Biểu hiện “xâm lăng văn hóa” từ thời trang “yêu đồ lính”
Biểu hiện “xâm lăng văn hóa” từ thời trang “yêu đồ lính”
Chỉ thị số 143/CT ngày 12-5-1992 của Tổng cục Chính trị và Quyết định số 3672 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2015, định hướng đến năm 2030 của Bộ Quốc phòng đã cho thấy Quân đội luôn quan tâm xây dựng phát triển môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú ở các đơn vị và lan tỏa ra cả xã hội.
Nhưng môi trường văn hóa ấy đang bị “bôi lem”, “bóp méo” bởi những kẻ đánh tráo khái niệm “lính”. Chúng nhân danh “Yêu đồ lính” nhưng lại mặc nguyên trang phục của lính ngụy trước năm 1975 khiến nhiều người mới nghe tưởng đây là yêu đồ lính Quân đội nhân dân Việt Nam. Hành vi này, cách đây 80 năm, Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ rõ là “xâm lăng văn hóa”.
Hành vi xâm lăng văn hóa từ cái gọi là “yêu đồ lính”
Tôi vốn là một người lính, một người lính đúng nghĩa, bởi bản thân tôi đã từng có 7 năm là lính trong hàng ngũ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi giã từ màu xanh áo lính Bộ đội Cụ Hồ đã ngót 15 năm nay, nhưng trong tôi, chất lính chưa bao giờ phai nhạt, thậm chí nó đã ăn sâu vào tâm hồn, thành khí chất con người tôi lâu nay.Chính bởi vậy, ngay cả từ cách ăn mặc, đi lại hiện nay như mặc quần áo, đội mũ mềm, mũ bảo hiểm xe máy, hay sử dụng phương tiện xe máy, ô tô của tôi đều màu xanh lục, xanh lá cây, xanh ô liu đậm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Chính bởi vậy, lâu nay xem trên mạng xã hội hoặc gặp những hình ảnh thực trên đường đập vào mắt là những anh, những chị nhân danh “yêu đồ lính” nhưng diện nguyên cây quân phục của lính ngụy trước năm 1975, quân phục của lính Mỹ nghễu nghện, rồng rắn đi trên đường phố yên bình của Việt Nam, rồi “giễu võ giương oai” trong những địa danh lịch sử cách mạng, khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ là tôi thấy rất dị ứng, cảm thấy đầy sắc thái lố lăng, phản cảm.
Chính bởi vậy, nhìn vào hiện tượng này và đọc điểm thứ 5 trong 6 điểm vạch ra từ Đề cương về văn hóa Việt Namcủa Đảng do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943; nhìn vào chỉ đạo của Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hội Nghị tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị số 143/CT ngày 12-5-1992 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về tiến hành cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các đơn vị Quân đội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Sơ kết 2 năm thực hiện Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam, thấy rõ hành vi của hội, nhóm nhân danh “yêu đồ lính” trên môi trường không gian mạng và ở ngoài đời hiện nay là một dạng biểu hiện “xâm lăng văn hóa”.
