“Cách mạng màu” và “nỗi đau nhân loại”

 “Cách mạng màu” và “nỗi đau nhân loại”

“Cách mạng màu” và “nỗi đau nhân loại”

Nhân Văn

Bản chất của nỗi đau: “Cách mạng màu”

“Cách mạng màu” với các tên gọi khác nhau: “Cách mạng sắc màu”, “Cách mạng Nhung”, “Cách mạng Đường phố”, “Cách mạng Cam”, “Cách mạng Hoa hồng”, “Cách mạng Hoa Tu lip”,”Cách mạng Hạt dẻ”… đã diễn ra ở một số nước Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi và “diễn biến chính trị” tại Thái Lan, Campuchia, Mianma, Inđônêxia, Vênêxuêla… trong những năm qua.

Điểm chung của các cuộc “Cách mạng màu” là “sự bất định”, “bất trị”, rất nguy hiểm bởi sự chống phá quyết liệt của các thế lực quốc tế cấu kết với các phần tử phản động nội địa nhằm thực hiện âm mưu, thủ đoạn “can dự ngầm và sâu” vào nội bộ các nước có độc lập, chủ quyền, gây bất ổn về kinh tế, khủng hoảng về chính trị, hỗn loạn về “lòng người” với các yêu sách: đòi ly khai dân tộc, cải cách tôn giáo, mở rộng “dân chủ, nhân quyền”; từng bước thay thế chính quyền đương nhiệm bằng cách xây dựng chính quyền mới thân Mỹ, có lợi cho phương Tây.

“Cách mạng màu” về thực chất là cuộc chính biến phi vũ trang “không có tiếng súng, chỉ có tiếng hò reo” nhưng với âm mưu, thủ đoạn vô cùng thâm độc, hiểm sâu “thắng mà không cần đánh”, “được mà không mất bom đạn”.

Các chiêu trò của “Cách mạng màu” quện chặt với âm mưu, thủ đoạn, hoạt động “diễn biến hòa bình”, lấy “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ làm “nòng cốt”, chọn các phần tử bất mãn quá khích, cơ hội chính trị làm lực lượng chủ công. Giống như “diễn biến hòa bình”, “Cách mạng màu” vừa có tính dân tộc cực đoan, vừa có tính quốc tế sâu sắc; sức phá hoại vô cùng to lớn; hậu quả rất khó khắc phục.

Vì vậy, “Cách mạng màu” là thuật ngữ khá mới, dùng để chỉ các phong trào chính trị nảy sinh từ mâu thuẫn phe phái, “bức xúc xã hội”, “sự “nổi loạn của nhân tâm”, cản trở, chống đối tiến bộ xã hội, trong đó chống phá chủ nghĩa xã hội là trọng điểm.

“Cách mạng màu” lần đầu tiên xuất hiện với với tên gọi mỹ miều: “Cách mạng Vàng” ở Philíppin (1983), “Cách mạng Nhung” ở Tiệp Khắc (1989), “Cách mạng Đường phố” ở Nam Tư (2000), “Cách mạng ngày Năm tháng Mười” ở Serbia” (2000). Sau đó, lan truyền sang ở một số nước SNG (thuộc Liên Xô cũ ), đáng kể là “Cách mạng Hoa Hồng” ở Gruzia (2003), “Cách mạng Cam” ở Ukraina (2004); “Cách mạng Hoa Tulip” ở Kyrgyzstan (2005). Ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi có: “Cách mạng hoa Nhài” ở Tuynidi, “Cách mạng cây Tuyết tùng” (2005) tại Liban, “Cách mạng Xanh” (2005) tại Kuwait, “Cách mạng Hoa Sen” ở Ai Cập (2011) và ở một số quốc gia khác như: Xyri, Angiêri, Yêmen, Marốc, Gioócđani, Arậpxêút, Ôman, Irắc…Nhìn chung, các cuộc cách mạng sắc màu đã diễn ra trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, lấy tên một màu sắc hay một cây cối, bông hoa tiêu biểu, “dễ thương” để đặt tên.

Chủ nhân và đích đến của “Cách mạng màu”

Lực lượng tham gia “Cách mạng màu” chủ yếu là các đảng phái, tổ chức chính trị đối lập, được hình thành từ các trào lưu: “dân chủ hóa xã hội”, “chiến tranh nghị trường”… Thủ lĩnh của các phong trào này phần lớn là những người cầm đầu phong trào học sinh, sinh viên, đội ngũ trí thức, phối hợp với các tổ chức phi chính phủ (NGO) nhờ sự “hà hơi tiếp sức”, “bơm tiền” của phương Tây để tổ chức các cuộc đấu tranh bất bạo động bằng các hình thức kêu gọi trí thức, học sinh, sinh viên và nhiều người bất mãn với chế độ xuống đường biểu tình sau các cuộc bầu cử gây tranh cãi, với các cáo buộc về gian lận bầu cử, gây áp lực đòi lật đổ chính phủ hay ép chính phủ đương nhiệm phải từ chức, mũi nhọn chống phá là các lãnh tụ bị “quy kết” tham ô, độc đoán, chuyên quyền.

