Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Mới đây, một triển lãm tranh về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được yêu cầu tạm dừng trưng bày, chờ thẩm định đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề tự do sáng tác, phản ánh lịch sử, cái tâm, cái tài của nghệ sĩ…
Tranh luận thẳng thắn, đa dạng quan điểm là điều hết sức bình thường, minh chứng sống động cho sự cởi mở, sức sống của đời sống văn học-nghệ thuật (VHNT) hiện nay. Những vấn đề tranh luận vượt ra ngoài khuôn khổ triển lãm tranh kể trên vốn không có gì mới trong VHNT.
Để “gỡ rối” cho nhiều vấn đề, thiết nghĩ chúng ta cần phải bám vào đặc trưng cơ bản, có tính quy luật của VHNT, đó là tác phẩm phải chứa đựng giá trị chân, thiện, mỹ. Đây là những giá trị phổ quát, bảo đảm cho tác phẩm VHNT có sức sống lâu bền, neo đậu trong tâm trí bao thế hệ.
Trừ một số loại hình sao chép y nguyên hiện thực như phim tài liệu, nhiếp ảnh, các loại hình VHNT còn lại chỉ là mô phỏng, tái tạo hiện thực. Văn nghệ sĩ thực chất là sáng tạo dựa theo cảm quan cá nhân, như câu nói nổi tiếng của danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso: “Tôi không vẽ cái tôi thấy, tôi vẽ cái tôi nghĩ”. Tài năng nghệ thuật của mỗi văn nghệ sĩ là khác nhau, nhưng đều được dẫn dắt bằng suy nghĩ, tư duy xuất phát từ tâm tính sáng tạo của mỗi người.
Văn nghệ sĩ hiện nay được tự do bày tỏ quan điểm, thể hiện tài năng nghệ thuật, miễn không vi phạm những điều pháp luật cấm. Tuy nhiên, ngay cả những điều pháp luật không cấm, văn nghệ sĩ cũng cần cân nhắc liệu tác phẩm của mình có tác động xấu đến xã hội, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi, uy tín, danh dự của cá nhân, cộng đồng hay không.
Ngày 7-5-1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. Ảnh tư liệu. |
Giá trị, tầm vóc lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Hình tượng anh dũng tuyệt vời của các chiến sĩ Điện Biên dưới tài chỉ huy mưu lược, sáng tạo, quyết đoán của Người Anh Cả Quân đội ta-Đại tướng Võ Nguyên Giáp-đã ghi tạc vào tâm khảm nhân dân Việt Nam gần 70 năm qua. Việc thể hiện hình tượng chiến sĩ Điện Biên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách thiếu chân thực, phản cảm, không phải trên tư thế chính nghĩa, thiếu đi tính chất sử thi của chiến thắng đương nhiên khiến công chúng không khỏi nghi ngờ cái tâm của họa sĩ trong trường hợp cụ thể này.
Rất nhiều ý kiến công chúng thể hiện sự bất bình trên các trang mạng xã hội (cá nhân) của chính mỗi người và trên cả trang cá nhân của họa sĩ sáng tác là “hồi chuông” cảnh tỉnh, nhắc nhở văn nghệ sĩ không nên và không được bôi đen lịch sử một cách ác ý, bóp méo nhân vật lệch chuẩn giá trị chân, thiện, mỹ vốn được cộng đồng thừa nhận.
Văn nghệ sĩ dù ở bất cứ xã hội nào, trước hết phải là một công dân có ý thức trách nhiệm với xã hội. Không ai được tách mình ra khỏi xã hội, những quy ước, quy định của xã hội. Không thể nhân danh tự do sáng tạo, đề cao cái tôi sáng tạo bằng thể nghiệm thiếu ý thức trách nhiệm, thích gì làm nấy. Văn nghệ sĩ trước hết phải xem lại cái tâm của mình đối với đất nước và nhân dân.
Khoảng 200 năm trước, đại thi hào Nguyễn Du từng viết trong đoạn kết kiệt tác “Truyện Kiều”: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Thiện căn, cái tâm là bản chất của con người, sứ mệnh của VHNT muôn đời làm phát sáng bản chất đó. Nếu sáng tác của văn nghệ sĩ không từ cái tâm trong sáng, tác phẩm VHNT không gắn với lợi ích của con người và đất nước mà chỉ thể hiện cái tôi sáng tạo vị kỷ, thậm chí vì mục đích xấu, thiếu đi phẩm chất chân, thiện, mỹ, tác phẩm ấy sẽ bị quên lãng theo dòng chảy của thời gian.
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG
Nhận xét
Đăng nhận xét