Mượn danh xưng “đảng viên” để thăng quan, tiến chức
Mượn danh xưng “đảng viên” để thăng quan, tiến chức
Trong suy nghĩ của không ít người, phải vào Đảng mới có cơ hội thăng quan tiến chức; vào Đảng giờ đây gắn liền với quyền lợi, lợi ích, công danh sự nghiệp”.
Có chi bộ tốt, đảng viên tốt làm nền móng vững chắc cho sức mạnh của Đảng, tuy nhiên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng xu thế toàn cầu hóa, chỉ vậy là chưa đủ, mà Đảng phải hội tụ được trí tuệ, bản lĩnh mới có thể đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay đó là phải chọn được quần chúng ưu tú đưa vào Đảng và thực hiện bố trí những cán bộ có tâm, có tầm tham gia cấp ủy các cấp.
Nhiều chuyên gia về xây dựng Đảng cho rằng, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bằng sự cố gắng học tập, rèn luyện nghiêm túc đạo đức cách mạng đã giúp cán bộ, đảng viên của Đảng luôn vững vàng trong mọi thử thách. Hàng nghìn đảng viên bị địch bắt, tù đầy, phải chịu những hình thức tra tấn dã man nhất, kinh hoàng nhất nhưng họ luôn tâm niệm sống theo Đảng, chết không rời Đảng, thà chấp nhận hy sinh chứ không bao giờ trở thành kẻ phản bội. Lúc đó, khi nghĩ đến danh xưng “đảng viên”, nhân dân luôn tin rằng, đó là những người can đảm nhất, ít vụ lợi nhất, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân.
Vậy mà hôm nay, trong suy nghĩ của không ít người, phải vào Đảng mới có cơ hội thăng quan tiến chức; vào Đảng giờ đây gắn liền với quyền lợi, lợi ích, công danh sự nghiệp. Thực trạng này được Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tiến, nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí tuyên truyền chỉ rõ: đảng viên vào Đảng nhưng sau đó thoái hóa, đó là những kẻ cơ hội. Đặc biệt ngày hôm nay, chúng ta quan tâm đến cơ hội chính tri, vào Đảng theo cách nói của Bác Hồ, không phải để làm quan, làm giàu; nhưng do một số người vào Đảng để có một chức vụ nào đó, để từ đó họ trở thành những kẻ tha hóa hay nói cách khác, họ chưa hề có một chút nào khái niệm về việc rèn luyện bản lĩnh chính trị mà đã được đứng trong đội ngũ của Đảng.
Thực tế hiện nay có một số người chưa quan tâm nhiều đến lý tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng nhưng tìm mọi cách để vào Đảng với mục đích vụ lợi cá nhân, từ đó chui sâu, leo cao. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng đảng viên đông nhưng không mạnh. Để Đảng vững mạnh từ gốc, phải chọn cho được quần chúng ưu tú đưa vào hàng ngũ của Đảng, kiên quyết không để lọt những kẻ cơ hội, những người không đủ phẩm chất, đạo đức hay những người thuộc thành phân tư duy theo lối cũ, cơ hội chủ nghĩa đứng trong hàng ngũ của Đảng.
GS-TS Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải đổi mới được thành phần đảng viên, thay thế được thành phần suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tư duy theo lối cũ, cơ hội chủ nghĩa, tư duy theo lối vào Đảng để có chức có quyền, tư duy theo lối vô trách nhiệm, chỉ biết giữ chức vụ, còn trách nhiệm đổ cho người khác, tranh công đổ lỗi… để tạo ra thế hệ đảng viên mới có chất lượng hoàn toàn khác, đáp ứng điều kiện mới như Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường định hướng XHCN, cách mạng công nghệ 4.0, hội nhập toàn diện, sâu rộng…
Nhắc lại những vụ việc, những con số tổ chức đảng và đảng viên bị thi hành kỷ luật gần đây, trong đó có nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, PGS-TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, đó là bài học đau sót trong công tác quản lý đảng viên và đề bạt, bố trí cán bộ.
“Chúng ta đã lựa chọn nhầm, để lọt vào cấp ủy một số cán bộ suy thoái khiến bộ máy công quyền có chỗ bị hẫng hụt, tính nghiêm minh, kỷ cương, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị không còn. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đảng viên nói chung, thì cũng phải có những cán bộ, đặc biệt cán bộ cấp chiến lược thực sự đủ tầm vóc, bản lĩnh, trí tuệ để gánh việc nước, việc dân. Nếu chọn đúng người, đặt đúng chỗ, sẽ tạo ra bước đột phá mới để đưa đất nước phát triển mạnh hơn”- PGS-TS Lê Văn Cường trăn trở.
TS Cường cũng cho rằng, trong 10 nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chỉnh đốn Đảng từ Đại hội XII đến Đại hội XIII đã nêu rất đầy đủ. Nên tập trung vào công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.
Chưa lúc nào trách nhiệm đặt lên vai những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng lại nặng nề như lúc này. Đảng ta không thiếu những người đủ đức muốn cống hiến cho dân tộc, nhân dân, điều quan trọng là khâu lựa chọn nhân sự phải kỹ lưỡng, chặt chẽ với tinh thần chí công vô tư, vì sự nghiệp chung.
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới để sau Hội nghị Trung ương lần này, chúng ta có bước chuyển biến, tiến bộ mới, thực chất, mạnh mẽ, hiệu quả, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng ta theo đúng tinh thần tư tưởng của Lê-nin “Thà ít mà tốt”; “những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần!”./.
Sỹ Lý/VOV1
Nhận xét
Đăng nhận xét