Cách mạng Tháng Tám thắng lợi không phải là “ăn may”

 Cách mạng Tháng Tám thắng lợi không phải là “ăn may”

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi không phải là “ăn may”

Công Minh

Cứ đến dịp kỷ niệm Các mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 – 9 là các thế lực chống phá lại tập trung xuyên tạc, phủ nhận, hạ thấp ý nghĩa của sự kiện quan trọng, giàu ý nghĩa này. Mới đây, chúng đã phát tán tài liệu có tiêu đề “Theo dòng sử Việt”, trong đó có nội dung xuyên tạc sự thật, phủ nhận ý nghĩa, nói xấu các cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, sự lãnh đạo của Chủ tịch  Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực ra đó chỉ là những chiêu trò chống phá quen thuộc, cũ rích mà thôi. Từ lâu nay, các thế lực xấu, thù địch đã đưa ra nhiều thông tin sai trái, như: Cách mạng Tháng Tám chỉ là sự “ăn may”, Việt Nam không cần khởi nghĩa thì cũng sẽ có được độc lập. Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản không có vai trò gì trong sự kiện lịch sử này.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thực tế lịch sử để bác bỏ những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống phá của các thế lực xấu.

Trước hết phải thấy rõ vai trò to lớn của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản trong Cách mạng Tháng Tám. Chính lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước cho cách mạng Việt Nam, đã trực tiếp sáng lập rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối chính sách đúng đắn, phù hợp. Người viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay anh chị em chúng ta phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng”.Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, Hồ Chủ tịch và Đảng ta đã biết tập hợp, rèn luyện lực lượng cách mạng, chớp thời cơ để giành thắng lợi. Chúng ta làm Cách mạng Tháng Tám như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Mục đích của Cách mạng Tháng Tám là gì? Là giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho Tổ quốc ta, cho nhân dân ta”. Vì vậy, chúng ta đã huy động được sức nạnh của toàn dân tộc, rèn luyện, phát triển lực lượng cách mạng to lớn qua các cao trào cách mạng các thời kỳ 1930 – 1931, 1936 – 1939 và 1939 – 1945. Trong đó có sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân được ghi dấu bằng sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22 – 12 – 1944 với chiến thắng Nà Ngần – Phai Khắt ngay sau đó, mở ra truyền thống bách chiến bách thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Hồ Chủ tịch và Đảng ta cũng kịp thời nắm bắt thời cơ quốc tế thuận lợi lúc đó, khi mà phát xít Đức, Ý, Nhật bị đánh bại và phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức cũng như lực lượng tiến bộ trên thế giới có sự phát triển tích cực, tạo thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Điều đáng quý là chúng ta đã biết tranh thủ thời cơ thuận lợi để phát động tổng khởi nghĩa giành thắng lợi bằng sức mạnh nội lực của mình để có được độc lập dân tộc. Nếu chỉ biết thụ động ngồi chờ thì độc lập dân tộc có là “quả ngọt trời cho” như quan điểm của các thế lực xấu đưa ra không? Chắc chắn là không. Bởi như Hồ Chí Minh đã xác định: Một dân tộc không xứng đáng được độc lập nếu chỉ biết ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ mà không biết tự lực cánh sinh… Do vậy, ngay trong Lời kêu gọi ngày 27 – 2 – 1930, Hồ Chí Minh đã viết: “Sự áp bức và bóc lột của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết”.

Và khi Cách mạng Tháng Tám đã thành công, Chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới ra đời lãnh đạo nhà nước cách mạng, thì chúng ta lại huy động sức mạnh cả dân tộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại hòng đô hộ nước ta một lần nữa. Để giành được độc lập, lập được Nhà nước cũng như giữ được độc lập, giữ được Nhà nước cách mạng, đã có biết bao cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng anh dũng chiến đấu, hy sinh xương máu. Xin nêu ví dụ như: Chỉ tính trong thời kỳ 1939 – 1945 đã có nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng bị địch bắt, tù đày, tra tấn đến chết hoặc bị địch xử bắn… Theo các Nghị quyết của Đảng vào những năm 1940, do sự khủng bố của kẻ thù mà Đảng bộ ở Trung kỳ, Nam kỳ và Bắc kỳ “bị thiệt thòi khá nhiều” và số lượng đảng viên “ít ỏi quá”. Chỉ tính từ năm 1930 đến 1945, đã có 14 đồng chí cán bộ cấp Trung ương của Đảng bị kẻ thù tra tấn đến chết hoặc giết hại, trong đó có 4 đồng chí là Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ và Lê Hồng Phong là Tổng Bí thư của Đảng. Chả lẽ như vậy lại là chuyện “ăn may”, là “quả ngọt trời cho” hay sao?

Ngày 17 – 9 – 1945, Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Trong một thời gian rất vắn, chúng ta đã phá tan chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm nay. Chúng ta đã đánh đổ cái nền thống trị của hai đế quốc chủ nghĩa Pháp và Nhật. Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta”.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục nêu rõ: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Không chỉ trong nước mà dư luận quốc tế bao nhiêu năm nay luôn coi trọng và đánh giá cao ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám. E. Cô – bê – lép, nhà báo, nhà sử học nổi tiếng người Nga từng viết: “Cách mạng Tháng Tám có quyền đi vào lịch sử của phong trào cách mạng thế giới như một trong những mẫu mực tuyệt vời về nghệ thuật cách mạng và sáng tạo cách mạng của quần chúng nhân dân do Đảng Mác – xit Lê – nin – nít lãnh đạo”. Thắng lợi vẻ vang, ý nghĩa to lớn, bài học kinh nghiệm quý báu mà Cách mạng Tháng Tám đem lại, đã, đang và sẽ mãi mãi là nguồn động viên cổ vũ để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này