Đừng để tâm hồn treo ngược cành cây…
Đừng để tâm hồn treo ngược cành cây…
Trong bài thơ “Là thi sĩ”, tặng các nhà thơ Việt Nam, ra đời năm 1942, nhà thơ Sóng Hồng (bút danh của đồng chí Trường Chinh) đã truyền thông điệp rằng: Nếu thi sĩ “Để tâm hồn treo ngược ở cành cây… Chìm đắm ở thương hoa và tiếc ngọc…” thì đó là tai ương, chướng họa của nhân quần.
Tám thập kỷ trôi qua, soi rọi vào hiện thực cuộc sống và công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, tư tưởng và thông điệp ấy vẫn vẹn nguyên tính thời sự…
Tư duy “nổi loạn” và những hệ lụy
Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn văn học, nhất là tài khoản cá nhân của nhiều nhà văn trên mạng xã hội, đã chia sẻ thông tin, bình luận về những cuốn sách mới xuất bản của một số tác giả. Phần lớn những cuốn sách này không có gì nổi trội, nhiều tác giả còn rất xa lạ với bạn đọc. Điều gây chú ý đối với dư luận là những lời tán dương về sự “nổi loạn” của tác giả, tác phẩm.
Thực ra, “nổi loạn” không phải là thuật ngữ xa lạ, mới mẻ. Nó xuất hiện trong đời sống văn học-nghệ thuật lâu nay như một kiểu hội chứng dị biệt và được không ít người cổ xúy, tung hô như là một sự đột phá, sáng tạo, phá cách. Nói về sự “nổi loạn” trong tác phẩm văn học-nghệ thuật, đó có thể là một kiểu nhân vật có tính cách “nổi loạn”, các kiểu lập ngôn “nổi loạn”, hay một khuynh hướng sáng tác “nổi loạn”… Và tất cả đều bắt nguồn từ tư duy “nổi loạn” của người sáng tạo. Khách quan mà nói, không phải tất cả phong cách “nổi loạn” đều mang hàm ý xấu, tiêu cực. Có những sự “nổi loạn” về nghệ thuật tu từ, về xây dựng tính cách nhân vật được tác giả sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật để tạo sự khác biệt, điển hình, làm nổi bật tư tưởng, nội dung tác phẩm, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao. Tuy nhiên, không ít người lại cố tình “nổi loạn” hoặc lấy cớ “nổi loạn” để cho ra đời những sản phẩm gây hại. Người thì muốn “nổi loạn” để tạo sự khác biệt, gây chú ý. Người lại thích “nổi loạn” như một kiểu bắt chước, học đòi. Và cái sự “nổi loạn” được nhắc đến nhiều trong thời gian qua chính là dục tính trong tác phẩm. Người ta gọi đó là “dâm thư” (sách khiêu dâm). Ở đây, chúng tôi không bàn sâu về học thuật, bởi đó là phần việc của các nhà phê bình. Xét trên phương diện “nghệ thuật vị nhân sinh”, soi rọi vào hiện thực đời sống xã hội thì thấy rõ, sự “nổi loạn”, lệch chuẩn, loạn chuẩn trong sáng tác văn học-nghệ thuật hiện nay chính là biểu hiện tiêu cực, một dạng của suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống trong một bộ phận văn nghệ sĩ.