Số đông lãnh tụ của “Cách mạng màu” là những người thù sâu, bất mãn nặng, cơ hội chính trị “nòi”, có mâu thẫn, bất đồng gay gắt với đảng chính trị, chính phủ cầm quyền đương nhiệm, được các thế lực nước ngoài hậu thuẫn về mọi mặt, nhất là tài trợ vật chất, ủng hộ tinh thần, thậm chí nuôi dưỡng, huấn luyện chu đáo các phần tử cực đoan, quá khích để thực hiện chính biến, chuyển hóa chế độ tiến bộ thành thoái bộ khi thời cơ đến với nhiều mô thức, thủ đoạn nham hiểm.

Đặc biệt là triệt để khai thác, sử dụng không gian mạng để phát tán  các bài viết, tung tin, chuyển tải các video clip có nội dung xấu, độc nhằm xuyên tạc sự thật, nói xấu ban lãnh đạo đảng, nhà nước, chế độ. Đồng thời, lợi dụng các chiêu bài “tự do, dân chủ, nhân quyền”, “dân tộc, tôn giáo” hoặc nấp dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền quốc gia để kích động dân chúng tụ tập trái phép, đập phá trụ sở cơ quan công quyền, các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, gây áp lực lên bộ máy đảng và chính phủ.

Thế lực bên ngoài dù giấu mặt hay công khai, hoặc nửa giấu mặt nửa công khai nhưng luôn sắm “vai chính”, đóng vai trò “giật dây”, xây dựng kịch bản, “đạo diễn” “Cách mạng màu”, còn thế lực bên trong nội địa giữ vai trò “chủ công”, thực thi kịch bản, làm theo sự chỉ đạo của kẻ “bơm tiền”. Lực lượng này bị chi phối “từ A đến Z” bởi những kẻ cầm đầu khởi xướng, định hướng, kích hoạt, vạch kế hoạch, huấn luyện, thúc đẩy chính biến, bạo loạn chính trị.

Khác với phương thức vũ trang dùng bạo lực, sức mạnh quân sự là chính, còn trong “Cách mạng màu”, các thế lực thù địch, phản động chủ yếu sử dụng biện pháp “phi quân sự” thông qua “đấu tranh nghị trường”, “tranh cử”, sử dụng “chiến tranh tâm lý”, lấy biện pháp bạo động chính trị như mít tinh, biểu tình, tuần hành và “lá phiếu bầu” làm chính yếu để phô trương thanh thế, uy quyền, thực hiện mục đích đã xác định: Từng bước và bằng mọi cách can thiệp ngày càng sâu, leo càng cao vào bộ máy đảng, chính quyền, làm cho nó mâu thẫn, bị chia rẽ, bị “mọt ruỗng từ bên trong” đến mức “tê liệt”; khi có “chính biến” thì “đục nước béo cò”, lập tức can thiệp thô bạo, trắng trợn vào công việc nội bộ của bất kỳ nước nào được cho là “có thể gây mối đe dọa nghiêm trọng và trực tiếp xâm hại đến lợi ích của phương Tây”.

Đích đến của “Cách mạng màu” là bằng mọi cách lật đổ chính quyền của nhà nước đương nhiệm đi kèm với nó là sự cầm quyền của các đảng phái chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội có xu hướng chống lại phương Tây. Qua đó, nhúng tay vào việc xây dựng lại chính quyền, lập các đảng phái mới “phù hợp triết lý, văn hóa, các giá trị và lợi ích của phương Tây”.

Bản chất của“Cách mạng màu là phản động, phản cách mạng, “một phương thức mới theo chủ nghĩa sôvanh hiện đại”. Ở đó, nước lớn “nuốt chửng nước bé” bằng cách sử dụng biện pháp “phi quân sự” là chính để tạo ra các nguy cơ chính trị, thông qua việc bầu cử tự do, dân chủ” để “gieo gió từ bên ngoài”, “tạo bão ở bên trong” nhằm phân hóa, loại bỏ các “đối thủ chính trị” và chính quyền nhà nước không đi theo quỹ đạo của phương Tâythông qua con đường lật đổ chính quyền hợp pháp, thiết lập nên chính quyền mới, thân phương Tây, cần cho phương Tây.

“Cách mạng màu” không bất động, bất biến mà luôn vận động, biến đổi không ngừng, nó được ví như “con ngựa bất kham”, “vết dầu loang”, “thú có cánh”, biết chạy, biết bay, đã tràn vào các nước xã hội chủ nghĩa và một số nước có xu hướng tiến bộ, đặt mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội. Với mô thức, âm mưu, thủ đoạn mới, các thế lực thù địch nuôi hy vọng đạt được mục tiêu kép: vừa lật đổ các Đảng Cộng sản, Nhà nước xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ tận gốc mọi nhân tố làm nên chế độ cộng sản chủ nghĩa, vừa kiến tạo, thiết lập, xây dựng nên các đảng phái chính trị, bộ máy cầm quyền nhà nước mới theo phương thức “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” tuân thủ mô hình quản trị tư sản và đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.

