Không thể phủ nhận vai trò của Quân đội trong phát triển kinh tế

 Không thể phủ nhận vai trò của Quân đội trong phát triển kinh tế

Quân đội tham gia phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế đất nước là biểu hiện chức năng “đội quân lao động sản xuất”, thể hiện bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lý luận và thực tiễn đã chứng minh việc Quân đội tham gia phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế đất nước là phù hợp với quy luật và điều kiện Việt Nam. Song, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách phủ nhận vấn đề này.

Cụ thể, theo các thế lực thù địch, phản động, “Quân đội tham gia phát triển sản xuất chỉ phù hợp với thời chiến, khi điều kiện khó khăn. Hiện nay kinh tế đất nước đã phát triển, Quân đội không nên tham gia làm kinh tế để tập trung bảo vệ Tổ quốc”; “Quân đội không cần thiết phải lao động sản xuất vì đã được ngân sách Nhà nước bảo đảm”… Với góc nhìn phiến diện, chúng cho rằng, việc duy trì các nhà máy sản xuất hàng quốc phòng của Quân đội là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, do “lợi ích nhóm chi phối”. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch, phản động còn cố tình đánh đồng một số hạn chế, vi phạm trong quản lý đất quốc phòng hay những tồn tại, sai phạm ở số ít doanh nghiệp Quân đội với bản chất, ý nghĩa việc Quân đội tham gia phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế đất nước. Từ đó “đề xuất”: “Quân đội chỉ nên tập trung vào huấn luyện”; “Quân đội không nên tổ chức lao động sản xuất”; “Không nên kết hợp kinh tế với quốc phòng”; …

Thực chất, phía sau những luận điệu sai trái nói trên chính là âm mưu thâm độc của các thế lực phản động, thù địch. Mục đích hướng đến của các luận điệu đó là nhằm xuyên tạc chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của Đảng ta. Đồng thời, phủ nhận chức năng đội quân lao động sản xuất của Quân đội ta trong giai đoạn hiện nay; làm suy giảm niềm tin của nhân dân, phá vỡ khối đoàn kết quân – dân. Sâu xa hơn, các thế lực thù địch, phản động cố tình phủ nhận kết quả tham gia phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế quốc gia của Quân đội ta. Qua đó, kìm hãm sự phát triển nền công nghiệp lưỡng dụng; hạn chế các nguồn lực cho quá trình hiện đại hóa quốc phòng an ninh; làm suy giảm tiềm lực quân sự quốc phòng và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam…

Cán bộ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 5, Quân khu 4 giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Ảnh: Vũ Hoàng

Liên quan đến các luận điệu nêu trên, cần khẳng định rõ, cả lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam trong gần 80 năm qua đều cho thấy, Quân đội tham gia phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế quốc gia là phù hợp với quy luật và điều kiện Việt Nam. Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin đã nêu rõ: “Nói chung, quân đội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế” (1). Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho Quân đội” (2). Theo Người, Quân đội phải tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để góp phần phát triẻn kinh tế, giảm bớt một phần đóng góp của nhân dân. Bác cũng yêu cầu, “đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học và kỹ thuật một cách có trọng điểm, có từng bước vững chắc, nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng” (3).

Thực tiễn lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cho thấy, ông cha ta đã sớm thực hiện việc kết hợp kinh tế với quốc phòng được thể hiện trong chính sách “ngụ binh ư nông” của các thời Lý, Trần, Lê. Với phương châm “tĩnh vi dân, động vi binh”, việc gắn kinh tế với quốc phòng đã giúp các triều đại phong kiến có điều kiện bồi dưỡng sức dân, phát huy vai trò của lực lượng quân đội trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng cường sức mạnh của đất nước trước âm mưu xâm lược của các thế lực ngoại bang.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vừa thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia có hiệu quả trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể. Nổi bật là sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, gần 8 vạn cán bộ, chiến sĩ đã được chuyển sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế; trực tiếp tham gia xây dựng những công trình trọng điểm của đất nước, như: Khu công nghiệp Việt Trì, Đại thủy nông Bắc Hưng Hải… Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, việc thực hiện “tăng gia quanh vườn” với khẩu hiệu “thực túc, binh cường” đã góp phần bảo đảm bữa ăn cho hàng vạn cán bộ, chiến sĩ. Tiếp đó, khi đất nước nhất, Quân đội cũng là lực lượng tiên phong trên mặt trận xây dựng kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh.

