Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn
Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn
Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn
Nhân Văn
Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 – 19/5/2022) trong không khí tràn ngập niềm tin vui: Đại dịch Covid-19 đã được đẩy lùi, cả nước hân hoan ta bước vào cuộc sống bình thường mới; ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo mà Chính phủ đã đề ra.
Chúng ta có thêm niềm vui mới khi xã hội ta tràn ngập không khí mát lành vì Hội nghị Trung ương 5 khá XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp. Tại Hội nghị này, Đảng ta đã có nhiều quyết định quan trọng mang tính đột phá về phát triển kinh tế – xã hội, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; kinh tế tập thể và cùng nhiều quyết sách quan trọng về đất đai, chứng khoán, bất động sản; về đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm”, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Hội nghị còn có những quyết sách quan trọng về đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo thêm các nguồn lực và động lực mới để nhân dân ta có thêm niềm tin vui, đất nước ta sớm trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ.
Thế nhưng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động lại không nghĩ như thế. Chúng đang vào hùa với nhau, viết bài, tung tin bịa đặt, tán phát thông tin xấu, độc trên trang mạng xã hội, không những cố tình xuyên tạc kết quả Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, mà còn “mượn gió bẻ măng”, tung tin nhảm nhí, bịa đặt những câu chuyện hoang đường nhằm nói xấu, “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh” nhân dịp ngày sinh của Người.
Âm mưu, thủ đoạn của chúng thật “phi nhân tính”; hành động của chúng thật đáng trách chê. Chúng không những phao tin đồn nhảm để “tạo sóng”, gây “bão dư luận” trong xã hội ta nhằm xuyên tạc thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến vĩ đại của Bác cho nước, cho dân, mà còn chúng vu cáo, buộc tội Người đã “du nhập chủ nghĩa Mác – Lênin, một học thuyết ngoại lai vào Việt Nam, làm cho dân tộc ta lạc hậu, không thể phát triển”.
Hơn thế, chúng cho rằng Hồ Chí Minh không có tư tưởng gì, không có cống hiến cho dân tộc. Hoạt động của Hồ Chí Minh gây ra thảm cảnh “nồi da xáo thịt” suốt mấy chục năm. Cùng với đó, chúng còn đỗ lỗi cho Hồ Chí Minh đã gây ra hai cuộc chiến tranh thảm khốc làm cho hàng triệu người dân Việt Nam phải bỏ mạng; rằng “Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa”, “đi theo con đường của Hồ Chí Minh và lấy tư tưởng Người làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động là sai lầm, là đi vào ngõ cụt”[1].
Những giọng điệu lạc lõng, sự xuyên tạc tư tưởng, đạo đức, phong cách, tấm gương Hồ Chí Minh, những cống hiến vĩ đại của Người cho dân, cho nước làm cho quân và dân ta chạnh lòng, thêm căm giận chúng. Song chính điều ấy lại khẳng định rõ hơn tầm vóc, giá trị, ý nghĩa cuộc đời, sự nghiệp và sự hiến dâng trọn vẹn cuộc đời đáng trận trọng của Bác đối với các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau. Kỷ niệm Ngày sinh nhật của Bác Hồ kính yêu và có cơ sở vững chắc nhằm phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, bôi nhọ Bác Hồ, chúng ta khắc ghi những cống hiến vĩ đại của Bác trên các khía cạnh sau đây.
Khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam, thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi có nắm chắc tư tưởng Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta mới hiểu thấu đáo đường lối cách mạng Việt Nam; mới có niềm tin, động lực nghiên cứu, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thấm nhuần sâu sắc quan điểm, phương pháp cách mạng của Người, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; tinh thần vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ của cán bộ, chiến sĩ, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Từ đó, thấy rõ giá trị và ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh về soi đường, định hướng cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Đây là cơ sở lý luận – thực tiễn vững chắc để chúng ta vững vàng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và cống hiến vĩ đại của Người cho dân, cho nước nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Cần thấu triệt sâu sắc rằng, trong tư tưởng của Người, giải phóng dân tộc là vấn đề trên hết, trước hết; là tinh hoa tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, giải phóng dân tộc là tiền đề tiên quyết để giải phóng giai cấp, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Theo Người, cách mạng giải phóng dân tộc là cách mạng do nhân dân các nước thuộc địa bị nô dịch tiến hành nhằm lật đổ ách thống trị của quân xâm lược, giành lại độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, quyền sống làm người. Mục tiêu cơ bản, xuyên suốt, lâu dài của cách mạng giải phóng dân tộc là lật đổ ách thống trị của quân xâm lược và bọn tay sai bán nước; xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, cơm no, áo ấm cho mọi người dân; đưa người dân nô lệ trở thành chủ nhân đất nước, thực hiện khát vọng của Người “đem lại cơm no, áo ấm cho đồng bào tôi”.
Thắng lợi to lớn của cách mạng Viêt Nam đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng; là cơ sở lý luận – thực tiễn vững chắc để đấu tranh phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch khi chúng cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vay mượn, chắp vá, kéo dài chủ nghĩa Mác – Lênin hay “nhập khẩu cách mạng”.
