Chủ nghĩa cá nhân – Nguồn gốc của bệnh dại và mọi thói hư, tật xấu
Chủ nghĩa cá nhân – Nguồn gốc của bệnh dại và mọi thói hư, tật xấu
Chủ nghĩa cá nhân – Nguồn gốc của bệnh dại và mọi thói hư, tật xấu
Dương Phương Duy
Kẻ thù trong lòng người – sự phản bội lương tâm, “giặc nội xâm” vô cùng nguy hiểm
Lẽ sống, niềm tin của nhân dân, trước hết, xuất phát từ lẽ sống, niềm tin của đội ngũ cán bộ, đảng viên – những người đại diện cho lợi ích của họ và của toàn dân tộc.
“Sa vào chủ nghĩa cá nhân”, người cán bộ, đảng viên chẳng những mất tư cách “người lãnh đạo”, “người đầy tớ trung thành của nhân dân” mà còn đánh mất cả niềm tin yêu, sự đồng tình, ủng hộ, sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn và kính trọng của nhân dân.
Sai lầm của cán bộ, đảng viên là lý do, nguyên cớ để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng, dựa vào đó thêu dệt, thổi phồng hạn chế, khuyết điểm của Đảng, Nhà nước và chế độ, viết bài, dàn dựng các video clip, tung tin lên mạng xã hội để tạo “sóng gió”, gây “giông bão” định hướng dư luận nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, tính ưu việt của chế độ ta.
Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù trong lòng người, chứa chấp, dung túng nó có khác gì đã phản bội lương tâm, vùi dập danh dự của cán bộ, đảng viên; là sự thỏa hiệp, “đi đêm” với “ma quỷ” tự biến thành “giặc nội xâm” hủy hoại chính bản thân, gia đình, dòng tộc; phụ bác công sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ; chà đạp lên nhân phẩm, đạo lý. Nó là loại “vi rút giết người” vô cùng nguy hiểm, rất khó phát hiện, không nhìn thấy hình hài, che đậy, giấu kín bản chất lừa gạt, ty tiện, thấp hèn. Khi cán bộ, đảng viên sa bẫy, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, mắc căn bệnh “nan y” suy thoái, biến chất thì danh dự, nhân phẩm người cán bộ, lời hứa của đảng viên trước Đảng đã tự sụp đổ. Họ đã “nhắm cả hai mắt” làm liều, “nhúng tay vào chàm” bán rẻ lương tâm, danh dự cho “ma quỷ”, tự buông thả mình, sống và sinh hoạt theo lối thực dụng, đề cao vật chất, sùng bái đồng tiền, quên tình đồng chí, nghĩa đồng bào, lóa mắt vì danh lợi đến mức tuyệt đối hóa vai trò, lợi ích cá nhân, “cái tôi” là trên hết, trước hết. Vì thế, mọi suy nghĩ, hành động, việc làm chỉ nghĩ đến “kiếm chác”, thu vén cho lợi ích cá nhân, gia đình mình; không thèm quan tâm, đếm xỉa đến lợi ích của tập thể, đối lập với chủ nghĩa tập thể và đạo đức cách mạng.
Sa vào chủ nghĩa cá nhân là mắc căn bệnh nan y, bị “vi rút tham lam” gặm nhấm đến “chết dần chết mòn” mà không biết, bởi nó diễn ra từ từ, dần dần, kéo dài suốt một quá trình, bắt đầu từ “cái tặc lưỡi” cho qua, rồi dần dần xa ngã, quên nhiệm vụ đến xa rời mục tiêu phấn đấu, lý tưởng cách mạng; từng bước suy thoái, tha hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phong cách lãnh đạo, chỉ huy.
Đó cũng là quá trình tách mình ra khỏi tập thể, xa rời tổ chức đảng, “nhắm mắt làm liều”. Lời nguyền, tự nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, trọn đời “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ biến thành mây khói. Từ đó, cán bộ, đảng viên biến thành “diễn viên hề”, sắm vai, đóng kịch để kiếm lời, “đã có một lại muốn hai, ba, bốn…, muốn thật nhiều” nên sống, làm việc trái với lương tâm, mất danh dự, đến mức vô liêm xỉ, coi thường nguyên tắc sinh hoạt Đảng, nhìn đời, nhìn người bằng “nửa con mắt”; không còn ý chí phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng. Lúc ấy, “cái áo khoác”, “các mác” bộ, đảng viên là thứ vũ khí để che mắt, lừa bịp mọi người, nói dối tổ chức; báo cáo, khai man thu nhập trước Đảng. Ngoài việc vơ vét, tư túi cho riêng mình, thậm chí còn phản bội Tổ quốc, gây hại cho lợi ích quốc gia – dân tộc; bán rẻ đồng chí, đồng đội với những hành vi ty tiện, thấp hèn.
