Báo chí đóng vai trò dòng chảy chính về thông tin định hướng dư luận
Báo chí đóng vai trò dòng chảy chính về thông tin định hướng dư luận
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh nội dung trên trong phát biểu bế mạc Hội Báo toàn quốc năm 2023, được tổ chức vào chiều 19/3, tại Hà Nội.
Chiều 19/3, Hội Báo toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Đoàn kết – Chuyên nghiệp – Văn hóa -Sáng tạo” do Hội Nhà báo Việt Nam và UBND TP Hà Nội đồng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã khép lại, thành công tốt đẹp.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng đông đảo lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, những người làm báo trên cả nước…
Phát biểu tại lễ bế mạc, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, Hội Báo toàn quốc năm 2023 đã thu hút 87 gian trưng bày các ấn phẩm báo Xuân và các ấn phẩm báo chí tiêu biểu năm 2022 và Quý I năm 2023, có sự góp mặt của 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 60 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cơ sở đào tạo báo chí lớn nhất, cùng nhiều gian trưng bày chuyên đề tiêu biểu. Đây thực sự là cuộc hội tụ văn hóa, tinh thần đặc sắc của những người làm báo.
Thông qua các gian trưng bày ấn phẩm, những sự kiện nghiệp vụ, văn hóa, nghệ thuật, Hội Báo toàn quốc 2023 đã nêu bật những thành tựu to lớn của đất nước trong tiến trình đổi mới, những đóng góp và sự phát triển mạnh mẽ của Báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời quảng bá các sản phẩm báo chí gắn với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo – hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước.
Trong thời gian diễn ra, Hội Báo đã thu hút hàng ngàn lượt công chúng đến tham quan và thưởng thức những ấn phẩm báo chí đặc sắc. Các độc giả, khán giả, bạn đọc, bạn nghe đài đã tham gia nhiều hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ báo chí, giao lưu với các phóng viên, nhà báo được mến mộ, thưởng thức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn.
Các sự kiện tại Hội Báo không chỉ kết nối những người làm báo, cơ quan báo chí với nhau mà còn tăng tương tác với công chúng, độc giả, tạo thêm sự gần gũi giữa nhà báo với bạn đọc. Đây là một nét đẹp của Hội Báo toàn quốc từ nhiều năm nay. Cũng trong khuôn khổ của Hội Báo đã diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện nghiệp vụ có ý nghĩa, chất lượng cao cùng các chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, đặc sắc của Nhà hát Tuổi trẻ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam, UBND TP Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức một kỳ Hội Báo toàn quốc thành công.
Ấn tượng với quy mô của Hội Báo toàn quốc năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, đây thực sự là ngày hội lớn, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng của các nhà báo và công chúng cả nước.
“Thông điệp “Đoàn kết – Chuyên nghiệp – Văn hóa – Sáng tạo” được thể hiện rõ nét qua hầu hết các sự kiện thiết thực, hấp dẫn, vừa góp phần củng cố tinh thần đoàn kết giữa các cơ quan báo chí, các hội nhà báo địa phương, vừa tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa báo chí với công chúng. Các hoạt động trao đổi nghiệp vụ trong khuôn khổ Hội Báo đã bám sát những vấn đề thời sự, cho thấy báo chí cách mạng Việt Nam đang theo sát xu thế chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên thế giới”- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá.
Chỉ ra dấu mốc quan trọng sắp tới kỷ niệm 100 năm (21/6/1925 – 21/6/2025) nền báo chí cách mạng Việt Nam và đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ; sự chuyển động nhanh của thế giới; thực tiễn đổi mới, phát triển năng động của đất nước, Phó Thủ tướng khẳng định: Báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.
Theo Phó Thủ tướng, để làm được điều đó, mỗi sản phẩm báo chí phải thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, có sức lan tỏa lớn, tạo đồng thuận trong toàn xã hội, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới của đất nước, quảng bá các giá trị tốt đẹp của văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia. Đội ngũ những người làm báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng; ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế. Hệ thống báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả.
“Các cơ quan báo chí, những người làm báo phải quán triệt tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí; kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí”- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý.
Đặt báo chí cách mạng Việt Nam trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ thông tin, các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, Phó Thủ tướng lưu ý, các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số, hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa nguồn thu. Trong đó, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy và cách làm, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại để làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội.
Các cơ quan báo chí phải tập hợp thành một lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính về thông tin, định hướng dư luận trên không gian mạng. Mỗi sản phẩm báo chí phải bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, đề cao tính nhân văn, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng, nhất là trên không gian mạng và môi trường số.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Hội Nhà báo Việt Nam – ngôi nhà chung của giới báo chí cả nước – phải tiên phong trong bồi dưỡng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo, hội viên, đồng thời tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, từ đó giúp “chấn chỉnh” những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí. Hội cần có thêm nhiều hoạt động, nhiều đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa báo chí, trước mắt là công cuộc chuyển đổi số, làm thế nào để chuyển đổi số báo chí thực sự “thấm” và tác động tích cực tới từng cơ quan báo chí, từng người làm báo.
“Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí. Ngay trong tháng 3 này, Chính phủ sẽ ban hành Đề án về chuyển đổi số trong báo chí. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan báo chí đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam: Chính xác – đại chúng – nhân văn – khách quan. Đồng thời, tạo lập môi trường để các cơ quan báo chí, truyền thông, người làm báo phát huy sức sáng tạo; phát triển ngành công nghiệp truyền thông của Việt Nam hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực”- Phó Thủ tướng thông tin.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ ngành phải gắn bó hơn nữa với báo chí, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức và Hội đồng Giải thưởng đã trao 2 giải A, 4 giải B, 8 giải C, 11 giải Khuyến khích đối với Giải Phát thanh – Truyền hình Tết ấn tượng; Trao 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C, 5 giải Khuyến khích đối với Giải Giao diện báo điện tử Tết ấn tượng; Trao 1 giải A, 5 giải B, 7 giải C, 22 giải Khuyến khích đối với Giải Bìa báo Tết ấn tượng; Trao Giải Gian trưng bày ấn tượng, Giải ấn tượng Hội báo 2023 và tặng Giấy khen cho các đơn vị có đóng góp vào thành công của Hội báo.
Chuyên đề Văn nghệ Công an – Báo CAND vinh dự đoạt giải B Giải Bìa báo Tết ấn tượng; Liên chi hội Nhà báo Bộ Công an đoạt giải C Giải Gian trưng bày ấn tượng.
Hoàng Phong
Nhận xét
Đăng nhận xét