Đặc biệt, trong giai đoạn cách mạng mới, thấm nhuần quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, Quân đội đã thực hiện tốt chức năng “đội quân lao động sản xuất” thông qua việc tham gia phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế đất nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Điển hình là hiệu quả thu được ở các khu kinh tế – quốc phòng do Quân đội xây dựng, quản lý. Tính chung trên cả nước, các khu kinh tế – quốc phòng đã xây dựng mới 1.300 điểm dân cư tập trung với hơn 98.000 hộ dân. Qua đó, vừa giúp đồng bào ổn định đời sống, phát triển sản xuất, vừa tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trong bảo vệ Tổ quốc.

Chủ động hội nhập nền kinh tế quốc gia, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Quân đội đã luôn tích cực tham gia phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế đất nước. Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, doanh thu đạt 268 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận đạt 43 nghìn tỉ đồng, (tính đến hết năm 2021), đạt 103,8% theo kế hoạch, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; bảo đảm tốt việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động; góp phần quan trọng giúp nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội (4). Tiêu biểu là các doanh nghiệp: Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, các Tổng công ty: Tân cảng Sài Gòn, Xăng dầu Quân đội, Than Đông Bắc…

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), doanh nghiệp tiên phong trong gắn phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh. Ảnh: Hiền Minh

Bên cạnh những kết quả tích cực, chúng ta không phủ nhận những sai phạm, tồn tại trong quản lý, điều hành ở một số doanh nghiệp, đơn vị Quân đội làm kinh tế. Những sai phạm, tồn tại này xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau và đã được xử lý nghiêm minh; hoàn toàn không phải do chủ trương của Đảng trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế như các thế lực thù địch đang cố tình xuyên tạc. Thực tế, Quân đội tham gia xây dựng kinh tế là kết hợp, phục vụ nhiệm vụ xây dựng quốc phòng, củng cố sức mạnh quốc phòng, gia tăng tiềm lực của quốc gia, tích cực góp phần phát triển tính tự chủ của đất nước trong trang bị khí tài quân sự, quốc phòng và trực tiếp tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Các doanh nghiệp quốc phòng đã xây dựng những khu vực kinh tế quốc phòng, hình thành thế trận bố trí chiến lược quân sự quốc phòng vững chắc, đặc biệt tại các địa bàn trọng yếu, quan trọng của đất nước.

Hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi chúng ta cần chủ động đấu tranh, làm thất bại các luận điệu sai trái, phủ nhận vai trò của Quân đội trong tham gia phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế đất nước. Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tính tất yếu, ý nghĩa việc Quân đội trong tham gia phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế đất nước. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều biện pháp, với các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đơn vị, địa bàn. Vạch trần các luận điệu phản động, sai trái liên quan đến vấn đề này.

Cùng với đó, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các doanh nghiệp Quân đội cần quán triệt sâu sắc, thực hiện đầy đủ quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Trọng tâm là Nghị quyết số 820-NQ/QUTW ngày 17/12/2021 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030”.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh cơ chế bảo đảm thuận lợi cho các doanh nghiệp Quân đội tham gia phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế đất nước. Đổi mới cơ chế điều hành, đầu tư nâng cao hiệu quả xây dựng Khu kinh tế quốc phòng và hoạt động của Đoàn kinh tế quốc phòng ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo. Đẩy mạnh tái cơ cấu các doanh nghiệp, đơn vị Quân đội làm kinh tế; tập trung phát triển các doanh nghiệp quốc phòng lưỡng dụng đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tiếp tục xây dựng, bổ sung hoàn thiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 05 năm, giai đoạn 2021 – 2025 phù hợp với đặc điểm, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Quân đội. Quá trình tham gia phát triển kinh tế, các doanh nghiệp quốc phòng cần thường xuyên tăng cường mối quan hệ gắn bó với chính quyền, nhân dân địa phương; giữ vững ổn định chính trị; coi trọng bảo vệ tài nguyên, môi trường, thực hiện phát triển bền vững vì lợi ích nhân dân và vì sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó, tiếp tục giữ vững hình ảnh tốt đẹp người “Bộ đội Cụ Hồ” trong chiến đấu và trong lao động sản xuất; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tình hình mới./.

Tài liệu tham khảo:

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này