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn |
Những tác phẩm có tính chất “nổi loạn” kiểu này hoàn toàn không có tác dụng gì trong việc bồi đắp đời sống văn hóa tinh thần cho công chúng ngoài việc gây tò mò, kích thích lối sống trụy lạc, ru ngủ thanh niên… Từ sự “nổi loạn” trong tác phẩm văn học-nghệ thuật đến hành vi nổi loạn của con người trong đời sống xã hội có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bởi văn học-nghệ thuật có chức năng giáo dục thẩm mỹ, định hướng lối sống cho công chúng. Những cuốn “dâm thư” và những sản phẩm nghệ thuật lấy việc mô tả trần trụi cảnh sinh hoạt tình dục của con người trong các mối quan hệ ma mị, ma quái, kinh dị… có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa tinh thần của công chúng. Nó làm cho lớp trẻ bị ru ngủ, say sưa trong ý tưởng hoan lạc, phó thác cuộc đời cho số mệnh, thủ tiêu ý chí phấn đấu, thui chột động lực phát triển, bàng quan với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh… Đó chính là những biểu hiện của suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống trong văn học-nghệ thuật. Thực trạng này đã được Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đó là: “Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc…”. Mặc dù đã được nhắc đến nhiều, nhưng những biểu hiện lệch lạc ấy vẫn chưa được khắc phục. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Những yếu kém, bất cập nêu trên chậm được giải quyết mặc dù đã được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Sự yếu kém, khuyết điểm này đã gây hệ luỵ, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa của chúng ta”…
Coi trọng đào tạo, giáo dục lý luận chính trị cho văn nghệ sĩ
Trong lần trao đổi với một nhà văn đàn anh nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được anh thẳng thắn chia sẻ rằng, cái mà một số người cho là “nổi loạn” ấy, thực ra là một sự bất lực về tài năng và mù mờ về ý tưởng sáng tạo. Do nghèo nàn ý tưởng sáng tạo và dao động về tư tưởng nên nhà văn khó tìm lối đi riêng, đành “để tâm hồn treo ngược ở cành cây”, thoát ly hiện thực, tưởng tượng ra những hình thức dục tính lập dị, ma quái để giật gân, câu khách. Thông điệp cảnh tỉnh của nhà thơ Sóng Hồng từ 8 thập kỷ trước vẫn vẹn nguyên giá trị trong đời sống văn hóa, văn học-nghệ thuật hôm nay: “…Thì bạn hỡi một nhà thơ như rứa/ Là tai ương, chướng họa của nhân quần/ Nhọc tơ lòng mà phí cả ngày xuân/ Để ca ngợi bất công và tàn ngược…”. Trong xu thế hội nhập, hơn lúc nào hết, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, xã hội phồn vinh đang được Đảng, Nhà nước ta đề cao, trở thành xu thế tất yếu của hành trình phát triển. Trong bối cảnh đó, nếu một bộ phận không nhỏ văn nghệ sĩ “Để tâm hồn treo ngược ở cành cây…”, ngụp lặn trong ngôn ngữ dung tục và tư duy “nổi loạn”, kích thích lối sống ẩn mình, ích kỷ, thực dụng, trao gửi số phận cuộc đời cho “mộng ái cao siêu”, đi ngược lại xu thế thời đại… thì đó là hành vi trái đường lối, quan điểm của Đảng. Sự lệch chuẩn ấy lại được cổ xúy, tung hô bằng kiểu lập ngôn “nổi loạn” của không ít người viết phê bình, thì sự nguy hại đối với đời sống văn hóa tinh thần của xã hội càng lớn.
Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam…”.
Như vậy, những biểu hiện, khuynh hướng hay trào lưu sáng tác tác phẩm văn học-nghệ thuật với lối tư duy “nổi loạn”, lệch chuẩn, cần phải kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục. Đặt trong mối quan hệ với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tiêu cực, suy thoái… thì chúng ta cần nhất quán quan điểm lấy xây để chống. Đầu tiên và trên hết là phải khơi thông tư tưởng, xóa bỏ định kiến ngay trong tư duy sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong công tác đào tạo, giáo dục lý luận chính trị, đạo đức cách mạng cho đội ngũ văn nghệ sĩ, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức…”. Rõ ràng, những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống trong môi trường văn học-nghệ thuật, bên cạnh yếu tố chủ quan do bản lĩnh, lập trường, tư duy cá nhân của một bộ phận tác giả, còn có nguyên nhân hết sức quan trọng là công tác giáo dục lý luận chính trị chưa được coi trọng đúng mức. Khiếm khuyết này dẫn đến một bộ phận văn nghệ sĩ hạn chế về tư duy lý luận, tư tưởng dao động, ngả nghiêng, bắt chước phong cách nước ngoài một cách tự nhiên chủ nghĩa. Để khắc phục những hạn chế trong công tác đào tạo, giáo dục lý luận chính trị trong đội ngũ văn nghệ sĩ, trách nhiệm trước hết thuộc về tổ chức đảng trong các cơ quan chủ quản, các tổ chức hội, đoàn, cơ quan tuyên giáo các cấp…
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thực sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp…”(1).
Thấm nhuần lời dạy của Bác, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 tiếp tục nhấn mạnh việc “Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học-nghệ thuật. Đội ngũ này có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và trong sự nghiệp cách mạng nói chung…”.
Gắn chặt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn hệ thống chính trị, trọng tâm là phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vào môi trường văn học-nghệ thuật, chúng ta cần nhất quán quan điểm: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa là mục tiêu, động lực, vừa là đề tài sáng tạo của văn nghệ sĩ. Đó cũng chính là cách để mỗi văn nghệ sĩ không để tâm hồn “treo ngược cành cây”, đặt mình đúng vị trí trong xu thế thời đại với cảm hứng chủ đạo là khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh.
PHAN TÙNG SƠN
Nhận xét
Đăng nhận xét