Nhắm mắt nói liều

 Nhắm mắt nói liều

Internet là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại vào cuối thế kỷ XX. Và sự ra đời của internet đã mang lại cho con người vô vàn tiện ích. Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực, internet đang chứa đựng nhiều nguy cơ đe dọa đến an ninh trật tự của từng quốc gia. Nguy hiểm nhất là các thế lực thù địch, bọn phản động trong và ngoài nước đang tận dụng các website, blog, mạng xã hội để tăng cường chống phá, tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Thâm độc hơn, chúng còn triệt để lợi dụng các vấn đề thời sự, nhạy cảm, được dư luận quan tâm nhưng chưa được giải quyết tốt, để lôi kéo, kích động nhân dân biểu tình, tụ tập đông người nhằm chống đối chính quyền.

Trước thách thức này, các nước trên thế giới đặc biệt chú trọng xây dựng pháp luật cũng như thành lập các cơ quan giám sát an ninh mạng, nhằm bảo vệ cơ sở dữ liệu giá trị và an ninh quốc gia. Hiện đã có 138/193 quốc gia ban hành luật an ninh mạng. Tuy khác nhau về tên gọi nhưng nội dung chính trong luật an ninh mạng của các nước đều nhằm cải thiện tình hình an ninh thông tin của các doanh nghiệp và cơ quan công quyền, cũng như bảo vệ tốt hơn người dân trên môi trường internet. Tại châu Âu, tháng 7-2015, Quốc hội Đức đã thông qua Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ tốt hơn cho công dân và các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Theo đó, Luật An ninh mạng của Đức yêu cầu các công ty và cơ quan liên bang phải có tiêu chuẩn bảo mật mạng tối thiểu và phải được bằng Văn phòng Bảo mật thông tin liên bang (BSI) chứng nhận. Luật này còn có những điều, khoản nghiêm cấm người sử dụng internet kích động lật đổ chính quyền, xúi giục hành vi phạm tội và các nhà cung cấp mạng phải lưu trữ dữ liệu về lịch sử truy cập để phục vụ điều tra.

Tại Australia, quốc gia này đã ban hành: Đạo luật về tội phạm mạng; đạo luật về thư điện tử rác; đạo luật về viễn thông và đạo luật bảo mật. Các đạo luật này của Australia đã đưa ra một số quyền điều tra về tội phạm hình sự nhằm bảo vệ an ninh, độ tin cậy, tính nguyên vẹn của dữ liệu máy tính và truyền thông điện tử. Ngoài ra, đạo luật tăng cường khả năng áp dụng những điều khoản về khám xét và thu giữ hiện có liên quan đến dữ liệu điện tử được lưu trữ. Với Singapore, Luật An ninh mạng của quốc gia này cho phép Cơ quan An ninh mạng được thực hiện các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin. Chính phủ Singapore đã liệt kê 11 lĩnh vực được xem là cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng. Ngoài ra, Singapore cũng đã ký một tuyên bố chung với Đức để tăng cường hợp tác an ninh mạng giữa 2 nước. Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12-6-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Và để việc thực thi đạo luật này thuận lợi hơn, ngày 15-8-2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng. 

Theo đó, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải thực hiện lưu trữ những dữ liệu như sau tại Việt Nam: thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, thông tin do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra, gồm: tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu. Cùng với đó, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, gồm: bạn bè, nhóm mà người sử dụng dịch vụ kết nối hoặc tương tác. Thời gian lưu trữ dữ liệu bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu; thời gian lưu trữ tối thiểu là 24 tháng.

Như vậy, nội dung trong Luật An ninh mạng của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế và tình hình thực tế trên thế giới cũng như của Việt Nam hiện nay. Vì, nếu dữ liệu mà các công ty nước ngoài thu thập, khai thác được tại Việt Nam không thuộc sự quản lý của Nhà nước, không phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, thậm chí còn tạo ra nguy cơ bị chiếm đoạt, lạm dụng vào các hành vi vi phạm pháp luật sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội, an ninh quốc gia. Do đó, để bảo đảm được chủ quyền thông tin của Việt Nam, bắt buộc Nhà nước Việt Nam phải quản lý và bảo vệ thông tin của người dân và những thông tin quan trọng khác được tạo ra trên lãnh thổ. Tuy nhiên, với bản chất thù địch, phản động nên tổ chức khủng bố Việt Tân và những kẻ a dua, đồng lõa là RFA, VOA, BBC, RFI liên tục phát tán những bài viết có nội dung xuyên tạc, bịa đặt Luật An ninh mạng của Việt Nam và Nghị định số 53/2022/NĐ-CP.

Thâm độc và nguy hại hơn, chúng còn ra sức kích động các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội thương mại hoạt động trong lĩnh vực thông tin truyền thông ở Mỹ và các nước có vốn đầu tư lớn tại Việt Nam lên tiếng phản đối Nghị định số 53. Mới đây, trên facebook của Việt Tân, RFI và các trang mạng xã hội có máy chủ ở hải ngoại đã hùa nhau phát tán bài viết: Các doanh nghiệp Mỹ phản đối quy định lưu trữ dữ liệu thông tin người dùng tại Việt Nam. Nội dung bài viết có đoạn: “Việc áp đặt đối với các hãng công nghệ trong quy định mới “là một gánh nặng rất lớn đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và có thể gây tác động đáng kể lên môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam”. Chưa hết, chúng còn chụp mũ một cách khôi hài, trơ trẽn và lố bịch: “Việt Nam được điều hành bởi đảng cộng sản và đảng này duy trì kiểm duyệt phương tiện truyền thông chặt chẽ và ít chấp nhận bất đồng chính kiến”.

Tóm lại, Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng, nên tất cả quốc gia không phân biệt thể chế chính trị trên thế giới đều có những chế tài cụ thể để ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Tất nhiên, Việt Nam không thể là ngoại lệ. Vì vậy, những âm mưu dù tinh vi, xảo quyệt núp dưới dạng bài viết, thư ngỏ, kể cả viện dẫn một số ý kiến được cho là của chuyên gia công nghệ thông tin để phân tích, lập luận, chỉ là thủ đoạn nhắm mắt nói liều, xuyên tạc, vu khống, nhằm tạo ra nhận thức sai lệch, “diễn biến” với mục đích ngăn cản việc thực thi Luật An ninh mạng ở Việt Nam.

Nhật Minh

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này