“Bệnh xa rời thực tiễn” của cán bộ, đảng viên

 “Bệnh xa rời thực tiễn” của cán bộ, đảng viên

Trong chuyến công tác tại một số tỉnh phía Bắc mới đây, chúng tôi có lịch làm việc với trung tâm giáo dục chính trị của địa phương. Trước giờ diễn ra hội nghị, khi đề cập đến vấn đề thực tế đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên của trung tâm, đồng chí giám đốc tỏ ra khá cởi mở, không ngần ngại chia sẻ: Cán bộ, đảng viên của ta bây giờ kinh nghiệm thực tiễn hạn chế lắm. Thích ngồi phòng lạnh, nói toàn những điều “đao to, búa lớn”, chuyện “trên trời”, nhưng những chuyện tưởng như “rất vặt” làm nên hơi thở của cuộc sống, của thực tiễn thì lại cho là “không quan trọng”…

Biểu hiện của “căn bệnh xa rời thực tiễn”

Từ cuộc trò chuyện với đồng chí giám đốc trung tâm, chúng tôi nhớ đến phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh-phong cách thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dựa trên thực tiễn và xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn để tiếp thu chọn lọc những gì hợp lý, đúng đắn và định hướng cho quá trình tìm ra hệ thống lý luận cũng như phương pháp, nhằm giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam. Đó là phong cách hành động khoa học, lấy thực tiễn là cơ sở, điểm xuất phát của quá trình nhận thức chân lý. Vậy, “bệnh xa rời thực tiễn” của cán bộ, đảng viên hiện nay biểu hiện như thế nào?

Trước hết, đó là bệnh lười học tập để nâng cao năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ. Thực tiễn luôn vận động không ngừng, trong khi một bộ phận cán bộ, đảng viên lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin, hiểu biết mới; không có sự trăn trở và sáng tạo trong quá trình học tập, công tác. Những biểu hiện chính của bệnh lười học tập lý luận chính trị là: Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

 Lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đoàn viên thanh niên. Ảnh: nhandan.vn
 Lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đoàn viên thanh niên. Ảnh: nhandan.vn

Như đồng chí giám đốc trung tâm chia sẻ: Nhiều cán bộ, đảng viên có thái độ thiếu nghiêm túc khi tham gia các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị, trong đó có cả cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Biểu hiện rõ nhất là khi tham gia học tập, không ít cán bộ, đảng viên xuất hiện tư tưởng “có mặt” để điểm danh mà chưa thực tâm chú ý lắng nghe, trăn trở trước những vấn đề quan trọng, cốt lõi của lý luận chính trị. Đáng buồn hơn, không ít cán bộ, đảng viên mặc nhiên làm việc riêng, vô tư trò chuyện trong lớp học mà quên đi việc tập trung, chú ý lắng nghe báo cáo viên, giảng viên truyền thụ kiến thức lý luận chính trị. Thậm chí, sau mỗi đợt học tập chính trị tập trung, một số cán bộ, đảng viên còn “bỏ quên” tài liệu, văn kiện tại giảng đường, dưới gầm bàn… Khi làm bài thi, bài thu hoạch, do không nắm được kiến thức nên tình trạng sao chép, quay cóp diễn ra khá phổ biến.

Thứ hai, không xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, đảng viên: Phải nghiên cứu thực tế, kinh nghiệm thực tiễn, để qua đó “tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo”, có nghĩa là mọi suy nghĩ, hành động phải xuất phát, hình thành từ yêu cầu của thực tiễn, qua quá trình quan sát, lắng nghe, suy nghĩ, hành động thực tế để có được nhận thức, tư duy lý luận, từ đó định hướng hành động thực tiễn của người tổ chức, lãnh đạo, quản lý. Thực tế hiện nay, không ít cán bộ, đảng viên rất “máy móc” trong cả lời nói lẫn việc làm, đi đến đâu cũng chỉ một “bài phát biểu” gần như thuộc lòng mà không để ý đến thực tế địa phương, cơ quan, đơn vị đó như thế nào, có đặc điểm gì… Từ đó, nói toàn những lời “sáo rỗng”, nói kiểu “trên trời”, không ăn nhập gì với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn.

