Soi xem mình được mấy “dám”?
Soi xem mình được mấy “dám”?
Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám” là quan điểm chỉ đạo được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương nhấn mạnh tại Hội nghị Quân ủy Trung ương 6 tháng đầu năm 2023. Quán triệt, thực hiện tinh thần “7 dám” vừa là giải pháp rất quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, vừa góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…
Gắn vào thực tiễn “xây” và “chống”
Tinh thần “7 dám” của cán bộ Quân đội trong tình hình mới được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương khái quát, gồm: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Gắn vào thực tiễn công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tiêu cực, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chúng ta thấy rõ: “7 dám” vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp của công tác bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Quân đội.
Nội hàm của cán bộ “7 dám” là sự cụ thể hóa những đặc trưng, truyền thống tốt đẹp về phẩm chất đạo đức, giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, là sự phát triển tư duy lý luận, đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao đối với phẩm chất, năng lực cán bộ Quân đội trong giai đoạn mới. Khẳng định những vấn đề có tính nguyên tắc này để thấy rõ hơn, sự phát triển của đời sống xã hội là quy luật vận động không ngừng. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng…
Quân đội ta phải đặt ra yêu cầu, tiêu chí và giải pháp ngày càng cao trong xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Khi cán bộ hội tụ đầy đủ phẩm chất, năng lực theo tinh thần “7 dám”, các cơ quan, đơn vị các cấp trong Quân đội sẽ có nền tảng tinh thần vững chắc, tạo động lực mạnh mẽ để cán bộ, chiến sĩ khai mở tiềm năng, năng lực, phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.
Để hiện thực hóa tinh thần “7 dám”, Tổng Bí thư yêu cầu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cấp ủy đảng trong Quân đội phải đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao; cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị. Trong Quân đội, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…
Thực tiễn quá trình thực hiện nhiệm vụ ở các đơn vị Quân đội trong thời gian qua, bên cạnh những thành tựu to lớn, những thành tích nổi bật đã đạt được, đáng lưu ý là ở một số đơn vị, trong một số thời điểm còn để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng. Một bộ phận cán bộ, cấp ủy, người chỉ huy vẫn còn “bệnh thành tích”, giấu giếm khuyết điểm; xử lý một số vi phạm, vụ việc phức tạp, nhạy cảm chưa kịp thời, triệt để… Những hạn chế, khuyết điểm này trong một số trường hợp nhất định không chỉ ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ; chất lượng, hiệu quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị… mà còn là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng thực hiện các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc, kích động, chống phá Quân đội…
Quán triệt phương châm “xây” và “chống”, “lấy xây để chống” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo quan điểm của Đảng, chúng ta càng thấy rõ tính cấp thiết của việc củng cố, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám”. Đó cũng là căn cứ để cấp ủy, chỉ huy các cấp đẩy mạnh thực hiện phê bình, tự phê bình; đề ra các chỉ tiêu, nội dung, giải pháp đấu tranh, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”.
Soi rọi vào chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên
Từ thực tiễn hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đã được Quân ủy Trung ương sơ kết, đánh giá tại Hội nghị Quân ủy Trung ương 6 tháng đầu năm 2023, chúng ta thấy: Để xảy ra những biểu hiện tiêu cực, yếu kém ở đơn vị, nguyên nhân trực tiếp đều bắt nguồn từ phẩm chất, năng lực, phương pháp làm việc, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, nhất là cấp ủy, người chỉ huy các cấp.
Nhìn rộng ra và sâu hơn, chúng ta thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên trì, quyết liệt, không có vùng cấm… trong những năm qua đã đưa ra ánh sáng công lý hàng loạt cán bộ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong những vụ việc, vụ án được dư luận xã hội quan tâm đặc biệt, có không ít cán bộ cấp cao trong Quân đội. Để dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp, cơ bản và căn cốt nhất vẫn là do phẩm chất của cán bộ, đảng viên.
