Người nổi tiếng và trách nhiệm trên mặt trận phòng, chống suy thoái – Bài 2: Người nổi tiếng không thể “nhắm mắt mà đi”

 Người nổi tiếng và trách nhiệm trên mặt trận phòng, chống suy thoái – Bài 2: Người nổi tiếng không thể “nhắm mắt mà đi”

Nếu như trước đây, cùng với tài năng bẩm sinh, một cá nhân hay tập thể phải trải qua thời gian học tập, lao động, cống hiến, hy sinh… bền bỉ mới có thể trở thành người nổi tiếng (NNT), thì nay, trong nhiều trường hợp, sự nổi tiếng đến một cách nhanh chóng, nhất là trên thị trường giải trí.

Nhiều người trong các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, thời trang… nhờ công nghệ lăng xê đã nổi lên thành “ngôi sao” chỉ trong thời gian rất ngắn. Thực trạng này là môi trường phát sinh ngày càng nhiều mặt trái trong đội ngũ NNT. Trong đó, những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… là vấn đề rất đáng lưu tâm.

“Quyền lực mềm” và trách nhiệm xã hội

“Quyền lực mềm” (tiếng Anh là “soft power”) là một khái niệm do giáo sư người Mỹ Joseph Samuel Nye, Jr. ở Đại học Harvard đưa ra lần đầu tiên năm 1990. Thuật ngữ này hiện được sử dụng rộng rãi, nội hàm có sự bổ sung, điều chỉnh, phát triển ở những môi trường, lĩnh vực, giai đoạn khác nhau. Hiểu một cách khái quát, “quyền lực mềm” là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo ý mình. Ngược lại với “quyền lực cứng”, “quyền lực mềm” không mang tính ép buộc mà được thực hiện bằng cách tác động tới hệ thống giá trị của người khác, làm thay đổi cách suy nghĩ của người khác, qua đó khiến người khác mong muốn và làm theo điều mà mình mong muốn. “Quyền lực mềm” được thực hiện thông qua sự hấp dẫn và thuyết phục.

Với đặc điểm đó, NNT nắm giữ lợi thế vô cùng quan trọng khi sử dụng “quyền lực mềm”. Bằng sự nổi tiếng và tầm ảnh hưởng xã hội với lượng người hâm mộ đông đảo, NNT rất thuận lợi khi đứng ra kêu gọi, tập hợp sự chung tay, góp sức của cộng đồng trong các hoạt động xã hội. Ở nước ta hiện nay, có những NNT có lượng lớn người hâm mộ. Tài khoản cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội của họ thu hút sự theo dõi, tương tác của hàng triệu người, cả trong nước và quốc tế. Nhờ đó, khi họ thực hiện các hoạt động xã hội, có hàng vạn người tự giác, tự nguyện ủng hộ, tham gia.

Bài 2: Người nổi tiếng không thể “nhắm mắt mà đi”
Hàng loạt người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các nhãn hàng trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: Vietq.vn

Vợ chồng cựu danh thủ Công Vinh và ca sĩ, diễn viên Thủy Tiên là một dẫn chứng điển hình. Bằng sự ảnh hưởng, nhiệt huyết và trách nhiệm xã hội, những năm qua, họ đã thực hiện các hoạt động thiện nguyện ủng hộ, giúp đỡ đồng bào vùng lũ các tỉnh miền Trung với sự tham gia của đông đảo nhà hảo tâm, số tiền quyên góp lên đến hàng trăm tỷ đồng. Sức lan tỏa tinh thần thiện nguyện và hiệu quả hoạt động từ thiện xã hội từ những NNT như vậy là vô cùng lớn.

Hay khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nửa cuối năm 2021, sự tham gia của NNT trên các lĩnh vực đã tạo hiệu ứng xã hội rất mạnh mẽ. Bên cạnh hiệu quả huy động nguồn lực xã hội lên đến hàng trăm tỷ đồng phục vụ công tác phòng, chống dịch, đại đa số NNT đã thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, lan truyền năng lượng tích cực, tinh thần lạc quan, tạo động lực giúp người dân vững tin vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Sự tham gia tích cực, nhiệt huyết của NNT giúp cấp ủy, chính quyền, cơ quan Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác phòng, chống dịch; huy động các nguồn lực chăm lo an sinh xã hội, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới…

Đừng để ai “nhắm mắt mà đi”

Môi trường tự do, dân chủ, quyền tự do ngôn luận và sự ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc của công nghệ thông tin, internet hiện nay là điều kiện lý tưởng để NNT bộc lộ tài năng, thể hiện khát khao cống hiến. Tuy nhiên, sự thông thoáng và tiện ích, tiện lợi ấy cũng sinh ra ngày càng nhiều mặt trái của xã hội. Đặc biệt, với những người trẻ, sự nổi tiếng nhanh chóng mà theo cách nói của thị trường giải trí là “ngủ một đêm thức dậy thành sao” hay “chớp mắt thành sao”… khiến không ít người ngộ nhận năng lực, mắc bệnh “ngôi sao”, tự huyễn hoặc bản thân… Biểu hiện phổ biến của tình trạng này là những phát ngôn gây sốc, phản cảm, gây scandal trên mạng xã hội, tạo phong cách lập dị, sa ngã vào tệ nạn xã hội…

Từ sự lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử, một bộ phận cá biệt NNT đã bị các phần tử cực đoan, bất mãn, có tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước lợi dụng, lôi kéo, giật dây. Họ tham gia luận bàn, trả lời phỏng vấn các phương tiện truyền thông ở hải ngoại về các vấn đề chính trị của đất nước với kiểu lập ngôn võ đoán, phiến diện, cực đoan. Có trường hợp thậm chí còn phát ngôn kích động người dân tụ tập biểu tình chống đối Đảng, Nhà nước, cổ xúy các hành vi xuyên tạc của các đối tượng phản động lưu vong.

