Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam
Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam
1. Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch thì việc nhận diện các loại quan điểm xuyên tạc, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đặc biệt quan trọng. Qua nghiên cứu có thể thấy các loại quan điểm chống phá sự lãnh đạo của Đảng hiện nay gồm: Loại tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng; loại xuyên tạc, phủ nhận Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng; loại xuyên tạc lịch sử Đảng; loại bôi nhọ cá nhân các lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng; loại lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm của Đảng để xuyên tạc bản chất Đảng; loại ca ngợi chủ nghĩa tư bản để phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đưa Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội… Trong đó, loại quan điểm xuyên tạc, phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng rất đa dạng, vừa hằn học trắng trợn vừa giả dối thâm hiểm, tập trung ở những vấn đề chính sau:
Thứ nhất, đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam
Cùng với nhiều văn kiện khác của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc… Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”[1]. Nhằm xuyên tạc, phủ nhận điều được khẳng định trên trong Cương lĩnh, các thế lực thù địch tập trung tung ra nhiều luận điệu đòi thực hiện đa đảng đối lập. Chúng phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu đổi mới về chính trị, “không chịu thực hiện đa nguyên chính trị, giữ độc quyền lãnh đạo”; rằng ở Việt Nam “không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ”. Các thế lực thù địch cho rằng, chế độ và thể chế chính trị một đảng duy nhất cầm quyền là mảnh đất tốt cho sự nảy sinh, dung dưỡng và phát triển tư tưởng, hành vi chuyên quyền, độc đoán, từ đó dẫn đến sự lộng hành quyền lực của bản thân đảng cầm quyền, gây mất dân chủ, làm rối loạn chính trị, bế tắc kinh tế, cản trở quá trình phát triển xã hội. Chúng quy kết “Độc tài, Đảng trị là cái gốc sai chính của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại” và “khuyên” “Đảng chỉ nên giữ vai trò lãnh đạo chính trị, không nên và không thể lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”. Các thế lực thù địch đòi Việt Nam phải sửa đổi Hiến pháp, xoá bỏ Điều 4, hiến định về Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội.
Không chỉ dừng lại với những luận điệu trên, họ còn thống kê, thổi phồng những hạn chế, thiếu sót cả về đường lối và chỉ đạo thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá khứ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, quản lý xã hội để minh chứng cho sự cần thiết “chấm dứt vai trò lịch sử của Đảng”. Chúng ra sức khai thác, lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tham nhũng, tha hoá, kích động nhằm tạo sự phân hoá sâu sắc trong Đảng, làm suy yếu sức mạnh đoàn kết trong Đảng và giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Chúng hô hào, khuyên khích đổi mới “triệt để”, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trắng trợn hơn, chúng đã ra sức xây dựng, nhen nhóm các tổ chức đảng đối lập phản động như cái gọi là “Đảng Việt Tân”, “Đảng Dân chủ”, “Đảng Dân chủ xã hội”…
Thứ hai, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đòi Việt Nam từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội
Trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay, vấn đề con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được Đảng ta xác định trong Cương lĩnh, đường lối luôn là một trong những chủ đề nóng bỏng nhất mà các thế lực thù địch tập trung công kích với những luận điệu ngang trái, giả dối và hằn học. Chúng cho rằng, chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, nên Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, là “đi theo vết xe đổ của Liên Xô”. Chúng lập luận thế giới đương đại là thế giới toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, hầu hết các nước trên thế giới đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, nên Việt Nam không thể giữ mãi định hướng xã hội chủ nghĩa; Việt Nam lựa chọn đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản là ngược, là trái với quy luật tự nhiên; không nên đi lên chủ nghĩa xã hội… Chúng tỏ ra “nuối tiếc”: giá như Việt Nam không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì đất nước không phải lâm vào mấy chục năm chiến tranh tàn khốc “nồi da xáo thịt” và kinh tế sẽ phát triển hơn. Do đó, chúng “khuyên” Việt Nam hãy từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa cũng chưa muộn. Các thế lực thù địch thẳng thừng đòi “Đảng Cộng sản Việt Nam tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hoà”[2].
Phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và khuyên Việt Nam từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội, họ lập luận rằng những nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, mặc dù có những hạn chế nhất định nhưng tốc độ phát triển kinh tế nhanh, những vấn đề xã hội, môi trường thường được giải quyết tốt hơn các nước đi theo chủ nghĩa xã hội. Còn các nước đi theo chủ nghĩa xã hội thường xảy ra tình trạng tham nhũng, quan liêu, độc đoán và chính tình trạng này đã cản trở xã hội phát triển lành mạnh. Chúng thường đồng nhất những yếu kém, hạn chế của chủ nghĩa xã hội hiện thực, hay những sai lầm, hạn chế của một số đảng cộng sản để minh chứng Việt Nam phải từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội.
Thứ ba, xuyên tạc, phản bác thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một trong những vấn đề rất quan trọng để định hướng sự phát triển kinh tế hiện nay ở Việt Nam và được khẳng định trong Cương lĩnh, đường lối phát triển kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, các quan điểm sai trái, thù địch lại lập luận kinh tế thị trường không thể đi cùng định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng cho rằng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được Đảng và Nhà nước ta nêu ra và thực hiện là “vẽ rắn thêm chân”, vì đã là kinh tế thị trường thì phải “tự do tuyệt đối”. Chúng còn cho rằng kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự “kết hợp miễn cưỡng” của thể chế kinh tế và thể chế chính trị, từ đó kêu gọi xoá bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước…
Thứ tư, bóp méo, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Họ cho rằng, dân chủ xã hội chủ nghĩa là phi dân chủ, bất chấp những gì Cương lĩnh đã ghi: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế của cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực.
Họ bóp méo tính chất dân chủ của Nhà nước ta – Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Các thế lực thù địch đưa ra quan điểm nhằm phủ nhận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng cho rằng đó là bộ máy chuyên chính, với cơ chế quyền lực thống nhất, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì không thể nào bảo đảm dân chủ thực sự được. Chúng đòi xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, đòi thực hiện cơ chế tam quyền phân lập trong bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Thứ năm, phủ nhận Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội và Công an
Trong các văn kiện nghị quyết và Cương lĩnh của Đảng đều nhất quán khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Đó là nguyên tắc bất di, bất dịch để bảo đảm cho Quân đội và Công an luôn luôn là lực lượng “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu”[3]. Tuy nhiên, các quan điểm sai trái, thù địch luôn tập trung mũi nhọn đòi “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang, yêu cầu Quân đội và Công an phải đứng ngoài chính trị; phủ định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và Công an. Chúng lập luận: việc tổ chức ra lực lượng vũ trang chỉ là để bảo vệ lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia. Bởi thế, Quân đội, Công an phải trung lập, đứng ngoài chính trị, không phải chịu sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái nào… Từ đó, chúng “khuyên” Quân đội và Công an chỉ nên đứng ngoài cuộc đấu tranh chính trị của các đảng phái nhằm giành quyền kiểm soát các cơ quan quyền lực nhà nước…
Những quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam rất đa dạng. Đằng sau tất cả những luận điệu ấy, chúng không ngoài mục đích hàng đầu và quan trọng nhất là làm suy yếu, đi đến phủ nhận vai trò lãnh đạo và loại bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi tiến trình phát triển của dân tộc. Đó chính là mưu đồ hết sức thâm độc, nham hiểm và trắng trợn của chúng. Vì thế, đòi hỏi chúng ta cần phải có những giải pháp phù hợp đấu tranh có hiệu quả chống các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng.
