“Sập bẫy” chiêu trò mua hàng khuyến mãi: Chuyện cũ, người mới

 “Sập bẫy” chiêu trò mua hàng khuyến mãi: Chuyện cũ, người mới


 Những món hàng gia dụng được bán với giá cao, không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn “dốc túi”, thậm chí là đi vay mượn để mua. Và rồi, đến khi các đối tượng “cao chạy xa bay”, người mua mới nhận ra mình đã “sập bẫy”.

Người dân thôn Bùi, xã Tiến Lộc với các sản phẩm mua từ chương trình khuyến mãi của nhóm người lạ

Chiêu trò mới

Những ngày gần đây về xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc nơi nào cũng nghe những lời bán tán, than vãn của nhiều người dân vì đã bỏ ra số tiền khá lớn để mua những mặt hàng gia dụng với giá cao ngất ngưởng, nhưng chất lượng lại không tương xứng.

Theo phản ánh của nhiều người dân, sáng 17-5, một nhóm người đến dựng rạp ở khu vực chợ Sơn, xã Tiến Lộc và phát tờ rơi mời người dân tới tham dự chương trình “Người nội trợ thông minh” vào 7 giờ 30 phút của Công ty TNHH thương mại BigC Châu Á có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh.

Những tờ rơi được phát ra nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người dân bởi thông tin hấp dẫn như: Khách hàng đến trước 7 giờ 30 phút sẽ được tặng 1 can nước giặt Paris 4 lít; khách hàng đến tham dự sau 7 giờ 30 phút sẽ được tặng 1 kg bột canh. Trên tờ rơi còn ghi rõ: “Dành cho phụ nữ từ 30 tuổi đến 70 tuổi, không dành cho trẻ em và các cụ trên 70 tuổi".

Với thông tin mời hấp dẫn, đông đảo người dân, đa phần là phụ nữ trên địa bàn xã và một số người ở xã lân cận đã đến tham gia chương trình. Trong khi chờ đợi để nhận những món quà nhỏ được gọi là “tri ân”, các bà, các mẹ được nhóm người này thuyết trình, giới thiệu về những công năng tuyệt vời của nhiều loại sản phẩm gia dụng, cùng với đó là những chương trình khuyến mãi hấp dẫn hoàn lại 100% tiền sản phẩm. Đến gần 11 giờ trưa, nhóm người này phát quà cho những người đến tham dự như thông tin trong tờ rơi. Đồng thời, chọn số ít người đăng ký mua để bán sản phẩm và sau đó thực hiện chiêu thức hoàn trả lại 100% số tiền như đã hứa.

Tất cả sản phẩm được nhận tại chương trình khuyến mãi của nhóm người lạ đều được người dân đánh giá là hàng kém chất lượng.

Được nhận quà miễn phí đúng như quảng cáo trên tờ rơi, và những tưởng sẽ được hoàn trả lại 100% số tiền mua hàng, nhiều người đã bỏ ra 50.000 đồng - 150.000 đồng để mua những tờ phiếu mua hàng (coi như tiền đặt cọc trước) để được mua sản phẩm. Sau khi đã thu hút được số đông người đăng ký mua hàng, khoảng 11 giờ 30 phút nhóm người này bắt đầu thu toàn bộ tiền mua sản phẩm của người dân, rồi ồ ạt phát sản phẩm và quà. Thời gian diễn ra sự việc từ lúc thu tiền đến khi phát xong sản phẩm và quà tặng kèm trong vòng 2 tiếng đồng hồ.

Theo lời kể của một số người trực tiếp tham gia mua hàng, cảnh tượng lúc thực hiện hoạt động mua bán này rất hỗn loạn, người này tranh cướp của người kia vì sợ không lấy được đồ, rồi sợ mất đồ. Ngay sau khi vừa phát hết số hàng hóa mà người dân đặt mua, lợi dụng lúc người dân đang lo kiểm tra và giữ đồ thì nhóm người này đã nhanh chóng lên xe ô tô “Cao chạy xa bay”. Lúc này người dân mới tá hỏa nhận ra mình chỉ được phát đồ chứ không được hoàn lại tiền như đã hứa.