Vậy, biểu hiện xâm lăng văn hóa của cái gọi là “yêu đồ lính” ấy là gì? Đó là, trên không gian mạng nhan nhản, tràn lan những hình ảnh đại diện của các tài khoản Youtube, Facebook hoặc những tài khoản rao bán trang phục nhân danh “yêu đồ lính” với đủ loại kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc của các quân, binh chủng lính Mỹ, lính Việt Nam cộng hòa trước năm 1975. Từ đăng tải tràn lan thời trang đồ lính Việt Nam cộng hòa trên không gian mạng, chúng diện ở hiện thực ngoài đời như mặc trang phục lính Việt Nam cộng hòa với áo rằn ri, măng tô, đội mũ nồi xanh, mũ nồi đỏ, đeo kính đen ngồi trên xe ô tô jeep cũ rồng rắn từng đoàn, diễu hành trên các đường phố như muốn “giễu võ giương oai”, “phô trương thanh thế”. Rồi chúng còn tranh thủ tìm mọi cách xâm nhập vào các sự kiện, các hoạt động văn hóa, những nơi nhộn nhịp, có sự hiện diện của nhiều thành phần xã hội như các buổi trình diễn thời trang: Lễ hội Áo dài hoa cúc biển Cửa Lò vào ngày 11-3-2023 gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thậm tệ hơn, vênh váo hơn, chúng còn diện trang phục lính ngụy, lính Mỹ đến những nơi gợi nhớ sự kiện tổn thất thương vong của Bộ đội Cụ Hồ như: Di tích Thành cổ, Khe Sanh (Quảng Trị); Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang); Khu tưởng niệm 60 Thanh niên xung phong, Đại đội 915 Bắc Thái (Thái Nguyên)…
Thời trang ngoại lai, phản cảm của hội, nhóm nhân danh “Yêu đồ lính” biểu hiện “xâm lăng văn hóa” nghênh ngang đi vào Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong Đại đội 915 Bắc Thái tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên (Hình ảnh cắt từ clip trên kênh Youtube “Quyền ba tai- Nhạc lính” trên mạng xã hội). |
Bản chất “cáo” đầy thâm độc thù hằn, chống phá của chúng bộc lộ rõ trong vỏ bọc “cừu” khi đến những nơi này không phải mặc thường phục của người dân thường với tấm lòng tri ân, thái độ thành kính với vong linh anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì sự bình yên hạnh phúc của nhân dân, mà chúng mặc nguyên cây lính ngụy, đội mũ nồi xanh, mũ nồi đỏ, đeo kính đen, tay chống nạnh đi lại với khuôn mặt băm trợn, thái độ oai phong, hống hách, ra oai. Tình trạng đó gây nên sự lố lăng, phản cảm, bức xúc với toàn xã hội, nhất là với thân nhân gia đình anh hùng liệt sĩ. Hành vi “cừu” đến thăm anh hùng liệt sĩ đó, không thể che giấu được bản chất “cáo” khơi gợi lại đau thương mất mát của Quân đội ta, nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Hành động đó là “xâm lăng về văn hóa”.
Quyết liệt đấu tranh phản bác hành vi xâm lăng văn hóa
Là những công dân người Việt Nam, yêu rất nhiều bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta khắc ghi mãi sự kiện ngày 18-7-1948, trong trình bày báo cáo với tên gọi “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai ở chiến khu Việt Bắc, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã hệ thống, cụ thể hóa và phát triển các quan điểm, nguyên tắc, phương châm của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, có giá trị như là cương lĩnh văn hóa của Đảng.
Trong báo cáo, đồng chí Trường Chinh chỉ ra 6 nhiệm vụ chủ yếu của văn hóa. Trong đó, tại điểm thứ 5, đồng chí nhấn mạnh “tính dân tộc” trong văn hóa và đề xuất: Phát triển cái hay trong văn hóa dân tộc, đồng thời bài trừ cái xấu xa hủ bại, ngăn ngừa sức thâm nhập của tàn dư văn hóa thực dân, phản động, học cái hay, cái tốt của văn hóa thế giới.
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo là nền tảng chỉ rõ phải đấu tranh với sự “xâm lăng văn hóa” ngoại lai, phản cảm. |
Kế thừa mạch nguồn ấy, ngày 3-3-2023, tại Hội nghị của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát biểu chỉ đạo: “Với phương châm “lấy xây để chống”, bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, các cơ quan, đơn vị đã chủ động, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng sai trái, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, những biểu hiện tiêu cực, độc hại xâm nhập vào cơ quan, đơn vị, đủ sức đề kháng với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, nhất là âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch.