Sai lầm ấy không chỉ tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của Đảng, phá hoại công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh mà còn lây lan, truyền nhiễm căn bệnh quái ác sang người khác, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm như tham lam, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bè phái, cục bộ, “lợi ích nhóm”, vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng; vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức phải xử lý hình sự, thậm chí rơi vào vòng lao lý, phải ngồi tù…
Đó là điều đáng buồn, sự tủi nhục vì những cán bộ, đảng viên này đang làm cho Đảng ta suy yếu, họ có khác gì “sâu mọt đục khoét” làm cho chế độ ta mục ruỗng từ bên trong; thoái hóa, biến chất, mất uy tín trước nhân dân; là nguyên cớ để các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Chủ nghĩa cá nhân là một căn bệnh nhức nhối, làm hư hỏng không ít cán bộ, đảng viên; tác động, gây hại, làm giảm sút ý chí, niềm tin của nhân dân, tính cách mạng; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đó là điều đau lòng nhất, thật vô cùng đáng tiếc.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ dung túng, bao che cho những hành vi sai trái đạo lý, pháp lý, bất kể người đó là ai, giữ chức vụ gì và cũng không bao giờ chấp nhận những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, “sa vào chủ nghĩa cá nhân”, “mắc bệnh’ khó cứu chữa: phản bội Tổ quốc, phản bội Đảng, phản bội nhân dân.
Niềm tin, lẽ sống vì mọi người, ra sức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng – thuốc “đặc trị” chữa khỏi bệnh chủ nghĩa cá nhân
Để đấu tranh, quét sách chủ nghĩa cá nhân, sự lây lan của nó trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là việc làm cấp bác, thật sự cần thiết, làm cho Đảng và hệ thống chính trị của ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, cần thực hiện tốt những nội dung sau đây:
(1) Kết hợp chặt chẽ và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giáo dục chính trị, đạo đức và pháp luật cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân; giúp họ nâng cao nhận thức tư tưởng, củng cố lập trường, bản lĩnh chính trị; thấy rõ hơn nữa vị trí, vai trò “nền gốc” của đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư và tác hại của sự suy thoái, tha hóa, biến chất và hậu quả phải gánh chịu từ những sai lầm ấy. Từ đó, giúp cán bộ, đảng viên chủ động, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, được “miễn dịch”, có sức đề kháng tốt để không sa vào chủ nghĩa cá nhân. Cán bộ, đảng viên cần có kế hoạch phù hợp để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thống qua những việc làm cụ thể, thiết thực, hằng ngày để luôn tiến bộ, trưởng thành; mãi xứng đáng là “công bộc của nhân dân”, “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”; được nhân dân tin yêu, ủng hộ.
(2) Gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy chế, quy định, điều lệ, chỉ thị, kế hoạch, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Tự ý thức và tự giác nêu cao tinh thần cách mạng, ý chí phấn đấu vươn lên, thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, biết “tự soi tự sửa”, không đi vào “vết xe đổ của người khác”. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, chống chủ nghĩa cá nhân; gột rửa, tẩy sạch mọi biểu hiện tiêu cực, cực đoạn của cá nhân và đồng chí, đồng đội. Phấn đấu bền bỉ, dẻo dai, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; có thực đức, thực tài; có uy tín và tầm ảnh hưởng cao; sống trong sạch, lành mạnh.
(3) Đề cao tinh thần, trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật; tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; tránh xa mọi cám dỗ, sự mua chuộc; việc làm sai trái. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải là trung tâm đoàn kết xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xứng đáng là người đại diện chân chính cho lợi ích của tập thể cơ quan, đơn vị và lợi ích quốc gia – dân tộc. Đề cao sự gương mẫu, làm mẫu về mọi mặt để mọi người tin yêu, ra sức học tập và noi theo. Thực hiện tốt Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về những điều đảng viên không được làm, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, “một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
(4) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, suy thoái, biến chất, tha hóa; thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Đảng; quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị về chế độ quản lý cơ sở vật chất, tài sản công; công khai tài chính, kết hợp chặt chẽ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng với công tác chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị. Không để xảy ra thất thoát tiền của, lãnh phí tiền bạc, mất mát, hư hỏng tài sản công; góp phần bảo vệ cán bộ, đảng viên “từ sớm, từ xa”, từ khi cán bộ, đảng viên chưa bị kỷ luật; không để căn bệnh chủ nghĩa cá nhân – một loại vi rút độc hại có đất tồn tại, gây bệnh, sinh sôi, nảy nở trong cơ quan, đơn vị, gây hại cho cán bộ, đảng viên và sự bất công trong cuộc sống./.
Nhận xét
Đăng nhận xét