Điều mong muốn và là khát vọng cháy bỏng, trở thành lẽ sống của Người chính là thực hiện cho được mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Điều này đã được Người nhiều lần nhắc tới trong các bài nói chuyện cũng như các bài viết của mình là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[2]. Đó là điều giải thích rõ ràng vì sao tư tưởng của Người lại là một nội dung đặc biệt quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Khẳng định đạo đức cách mạnglà cống hiến đặc biệt quan trọng của Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc với tinh hoa văn hóa, đạo đức nhân loại; trong đó đạo đức học Mác – Lênin chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa quyết định bản chất đạo đức cách mạng. Theo Người, muốn thắng cái ác, phải dùng cái thiện; muốn nhân dân có cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc phải diệt ác, trừ tà; muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công nhất định phải có con người mới xã hội chủ nghĩa. Con người mới cần phải có đạo đức mới, cũng như cách mạng cần phải có đạo đức cách mạng.
Theo Hồ Chí Minh, đạo đức là gốc, nền tảng của người cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thi dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người làm một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa, thì còn làm nổi việc gì”[3].
Theo Hồ Chí Minh, đạo đức là sức mạnh của con người, làm cách mạng là một công việc to lớn, vô cùng khó khăn, phức tạp nên đòi hỏi người cách mạng càng phải có đạo đức, luôn nâng cao đạo đức cách mạng. Bởi vì, có đạo đức cách mạng thì cán bộ, đảng viên và người dân dù gặp khó khăn, gian khổ và thất bại cũng không lùi bước, không nản lòng; khi cần thì sẵn sàng hi sinh cho cách mạng. Như vậy, đạo đức là một đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa, là thước đo phẩm chất nhân cách của mỗi người, là sức mạnh vô cùng to lớn để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là một nội dung cấu thành đặc trưng tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhấn mạnh vai trò của đạo đức cách mạng, Người viết: “Mọi việc thành hay là bại chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”[4].
Rõ ràng là, đạo đức cách mạng thể hiện ở sự quyết tâm suốt đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỹ luật kỷ cương của Đảng, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết và trước hết. Tự nguyện phấn đấu, hy sinh, vì nước vì dân; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nói cách khác, đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; luôn hòa mình vào phong trào cách mạng của nhân dân, tin yêu, kính trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Cùng với đó, Người cũng chỉ rõ tư cách người cách mạng nhất thiết phải có những đức tính tốt như nhân, nghĩa, chí, dũng, liêm. Khái quát lại người cách mạng có 4 phẩm chất cơ bản, đó là: (1) Trung với nước, hiếu với dân; (2) Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; (3) Thương yêu con người sống có tình có nghĩa; (4) Có tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, thủy chung.
Người khẳng định: cần, kiệm, liêm là cái gốc của chính; nó như một cây cần có gốc, dễ, hoa, quả mới là hoàn toàn. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ và người dân cần phải có đủ bốn phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính thì mới hoàn thiện. Đây là bốn đức tính cần có của “Bộ đội Cụ Hồ” và mỗi người dân – một lẽ tự nhiên như bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông của trời, bốn phương: đông, tây, nam, bắc của đất. Nó là thước đo phẩm chất nhân cách của mỗi người nên thiếu một đức thì không thành người; thiếu một phương thì không thành trời. Điều đó đặc biệt cần thiết với mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng vì họ là những người có chức, có quyền, nếu thiếu lương tâm thì dễ sinh bệnh đục khoét, vơ vét của công biến thành của riêng.
Chí công vô tư là khi làm bất cứ công việc gì dù nhỏ hay lớn đừng bao giờ nghĩ đến lợi ích của mình trước; khi hưởng thụ thì cũng nên đi sau, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, đó là hết lòng hết sức vì Đảng, vì nước, vì dân.
Vì vậy, đạo đức cách mạng đối lập với chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm và các căn bệnh khác. Chủ nghĩa cá nhân là một căn bệnh đặc biệt nguy hiểm cho Đảng và dân tộc. Nhấn mạnh nguy hại của bệnh chủ nghĩa cá nhân cho Đảng, cho dân tộc, Hồ Chí Minh viết: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân[5].
Trong xây dựng nền đạo đức mới xã hội chủ nghĩa, Người nhấn mạnh “xây” đi đôi với “chống” vì cán bộ, đảng viên cũng là con người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Trong Đảng và mỗi con người, vì những lý do khác nhau, “không phải người người đều tốt, việc việc đều hay” vì “Đảng ta không phải trên trời sa suống. Nó ở trong xã hội mà ra.
Người chỉ rõ “đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, sa hoa”[6]. Vì vậy, chúng ta phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, trước mọi cái xấu, cái đê tiện, bỉ ổi, thấp hèn đều phải chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu, phải chiến thắng nó. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người “đánh thắng mọi kẻ thù là vẻ vang nhưng đánh thắng lòng tà đạo là kẻ thù trong mình, “thứ giặc nội xâm” còn vẻ vang hơn”. Với ý nghĩa đó, chúng ta có quyền tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân ta anh hùng. Ai đó cố tình nhắm mắt, làm ngơ, coi thường và phủ nhận những cống hiến vĩ đại của Bác Hồ đối với dân, với nước, người đó không có trái tim, không còn lương tri của một con người, sai cả pháp lý và đạo lý. Những kẻ như thế không xứng đáng mang danh con người, còn tồn tại nhưng hoàn toàn không có hạnh phúc, vừa đáng trách, vừa đáng thương. /.
Nhận xét
Đăng nhận xét