2. Giải pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam
Đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận chống các quan điểm sai trái, thù địch là cuộc đấu tranh rất lâu dài và đặc biệt khó khăn. Chúng ta phải nhận thức đây là cuộc đấu tranh của những người cộng sản kiên trung chống lại cuộc chiến không khói súng nhưng rất hiểm độc của các thế lực thù địch. Tiếp tục quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 22/10/2018, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, đặt ra phải tăng cường đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Ðảng. Theo đó, trong tình hình hiện nay cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:
Một là, nâng cao cảnh giác, nhận diện đúng các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng
Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng, không chỉ trực diện chống lại những quan điểm phản động, thù địch mà phải nghiên cứu, nhận dạng đúng nhằm phê phán cả những ý kiến, trào lưu cơ hội, xét lại “tả” khuynh và “hữu” khuynh. Như V.I. Lênin đã nhận định: Đặc điểm của tất cả chủ nghĩa cơ hội hiện đại trong mọi lĩnh vực là nó mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không thể hiểu được… Thực tế, trong thời gian qua, ở nước ta vẫn còn tình trạng thiếu cảnh giác, nhận thức không đúng, nhận diện không chính xác các quan điểm sai trái, thù địch do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản xuyên suốt là bởi chúng ta chưa làm tốt công tác giáo dục ý thức cảnh giác, chưa tuyên truyền sâu rộng trong xã hội; phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch chưa trở thành động lực bên trong thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia. Vì thế, để đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng hiện nay có hiệu quả cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục, nâng cao cảnh giác và nhận diện đúng quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Ở mỗi thời kỳ, nội dung, hình thức, lực lượng, phương tiện, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với Cương lĩnh, đường lối của Đảng là không giống nhau và ngày càng tinh vi, che giấu thâm hiểm. Do vậy, trong nhận diện các quan điểm sai trái, đòi hỏi chúng ta cần nhận rõ mục đích, âm mưu, thủ đoạn, lực lượng, phương tiện mà các lực lượng phản động, cơ hội chính trị sử dụng để phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Cùng với đó, phải tiến tới nắm rõ nhân thân, sở trường, sở đoản của những kẻ có tư tưởng thù địch, cơ hội chính trị; mục đích cụ thể, mục đích lâu dài, cơ sở tư tưởng, nguồn gốc phát sinh, phát triển của những luận điệu chống phá mà họ sử dụng. Hơn nữa, những nội dung này cần sớm phổ biến kịp thời tới các lực lượng tham gia đấu tranh.
Hai là, phải nắm chắc các nguyên tắc cơ bản trong quá trình đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng
Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng là cuộc đấu tranh do nhiều lực lượng tham gia, với nhiều hình thức, biện pháp. Do vậy, quá trình đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng phải giữ vững các nguyên tắc cơ bản: 1). Đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam để đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch. 2). Phân biệt rõ quan điểm thù địch, quan điểm sai trái và xét xem chúng thuộc loại nào, trên cơ sở đó có các phương pháp đấu tranh, phê phán cụ thể, phù hợp, hiệu quả. Với các quan điểm thù địch, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống lại, bác bỏ toàn diện, triệt để trên nhiều phương diện lý luận, pháp lý, lịch sử, khoa học, thực tiễn. Với những quan điểm sai trái do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ cần có phương thức đấu tranh phù hợp, có lý, có tình để thuyết phục. 3). Vận dụng linh hoạt nguyên tắc khách quan, khoa học trong đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái, thù địch. 4). Quán triệt nguyên tắc dân chủ trong đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái, thù địch.
