Về tính tất yếu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta
Về tính tất yếu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước
Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chỉ là sự lắp ghép cái đuôi xã hội chủ nghĩa vào “cơ thể” kinh tế thị trường vốn có của chủ nghĩa tư bản(?!). Đó là kết hợp giữa “nước” và “lửa” nên là không thể(?!). Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực chất là Việt Nam đang “âm thầm xoay trục” theo con đường tư bản chủ nghĩa(?!). Sự thật có phải như vậy không?
Đặc trưng, vai trò, tính tất yếu của “khâu trung gian” của sự phát triển tự nhiên, xã hội,…
Trong phép biện chứng của sự phát triển, “khâu trung gian” được coi là mắt khâu tất yếu giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các giai đoạn phát triển trong cùng một sự vật, hiện tượng. Nhà triết học vĩ đại người Đức, Ph. Hê-ghen, cho rằng, các dạng khác nhau của tồn tại, đòi hỏi những dạng trung gian hóa của chính chúng, hoặc chứa đựng trong bản thân chúng những dạng ấy. Ph. Ăng-ghen cho rằng: “Phép biện chứng thừa nhận trong trường hợp cần thiết là bên cạnh cái “hoặc là… hoặc là” thì có cả cái này lẫn cái kia”, “thực hiện sự môi giới giữa các mặt đối lập”(1). Trong quá trình vận động và phát triển của các sự vật, hiện tượng, sự chuyển hóa từ sự vật này thành sự vật khác đều phải thông qua những “khâu trung gian”.
Đặc trưng của “khâu trung gian”, về mặtkết cấu, gồm những mặt, những bộ phận, những yếu tố, những quá trình khác nhau, đối lập nhau, cùng tồn tại đan xen với nhau, thâm nhập vào nhau, đấu tranh và chuyển hóa lẫn nhau. Trong đó, những nhân tố mới, tiến bộ bao giờ cũng đóng vai trò định hướng, chi phối, định hình sự vật mới, ngược lại, những nhân tố cũ sẽ dần trở thành bảo thủ, lạc hậu và chúng chỉ mất đi khi những điều kiện cho nó tồn tại không còn nữa. Chính vì sự đan xen tồn tại, đấu tranh với nhau giữa cái mới và cái cũ đã làm cho sự vật mới chiến thắng sự vật cũ rất khó khăn. Do vậy, ở trạng thái “trung gian” quá độ ấy, khuynh hướng phát triển của sự vật cũng trở nên phức tạp, thiếu ổn định, có cả sự tiến lên lẫn thụt lùi, cả sự tiến bộ lẫn thoái bộ, thậm chí sự vật còn “tròng trành, nghiêng ngả”, nhưng mang trong mình sức mạnh của tất yếu, cuối cùng cái mới sẽ chiến thắng hoàn toàn cái cũ.
“Khâu trung gian” có vai trò tất yếu trong quá trình giải quyết mâu thuẫn giữa các mặt đối lập, quá trình phủ định biện chứng và sự chuyển hóa từ những thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất của các sự vật, hiện tượng. Trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”, Ph. Ăng-ghen cho rằng: “tất cả các mặt đối lập đều thông qua những khâu trung gian mà chuyển hóa lẫn nhau”, “thực hiện sự môi giới của các mặt đối lập”(2). Điều đó cho thấy vai trò tất yếu của “khâu trung gian” là thực hiện được sự chuyển hóa từ mặt đối lập này thành mặt đối lập kia, bằng cách “dung hợp” các mặt đối lập trong những hình thức nhất định. Do vậy, “khâu trung gian” đóng vai trò là những tiền đề, điều kiện làm “môi giới” cho sự chuyển hóa giữa các mặt đối lập, thông qua đó mâu thuẫn được giải quyết. Quan điểm siêu hình thường tuyệt đối hóa sự đối lập giữa các mặt, cho nên trong khi tiến hành giải quyết mâu thuẫn, họ mưu toan muốn “thoát khỏi” tình trạng mâu thuẫn bằng cách vứt bỏ giản đơn một trong các mặt đối lập của mâu thuẫn, trong khi lại xem mặt kia như một chỉnh thể “phi” mâu thuẫn. Chủ nghĩa duy vật biện chứng không những vạch ra nguồn gốc, động lực của mâu thuẫn mà còn chỉ rõ vấn đề có tính quy luật trong quá trình giải quyết mâu thuẫn.
