Ngăn chặn nhận thức sai lệch về “đường lưỡi bò” phi pháp: Phải nâng cao khả năng miễn dịch của mỗi công dân trước vấn đề chủ quyền quốc gia
Ngăn chặn nhận thức sai lệch về “đường lưỡi bò” phi pháp: Phải nâng cao khả năng miễn dịch của mỗi công dân trước vấn đề chủ quyền quốc gia
Thời gian qua, nhiều bộ phim nước ngoài được phổ biến tại Việt Nam cố tình cài cắm hình ảnh bản đồ chứa “đường lưỡi bò” (đường chín đoạn do Trung Quốc vạch ra, đòi chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích Biển Ðông) gây ra nhận thức sai lệch về chủ quyền lãnh thổ, bức xúc trong dư luận và quần chúng nhân dân.
Bản đồ “đường lưỡi bò” là hoàn toàn phi pháp, trái với luật pháp quốc tế và không có giá trị. Tuy nhiên, việc xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều cùng những thủ đoạn tinh vi thể hiện rõ âm mưu “đổi trắng thay đen” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Từ nhiều năm trước, Việt Nam đã phát hiện hàng loạt vụ sách báo, bản đồ, truyện thiếu nhi, trò chơi điện tử, các ấn phẩm du lịch, quần áo… có cài cắm bản đồ “đường lưỡi bò”.
Giới chuyên gia nhận định, cảnh giác với những chiêu bài, kiên quyết xử lý sai phạm, tuy nhiên, để chặn đứng âm mưu xâm lăng văn hóa, không gây tổn hại đến an ninh văn hóa quốc gia, cần có những giải pháp và sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, các kênh truyền thông văn hóa trong và ngoài nước, đặc biệt là từ chính những người dân để bảo vệ chủ quyền quốc gia, vì an ninh văn hóa quốc gia và lòng tự tôn dân tộc.
Phải nâng cao khả năng miễn dịch của mỗi công dân trước vấn đề chủ quyền quốc gia
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho rằng, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là điều thiêng liêng, không thể nhân nhượng và bất khả xâm phạm. Nhân dân Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta có đủ bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm, cũng như có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định, quần đảo Hoàng và quần đảo Trường Sa là của Việt Nam và chúng ta có đủ cơ sở lịch sử, cơ sở pháp lý (quốc tế và trong nước) để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này. Và theo các công ước, luật pháp quốc tế, chúng ta có quyền chủ quyền, quyền tài phán xung quanh hai quần đảo này.
Vì vậy, những sản phẩm có nội dung vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ dưới bất kỳ hình thức nào đều phải được cấm lưu hành. Những ai tiếp tay, dù vô tình hay cố ý đưa các sản phẩm vi phạm này vào Việt Nam cũng đều phải được xử lý nghiêm, cần thiết là xử lý hình sự.
Cùng nói về vấn đề này, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, nhiều bộ phim nước ngoài được phổ biến tại Việt Nam cố tình cài cắm hình ảnh bản đồ chứa “đường lưỡi bò” xảy ra vừa quagắn liền với vấn đề thiêng liêng của đất nước chúng ta đó là chủ quyền của quốc gia. Đây là vấn đề rất nhạy cảm khi mà trong những năm qua Việt Nam luôn phải đối mặt với những kẻ luôn nhòm ngó, cố tình xâm phạm chủ quyền biển đảo bằng việc mượn nhận thức sai lạc.
“Chúng ta không được mơ hồ mà phải nâng cao khả năng miễn dịch của người Việt Nam nhất là các bạn trẻ. Ví dụ như thông tin một nhóm nhạc Hàn Quốc có thể đến Việt Nam trình diễn sắp tới chẳng hạn, đây là chương trình giao lưu văn hóa rất hấp dẫn, chúng ta tôn trọng quyền các cháu được tiếp cận. Nhưng khi họ tiếp cận bằng cách động chạm đến lợi ích, chủ quyền quốc gia thì chúng ta phải bằng mọi cách cho các cháu hiểu như vậy là sai trái, là không thể chấp nhận được. Việc ngăn cấm các hành vi cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp thì các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý, không được lơ là, mất cảnh giác” – Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm.