Bà Hoàng Thị Lựu ở thôn Bùi, xã Tiến Lộc, cho biết: Nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt, bà đã đưa cho nhóm người lạ 4.150.000 đồng để đặt mua 2 sản phẩm, gồm: 1 nồi áp suất giá 3.600.000 đồng và 1 chảo chống dính giá 550.000 đồng. Những tưởng sau khi nộp tiền sẽ được nhận hàng và trả lại tiền, nhưng bà chỉ nhận được 2 sản phẩm đã đăng ký và 2 sản phẩm khuyến mãi tặng kèm chứ không được hoàn trả lại tiền. Đến lúc nhóm người lên xe ô tô đi mất, chúng tôi mới tá hỏa là mình đã bị lừa.

Hồ sơ pháp lý được nhóm người lạ nộp tại Công an xã Tiến Lộc.

Xác minh sự việc này, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc Hoàng Trọng Dần, cho biết: Vào sáng 13-5, đại diện Công ty TNHH thương mại BigC Châu Á có đến UBND xã trao đổi để xin mở một gian hàng giới thiệu sản phẩm tại khu vực chợ Sơn và xã đã giao cho Công an xã xử lý. Sau khi được Công an xã yêu cầu, đơn vị này đã trình đầy đủ hồ sơ pháp lý, nên xã phải giới thiệu họ đến tự làm việc, thỏa thuận với Ban Quản lý chợ Sơn. Sáng ngày diễn ra hoạt động chương trình khuyến mãi, Công an xã đã kiểm tra nắm bắt tình hình. Thời điểm buổi sáng, nhóm đối tượng chỉ giới thiệu các sản phẩm và tặng quà cho bà con Nhân dân, không có dấu hiệu vi phạm hay lừa đảo, nên chính quyền địa phương không thể kiểm tra. Tuy nhiên, đến buổi trưa, lợi dụng khoảng thời gian hết giờ làm việc hành chính, từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút, nhóm đối tượng đã thực hiện hoạt động giao dịch bán hàng. Khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường, khoảng 13 giờ 30 phút, Công an xã đã tham mưu cho UBND xã thành lập đoàn kiểm tra, gồm các thành phần: Công an xã, MTTQ và các đoàn thể xuống khu vực bán hàng để kiểm tra và tuyên truyền, vận động Nhân dân không tham gia mua hàng. Tuy nhiên, thời điểm 13 giờ 45 phút, khi đoàn kiểm tra xuống đến nơi thì nhóm đối tượng đã tháo chạy hết.

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Theo thống kê của UBND xã Tiến Lộc, trên địa bàn có khoảng 30 người tham gia mua hàng gia dụng của Công ty TNHH thương mại BigC Châu Á, với tổng số tiền mua hàng hơn 100 triệu đồng. Trong đó, có 2 người đã đưa tiền cho nhóm đối tượng, nhưng không được nhận hàng trong lúc hỗn loạn.

Sản phẩm nồi áp suất được người dân đánh giá kém chất lượng so với các sản phẩm của các nhãn hàng uy tín, song lại có giá cao gấp nhiều lần.

Biết đã “sập bẫy”, nhiều người dân vẫn hi vọng chỉ bị mua hàng giá cao, còn chất lượng sản phẩm vẫn tốt. Nhưng không, nếu so sánh về giá, sản phẩm bán ra của công ty này cao hơn rất nhiều lần so với sản phẩm cùng loại của các thương hiệu gia dụng nổi tiếng như SUNHOUSE, OKATASHI hay SHARP. Đơn cử như nồi áp suất mà người dân mua của nhóm công ty này có giá lên tới 3.600.000 đồng, trong khi với sản phẩm tương tự về mẫu mã, công suất, dung tích hãng SUNHOUSE bán giá dao động từ 900.000 đồng đến 1.000.000 đồng; của hãng SHARP bán dao động từ 800.000 đồng đến 900.000 đồng.

Chảo chống dính vừa được đưa vào sử dụng 1 lần đã bị bong tróc toàn bộ lớp chống dính. (Ảnh do người dân cung cấp)

Chưa dừng lại ở giá cao, điều khiến người dân phẫn nộ nhất là vấn đề chất lượng sản phẩm. Bà Ng Th T ở thôn Xuân Hội, xã Tiến Lộc, cho biết: Tôi bỏ ra hơn 4.000.000 đồng để mua 1 nồi áp suất, 1 chảo chống dính và cũng được tặng kèm 2 sản phẩm như nhiều người khác. Thế nhưng, nồi áp suất vừa đưa vào nấu đã thấy không những không giữ được nhiệt như các sản phẩm chính hãng cùng loại, đã thế phần được làm bằng chất liệu nhựa bị mềm, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong quá trình sử dụng. Còn chảo chống dính được mua với giá 550.000 đồng vừa sử dụng được 1 lần đã bong tróc toàn bộ lớp chống dính.

