Tỉnh táo trước thông tin xấu, độc
Tỉnh táo trước thông tin xấu, độc
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang diễn ra là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Tại kỳ họp, Bộ Công an trình Quốc hội xem xét, thông qua dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và xem xét, cho ý kiến đối với dự Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Với mục đích chống phá công tác lập pháp, các đối tượng xấu đã tung ra nhiều thông tin lệch lạc, phiến diện, suy diễn tiêu cực.
Hiện nay, các đối tượng xấu đang tập trung chĩa mũi nhọn công kích vào 2 dự luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, liên quan đến quy định về thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan có thành tích đặc biệt xuất sắc và quy định về một số vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng, những kẻ này cố tình bẻ lái cho rằng: “Đảng ưu ái ngành Công an”, “số lượng tướng nhiều nhưng chất lượng kém”, “phong tướng như việc cho nhau bổng lộc”… Đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, chúng rêu rao: “Chính quyền đang vũ trang hóa quyền lực”, “Bộ Công an đang cạnh tranh quyền lực với Bộ Quốc phòng”, “Việt Nam đang xây dựng xã hội công an trị”… Những luận điệu độc hại này được giới “dân chủ” tiếp tay, lan truyền trên nhiều trang mạng xã hội, gây tác động xấu đến nhận thức, tâm tư, tình cảm của không ít người.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rõ: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Những năm qua, công tác lập pháp của nước ta luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng thực hiện. Ở chiều ngược lại, các thế lực thù địch, chống đối cũng tích cực hướng lái, tác động, tìm cách can thiệp vào công tác xây dựng pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt, với các dự luật liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chúng liên tục tung ra những luận điệu công kích, xuyên tạc nhằm gây hoang mang dư luận. Những hành động này là sự cụ thể hóa của chiến lược “diễn biến hòa bình”. Mục tiêu mà chúng hướng đến là “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” để vô hiệu hóa lực lượng vũ trang. Trong suốt những năm qua, các thế lực thù địch liên tục đưa ra các chiêu trò, thủ đoạn nhằm can thiệp, hướng lái, tác động, gây sức ép, đòi Việt Nam đưa công an và quân đội ra “ngoài vòng pháp luật”, “đứng ngoài chính trị”.
Theo dự kiến, dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp lần này. Việc sửa đổi, bổ sung dự luật là cần thiết để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Công an nhân dân. Bộ Công an là đơn vị đi đầu trong triển khai sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Đến nay, tổ chức bộ máy các cấp công an đã được đổi mới căn bản, toàn diện và sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thực hiện Luật Công an nhân dân (2018), một số quy định đã phát sinh vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Mặt khác, theo quy định của Luật Công an nhân dân hiện hành, có 199 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng. Báo cáo thẩm tra dự luật sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng nêu rõ quy định mới không vượt quá số lượng vị trí cấp tướng trong Công an nhân dân do Bộ Chính trị quy định; phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an.
Đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo. Hiện nay, việc bố trí các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là không thống nhất; tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật với các hình thức khác nhau, do nhiều cơ quan ban hành, thiếu tính thống nhất, không đồng bộ. Bởi vậy, việc nghiên cứu, luật hóa các quy định về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết.
Suy cho cùng, công an hay quân đội cũng đều là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước. Trong đó, Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Chức năng, nhiệm vụ của hai lực lượng đã được quy định rõ ràng. Bởi vậy, không bao giờ có chuyện “Bộ Công an đang cạnh tranh quyền lực với Bộ Quốc phòng” như giọng điệu xấu, độc được một số kẻ rêu rao.
Chống phá lực lượng vũ trang nhân dân nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng là mục tiêu thâm độc của các thế lực thù địch. Vì vậy, mỗi chúng ta phải hết sức tỉnh táo, không để bị đánh lừa bởi thông tin sai trái được các đối tượng xấu đưa ra.
Anh Tú
Nhận xét
Đăng nhận xét