Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá đối với xăng, dầu ở Việt Nam
Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá đối với xăng, dầu ở Việt Nam
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Xăng, dầu có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - chính trị - xã hội. Sự thay đổi về giá xăng, dầu có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ hoạt động trong nền kinh tế quốc dân và đời sống dân cư. Bên cạnh đó, thị trường xăng, dầu nước ta thuộc dạng thị trường cạnh tranh không hoàn hảo nên vai trò của Nhà nước trong điều tiết giá xăng, dầu đóng vai trò quan trọng, không chỉ hướng tới xây dựng thị trường xăng dầu Việt Nam theo cơ chế thị trường, mà còn góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội cũng như bảo đảm sự hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước - người tiêu dùng - doanh nghiệp. Một chính sách điều tiết giá đa mục tiêu như vậy cũng là đặc thù của nước ta và là thách thức không nhỏ đối với cơ quan có thẩm quyền điều hành giá.
Thời gian qua, cùng với sự vận hành của nền kinh tế, công tác điều hành giá xăng, dầu trong nước đã từng bước chuyển mình theo cơ chế thị trường. Từ việc quy định một giá xăng, dầu áp dụng thống nhất cho cả nước đến cơ chế giá định hướng và nay là cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của nhà nước; từ chỗ nhà nước bù lỗ từ ngân sách chuyển sang doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh của mình. Đây là những chuyển biến có tính đột phá nhưng lại được tổ chức với bước đi thích hợp và với phương pháp tiếp cận hợp lý, đi từ thực tiễn khái quát thành chính sách để có tác động tốt nhất đến thực tiễn.
Đến nay, các chính sách quản lý vĩ mô về thị trường và cơ chế điều tiết giá xăng, dầu của Nhà nước đã góp phần làm thay đổi diện mạo thị trường xăng, dầu ở nước ta. An ninh năng lượng quốc gia thời gian qua được đảm bảo; nguồn cung xăng dầu đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của nhân dân, không xảy ra hiện tượng thiếu xăng, dầu trong bất kỳ tình huống nào. Hệ thống phân phối được mở rộng với 29 đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng, dầu được cấp phép và 176 thương nhân phân phối tham gia thị trường xăng, dầu. Giá xăng, dầu trong nước được điều hành công khai, minh bạch, bám sát tín hiệu giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng) trong trường hợp cần thiết, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội. Tâm lý người dân đã quen với việc điều chỉnh tăng/giảm giá xăng, dầu thường xuyên; hiếm thấy hiện tượng “té nước theo mưa” như trước đây.
So với Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP tiếp tục phát huy nguyên tắc thị trường đối với cơ chế điều hành giá xăng, dầu trong nước, đồng thời tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối; giảm độ trễ của giá xăng, dầu trong nước so với giá xăng dầu thế giới; minh bạch trong quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá; tạo cơ sở pháp lý cho việc điều hành giá xăng, dầu trong nước cơ bản được thực hiện nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đảm bảo chia sẻ hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã phát sinh nhiều nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn cụ thể hơn cho phù hợp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cộng với một số thay đổi về cơ chế, chính sách hiện hành, sự xuất hiện của yếu tố nước ngoài trong kinh doanh xăng dầu,... đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đánh giá lại toàn diện cơ chế điều tiết giá đối với mặt hàng xăng dầu.
Do vậy, việc nghiên cứu “Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá đối với xăng, dầu ở Việt Nam” nhằm đánh giá tổng thể cơ chế điều tiết giá xăng dầu của nước ta, từ đó kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện cơ chế điều hành giá đối với mặt hàng quan trọng, đặc thù này trong thời gian tới là việc cần thiết.
2. Mục tiêu nghiên cứu:
Đánh giá tổng thể cơ chế điều tiết giá xăng, dầu của nước ta, nhận diện những khó khắn thách thức; từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam trong việc hoàn thiện cơ chế điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu: Cơ chế điều tiết giá xăng dầu.
Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu giới hạn trong văn bản chuyên ngành, các quy định quản lý nhà nước về giá chung để làm rõ nguyên tắc, định hướng và mục tiêu quản lý nhà nước về giá của Đảng và Nhà nước.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã luận giải được một số vấn đề chung về quản lý nhà nước đối với xăng, dầu; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về cơ chế quản lý nhà nước về giá xăng, dầu từ đó rút ra bài học cho Việt Nam. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, đề tài đã chỉ rõ: (i) Hầu hết các quốc gia đều thực hiện cơ chế giá thị trường, doanh nghiệp được quyền chủ động quy định mức giá. Một sô ít quốc gia quy định giá trần hoặc thực hiện trợ cấp. Tuy nhiên, chính sách trợ cấp giá bán từ ngân sách nhà nước có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng về lâu dài lại không bền vững cả về mặt xã hội, kinh tế và môi trường. Do vậy các nước có nền kinh tế phát triển vẫn từng bước thực hiện cơ chế thị trường cho lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Nhà nước chỉ can thiệp trong những trường hợp bất thường. Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. (ii) Tại các nước, thông tin về giá xăng dầu được công khai, bảng hiệu tại các cửa hàng xăng dầu cũng có những yêu cầu cụ thể; (iii) Chính phủ các nước vẫn có những can thiệp vào thị trường xăng dầu thông qua các công cụ như thuế, sản lượng để đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước ở những thời điểm giá thế giới biến động bất thường; (iv) Đối với Việt Nam, nhiên liệu sinh học còn là vấn đề khá mới. Do đó, Việt Nam cần chú trọng những giải pháp đồng bộ như tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích của xăng E5 để người dân tin tưởng, yên tâm sử dụng; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, thực hiện tốt công tác quản lý phân phối, quy hoạch đảm bảo nguồn nguyên, nhiên liệu phục vụ xăng sinh học.
(2) Đề tài đã phân tích được thực trạng quản lý nhà nước về giá đối với xăng, dầu ở nước ta thời gian qua, đồng thời chỉ rõ những thách thức mà Việt Nam đang phải đổi mặt như: (i) Giá cơ sở hiện nay còn có phần mang tính hành chính. Các yếu tố hình thành giá cơ sở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; chu kỳ điều chỉnh giá thực hiện theo ngày công bố của cơ quan có thẩm quyền, không phải của doanh nghiệp; giá cơ sở là giá trần để tạo sự cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp nhưng thực tế giá bán của các doanh nghiệp đều bám sát giá cơ sở; quỹ BOG được sử dụng liên tục dễ gây hiểu nhầm là một hình thức “trợ giá”; (ii) Việc tính toán thuế theo phương pháp bình quân trong công thức tính giá cơ sở là lựa chọn tốt nhất hiện nay để phản ánh được mức thuế phù hợp trong điều hành giá xăng dầu. Tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết được căn bản vấn đề tồn tại nhiều mức thuế nhập khẩu khác nhau theo cam kết quốc tế; (iii) Mức chênh lệch giữa mức thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp đầu vào (cho xăng nền RON 92) và đầu ra (xăng E5) không được khấu trừ gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng, dầu đầu mối; (iv) Quy định thuế bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện nay chưa tính đến chất lượng xăng dầu.
(3) Đề tài đưa ra một số hàm ý chính sách hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá đối với xăng, dầu ở Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể: (i) Về ngắn hạn: tiếp tục điều hành giá xăng, dầu thông qua giá cơ sở và quỹ BOG; Sửa đổi bổ sung các quy định hiện hành để khắc phục những bất cập, tồn tại phát sinh. Quy định cụ thể áp dụng hóa đơn điện tử, bổ sung quy định về chuyển loại xăng, dầu trong kho ngoại quan; giảm số ngày dự trữ lưu thông,…(ii) Về dài hạn: cần nghiên cứu áp dụng cơ chế xăng, dầu theo hướng: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền không quy định giá cơ sở xăng, dầu; cơ chế điều tiết giá xăng, dầu được thực hiện tương tự như các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá khác; (iii) Kết hợp chính sách giá với bảo đảm an sinh xã hội; Quản lý và phát triển thị trường xăng, dầu theo hướng khuyến khích cạnh tranh và tăng cường năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu, cần có lộ trình mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường bán buôn, bán lẻ; Cần có quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu; những biện pháp nhằm hạn chế gian lận thương mại và lạm dụng thị trường; Tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và đấu tranh đẩy lùi hoạt động buôn lậu xăng dầu; xây dựng hệ thông tiêu chuẩn chất lượng, bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng ở mức cao hơn và cần bổ sung thêm chế tài và trách nhiệm liên quan đến tiêu chuẩn khí thải.
Nhận xét
Đăng nhận xét