Ba là, tổ chức, xây dựng lực lượng tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng
Phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng là một mũi nhọn tiến công trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đây là một chiến lược được thực hiện công phu, có lộ trình chặt chẽ nhưng sẽ không có “đất diễn” nếu chúng ta có sự cảnh giác, biết tổ chức, xây dựng lực lượng, chủ động “phòng” từ xa, với nhiều tầng, nhiều lớp và kiên quyết đấu tranh “chống”. Quá trình đấu tranh trong thời gian tới cần quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm của Đảng: tích cực, chủ động tiến công; phải kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện thụ động, bị động. Vì thế, cần có sự tổ chức chặt chẽ lực lượng đấu tranh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới cơ sở. Từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xuống tới các cấp uỷ Đảng ở cơ sở; từ Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tới các ban, bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội đều có nhận thức thống nhất, đồng tâm hiệp lực cùng tích cực, chủ động phòng và chống. Tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các lực lượng, các phương tiện trên mọi mặt trận chính trị, kinh tế, văn hoá, đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các tổ chức, động viên đông đảo các tầng lớp cùng tham gia, tạo ra hiệu ứng rộng lớn và mạnh mẽ, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch nói chung và những quan điểm sai trái, lệch lạc phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng nói riêng.
Do đặc thù của đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng đòi hỏi trước hết và quyết liệt nhất là phải đấu tranh trực diện phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, phản động, đặt ra phải phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng nòng cốt, bảo đảm cho lực lượng này thực sự “tinh nhuệ”, “thiện chiến”; giữ vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh. Chính vì thế, phải tập trung xây dựng lực lượng này thực sự tiên phong, có dũng khí đấu tranh, có quyết tâm cao, kiên trì, bền bỉ, dũng cảm, nêu cao tính đảng, tính chiến đấu, tính khoa học, nhạy bén và sắc sảo trong đấu tranh. Theo đó, phải chú trọng xây dựng và phát huy hơn nữa các lực lượng như: nhà trường, học viện, viện nghiên cứu; biên tập viên, phóng viên báo, tạp chí, cơ quan phát thanh, truyền hình… nhất là đội ngũ cán bộ khoa học xã hội và nhân văn, giữ vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh này. Đặc biệt, phải tìm chọn, tập hợp một số nhà khoa học, lý luận có nhiệt huyết, dũng khí, bản lĩnh chính trị và chuyên môn cao, có năng lực đấu tranh để bồi dưỡng, định hướng, giao nhiệm vụ cụ thể, làm nòng cốt, “mũi nhọn”, quyết định chất lượng, hiệu quả của cuộc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị
Để chống lại các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng có hiệu quả, đòi hỏi cấp bách hiện nay là phải tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định nhất.
Mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên nhận thức đúng việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, người đứng đầu với các nội dung, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình là một trọng điểm của công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Trên cơ sở đó, xác định quyết tâm chính trị và chuyển thành trách nhiệm trên thực tế, thông qua công tác tổ chức thực tiễn, không chỉ hô hào chung chung, nói không đi đôi với làm. Theo đó, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải xác định chống các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm, là lương tâm của mình trước Đảng, trước vận mệnh đất nước và trước nhân dân. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu không chỉ thường xuyên đưa nội dung lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề đó vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của tổ chức đảng và chương trình công tác hằng tháng, hằng năm của người đứng đầu mà cần có những nghị quyết chuyên đề, những chương trình “trọng điểm”, những kế hoạch “đặc biệt”, “chuyên sâu”. Trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và việc chỉ đạo của người đứng đầu phải bảo đảm tính toàn diện, tính cụ thể và tính tổng thể, kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác chính sách. Thường xuyên chú trọng việc kết hợp đấu tranh chống lại các luận điệu phản động, sai trái với tích cực ngăn ngừa và khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở mọi lúc mọi nơi. Kịp thời xử lý các trường hợp nói, viết và làm trái Cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết của Đảng.
Nhận diện và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Học viện Chính trị có vai trò rất quan trọng đào tạo, bồi dưỡng chính ủy, giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự mẫu mực, sắc sảo và nhạy bén trong nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Qua đó, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” các thế lực thù địch, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình mới./.
Thiếu tướng VŨ ĐỨC LONG
Phó Chính ủy Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng)
Nhận xét
Đăng nhận xét