Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc về Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”

 Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc về Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhất là từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho tới các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này đều luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người. Đặc biệt, bản Hiến pháp năm 2013 có nhiều nội dung mới về quyền con người, thể hiện bước tiến mới về tư duy Nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực được nêu trong các Công ước quốc tế về quyền con người.

Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” được đông đảo độc giả trong và ngoài nước, đặc biệt là tín đồ tôn giáo đón đọc và đánh giá cao.

Thực hiện các nguyên tắc hiến định, Nhà nước Việt Nam luôn không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, giầu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến chương, Công ước của Liên hiệp quốc và các quy định của pháp luật. Những nội dung trong Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Công tác tôn giáo trong tình hình mới” và gần đây là Chỉ thị 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về “Công tác tôn giáo trong tình hình mới” cùng với hệ thống văn bản pháp luật liên quan đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân. 


Nhờ đó mà số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân được đảm bảo tốt hơn, các cơ sở thờ tự ngày càng khang trang, quan hệ quốc tế của các tôn giáo được mở rộng, việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được công khai theo đúng quy định của pháp luật…
Nhân các dịp lễ, tết của dân tộc và các tôn giáo, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các cấp, các ngành, địa phương thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên, tặng quà và chúc mừng các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.


Cả nước hiện có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số), có hơn 54 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc và hơn 29 nghìn cơ sở thờ tự cũng như hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. 


Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn tích cực tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động yêu nước, các hoạt động an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước. Các tôn giáo ở Việt Nam luôn đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, có đóng góp nhất định cho đất nước trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, đồng thời là một nhân tố xã hội và văn hóa tích cực, góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. 


Hằng năm, các hoạt động tôn giáo lớn, trong đó có Lễ Giáng sinh của đồng bào Công giáo, Lễ Phật đản của đồng bào Phật giáo… ở khắp mọi miền đất nước cũng đã trở thành lễ hội thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam…


 Nhiều hoạt động tôn giáo mang tầm toàn quốc, quốc tế với sự tham gia hàng nghìn đại biểu đến từ hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ được tổ chức tại Việt Nam như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK; lễ hội của đồng bào theo đạo Tin Lành kỷ niệm lễ 100 năm Tin Lành đến Việt Nam… Mới đây, ngày 25/11/2022, tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, giáo tỉnh Hà Nội phối hợp với giáo phận Hưng Hóa tổ chức Đại hội Giới trẻ với sự tham gia của khoảng 15 nghìn đại biểu và giáo dân là thanh niên, học sinh, sinh viên người Công giáo trong toàn quốc… Bên cạnh đó, nhiều hội thảo quốc tế về vấn đề tự do tôn giáo được tổ chức tại Việt Nam. Đây chính là những minh chứng sống động, chân thực về chính sách tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam.


Tuy nhiên, với mưu đồ đen tối, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá cách mạng Việt Nam, thời gian gần đây trên một số trang báo điện tử hải ngoại và các trang mạng của các đối tượng phản động, cực đoan, cơ hội chính trị, các cá nhân của tổ chức bất hợp pháp lưu vong ở nước ngoài có các bài viết với sai trái, xuyên tạc về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Mới đây, lợi dụng việc Ban Tôn giáo Chính phủ biên soạn, xuất bản và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, nhằm cung cấp toàn diện, đầy đủ về chính sách tôn giáo, tự do tín ngưỡng và đời sống tôn giáo ở Việt Nam; đồng thời khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, các thế lực thù địch đã có các viết xuyên tạc, đánh giá phiến diện, thiếu khách quan về cuốn sách. Chúng dã tâm cho rằng, việc cho ra đời cuốn sách này là “bức bình phong” nhằm che đậy các vi phạm kéo dài tại Việt Nam! 


Cần nhận diện và khẳng định, những luận điệu sai trái, xuyên tạc về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có việc xuyên tạc, đánh giá phiến diện, thiếu khách quan về Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” là một chiêu trò nhằm chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch hòng chống phá cách mạng Việt Nam, phủ nhận những thành quả từ những chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc đảm bảo quyền quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo cho người dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.
NGỌC VIỆT

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này