Xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh – Chiêu trò mới tinh vi và nguy hiểm
Xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh – Chiêu trò mới tinh vi và nguy hiểm
Xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh – Chiêu trò mới tinh vi và nguy hiểm
Dương Phương Duy
Điệp khúc sự tái diễn “vết xe đổ”
Một trong những chiêu trò mới, tinh vi, xảo quyệt mà những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta đang sử dụng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng là chia tách, cắt rời, đối lập chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận luận điểm này, tuyệt đối hóa quan điểm kia, làm nhiễu loạn hệ quan điểm lý luận trong tư tưởng của Người. Qua đó, xuyên tạc bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh, biến tư tưởng khoa học, cách mạng của Người thành “đặc sản tư tưởng dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi”, đối lập với thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin. Bằng cách này, họ đang cố tình gây ra sự méo mó, biến dạng tư tưởng của Người để thực hiện mưu đồ “thay máu cho hệ tư tưởng”, loại bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nền tảng tư tưởng của Đảng ta ra khỏi đời sống tinh thần xã hội ta; dọn đường đón rước hệ tư tưởng tư sản và CNTB vào Việt Nam.
Gần đây, một số người đã nhân danh “môn đệ”, “môn phái” tư tưởng Hồ Chí Minh để xét lại hệ quan điểm cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin. Họ xuất phát từ việc lọc bỏ rồi đi đến bác bỏ con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, coi đó là “cái ngoại lai” không cần thiết vì nó không phù hợp với Việt Nam. Từ đó, phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH mà Người đã mất nhiều năm bôn ba, tìm kiếm, lựa chọn, truyền bá và được Đảng và nhân dân ta tiếp nhận, ra sức xây dựng, bảo vệ nên mới có được cơ ngơi, tiền đồ, uy tín và vị thế như ngày này.
Nhái lại điệp khúc chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng là điều không mới lạ vì trong quá khứ, những người theo chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong Quốc tế II, nhất là trường phái Bukharin và Tờrốtxki đã nhân danh “người kế tục C. Mác, Ph. Ăngghen để bác bỏ chủ nghĩa Mác”, không cho nó xâm nhập, lan tỏa sâu rộng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Ở nước ta, nhái lại điệp khúc này, một số người tự xưng là học giả, là môn đệ của học phái Hồ Chí Minh đã ra sức “hiện đại hóa” tư tưởng của Người, gán ghép cho tư tưởng Hồ Chí Minh những quan điểm mà Người không đề xướng, không trình bày trong các tác phẩm, bài nói, bài viết của mình.
Có người cho rằng, cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh nằm ở các tác phẩm đầu tiên như “Đường Kách mệnh”, “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”. Theo họ, trong các tác phẩm ấy chứa đựng các “quan điểm gốc”, nền tảng, riêng có của Hồ Chí Minh; vì theo họ, hồi ấy chưa có viện nghiên cứu, chưa có cá nhân nào “chắp bút”, “viết thay” nên những gì Người sáng tạo, viết ra là có thật. Vì vậy, họ khẳng định đọc những tác phẩm ấy, chắt lọc những tư tưởng của Người thời trẻ thì thấy rõ cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh nằm ở đấy, chứ không phải ở các tác phẩm sau này.
Theo họ, cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh được gói gọn ở mục tiêu “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Đó là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán, Hồ Chí Minh muốn thực hiện nó, vì thế, Người “mượn CNXH làm phương tiện để thực hiện mục tiêu ấy”. Cho nên, “các thế hệ con cháu của Người đã hiểu không đúng, đã làm sai tư tưởng của Người”, vì lẫn lộn mục tiêu với phương tiện; đã lấy phương tiện làm mục tiêu nên đã phạm sai lầm này đến sai lầm khác; thậm chí đã đẩy dân tộc đến chỗ chiến tranh, đổ máu liên miên không cần thiết.
Với chiêu trò cắt xén, đối lập quan điểm Hồ Chí Minh thời trẻ với sau này, họ đã xuyên tạc trắng trợn bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ta đều rõ “Đường Kách mệnh”, “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” là những tác phẩm thời trẻ của Hồ Chí Minh. Quan điểm, tư tưởng của Người trình bày trong các tác phẩm đó mang tính chất như một cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền kiểu mới với sự phác thảo hết sức cô động quan điểm, tư tưởng của Người. Trong các tác phẩm ấy, Người đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, lấy đại đoàn kết dân tộc làm điểm xuất phát để tập hợp, quy tụ lực lượng cách mạng và nó đã được bổ sung, phát triển một cách toàn diện, sâu sắc, trở thành tư tưởng Hồ Chí Minh, phản ánh nhất quán trong các tác phẩm, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Thế nhưng, một số người lại không nghĩ như vậy. Họ đã vin vào vào một số tác phẩm đầu tiên, lấy nó để tuyệt đối hóa và nhấn mạnh nó đến mức biến quan điểm, tư tưởng của Người thành quan điểm tư sản; biến Người thành nhà cách mạng dân chủ tư sản theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, thậm chí là một nhà cải lương. Họ làm như thế là xuyên tạc, bôi nhọ thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Người; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin.