Những nơi tưởng niệm ghi nhớ, lưu dấu biết bao cống hiến, hy sinh xương máu của những người con ưu tú của dân tộc, những anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của sắc phục “màu xanh áo lính” đã sống và dâng hiến cuộc đời “đẹp tựa hoa hồng, cứng hơn sắt thép”, chiến đấu cho từng tấc đất non sông Tổ quốc, vì sự bình yên hạnh phúc của nhân dân, sẵn sàng hy sinh bản thân, nhưng vẫn tin vào ngày chiến thắng, ngày trở về.
Thế nhưng, oái oăm thay! Chính những sắc phục nhân danh “yêu đồ lính” ấy lại là thủ phạm tàn sát, cướp đi sinh mạng, niềm tin, mơ ước, khát vọng hòa bình và ngày trở lại đoàn tụ với người thân, gia đình của những Bộ đội Cụ Hồ. Kế thừa và phát huy tinh thần nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam: “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, đến như cụ Nguyễn Trãi xưa, đánh thắng giặc Minh vẫn cấp thuyền, cấp ngựa cho giặc trở về cố quốc, nên ngày nay, Đảng, Nhà nước ta cũng mở rộng lòng khoan dung với những người vốn trước đây bên kia chiến tuyến trở về, góp sức vào công cuộc dựng xây đất nước, đến thăm viếng bất cứ nơi nào trên Tổ quốc Việt Nam. Nhưng đó phải là những người với tấm lòng chân thành, thực sự hối cải, ăn năn, đến viếng những nơi linh thiêng này bằng trang phục của người dân bình thường chứ không phải là vênh váo trong những bộ đồ nhân danh “yêu đồ lính”.
Còn đằng này, khi đến thế giới thiêng, thẳm sâu trong khí chất, tâm hồn con người Việt Nam, gợi nhớ về sự mất mát hy sinh đầy bi tráng này của Quân đội và nhân dân ta thì chúng lại diện thời trang lính ngụy, lính Mỹ – những kẻ trực tiếp gây ra sự thương vong, tàn sát “màu xanh áo lính” của Bộ đội Cụ Hồ với ngôn ngữ, luận điệu, nhân danh “yêu đồ lính”. Hành vi của hội, nhóm “yêu đồ lính” từ không gian mạng cho đến ngoài đời cho thấy rõ, chúng đã chạm vào “thế giới thiêng”, khơi gợi đau thương, mất mát và niềm tự hào dân tộc Việt Nam. Đó thực sự là một hành vi biểu hiện của sự “xâm lăng văn hóa”.
Những vấn đề đặt ra
Đặt giả thiết, nếu chúng ta không ngăn chặn hành vi, hoạt động phản cảm, “xâm lăng văn hóa” của hội, nhóm “yêu đồ lính” đồng nghĩa với màu cờ vàng ba sọc của chế độ ngụy quyền trước đây, đối lập với màu xanh áo lính Bộ đội Cụ Hồ và màu cờ đỏ sao vàng linh thiêng thì đến một ngày nào đó, khi chúng mặc trang phục ấy, đi phương tiện xe jeep của ngụy quân, ngụy quyền ấy cầm cờ vàng ba sọc nghênh ngang “giễu võ giương oai” trên mảnh đất, con đường thanh bình mà ông cha ta đổi biết bao xương máu mới có được thì sẽ ra sao?
Chính bởi vậy, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn sự “xâm lăng văn hóa” từ hội, nhóm “yêu đồ lính”! Trước hành vi, biểu hiện xâm lăng văn hóa, phương hại đến màu cờ sắc áo Quân đội nhân dân Việt Nam của hội, nhóm “yêu đồ lính”, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường “lấy xây để chống” đúng với phương châm chỉ đạo của thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về Quy hoạch thiết chế văn hóa trong Quân độigiai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trải qua gần 80 năm ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành kể từ ngày 22-12-1944, hình ảnh màu xanh áo lính Bộ đội Cụ Hồ từ nhân dân mà ra”, chẳng tiếc tuổi xuân, máu xương “vì nhân dân mà chiến đấu” quên mình, tuyệt đối “trung với Đảng/ trung với nước/ hiếu với dân/ nhiệm vụ nào cũng hoàn thành/ khó khăn nào cũng vượt qua/ kẻ thù nào cũng đánh thắng” đã đi vào tiềm thức, tâm tư, tình cảm, thành khúc hát, lời ca, lan tỏa từ trong quân ngũ ra đời thường, thành nét phẩm chất, bản sắc tiêu biểu cho khí chất anh hùng cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam, lan tỏa đến bạn bè quốc tế.