Xem xét vấn đề lý luận và phương pháp luận giải quyết mâu thuẫn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), V.I. Lê-nin cho rằng cần phải học ở chủ nghĩa Mác cách “làm thế nào và khi nào có thể và cần phải kết hợp các mặt đối lập,… trong thực tiễn chúng ta đã nhiều lần thống nhất các mặt đối lập”(3). Vì vậy, nếu sự chuyển hóa của các mặt đối lập là phương thức để giải quyết mâu thuẫn của sự vật thì “khâu trung gian” là những điều kiện tất yếu để các mặt đối lập đấu tranh, chuyển hóa và giải quyết mâu thuẫn. Đây là vấn đề có ý nghĩa về lý luận và phương pháp luận rất lớn trong việc giải quyết các mâu thuẫn, nhất là các mâu thuẫn xã hội.
Quá trình phủ định của phủ định, theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, không phải là sự thay thế giản đơn cái này bằng cái khác mà phải thông qua những “vòng khâu” liên hệ, “vòng khâu” của sự phát triển, trong đó cái cũ và cái mới kết hợp với nhau, tác động vào nhau, vừa kế thừa, vừa phủ định để cuối cùng cái mới được khẳng định. Đối với mọi quá trình phủ định diễn ra trong tự nhiên, xã hội và tư duy, “khâu trung gian” đóng vai trò là cơ sở, là điều kiện để cái mới và cái cũ kết hợp với nhau, thâm nhập vào nhau, vừa kế thừa, vừa lọc bỏ, tạo nên khuynh hướng phát triển vừa tiến lên, vừa lặp lại thông qua vô số những lần phủ định.
Đối với quá trình chuyển hóa từ những thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất, “khâu trung gian” cũng có vai trò quan trọng trong quá trình nhảy vọt về chất. Đó là một trạng thái tồn tại tất yếu của sự vật trong quá trình chuyển hóa từ chất cũ sang chất mới, trong đó chất cũ và chất mới đan xen, thâm nhập vào nhau, đấu tranh với nhau, thông qua đó cái cũ bị lọc bỏ và chuyển hóa thành cái mới. Bất kỳ một hình thức nhảy vọt nào dù “đột biến” hay “dần dần” đều thông qua “khâu trung gian” để thực hiện bước quá độ từ chất cũ sang chất mới, “khâu trung gian là cơ sở, điều kiện tất yếu để bước nhảy vọt có thể xảy ra, không qua “khâu trung gian” thì nhảy vọt chỉ còn là một “phép lạ””.
Sự tồn tại của “khâu trung gian” mang tính tất yếu và phổ biến trong sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Quá trình tiến hóa giống loài sinh vật luôn tồn tại những loài có đặc điểm của “khâu trung gian”. Trong lĩnh vực xã hội, biểu hiện của những “khâu trung gian” cũng vô cùng phổ biến. Trong tài liệu “Những hình thức có trước sản xuất tư bản chủ nghĩa” chuẩn bị cho viết tác phẩm Bản thảo kinh tế, C. Mác phân tích đặc điểm của các hình thức kinh tế quá độ trong lịch sử, như công xã nông thôn, phương thức sản xuất châu Á, kinh tế trang ấp phong kiến, kinh tế diêu dịch (ở Nga), kinh tế phường hội… và nhận xét rằng, về bản chất chúng có đặc điểm của “khâu trung gian” quá độ giữa hình thái kinh tế – xã hội trước lên hình thái kinh tế – xã hội sau. Trong lĩnh vực chính trị, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lê-nin cũng chỉ ra không ít những “khâu trung gian” quá độ như chế độ dân chủ chủ nô thời kỳ cổ đại, trong đó vừa chứa đựng những hình thức làm chủ cộng đồng của công xã tự quản và chế độ chủ nô quý tộc của chế độ nô lệ, kể cả chế độ chuyên chế phương Đông cũng được các ông coi là hình thức chính trị “trung gian” quá độ từ chế độ công xã tự quản lên chế độ quân chủ phong kiến.
Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lê-nin phân tích đặc biệt sâu sắc tính chất “khâu trung gian” trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản. Đó là thời kỳ mà trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội có sự đan xen tồn tại giữa những “mảnh đoạn” của xã hội cũ cùng với những yếu tố của xã hội mới đang ra đời nhưng còn non yếu, chúng kết hợp với nhau, thâm nhập vào nhau, đấu tranh với nhau, do đó, mọi hình thức phát triển đều mang đặc trưng, đặc điểm của cả xã hội cũ và xã hội mới. Về mặt kinh tế, còn nhiều hình thức tổ chức phù hợp với trình độ phát triển sản xuất, như V.I. Lê-nin chỉ rõ trong thời kỳ quá độ ở bất kỳ nước tư bản chủ nghĩa nào khi đi lên CNXH cũng gồm ba thành phần cơ bản: kinh tế xã hội chủ nghĩa (XHCN), kinh tế tư bản chủ nghĩa và kinh tế hàng hóa nhỏ. Đặc biệt, đối với những nước tiền tư bản hoặc chủ nghĩa tư bản chưa phát triển thì cơ cấu kinh tế còn đa dạng, phức tạp hơn, bao gồm cả các thành phần kinh tế sản xuất nhỏ – tự cấp, tự túc. Về chính trị, sự tồn tại của các thành phần kinh tế quy định sự tồn tại của những lực lượng, giai cấp xã hội có lợi ích khác nhau, thậm chí đối lập nhau, vừa liên minh, vừa đấu tranh với nhau, vì thế trong thời kỳ quá độ, mâu thuẫn xã hội và đấu tranh giai cấp sẽ trở nên gay gắt và phức tạp hơn. Trong lĩnh vực ý thức xã hội, những tư tưởng bảo thủ, lạc hậu và phản động của chế độ cũ chưa thể mất đi ngay mà còn tiếp tục cản trở sự ra đời của ý thức tư tưởng tiến bộ.
Trong những di sản lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, “chính sách kinh tế mới – NEP” có ý nghĩa về mặt lý luận và phương pháp luận rất quan trọng, đó không chỉ là phép biện chứng của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH mà còn là một “học thuyết” về nhận thức và vận dụng “khâu trung gian” để “bắc những chiếc cầu nhỏ” xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước để đi lên CNXH đối với những nước còn chưa đủ điều kiện chín muồi. Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, những người cộng sản Nga đứng đầu là V.I. Lê-nin đã thi hành chính sách “cộng sản thời chiến” để quá độ tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Nhưng sau một thời gian ngắn, chính sách ấy đã bộc lộ những hạn chế, sai lầm to lớn, đó là xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế và nền sản xuất hàng hóa để xác lập nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa, tiến hành tổ chức sản xuất và phân phối trực tiếp theo kế hoạch của chính quyền Xô-viết. Hậu quả là sản xuất đình đốn, đời sống xã hội cực kỳ khó khăn, CNXH đứng bên bờ vực sụp đổ. Thực chất chính sách kinh tế “cộng sản thời chiến” là mô hình kinh tế “quá độ” trực tiếp tiến thẳng lên chủ nghĩa cộng sản, không qua những “khâu trung gian”, những hình thức quá độ. Và chính sách kinh tế mới là mô hình kinh tế quá độ, rốt cuộc đã được tìm ra từ những sai lầm về đường lối cách mạng chủ quan, duy ý chí. V.I. Lê-nin khẳng định dứt khoát rằng, không nghi ngờ gì nữa, một nước trong đó nền sản xuất tiểu nông chiếm tuyệt đại đa số dân cư, chỉ có thể thực hiện cách mạng XHCN bằng một loạt những biện pháp quá độ đặc biệt, hoàn toàn không cần thiết ở những nước tư bản phát triển. Áp dụng những biện pháp quá độ “đặc biệt” đó, nghĩa là phải nắm lấy những mắt xích trung gian, những bậc thang, những hình thức quá độ cụ thể để thực hiện sự “môi giới” giữa xã hội cũ và xã hội tương lai. V.I. Lê-nin cũng chỉ ra những hình thức kinh tế trung gian, quá độ như chủ nghĩa tư bản nhà nước, kinh tế hợp tác xã và các hình thức kinh tế cá thể, tiểu chủ… tạo thành nền kinh tế với nhiều thành phần; chủ trương khôi phục nền sản xuất hàng hóa, thương mại, cơ chế thị trường đi đôi với sự kiểm kê, kiểm soát chặt chẽ của nhân dân và chính quyền Xô-viết. Đáng tiếc, sau khi V.I. Lê-nin mất, chính sách kiểu “cộng sản thời chiến” lại được duy trì, trở thành mô hình kinh tế chung của các nước XHCN. Lịch sử một lần nữa lặp lại sai lầm và dẫn tới sự khủng hoảng, đổ vỡ của hệ thống XHCN, và cũng một lần nữa “Chính sách kinh tế mới” của V.I. Lê-nin được kế thừa và phát triển trong điều kiện mới, đem lại sức phát triển mạnh mẽ và những thành tựu to lớn cho các nước XHCN, trong đó có nước ta. Phải chăng đây là vấn đề có tính quy luật?