Thực tế cho thấy, hoạt động bán hàng khuyến mãi biến tướng với nhiều hình thức tinh vi nhằm mục đích lừa gạt, trục lợi đã diễn ra trên địa bàn tỉnh và phạm vi cả nước từ nhiều năm nay. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động này có phần bị hạn chế. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, khi các hoạt động kinh tế - xã hội chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, hoạt động bán hàng khuyến mãi lại bùng phát rầm rộ, với nhiều hình thức biến tướng tinh vi hơn. Mới đây, người dân các xã Xuân Lộc, Minh Lộc (Hậu Lộc)… cũng đã “dính bẫy” mua thực phẩm chức năng giá cao, chất lượng thấp, không sử dụng được. Trên địa bàn TP Thanh Hóa cũng diễn ra hoạt động bán hàng khuyến mãi tại một số địa điểm mà giấy mời “chỉ dành riêng cho người cao tuổi”.

Khi biết mình bị lừa, đa phần người dân quay sang đổ lỗi cho chính quyền địa phương đã tiếp tay, thậm chí bao che, dung túng cho các hoạt động này. Về phía chính quyền địa phương, ít nhiều đều nắm bắt được tính chất phức tạp và các chiêu trò bán hàng khuyến mãi khi bị biến tướng, nhưng phần lớn đang rất lúng túng trong việc xử lý.

Về vấn đề này, đại diện Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Doanh nghiệp (DN) được phép thực hiện các chương trình giới thiệu sản phẩm. Đây là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, với hoạt động mua bán sản phẩm phải được thực hiện tại các địa điểm mà DN đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, khi thực hiện các chương trình khuyến mãi, DN phải thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các điều khoản này đã được quy định rõ tại Luật Thương mại 2005.

Về phía chính quyền các địa phương, khi tiếp nhận các yêu cầu này, ngoài việc xem xét hồ sơ pháp lý của DN, chứng nhận tiêu chuẩn hàng hóa, cần yêu cầu DN xuất trình thông báo thực hiện chương trình khuyến mãi mà DN đã gửi đến Sở Công Thương theo quy định với chương trình khuyến mãi có mức hơn 100 triệu đồng. Theo tra soát tại hệ thống văn bản tiếp nhận của Sở Công Thương tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thanh Hóa thì Công ty TNHH thương mại BigC Châu Á chưa thực hiện thủ tục này.

Còn đối với vấn đề giá cả hàng hóa, tại khoản 1, khoản 2 Điều 11 Mục 2 Chương 1, Luật Thương mại 2005 nêu rõ: Giá cả hàng hóa do các bên tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.

Như vậy, trong quá trình thực hiện các chương trình bán hàng, nếu cả 2 bên thực hiện đúng theo nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại thì lực lượng chức năng và chính quyền địa phương không có quyền can thiệp.

Tuy nhiên, từ thực tế diễn ra trong nhiều năm, hoạt động bán hàng khuyến mãi “di dộng”, nhất là được thực hiện bởi các DN ngoài tỉnh, không có trụ sở, chi nhánh tại địa phương bị biến tướng vô cùng phức tạp. Với nhiều thủ đoạn tinh vi, được “cải biến” liên tục khiến người dân không kịp thích nghi. Nhiều chương trình còn vẽ ra các hình thức hoàn tiền, hay nhiều quà tặng để đánh vào lòng tham của người tiêu dùng. Để hạn chế thiệt hại khi “dính bẫy” này, mỗi người dân cần cảnh giác khi nghe quảng cáo các chương trình khuyến mãi “bất thường”. Đồng thời, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hóa đơn; đối chiếu, so sánh mã hàng hóa thực tế với chứng nhận tiêu chuẩn hàng hóa do DN xuất trình. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường giám sát trong thời gian DN thực hiện chương trình khuyến mãi. Bởi thực tế, nhiều nhóm đối tượng này thường thực hiện việc phát quà miễn phí ban đầu, sau đó lợi dụng hết giờ hành chính để ồ ạt bán hàng không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ rồi lên xe “tẩu thoát”.

Nguồn: baothanhhoa

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này