Chuyện một danh hài trẻ nổi tiếng ở phía Bắc là một ví dụ. Anh này giỏi nghề, diễn xuất tốt, thành công với nhiều vai diễn trên sân khấu, nhưng khi bàn về các vấn đề chính trị của đất nước thì đã để lộ “gót chân Achilles” là một người kém hiểu biết, lỗ mỗ kiến thức lý luận. Vì vậy, những phát ngôn gây sốc, phản cảm của anh bị nhiều đồng nghiệp đánh giá là “nói xằng bậy”. Vậy nhưng, vì anh là NNT nên mỗi lời nói, hành vi ứng xử đều có sự ảnh hưởng đến một bộ phận đông đảo khán giả và môi trường văn hóa không gian mạng.

Tương tự, có người là nhà khoa học, đạo diễn điện ảnh, nhà thơ, nhà văn, bác sĩ, doanh nhân nổi tiếng… cũng có lúc phát ngôn cực đoan, ngẫu hứng cá nhân, gây tổn hại đến niềm tôn kính lãnh tụ của nhân dân, ảnh hưởng đến mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, gây chia rẽ nội bộ, hoang mang dư luận xã hội…

Không ai phủ nhận, NNT là những người có tài, nhưng biển học là vô bờ, tri thức nhân loại là vô tận. Mỗi người chỉ có thế mạnh và thành danh ở lĩnh vực chuyên môn của mình. Lấy danh nghĩa của sự nổi tiếng để phát ngôn, luận bàn những vấn đề nằm ngoài khả năng bao quát và hiểu biết của mình để lập ngôn kiểu võ đoán, quy chụp là rất tai hại. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến nỗ lực làm trong sạch nội bộ của Đảng, cản trở công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo tâm lý bi quan, hoài nghi trong đời sống xã hội. Đó còn là cớ để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện chiến dịch tuyên truyền kích động, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.

Một nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ… nổi tiếng không có nghĩa là người đó có kiến thức uyên thâm, am hiểu tường tận về ngành điều tra, xét xử, nghiên cứu lịch sử… Việc luận bàn, phán xét những vấn đề đang được dư luận quan tâm khi bản thân mình không có chứng cứ, không có chuyên môn, suy diễn theo cảm tính gây hoang mang dư luận… hoàn toàn không mang ý thức xây dựng. Đó là kiểu lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lạm dụng “quyền lực mềm”, sa đà vào kiểu phản biện mang tính ngụy biện, ám chỉ, miệt thị… các tổ chức trong hệ thống chính trị, lèo lái dư luận theo hướng tiêu cực.

Những hành vi này nếu không kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục sẽ khiến cá nhân sa vào vết trượt suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, rất nguy hiểm. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ rõ: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Căn nguyên của những mặt trái này là do một bộ phận NNT thiếu tu dưỡng rèn luyện, hạn chế nhận thức lý luận chính trị, non kém bản lĩnh, dễ dao động, ngả nghiêng, bị tác động, lôi kéo từ những thành phần bất mãn, từ mặt trái của cơ chế thị trường… Một bộ phận người trẻ nổi tiếng một cách nhanh chóng bị hổng kiến thức chính trị-xã hội, thiếu nền tảng tư duy lý luận. Việc tổ chức học tập, giáo dục lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp đối với NNT chưa được các tổ chức, hội, đoàn, địa phương… quan tâm đúng mức. Hạn chế về lý luận chính trị, thậm chí là bị hổng nền tảng lý luận khiến một bộ phận NNT không xác định đúng đắn mục tiêu phấn đấu, định hướng lao động sáng tạo, cống hiến.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi…”. Người nhấn mạnh: “Phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi”… Với NNT hiện nay, nếu “nhắm mắt mà đi”, sự ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội rất khó lường. Các biểu hiện tiêu cực, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận NNT cũng từ đó mà ra.

Môi trường công nghệ số chính là đường băng cho NNT cất cánh bay cao, bay xa trong niềm tự hào dân tộc. Với “quyền lực mềm” đặc trưng, đặc biệt, NNT cần xác định rõ trách nhiệm xã hội, ý thức, bổn phận phòng ngừa suy thoái. Công tác quản lý, vai trò “bà đỡ” của các tổ chức hội, đoàn, hiệp hội… các cấp cần đặt trọng tâm phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ NNT, không để ai phải “nhắm mắt mà đi”…

(còn nữa)

THANH KIM TÙNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này