“Khâu trung gian” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tính tất yếu của việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Nước ta đi lên CNXH từ một nước nghèo, kém phát triển, lại trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn phá nên thời kỳ quá độ sẽ rất lâu dài và khó khăn, phức tạp. Do chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc những đặc điểm của nước ta trong thời kỳ quá độ, nên trong một thời kỳ dài chúng ta đã phạm phải sai lầm, khuyết điểm, nóng vội xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế “phi” XHCN, hạn chế sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường, đồng thời duy trì quá lâu mô hình kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp. Một trong những thành tựu có tính chất đột phá trong quá trình đổi mới của Đảng ta là phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam. Đó là kết quả của quá trình tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, liên tục được bổ sung và phát triển trong nhận thức lý luận của Đảng và đã được kiểm nghiệm bởi những thành tựu rất to lớn trong thực tiễn hơn 35 năm đổi mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định, KTTT định hướng XHCN “Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”(4).
Về mặt lý luận, quan niệm về phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta chính là kết quả của sự nhận thức và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ và con đường đi lên CNXH, trong đó lý luận về “khâu trung gian” trong sự phát triển xã hội có ý nghĩa rất quan trọng về phương pháp luận trong nhận thức và vận dụng để xác lập mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ ở nước ta, phù hợp với quy luật lịch sử – tự nhiên.
Về mặt lịch sử, quá trình phát triển của các nền văn minh trên thế giới cho thấy sản xuất hàng hóa đã có mầm mống hình thành trong phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ và phong kiến, nhưng chỉ đạt đến trình độ nền KTTT trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Bản thân nền KTTT tư bản chủ nghĩa cũng có những hình thức, trình độ phát triển khác nhau. Do tranh thủ được những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại mà chủ nghĩa tư bản ngày nay đã không ngừng hiện đại hóa lực lượng sản xuất và điều chỉnh quan hệ sản xuất, thúc đẩy quá trình xã hội hóa và toàn cầu hóa kinh tế, cho nên KTTT ở một số nước đã đạt tới trình độ hiện đại. Tuy nhiên, do bản chất của chủ nghĩa tư bản dù là loại thị trường nào cũng không thể loại bỏ được khuyết tật vốn có của nó, đó là tính tự phát, khủng hoảng kinh tế, cạnh tranh đổ vỡ, về xã hội là sự bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo, khuyến khích chủ nghĩa thực dụng, chạy theo lợi ích cá nhân,… Mặc dù KTTT tư bản chủ nghĩa đã phát triển đến trình độ hiện đại nhưng trong khuôn khổ phương thức sản xuất và bản chất của nó, chủ nghĩa tư bản không thể nào khắc phục được những hạn chế vốn có của mình.