Cần nhớ rằng, Hồ Chí Minh là nhà yêu nước vĩ đại, một chiến sĩ sộng sản kiên cường, đã tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Đó là làm cách mạng vô sản, đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga. Kết luận ấy đối với Người không hề dễ dàng vì Người đã phải bôn ba nhiều năm, qua nhiều nước, làm nhiều nghề để kiếm sống, để tìm kiếm, tiếp thu chọn lọc những giá trị tinh hoa của chủ nghĩa Mác – Lênin; tư tưởng tiến bộ của phương Đông, phương Tây và nhân loại, truyền bá vào Việt Nam và chính Người đã vận dụng nó một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Qua đó, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc thêm chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng, văn hóa dân tộc bằng những kết luận mới.
Vì vậy, điều cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là làm cách mạng vô sản, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam. Đây là mục tiêu và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng nước ta. Bởi lẽ, có giành được độc lập, tự do thì mới có cái bảo đảm chắcchắn để nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Muốn vậy, không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản, con đường ấy chỉ có thể đạt được khi nhân dân ta hoàn thành mục tiêu độc lập dân tộc và XHCN.
Luận điệu sai trái về cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh
Ai đó đã hiểu phiến diện, một chiều, vội cho rằng cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ gói gọn trong các tác phẩm “Đường Kách mệnh”, “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” là cắt xén, làm biến dạng tư tưởng của Người, chỉ “nhìn thấy cây mà không thấy rừng”.
Từ cách nhìn sai lệch ấy, họ đã xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh; chỉ lấy một khía cạnh của mục tiêu là “mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân” để tuyên bố đó là cốt lõi tư tưởng của Người, tức là lấy cái “cục bộ làm cái toàn bộ”, còn mục tiêu, con đường đi lên CNXH hay chủ nghĩa gì khác, họ chỉ coi là phương tiện, là công cụ. Cũng từ đây, họ cho rằng có thể dùng, có thể không dùng, hoặc chỉ nên dùng CNTB vì nó đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn lịch sử, nó có lợi cho Việt Nam. Đây là luận điểm “mù mờ”, với lý lẽ hoàn toàn sai trái, đã xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự phi lý này không thể chấp nhận.
Hơn thế, họ đã vin vào cái cớ là Hồ Chí Minh chủ trương “đại đoàn kết dân tộc” để biến Người thành một lãnh tụ dân tộc, tước bỏ bản chất người cộng sản, phủ nhận quan điểm, lập trường mác xít ở Người; làm lẫn lộn lập trường cộng sản với chính kiến chính trị dân tộc hẹp hòi để gán cho Người mà thực chất là phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa quốc tế cộng sản. Không ai có thể phủ nhận quan điểm “đại đoàn kết dân tộc” của Người nhưng lấy nó và chỉ giới hạn nó ở tầm dân tộc chủ nghĩa rồi cho rằng: Hồ Chí Minh không có tính quốc tế vô sản, không phải là người chiến sĩ cộng sản là một sai lầm nghiêm trọng, cần bác bỏ.
Cần phải hiểu rằng, Hồ Chí Minh chủ trương tập hợp mọi lực lượng có thể tập hợp để đoàn kết, chung sức đồng lòng chống kẻ thù chung nhưng không có nghĩa là Người đã dung nạp tất cả các lực lượng chống cộng vào khối đại đoàn kết dân tộc, biến phong trào công nhân thành một tổ chức ô hợp, tạp nham. Nhận thức như thế là ấu trĩ, đã làm sai lệch tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người.
Chúng ta đều biết, tư tưởng Hồ Chí Minh có sức cảm hóa to lớn, có thể thuyết phục, thu phục cả các đối tượng lầm lẫn, “cải tà quy chính” họ, đưa họ trở về với nhân dân nhưng sự quy tụ, tập hợp lực lượng ấy không hề dễ dãi mà có tính nguyên tắc, luôn rõ ràng về bạn, thù, đối tác và đối tượng, phù hợp với từng thời điểm cách mạng. Cả thế giới đều biết Hồ Chí Minh là người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, luôn kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống bọn cướp nước và bọn bán nước. Vì thế, không bao giờ có chuyện Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết dân tộc “xuôi chiều” với tất cả bọn phản động, hại nước hại dân.