Lấy tinh thần “7 dám” soi rọi vào từng cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao, chúng ta càng thấy rõ, nếu thiếu hoặc coi nhẹ các tiêu chí đó, cán bộ không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chẳng hạn, khi đơn vị có hiện tượng tiêu cực, vi phạm kỷ luật nghiêm trọng nhưng cán bộ báo cáo không trung thực, tìm cách bao biện, che giấu khuyết điểm… thì đó là thiếu tinh thần “dám nghĩ”, “dám làm”, “dám chịu trách nhiệm”…
Cán bộ thấy đồng chí của mình sai nhưng im lặng, né tránh, làm ngơ… thì đó là biểu hiện không “dám nói”, không “dám hành động vì lợi ích chung”. Che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích để được khen thưởng, thực dụng, chỉ lo vun vén cho quyền lợi cá nhân, luồn lách tìm cơ hội thăng tiến thì đó là những biểu hiện coi nhẹ đổi mới sáng tạo, không “dám đương đầu với khó khăn, thử thách”…
Các tiêu chí, nội hàm của cán bộ “7 dám” có mối quan hệ biện chứng, bổ trợ, tác động qua lại lẫn nhau. Thiếu đi một “dám” sẽ tác động, ảnh hưởng đến những phẩm chất còn lại. Thiếu càng nhiều “dám” hoặc làm sai lệch nội hàm, bản chất của những tiêu chí đó đều là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, là một bước ngắn dẫn đến tiêu cực, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong bối cảnh toàn quân ta đang nỗ lực tập trung triển khai, thực hiện các mục tiêu, nội dung, giải pháp đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, việc bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ theo tinh thần “7 dám” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tổ chức đảng các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đang đẩy mạnh thực hiện đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thực chất các chương trình, kế hoạch xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kiên quyết phòng, chống chủ nghĩa cá nhân theo các nghị quyết, chỉ thị, kết luận… của Đảng và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Với phương châm kết hợp chặt chẽ “xây” và “chống”, “lấy xây để chống” theo quan điểm của Đảng; cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan, đơn vị cần bổ sung vào nghị quyết lãnh đạo, chương trình hành động, tổ chức học tập, quán triệt đầy đủ, sâu sắc tinh thần “7 dám”.
Cần coi đây là một trong những căn cứ quan trọng để thực hiện thường xuyên phê bình, tự phê bình. Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người chỉ huy, bí thư, cấp ủy các cấp cần nêu gương, nghiêm túc đánh giá bản thân trên cương vị, chức trách được giao xem mình được mấy “dám”? Những cái “dám” nào mình còn thiếu, hoặc lâu nay vì nhiều lý do, chưa thực sự coi trọng thì có kế hoạch khắc phục, rèn luyện, phấn đấu. Soi xem mình được mấy “dám” sẽ có căn cứ để đánh giá bản thân có hay không thái độ bàng quan, cầu an, “mũ ni che tai”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai né tránh đấu tranh, nói xấu, tìm kẽ hở của đồng chí, đồng đội để xoi mói, nịnh bợ, tâng công, cầu vinh, vụ lợi… Soi xem, nếu thấy những thứ ấy đang đè nặng hoặc lởn vởn trong tư duy, nếp nghĩ của mình thì hãy tự sửa, tự gột rửa.
Quân đội ta mạnh ở tính đoàn kết, thống nhất, tự giác, nghiêm minh. Bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ theo tinh thần “7 dám” không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong một thời điểm mà cần lấy đó làm “cẩm nang” thường xuyên, gắn kết với các hình thức, phương thức giáo dục khác để đẩy mạnh tự giáo dục, tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Chỉ khi cán bộ thực sự “dám” đối diện với những thói hư, tật xấu, khuyết điểm… của bản thân thì mới có động lực để “dám” cống hiến, hy sinh vì tập thể, vì đơn vị, vì sự nghiệp xây dựng Quân đội. Đó cũng là cách để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Quân đội.
PHAN TÙNG SƠN (qdnd.vn)
Nhận xét
Đăng nhận xét