Hình ảnh ấy, tinh thần ấy, khí chất ấy, đã được hun đúc, thử lửa qua biết bao gian khổ, hiểm nguy, mất mát, hy sinh trong thời chiến cũng như thời bình, mà dấu ấn gần đây là sự hy sinh của 13 cán bộ Quân đội, người đứng đầu mang hàm cấp tướng (Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4) trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) vào ngày 15-10-2020.
Hình tượng ấy đã khắc họa đậm nét thêm phẩm chất vì nước, vì dân mà chiến đấu, xả thân với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” của Bộ đội Cụ Hồ. Hình ảnh ấy là tấm gương sống, là tiêu biểu cho mất mát, hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, phản lại sự bóp méo, bôi lem màu xanh áo lính của cái gọi là “yêu đồ lính” hiện nay.
Hai là, lan tỏa “xây”, đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền hình ảnh màu xanh áo lính “Bộ đội cụ Hồ” trên môi trường không gian mạng, đồng nghĩa với quyết liệt “chống”, phản lại sự “xâm lăng văn hóa” Quân đội nhân dân Việt Nam – màu xanh áo lính. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, bên cạnh không gian thực còn một không gian mạng mà “tính ảo” của không gian mạng ngày càng hiện hữu như “không gian thực”.
Trên không gian mạng đó có cả “vàng”, cũng có cả “thau”, có tinh hoa, nhưng cũng đầy những “cặn bã” văn hóa. Do vậy, để phản lại sự lan tỏa thông tin xấu, độc, cặn bã, bôi lem, bóp méo môi trường văn hóa quân đội thì việc chuyển đổi số, lan tỏa “xây” phẩm chất, nét đẹp Bộ đội Cụ Hồ để phản lại sự chống phá, bôi lem, bóp méo hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ của cái gọi là “yêu đồ lính” là một việc quan trọng cấp thiết.
Làm thế nào để mỗi đơn vị, mỗi quân nhân có sử dụng smartphone là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, lan truyền thông tin, hình ảnh đẹp người lính Bộ đội Cụ Hồ, vừa là một lời khẳng định đanh thép và thắp sáng mãi truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa là cái tát thẳng vào những hình ảnh bôi lem, bóp méo của hội, nhóm cái gọi là “yêu đồ lính” lố lăng, phản cảm.
Ba là, cùng với việc tuyên truyền lan tỏa màu xanh áo lính Bộ đội Cụ Hồ, phê phán thói lai căng, lố lăng, kệch cỡm của hội, nhóm “yêu đồ lính”, thiết nghĩ cơ quan chức năng Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành những chế tài cần thiết nhằm kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan thông tin, hình ảnh, hoạt động của cái gọi là “yêu đồ lính”.
Đồng thời, quán triệt đến Ban quản lý di tích lịch sử, tổ chức các sự kiện văn hóa trên cả nước cần đề cao cảnh giác, không chào đón, không tiếp, không cho những người mặc trang phục, sử dụng phương tiện của lính Mỹ, lính ngụy (trừ những đoàn tiếp đón ngoại giao của chính phủ) lố lăng, phản cảm đến di tích lịch sử, nơi tổ chức sự kiện văn hóa, khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ.
Cùng với đó, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp thời trang, nhất là các doanh nghiệp trong quân đội sáng tạo, thiết kế các mẫu may mặc thường phục kiểu dáng, phong cách Bộ đội Cụ Hồ bán ra thị trường cho người tiêu dùng thực sự yêu “màu xanh áo lính”.
PHÚC PHƯƠNG
Nhận xét
Đăng nhận xét