Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong xu thế phát triển của Internet, mạng xã hội

 Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong xu thế phát triển của Internet, mạng xã hội

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dùng internet, mạng xã hội thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Internet và mạng xã hội giúp chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, song đây cũng chính là công cụ được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước triệt để lợi dụng nhằm ra sức chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Bài viết làm rõ những thách thức trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ xu hướng phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội hiện nay, từ đó làm rõ những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. 

1. Xu hướng phát triển của internet, mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay và những thách thức với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Theo Báo cáo Tổng quan về internet và mạng xã hội 2023 (Digital 2023: Global Overview Report) của tổ chức We Are Social, đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Số lượng người dùng mạng xã hội cũng khoảng 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Thời gian trung bình truy cập mạng xã hội là 2 tiếng 31 phút/người/ngày; 89,8% tổng số người dùng internet của Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội(1).

Sự gia tăng người dùng cũng như sự phổ biến của internet và mạng xã hội là một chỉ số đánh giá sự phát triển của internet và mạng xã hội ở Việt Nam thời gian qua nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những rủi ro về an ninh mạng. Không gian mạng với đặc tính “ảo”, dễ ẩn danh, có tốc độ lan truyền nhanh đã trở thành công cụ đắc lực để những thế lực thù địch, các phần tử cơ hội phát tán tin giả, thông tin xấu, độc.

Một trong những phương thức mới, phổ biến nhất của “diễn biến hòa bình” được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiến hành đối với Việt Nam là tận dụng internet, mạng xã hội để tiến hành chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta trên các phương diện cơ bản sau:

Một là, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng cách tung tin “hỏa mù” với hàng nghìn bài viết, phỏng vấn, thư ngỏ; xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tô hồng, ca ngợi sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học – công nghệ của các nước phương Tây nhằm hướng lái con đường phát triển của Việt Nam theo các nước tư bản chủ nghĩa.

Ngoài ra, các thế lực thù địch còn lập các trang mạng để lôi kéo, mua chuộc một số cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ có tư tưởng bất mãn, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lên tiếng nói xấu chế độ, xuyên tạc lịch sử, bịa đặt thông tin về thân nhân, đời tư các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng.

Hai là, trên nhiều trang mạng xã hội, các phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã lợi dụng những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế – xã hội ở một số ngành, địa phương để xuyên tạc, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Nhiều trang mạng trực tiếp công kích, đả phá, phủ nhận những thành tựu 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; đồng thời khoét sâu, trầm trọng hóa về những khó khăn, hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, quản lý điều hành của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị một số nơi để quy kết là bản chất của chế độ. Dưới nhiều hình thức “thư ngỏ” đăng tải tràn lan trên internet, mạng xã hội, nhiều phần tử cơ hội đã lên tiếng kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ba là, lợi dụng internet và mạng xã hội để tán phát nhiều tài liệu tuyên truyền xuyên tạc các văn kiện, nghị quyết của Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ bằng các chiến dịch truyền thông rầm rộ trên không gian mạng. Các thế lực thù địch tán phát nhiều tài liệu, bài viết trên mạng xã hội xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận ý nghĩa các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, phủ nhận thành quả của cách mạng Việt Nam; lợi dụng các vụ việc phức tạp, nhạy cảm cũng như những tiêu cực, yếu kém trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là liên quan đến ngành công an, giáo dục, y tế, quản lý đất đai… ở một số địa phương để xuyên tạc chống phá.

Bốn là, triệt để sử dụng lực lượng “cộm cán”, cực đoan để tạo bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo người dân tộc thiểu số tham gia các tổ chức, hội nhóm phản động; vượt biên trái phép sang Campuchia, Thái Lan để được hưởng quy chế tị nạn…

Nguy hại hơn, một số tổ chức phản động còn lợi dụng mạng xã hội để hướng dẫn “biểu tình online”, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền. Vụ việc xảy ra tại hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk ngày 11-6-2023 vừa qua là kết quả của những hoạt động lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo, kích động biểu tình chống phá Đảng, chính quyền nhà nước.

Năm là, lợi dụng internet, mạng xã hội để hình thành và hậu thuẫn các hội, nhóm núp danh “xã hội dân sự” để gia tăng các hoạt động chống phá. Thời gian qua, các tổ chức phản động ngoài nước đã lợi dụng mạng xã hội để thiết lập các chương trình, dự án tài trợ liên quan đến sức khỏe cộng đồng, người yếu thế… nhằm thúc đẩy hình thành các hội, nhóm hoạt động bất hợp pháp, là cơ sở để phát triển các tổ chức “xã hội dân sự”, “bất tuân dân sự” ở Việt Nam. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước Mỹ và phương Tây can thiệp, gây sức ép với Việt Nam về các vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo…

Sáu là, gần đây, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng; bôi nhọ, hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Lợi dụng những sai phạm của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo cấp cao trong một số vụ án lớn như đại án Việt Á và CDC các địa phương, vụ án “chuyến bay giải cứu”… để lên tiếng cáo buộc “Đảng Cộng sản Việt Nam đã thật sự suy thoái, biến chất”. Chúng sử dụng những thành tựu của khoa học – công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (ChatGPT, Midjourney, Deepfake…) để phát động hàng trăm chiến dịch truyền thông chống phá; đẩy mạnh đăng tải, tán phát tin bài, video xấu độc, bóp mép, quy chụp, gán ghép, suy diễn vô căn cứ tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại của Việt Nam…

Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đối với nền tảng tư tưởng của Đảng ta trên không gian mạng rất nguy hiểm, thâm độc, không thể coi thường, xem nhẹ. Nhận định về điều này, Đảng ta đã chỉ rõ: “Đối với Việt Nam, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Một số quốc gia đang bí mật triển khai các hoạt động trinh sát, giám sát, tình báo, bố trí hệ thống vũ khí mạng, sẵn sàng tiến công, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng”(2).