Thứ ba, bệnh giáo điều lý luận. Nó xuất hiện dưới dạng “hàn lâm”, “kinh viện”, coi trọng sách vở (đến mức lạm dụng, sùng bái) sách vở, “kinh điển”. Đọc quá nhiều sách nhưng không “tiêu hóa” được sách hoặc đọc không đến nơi đến chốn… dẫn đến một hình thức cực đoan trong tư duy, trích dẫn thay thế cho suy nghĩ, cho lập luận logic, làm cho lý luận biến thành “màu xám”, không có sức sống, xa rời thực tiễn, không giúp ích gì trong việc lý giải, chỉ đạo thực tiễn. Từ đó, xuất hiện tư tưởng coi thường lý luận hoặc nói một đằng, làm một nẻo. Nói chỉ là nói lý luận suông, làm thì theo kinh nghiệm vụn vặt của cá nhân.

Tình trạng lý luận xa rời thực tiễn đang diễn ra khá phổ biến ở không ít cán bộ, đảng viên. Có người am hiểu lý luận, nhưng ít hiểu biết thực tiễn; số khác có hiểu biết thực tiễn, nhưng yếu về lý luận; hoặc là vừa không am hiểu lý luận, vừa xa rời thực tiễn. Số cán bộ, đảng viên vừa am hiểu lý luận, vừa sâu sát thực tiễn không nhiều. Như đồng chí giám đốc trung tâm chia sẻ: Thực tế, có giảng viên khi lên lớp giảng bài, học viên không biết giảng viên đang trình bày vấn đề đó nhằm mục đích gì cho bài giảng. Toàn những câu trích “kinh điển” mà nhiều khi không liên quan đến bài giảng, không phản ánh gì thực tiễn cuộc sống.

Nguyên nhân của “căn bệnh xa rời thực tiễn”

Bệnh xa rời thực tiễn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là từ chính cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên.

Về khách quan: Công tác cán bộ ở một số địa phương, ban, ngành, cơ quan, đơn vị còn những bất cập nhất định; chủ trương, chính sách đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, sử dụng, luân chuyển cán bộ còn hạn chế… dẫn đến việc bổ nhiệm người không đúng, không tương xứng, không phù hợp về trình độ, năng lực, sở trường với cương vị, chức trách, nhiệm vụ đảm nhiệm…; việc quy định một số tiêu chí cán bộ chưa phù hợp, nặng về hình thức, chưa có sự nhất quán trong tổ chức triển khai thực hiện; quản lý chưa chặt chẽ, nhiều “kẽ hở” để cán bộ, đảng viên có thể lách qua hoặc trì hoãn nhiệm vụ. Việc giải quyết hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với đào tạo, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ và gắn với chức danh quy hoạch còn bất cập, hiệu quả chưa cao.

Về chủ quan: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của thực tiễn, tuyệt đối hóa lý luận. Một bộ phận, trong quá trình công tác lười quan sát, ít lắng nghe, thiếu sự phân tích, đánh giá thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị, từ đó không nâng cao được trình độ lý luận, không đổi mới tư duy, rơi vào giáo điều, lý thuyết suông, lý luận không gắn với thực tiễn, nếu có cũng chỉ là những kinh nghiệm vụn vặt; một bộ phận cán bộ, đảng viên lười đi thâm nhập thực tế, sợ luân chuyển. Nếu phải đi thì có tư tưởng “cầu an”, thiếu ý chí phấn đấu, ngại va chạm… vì nghĩ rằng đi thực tế chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, đi luân chuyển để được đề bạt lên chức vụ cao hơn nên thiếu sâu sát thực tiễn, thiếu quyết liệt trong công tác, cố “giữ mình” để “chờ ngày về”. Vì vậy, chất lượng cán bộ sau khi đi thực tế, luân chuyển không đạt được yêu cầu như kỳ vọng…

Khắc phục “căn bệnh xa rời thực tiễn” bằng cách nào?

Để khắc phục “căn bệnh xa rời thực tiễn” của cán bộ, đảng viên hiện nay cần quán triệt, học tập, rèn luyện theo phong cách thực tiễn của Hồ Chí Minh một cách quyết liệt, hiệu quả.

