hưng thịnh, phát triển hơn trước. Chấn hưng văn hóa để làm cho các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc, của đất nước được nâng cao hơn và phát triển mạnh mẽ hơn. Theo Bộ Trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, đặt vấn đề chấn hưng văn hóa hiện nay là chúng ta muốn nói đến việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao, phát triển các giá trị văn hóa tốt đẹp để tạo động lực phát triển, nâng tầm đất nước, đưa đất nước lên một vị thế mới, đồng thời giải quyết những mặt hạn chế, thách thức của thời đại đang đặt ra hiện nay.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương, chấn hưng văn hóa là làm sao để văn hóa tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, sâu rộng không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà tác động đến tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Chấn hưng văn hóa để đất nước phát triển một cách toàn diện.
Trong lịch sử của dân tộc ta, khi nào các triều đại quan tâm đến phát triển văn hóa thì ở thời kì đó đất nước hưng thịnh, phát triển. Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, trong lịch sử chúng ta cũng đã có những cuộc chấn hưng văn hóa như thời nhà Trần, chúng ta có hào khí Đông A. Hào khí Đông A thực chất cũng là chấn hưng tinh thần của dân tộc, văn hóa của dân tộc, niềm tự hào, lòng yêu nước, đoàn kết để đánh đuổi tất cả các thế lực xâm lăng. Và đặc biệt là trong thời kỳ mới, kể từ khi có Đảng, chúng ta có một cuộc chuẩn bị cho chấn hưng văn hóa của đất nước là Đề cương Văn hóa năm 1943 do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Lúc đó, chúng ta chưa giành được chính quyền, có nghĩa là chưa đầy đủ các điều kiện để xây dựng nền văn hóa mới của chế độ mới nhưng mà Đảng ta đã nêu Đề cương văn hóa, tức là những vấn đề có tính chất cương lĩnh xác định văn hóa của Việt Nam trong tương lai, trong thời gian tới, mang nguyên tắc là: Dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa và đấy là những nguyên tắc rất cơ bản. Từ đó mở cuộc vận động chống lại văn hóa của thực dân phong kiến, của phát xít, xây dựng một nền văn hóa mới.
Đặc biệt ngày 24/11/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, lúc đấy chúng ta vừa giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Trong Hội nghị này, Người đã khẳng định phát triển văn hóa làm sao cho đất nước độc lập, người dân được tự do và ai cũng hiểu được lợi ích, quyền lợi mình được hưởng, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đây chính là cuộc chấn hưng văn hóa rất quan trọng của thời đại Hồ Chí Minh.
Trong rất nhiều Nghị quyết của Đảng, chúng ta đã có những Nghị quyết về “phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, hay Nghị quyết 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước… Như vậy, văn hóa là phục vụ cho phát triển, xây dựng con người, nhưng quan trọng nhất là nó tác động làm cho xã hội tốt đẹp lên, đẩy lùi những cái xấu xa, lạc hậu, cũ kĩ…. Như vậy, khi nói về chấn hưng văn hóa là làm sao để đẩy sức mạnh tinh thần, nội lực văn hóa trong mỗi con người, trong một vùng đất, một đất nước, một dân tộc lên một tầm cao mới, vừa mạnh mẽ, vừa sâu sắc, vừa rộng lớn, tác động không chỉ đến lĩnh vực văn hóa mà đến cả chính trị, đến cả kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại…
Chia sẻ về sự cần thiết cũng như ý nghĩa thiết thực của việc chấn hưng văn hóa Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số… vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa. Đồng thời, chúng ta cũng đang đứng trước những thách thức của an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống…; những biểu hiện như nhận thức về văn hóa chưa đúng, các giá trị văn hóa phát triển lệch hướng; bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một; môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực; sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn; thể chế hiện tại còn những kẽ hở để các cá nhân lợi dụng thực hiện những hành vi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, vi phạm pháp luật, chỉ biết chạy theo những ham muốn vật chất, đề cao lợi ích cá nhân mà bất chấp mọi giá, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, dân tộc, đất nước, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của xã hội, làm mất niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước… Để vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta đặt ra là phải thực hiện chấn hưng nền văn hóa Việt Nam, với định hướng kiên định là xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Xuất phát từ những yêu cầu khách quan trên đây, lúc này chính là thời điểm văn hóa Việt Nam cần được chấn hưng mạnh mẽ để tạo nền tảng nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công cuộc chấn hưng văn hóa, chúng ta nhất định sẽ có được động lực mạnh mẽ phát triển đất nước, khắc phục các hạn chế, tồn tại và giải quyết những thách thức của thời đại đang đặt ra hiện nay.
Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Nhận xét
Đăng nhận xét