Tại Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Đảng ta nhận định, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự phát triển bùng nổ của internet, mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động sẽ có những chiêu thức mới, thủ đoạn mới để chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây được xác định là một thách thức rất lớn cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Do đó, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là một tất yếu khách quan, xuất phát từ đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.

2. Giải pháp tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Trong thời gian tới, tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, công cuộc đổi mới đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử song cũng còn tồn tại không ít hạn chế, thách thức như: tốc độ tăng trưởng chưa ổn định; một số hạn chế, vướng mắc trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, quản lý đất đai… chậm được giải quyết triệt để; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ cấp cao vẫn còn nghiêm trọng…

Lợi dụng tình hình đó, “các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”(3), “sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn”(4). Đó chính là một thách thức rất lớn đặt ra cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trong thời gian tới.

Để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình thực tiễn trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, thực hiện tốt các chương trình, chiến lược quan trọng liên quan trực tiếp đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, như Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định 127/QĐ-TTg ngày 26-01-2021 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó quan tâm tập trung đầu tư phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại, chủ động tiếp cận với những công nghệ mới, góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, làm chủ công nghệ hiện đại, tránh để bị động, bất ngờ trước những tình huống tấn công trên không gian mạng của các thế lực thù địch.

Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các nền tảng hạ tầng, hệ thống mạng do Việt Nam sản xuất, song song với việc làm chủ, quản lý các hệ thống nền tảng mạng do nước ngoài sản xuất, qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào các nền tảng mạng, dịch vụ do các doanh nghiệp, tập đoàn của nước ngoài cung cấp; đồng thời tạo nền móng vững chắc trong việc triển khai, áp dụng các công nghệ hiện đại trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ, xử lý theo pháp luật đối với các nhà mạng và cá nhân lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.

Thứ ba, chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của đối tượng để kịp thời có phương án tổ chức đấu tranh, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

Công tác nắm tình hình cần tập trung vào những vấn đề cụ thể như: Phát hiện các trang web, blog, diễn đàn thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá của chúng trên không gian mạng, kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới; phát hiện cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời. Chủ động triển khai hệ thống phòng thủ trên không gian mạng để kịp thời phát hiện và đập tan những cuộc xâm nhập, tấn công mạng, lan truyền tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng.

Thứ tư, tích cực sử dụng internet, mạng xã hội để triển khai tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch một cách kịp thời, hiệu quả nhất. Đồng thời, truyền tải các thông tin tích cực, tạo môi trường thông tin lành mạnh, góp phần ổn định dư luận, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng. Xây dựng các chiến dịch truyền thông chủ động trong các đợt cao điểm như: kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc; các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước như Đại hội Đảng, họp Quốc hội, bầu cử… để định hướng thông tin cho nhân dân; không bỏ trống trận địa thông tin khiến các thế lực thù địch có cơ hội chiếm lĩnh để tung các thông tin sai trái.

Thứ năm, xây dựng và phát triển lực lượng tác chiến trên không gian mạng theo hướng tinh, gọn, mạnh để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nghị định số 98/2015/NĐ-CP ngày 19-10-2015 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của lực lượng tác chiến không gian mạng đã chỉ rõ: “Lực lượng tác chiến không gian mạng là lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng tác chiến không gian mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với lực lượng vũ trang nhân dân nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam trong mọi tình huống”(5).

Lực lượng tác chiến không gian mạng là lực lượng đặc thù, có nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng nên cần được tập trung xây dựng theo hướng tinh nhuệ, hiện đại, vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông về năng lực chuyên môn; có khả năng ứng phó và xử lý nhanh mọi tình huống, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Ngoài ra, lực lượng tác chiến trên không gian mạng cũng cần thường xuyên, tích cực phối hợp với các lực lượng khác như lực lượng nòng cốt của các cơ quan tuyên giáo, lực lượng chuyên gia của các cơ quan nghiên cứu lý luận và lực lượng thanh niên xung kích của các tổ chức đoàn, hội sinh viên để hiệp đồng tác chiến, tạo thành lực lượng đấu tranh rộng khắp trên không gian mạng.

Có thể nhận thấy, xu hướng phát triển của internet và mạng xã hội ở Việt Nam là tất yếu khách quan, phản ánh quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xu hướng đó một mặt tạo ra những thời cơ cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, song một mặt cũng tạo ra nhiều thách thức khó lường cho nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Do đó, cần phải có những thay đổi cả trong nhận thức và hành động để công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình thực tiễn.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng là nhiệm vụ trọng yếu, vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với Việt Nam trong bối cảnh bùng nổ internet và mạng xã hội hiện nay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này