Đằng sau những lời “có cánh” là nỗi đau bất tận – những điều cần nhận thức đúng

“Cách mạng màu” được giới lý luận, truyền thông phương Tây ngợi ca, truyền bá hết sức hấp dẫn với những lời hứa hẹn mang sắc màu tôn giáo, “rất ngọt ngào”, “đầy quyến rũ”, nào là “biểu tượng của niềm tin, của dân chủ và nhân quyền”, “bảo đảm phúc lợi công dân”, “con đường đi đến hạnh phúc”, “thiên đường của hòa bình”, v.v., nhưng về thực chất, chỉ là chiêu trò lừa gạt, mị dân, được ngụy trang, che đậy kín đáo. Sau một số năm tiến hành, “Cách mạng màu” đã lòi cái “đuôi cáo”, “đầu chồn”, “mình rắn”.

Nó không hề đem lại những lợi ích nào dù là cỏn con, chẳng có gì là tốt đẹp như lời hứa, người dân vô tội đã bị kẻ gian lừa bịp, đã mắc mưu “diễn biến hòa bình”; xã hội sau cách mạng màu tan hoang, chỉ thấy chất chồng tội ác, bất công và khổ đau, máu cứ chảy mãi ở nơi sâu góc phố, tận nơi xa vắng, xóm làng; khủng hoảng chính trị tràn lankinh tế suy sụp, bất ổn xã hội kéo dài, mâu thuẫn giai tầng và dân tộc ngày càng thêm sâu sắc, trẻ thơ thất học, suy dinh dưỡng; dân đen đói nghèo, bệnh tật gia tăng, đất nước hoang tàn, chỉ còn lại đống đổ nát đầy hỗn loạn và bị biến thành “con nợ quốc tế” khổng lồ...

Luận lý về “Cách mạng màu” trái ngược với quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về cách mạng xã hội. Chúng ta đều rõ: Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền; cách mạng xã hội là hình đấu tranh giai cấp cao nhất để giải quyết mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Thế nhưng, ai đó đang bị lẫn lộn giữa cách mạng xã hội với cái gọi là “Cách mạng màu”, cách mạng trên nghị trường với những cuộc đảo chính, tuần hành, biểu tình trên đường phố, mong muốn cuộc sống “nhung lụa”… Tiến hành “Cách mạng màu”, giai cấp phản động đang chống lại loài người và giai cấp tiến bộ. Hành động biểu tình, gây bạo loạn chính trị rồi chiếm chính quyền, giết người, hoàn toàn không phải là cách mạng mà là phản cách mạng, cản trở sự phát triển lịch sử, thủ tiêu tiến bộ xã hội.

Vì vậy, nhận diện đầy đủ, sâu hơn bản chất của cách mạng xã hội và “cách mạng màu” cần thấu triệt sâu sắc quan điểm và sự cảnh báo của V.I. Lênin đối với những người cộng sản trong tác phẩm “Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác” (1919): “Chừng nào người ta chưa biết phân biệt được lợi ích của giai cấp này hay của giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn nào có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị”[1].

Về điều này, Bác Hồ khẳng định: “Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt. Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, để xây dựng dân chủ mới”(1) hay “Mục đích của cách mạng là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, giàu mạnh. Làm cho nhân dân được hưởng hạnh phúc và xây dựng một xã hội sung sướng, vẻ vang”[2]. 

Tầm nhìn, thái độ và đối sách của chúng ta

“Cách mạng màu” đã xâm nhập vào Việt Nam hay chưa, đến đâu; Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối phó với nó như thế nào?

Nhận thức đúng vấn đề này là nhiệm vụ vừa có tính cấp bách trước mắt và vừa có tính chiến lược lâu dài, rất cơ bản, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.Trong đó:

 (1) Đầu tư nghiên cứu sâu,nhận diện đúng nguồn gốc, bản chất,âm mưu, thủ đoạn, tác hại của “Cách mạng màu”, quan hệ của nó với “diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch tiến hành, từ đó đề xuất giải pháp ứng phó phù hợp là “việc cần làm ngay” và luônkhông được do dự, chần chừ, góp phần thực hiện tốt phương châm: “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy”, đi đôi với phòng, chống “Cách mạng màu”; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

(2) Ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc gắn chặt với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và củng cố thế trận chiến tranh nhân dân; phát triển mạnh mẽ ý thức bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho mọi người dân Việt Nam trong tình hình mới.

(3) Xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vững mạnh về mọi mặtnhất là xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và khu vực phòng thủ tỉnh (thành phó) vững chắc làm cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh; phát huy mạnh mẽ vai trò của dân chủ xã hội chủ nghĩa; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn chặt với thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; bảo vệ Đảng, bảo vệ dân vì còn Đảng, còn dân là còn tất cả.

 (4) Chăm lo cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân,góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; làm cho dân no, dân yên, dân tin yêu Đảng, Nhà nước và chế độ. Đó là phương cách tốt nhất để bảo vệ Tổ quốc; không để “Cách mạng màu” có đất diễn ở Việt Nam./.


[1] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2005, tập 23, tr.57.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 265.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này