Cũng theo ông Dương Trung Quốc, không chỉ cài cắm vào các sản phẩm điện ảnh, văn hóa. Trước đây, Trung Quốc cũng từng in vào hộ chiếu của công dân họ “đường lưỡi bò” phi pháp, lúc đó họ đặt chúng ta vào một tình huống rất khó xử.
Trong khi chúng ta muốn giao lưu, hợp tác thì chúng ta phải có giải pháp phù hợp, cái này đòi hỏi sự khôn khéo của các nhà quản lý và quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi công dân trước vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Cần có những phản ứng mạnh mẽ, động thái kiên quyết
TS. Phạm Việt Long – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển nhận định, “đường lưỡi bò” được cài cắm trong các bộ phim không chỉ đe dọa an ninh văn hóa mà còn cho thấy sự xâm phạm chủ quyền nước ta. Những nội dung chính trị phản động ẩn trong các tác phẩm nghệ thuật khó phát hiện, xử lý hơn, do đó, đòi hỏi sự tinh tường và khôn khéo cùng những biện pháp nghiệp vụ, công nghệ cao hơn.
Để ngăn chặn sản phẩm có hình “đường lưỡi bò” (và các hiện tượng vi phạm khác), TS. Phạm Việt Long cho rằng, trước hết cần có biện pháp tuyên truyền, giáo dục để những người làm nghệ thuật hoặc kinh doanh trên lĩnh vực nghệ thuật có ý thức về chủ quyền quốc gia. Họ phải hiểu rõ những biểu hiện của vi phạm chủ quyền để có biện pháp ngăn chặn phù hợp. Những vi phạm cần được phát hiện và ngăn chặn từ sớm
Nêu quan điểm về vấn đề này, GS.TS Từ Thị Loan – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho rằng, việc cấm những tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình hay những sản phẩm văn hóa nghe nhìn khác có hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp cần phải kiên quyết và kịp thời.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, chúng ta có thể kiểm soát nhưng ở nhiều kênh của nước ngoài, phim bằng tiếng nước ngoài thì việc kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, cần những giải pháp đồng bộ, toàn diện và phải ở tầm quốc gia, quốc tế.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, ở trong nước, biện pháp hàng đầu vẫn là cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức của người sử dụng mạng, đó là vấn đề căn cốt. Bản thân họ phải thấy được sự nguy hại của việc sử dụng sản phẩm có hình ảnh phi pháp đó.
“Lòng yêu nước, ý thức công dân và trách nhiệm xã hội, những vấn đề về nhận thức đều cần phải được nâng cao để thấy rằng xâm lăng về văn hóa nguy hiểm không kém, thậm chí còn là dọn đường cho sự xâm lăng về chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ” – GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.
Cũng theo GS.TS Từ Thị Loan, chúng ta cũng cần có những phản ứng mạnh mẽ, động thái kiên quyết đối với các nhà làm phim nước ngoài hay các nhà cung cấp dịch vụ phát hành phim trực tuyến. Ngoài các biện pháp yêu cầu gỡ bỏ, không cho phép phát hành thì cần xử phạt thật nặng, đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, cần tranh thủ tiếng nói, sự ủng hộ của các nước nhằm đưa những thông điệp mạnh mẽ của chúng ta ngày càng lan toả trên các diễn đàn quốc tế, các tổ chức đa phương. Đặc biệt, rất quan trọng việc phối hợp tiếng nói đa quốc gia, trước hết từ các nước cùng chịu ảnh hưởng của “đường lưỡi bò”. Điều này tạo nên mặt trận đoàn kết quốc tế./.
Thế Công
Nhận xét
Đăng nhận xét