Những người xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh đã cố tình “lèo lái” viện dẫn sai lệch quan điểm của Người trong việc tổ chức Chính phủ liên hiệp quốc gia 1945-1946 với tư cách là hình mẫu dung hòa quan điểm của Người với các thế lực có quan điểm đối lập với Đảng để cố tình biến Hồ Chí Minh thành một nhà chính trị đa nguyên chủ nghĩa. Đây là sự giáo đầu về mặt lý luận để dọn đường cho sự ra đời một tổ chức tương tự như thế ở Việt Nam hiện đại, bởi họ muốn ở Việt Nam ngày nay có một “chính phủ hòa hợp dân tộc” tựa như kiểu tổ chức Chính phủ liên hiệp quốc gia 1945-1946. Qua đó, dọn đường cho việc dung nạp, bao chứa các phần tử chống cộng, các thế lực đang muốn “chuyển lửa về quê nhà” để thực hiện mục tiêu “thay máu cho hệ tư tưởng”, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đón rước CNTB và hệ tư tưởng tư sản vào Việt Nam.
Bất cứ sự dao động nào đều dẫn đến lầm lỗi
Phải nói ngay rằng, những người muốn phục hồi quan điểm của “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược văn tắt”…, về thực chất là muốn đưa vào các tác phẩm của Người những quan điểm chính trị phản động và quan điểm đa nguyên chính trị để mọi người dân, nhất là giới trẻ hiện nay hiểu sai tư tưởng Hồ Chí Minh về nhiều mặt.
Ý đồ sâu sa của họ trong việc phục hồi “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược văn tắt” là kiếm cái cớ bổ sung các giá trị mới của CNTB đương đại; thông qua đó, lồng ghép nội dung chống cộng mới dưới cái vỏ bọc “cứu nguy dân tộc” để loại bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, từ bỏ con đường đi lên CNXH; từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; chuyển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN sang nền kinh tế thị trường TBCN trên cơ sở tư nhân hóa nền sản xuất; từng bước thực hiện nền dân chủ đa nguyên, đa đảng theo kiểu “hòa hợp dân tộc”. Với chiêu thức này, họ đang hý hửng và hy vọng mở con đường đón nhận sự viện trợ của CNTB khi phương Tây “dốc hầu bao vì Việt Nam đổi mới” nhằm mục đích mau mau biến Việt Nam thành con rồng châu Á nhờ sự bơm tiền “đô la” và “cứu nguy dân tộc” của phương Tây.
Sự ấu trĩ này đương nhiên phải trả giá đắt. Bởi vì, chẳng có ai tốt bụng đến mức đem tiền bạc đến giúp không công cho Việt Nam, rồi biến Việt Nam thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng; dụ dỗ người dân không cần lao động mà tự nhiên giầu có, sống sung túc. Hãy xem lại lịch sử các cuộc chiến tranh hiện đại do phương Tây tiến hành gần đây sẽ rõ. Điều đó có thể làm thức tỉnh nhiều người có thói quen “mơ ước hão huyền” về lòng tốt của CNTB; không muốn lao động lại muốn giầu sang, sung sướng.
Thực tế chỉ ra rằng, phải qua hơn 37 năm nhân dân ta thực hiện đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, chúng ta mới có được cơ ngơi, tiền đồ, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay. Giá trị một ngày sống hòa bình, độc lập, tự do đã thấm đầy mồ hôi, nước mắt, công sức và cả máu xương của đồng chí, đồng bào. Và chính nó dạy chúng ta rằng, chỉ có đi theo con đường đổi mới của Đảng, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thì chúng ta mới có được cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Bất cứ sự dao động nào đều dẫn đến sự lầm lỗi, lạc đường, chệch hướng XHCN. Nó không đem lại hạnh phúc cho nhân dân; thậm chí thành quả cách mạng hơn 90 năm đấu tranh giành được dưới sự lãnh đọa của Đảng cũng biến thành mây khói. Bài học xương máu từ sự sụp đổ chế độ XHCN theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã nói lên tất cả, bởi do họ đã mắc mưu “diễn biến hòa bình” và đi sai “nước cờ” nên phải gánh chịu hậu quả cay đắng: Đảng Cộng sản mất quyền lãnh đạo, Nhà nước XHCH bị tan tành; quân đội trở nên vô dụng; nhân dân phải chịu nhiều đau khổ.
Hãy nhìn vào bức tranh thế giới hiện nay, nhất là cuộc xung đột quân sự Nga – Ucraina đã và đang diễn ra hơn một năm qua cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc thì mọi người sẽ hiểu như thế nào là giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc và chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Trong đó, phải vạch trần mưu đồ xuyên tạc, hạ thấp giá trị, ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là tiếng gọi từ trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống./.
Nhận xét
Đăng nhận xét