Trước hết, cán bộ, đảng viên cần thay đổi nhận thức về việc giảng dạy, học tập lý luận; tăng tính thực tiễn trong giảng dạy, học tập lý luận. Công tác giảng dạy lý luận phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, không phải dạy cái giảng viên có mà dạy cái xã hội, con người, đời sống đang cần, Đảng cần, Nhà nước cần, nhân dân cần. Nghĩa là phải tăng tính thực tiễn trong từng bài giảng, giờ giảng và trong cả quá trình truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn đến người học. Ngược lại, người học phải hết sức nghiêm túc trong học tập, tiếp thu kiến thức lý luận trên cơ sở hiểu biết và bám sát thực tiễn.

Tăng tính thực tiễn là gắn các tri thức lý luận với thực tiễn công tác, thực tiễn đất nước, làm cho thống nhất giữa lý luận và thực tiễn nhằm tăng hiệu quả hoạt động thực tiễn công tác của mình. Học tập lý luận mà không gắn với thực tiễn của cán bộ, đảng viên là coi việc học tập lý luận chỉ để gắn cái “mác”, để “đủ tiêu chí”, để có cái “bằng”, học tập để nói cho “có vẻ” lý luận; học lý luận để biết “dăm câu ba chữ” dùng làm “trang sức” hoặc để lòe người khác, chứ không để nâng cao trình độ lý luận, nâng cao trình độ tư duy lên tầm lý luận; giải thích và chỉ đạo thực tiễn bằng lý luận.

Học tập lý luận cần chú trọng lý luận chính trị, học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, không phải kiểu học thuộc lòng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phê phán đó là cách học sách vở Mác-Lênin nhưng không học tinh thần Mác-Lênin. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin là phải học tinh thần của Chủ nghĩa Mác-Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng giải quyết tốt những vấn đề trong thực tế học tập, công tác, nghĩa là học lý luận để phục vụ thực tiễn làm việc, từ đó khắc phục được bệnh xa rời thực tiễn.

Thứ hai, vận dụng lý luận một cách sáng tạo và hiệu quả vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác. Học tập lý luận cốt là vận dụng vào thực tiễn, phục vụ cải tạo thực tiễn. Vận dụng ở đây không đơn giản là dùng những kiến thức lý luận đã học để áp dụng vào thực tế mà để phân tích, lý giải thực tiễn. Phải đem những điều học được để phân tích và giải quyết các vấn đề thực tế trong công tác đặt ra, như vậy thì việc nghiên cứu, học tập, vận dụng lý luận mới có hiệu quả. Khi đem những kiến thức lý luận áp dụng vào thực tiễn phải phân tích những điều kiện cụ thể của thực tiễn để lựa chọn lý luận nào và kinh nghiệm thực tiễn nào vào cải tạo thực tiễn, nếu không sẽ rơi vào giáo điều lý luận.

Thứ ba, thường xuyên tổng kết kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận, làm giàu tri thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải biết tổng kết kinh nghiệm thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác: Công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tích thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới. Đó chính là quá trình tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận. Làm được như vậy có nghĩa là làm cho lý luận được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Đồng thời, thực tiễn mới sẽ được chỉ đạo, soi đường, dẫn dắt bởi lý luận mới. Đây là biểu hiện sinh động của việc quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.

Thứ tư, thường xuyên quan tâm làm tốt công tác luân chuyển cán bộ, đưa cán bộ, đảng viên thâm nhập, khảo sát thực tế địa phương, cơ sở. Đây được xem như là công đoạn tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thực tế; thông qua đó giúp cán bộ có điều kiện, môi trường rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, phát triển nhanh và toàn diện hơn. Đây cũng là một bước tiến mang tính đột phát trong công tác cán bộ của Đảng nhằm thử thách và đào tạo ra những cán bộ nhiều bản lĩnh, kinh nghiệm gắn với thực tiễn ở cơ sở. Việc sâu sát, gắn bó, lăn lộn với cơ sở sẽ giúp cán bộ tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cũng như tổng kết thực tiễn để nâng tầm thành lý luận trong xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển một địa phương, một cơ quan, đơn vị… sát, đúng yêu cầu của thực tiễn.

“Xa rời thực tiễn” là “căn bệnh” rất nguy hiểm ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Không khó để nhận biết, nhưng để khắc phục triệt để căn bệnh này không phải là việc đơn giản, ngày một ngày hai mà phải trải qua một quá trình với sự vào cuộc của nhiều chủ thể, lực lượng, tổ chức và chính ý thức chủ quan mỗi cán bộ, đảng viên.

NGÂN HOA

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này