Tái diễn chiêu trò “mượn gió bẻ măng”
Tái diễn chiêu trò “mượn gió bẻ măng”
Kết quả của cuộc bầu cử lãnh đạo tại Đài Loan đang là một trong những thông tin quốc tế nhận được sự quan tâm của dư luận. Sự kiện này cũng nhanh chóng trở thành đề tài được giới “dân chủ” quan tâm, tập trung nhào nặn thông tin nhằm mục đích công kích Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Ngày 13-1 vừa qua, cử tri Đài Loan đã đi bỏ phiếu để bầu ra đội ngũ lãnh đạo địa phương. Kết quả, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), ứng cử viên Đảng Dân tiến cầm quyền đã giành chiến thắng. Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến quan điểm của Việt Nam đối với cuộc bầu cử tại Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Việt Nam tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; trên cơ sở kiên định thực hiện chính sách “một Trung Quốc”, Việt Nam duy trì và phát triển quan hệ dân gian, phi chính phủ với Đài Loan trên các lĩnh vực kinh tế – thương mại, đầu tư, khoa học – công nghệ, văn hóa, giáo dục… không phát triển bất cứ quan hệ cấp nhà nước nào với Đài Loan.
Xung quanh quan điểm của Việt Nam về vấn đề Đài Loan, không ít đối tượng xấu đã xuyên tạc sự thật, bẻ lái thông tin. Vô số luận điệu sai trái đã được rêu rao như: “Việt Nam kiên định thực hiện chính sách “một Trung Quốc” là sai lầm, tiếp tay cho Trung Quốc xâm phạm nền dân chủ tại Đài Loan và đồng thời cũng khiến Việt Nam ngày càng bị lệ thuộc vào Trung Quốc”, “nhiều công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Đài Loan nhưng chính quyền Việt Nam lại không thiết lập quan hệ cấp nhà nước với Đài Loan là một điều không thể chấp nhận”… Ở khía cạnh khác, các “nhà dân chủ” cũng ra sức tung hô, ca ngợi, thần thánh hóa và cho rằng cuộc bầu cử ở Đài Loan là dân chủ, hơn hẳn cuộc bầu cử “đầy hình thức” tại Việt Nam (?!).
Phải khẳng định rõ, Việt Nam kiên định chính sách “một Trung Quốc” không phải là sai lầm hay hèn nhát như giọng điệu các đối tượng xấu đưa ra. Việt Nam ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế. Ngày 25-10-1971, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thảo luận và chính thức thông qua Nghị quyết số 2758 về việc khôi phục các quyền hợp pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại LHQ. Theo đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại LHQ, đồng thời là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Cho đến nay, nghị quyết này vẫn được LHQ hoàn toàn ủng hộ. Ngày 2-8-2022, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres một lần nữa khẳng định: “Chính sách của LHQ về vấn đề này tuân theo Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng năm 1971 về “một Trung Quốc””. Bởi vậy, lập trường của Việt Nam đưa ra về vấn đề Đài Loan là hoàn toàn đúng đắn. Trong “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc” được đưa ra sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, nhấn mạnh: “Phía Việt Nam tái khẳng định kiên trì chính sách “một Trung Quốc”, ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức và nhất quán ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước”.
Trên phương diện pháp luật quốc tế, khoản 7 Điều 2 Hiến chương LHQ ghi nhận: “Hiến chương này hoàn toàn không cho phép LHQ được can thiệp vào những công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào và không đòi hỏi các thành viên của LHQ phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến chương”. Về chính sách đối ngoại, Hiến pháp 2013 của nước ta khẳng định: “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”. Lập trường, quan điểm của Việt Nam luôn rõ ràng, nhất quán. Dù không thiết lập quan hệ cấp nhà nước nhưng những năm qua, các mối quan hệ phi chính phủ giữa Việt Nam với Đài Loan trên các lĩnh vực kinh tế – thương mại, đầu tư, khoa học – công nghệ, văn hóa, giáo dục… đã phát huy hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai phía.
Về tính dân chủ trong một kỳ bầu cử, không khó để nhận thấy giới “dân chủ” luôn tìm mọi cách so sánh phương thức bầu cử của nước ta với các quốc gia, vùng lãnh thổ có thể chế chính trị khác biệt. Tuy nhiên, dù so sánh thế nào thì đáp án mà những kẻ này đưa ra cũng là phải đa nguyên, đa đảng mới có dân chủ. Từ đó, chúng yêu sách đòi Đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ vai trò cầm quyền, đòi thể chế chính trị Việt Nam phải đổi hướng và chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Suy cho cùng, mục đích chúng hướng đến chỉ là tranh giành quyền lực. Phải nói rõ, nền dân chủ mà Việt Nam đang có phải đánh đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ. Bởi vậy, không có chỗ cho các “con buôn dân chủ” khua môi múa mép, đổi trắng thay đen, núp dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền để chống phá đất nước. Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ có những đặc điểm lịch sử, truyền thống, văn hóa, chính trị khác nhau. Vì vậy, mọi sự so sánh đều là khập khiễng.
Anh Tú (BPO)
Nhận xét
Đăng nhận xét