Đổi trắng thay đen
Đổi trắng thay đen
Những diễn biến trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; khủng bố; tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; che giấu tội phạm” xảy ra vào đêm ngày 10-6, rạng sáng 11-6-2023 tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đang thu hút sự theo dõi của dư luận. Bất chấp việc hàng loạt bị cáo đã cúi đầu nhận tội, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước vẫn cố tình đổi trắng thay đen, lật lọng thông tin, đánh tráo bản chất vụ việc.
Từ ngày 16-1, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, khủng bố, tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, che giấu tội phạm” xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Căn cứ kết quả điều tra và chứng cứ thu thập được, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã truy tố 53 bị cáo về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, 45 bị cáo về tội “Khủng bố”, 1 bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép” và 1 bị cáo về tội “Che giấu tội phạm”. Trong khi phiên tòa sơ thẩm đang diễn ra, nhiều luận điệu, thông tin sai trái xoay quanh vụ án đã được các đối tượng xấu đưa ra. Đơn cử, Đài Á châu tự do – RFA trắng trợn cho rằng: “Các bị cáo là nạn nhân của chính quyền”, “vụ xả súng tại Đắk Lắk không phải là khủng bố mà là sự phản kháng của người dân bản địa tại Tây Nguyên trước sự đàn áp của chính quyền”, “những năm qua chính quyền tìm mọi cách để ngăn cản đồng bào bản địa thực hiện quyền tự do tôn giáo cũng như chiếm đoạt hết đất đai của bà con đồng bào”… Trong khi đó, “luật sư dân chủ” Đặng Đình Mạnh lại tung ra quan điểm: “Việc xét xử lưu động vụ án này là hết sức đáng lên án, vô nhân đạo, thể hiện sự phân biệt sắc tộc nghiêm trọng”. Ngoài ra, nhiều đối tượng cơ hội, chống đối khác cũng cố tình đổi trắng thay đen, xuyên tạc bản chất vụ án, cố gắng “tẩy trắng” cho những người phạm tội và đổ lỗi cho chính quyền.
Nạn nhân của ai?
Vụ án xảy ra tại huyện Cư Kuin có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người, làm mất ổn định xã hội và gây hoang mang dư luận. Qua quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng đã thu thập tài liệu, chứng cứ và phân hóa vị trí, vai trò, mức độ tham gia của các bị cáo trong vụ án. Kết quả điều tra cho thấy, cái gọi là “Nhóm hỗ trợ người Thượng” (MSGI) ở Hoa Kỳ và nhóm “Người Thượng vì công lý” (MSFJ) ở Thái Lan đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số bà con đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện hành vi móc nối, dụ dỗ, lôi kéo thành lập tổ chức khủng bố “Lính Đêga”. Dưới sự chỉ đạo của các đối tượng phản động lưu vong ở Mỹ bao gồm: Y Mút Mlô, Y Cik Niê, Y Niên Êya, Y Bút Êban (Y Bé Êban), Y Chanh Byă, Y Sol Niê…, các đối tượng phản động trong nước đã nhận tiền, chuẩn bị vũ khí và triển khai kế hoạch thực hiện hoạt động khủng bố, phá hoại. Rõ ràng, hành động khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có sự chuẩn bị kỹ, được kích động bởi các thế lực bên ngoài. Những luận điệu đổ lỗi cho chính quyền suy cho cùng cũng chỉ là một thủ đoạn chính trị hèn hạ để lấp liếm cho bản chất khủng bố, chống phá.
Bất chấp giọng điệu vu khống cho rằng “các bị cáo là nạn nhân của chính quyền” thì những gì đã diễn ra trên thực tế cho thấy nhiều bị cáo phạm tội là do thiếu hiểu biết, bị dụ dỗ, xúi giục bởi các đối tượng phản động trong và ngoài nước. Để lôi kéo đồng bào tham gia tổ chức khủng bố “Lính Đêga”, các đối tượng phản động đã sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau, từ dụ dỗ, mua chuộc, hứa hẹn sẽ chia nhà, chia đất cho đến việc đe dọa, gây sức ép về tinh thần. Tại phiên tòa sơ thẩm, nhiều bị cáo khai việc tham gia tổ chức khủng bố “Lính Đêga” là do bị các đối tượng cầm đầu đe dọa sẽ giết chết cả nhà nếu không tham gia.
Thẳng thắn mà nói, nhiều bị cáo trong vụ án này chính là “nạn nhân” của bẫy “dân chủ”.
Xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội
Ngay từ khi vụ việc phạm tội xảy ra, cơ quan chức năng đã tiến hành các hoạt động tố tụng khách quan, thận trọng, đúng quy trình, quy định. Mọi quyền lợi của các bị can đều được bảo đảm. Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, có 19 luật sư, trợ giúp viên pháp lý bào chữa đăng ký tham gia. Việc xét xử lưu động thể hiện rõ sự công khai, minh bạch, tạo điều kiện để mọi người có thể trực tiếp theo dõi, giám sát phiên tòa. Đây cũng là một hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, góp phần phòng ngừa tội phạm. Mặt khác, việc xử lý người vi phạm được thực hiện nghiêm minh, bảo đảm đúng người, đúng tội. Bởi vậy, chẳng có lý do gì để các nhà “dân chủ” quy chụp cho rằng việc xét xử là “không công bằng, không nhân đạo”.
Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn luôn tìm đủ mọi cách để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Có thể khẳng định, chúng chưa bao giờ từ bỏ mưu đồ gây bất ổn chính trị ở nước ta. Cùng với hoạt động phá hoại bất bạo động, những kẻ này cũng sẵn sàng chuyển hướng sang tấn công vũ trang khi có đủ điều kiện. Chúng sẵn sàng xâm phạm tính mạng, sức khỏe của cán bộ nhà nước và cả những người dân vô tội để đạt được mục đích phá hoại. Thông qua vụ việc tại huyện Cư Kuin, một lần nữa chúng ta thấy được tính manh động, máu lạnh của các thế lực xấu, không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào, thậm chí là đê hèn. Do đó, mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo, sáng suốt để không bị mắc mưu, tiếp tay cho chúng.
Anh Tú (BPO)
Nhận xét
Đăng nhận xét