Với tinh thần kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và mục tiêu CNXH, Đảng ta không ngừng tìm tòi, đổi mới con đường đi lên phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh thời đại ngày nay. Tổng kết lý luận và thực tiễn phát triển nền KTTT định hướng XHCN sau 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”(5). Sự ra đời của KTTT dưới CNXH lúc đầu như là sự phủ định mô hình kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp nhưng trong quá trình đổi mới, từ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng ta từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về nền KTTT định hướng XHCN, phù hợp với quy luật khách quan và đã được thực tiễn kiểm nghiệm bằng những thành tựu to lớn sau 35 năm đổi mới. Có thể nói, những thành công không thể phủ nhận của mô hình KTTT định hướng XHCN đã có sức hấp dẫn và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước đã và đang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Thực tiễn lịch sử chứng minh rằng KTTT không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản mà nó là mô hình kinh tế tổng quát của nhiều chế độ xã hội khác nhau. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một kiểu KTTT, mặc dù chưa phải hoàn thiện, nhưng nó khác về bản chất với nền KTTT tư bản chủ nghĩa. Chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng, “Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối”(6).
Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Về bản chất, đó là “khâu trung gian” trong sự phát triển kinh tế. Diễn đạt về tính chất “khâu trung gian” của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì nước ta đang trong thời kỳ quá độ)”(7). Với tư cách là “khâu trung gian”, KTTT định hướng XHCN ở nước ta có những đặc trưng cơ bản sau đây:
Một là, trong kết cấu của nền kinh tế có sự tồn tại đan xen của nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu khác nhau, tiêu biểu cho các phương thức sản xuất của xã hội tư bản, tiền tư bản và CNXH. Trong đó, kinh tế nhà nước và chế độ công hữu mới được xác lập, đang trong quá trình phát triển để giữ vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế; kinh tế tư nhân vẫn còn là động lực quan trọng của nền kinh tế; trong điều kiện nền sản xuất nhỏ còn phổ biến, kinh tế hộ cá thể vẫn còn đóng vai trò nhất định, góp phần ổn định đời sống xã hội; ngoài ra, còn tồn tại những thành phần kinh tế hỗn hợp, kinh tế tập thể, hợp tác xã… Sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường là một đặc trưng khách quan của nền kinh tế trong thời kỳ quá độ.
Hai là, trong nền KTTT các thành phần kinh tế luôn tác động qua lại, thâm nhập vào nhau để chuyển hóa. Trong nền kinh tế của nước ta hiện nay, các thành phần kinh tế tác động qua lại, thâm nhập vào nhau, từ đó mà hình thành các hình thức kinh tế hỗn hợp mang tính chất “trung gian” quá độ. Ngay cả các thành phần kinh tế cơ bản, đại diện cho phương thức sản xuất mới XHCN cũng chưa thể tồn tại độc lập mà chịu sự tác động của các thành phần kinh tế khác, đồng thời nó cũng thâm nhập vào quan hệ sản xuất, chi phối các thành phần kinh tế khác. Do vậy, có thể coi mọi loại hình kinh tế, mọi thành phần kinh tế trong nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta đều là những hình thức “trung gian”, quá độ. V.I. Lê-nin coi những hình thức kinh tế quá độ được tạo ra từ sự tác động qua lại, thâm nhập của các thành phần kinh tế là chủ nghĩa tư bản nhà nước. Ông cho rằng, nó là cái gì có tính chất tập trung, được kiểm soát và được xã hội hóa, cho nên chủ nghĩa tư bản nhà nước là nấc thang tất yếu chuyển nền kinh tế từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa và từ sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa lên CNXH, và đó là “phòng chờ” để đi lên CNXH, là nấc thang lịch sử mà giữa nó và CNXH không còn nấc thang nào ở giữa cả.
Ba là, bản thân các hình thức kinh tế “trung gian” quá độ tồn tại trong các mối quan hệ chính trị, kinh tế – xã hội, chịu sự tác động của các nhân tố khách quan, chủ quan, tự phát, tự giác, bên trong và bên ngoài…, những nhân tố đó quy định khuynh hướng vận động, phát triển khác nhau của nền KTTT. Đóng vai trò định hướng và định hình phương thức sản xuất XHCN đối với các hình thức kinh tế quá độ trước hết là nhân tố thuộc nguyên tắc và bản chất của CNXH, thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước XHCN. Bản chất XHCN trong nền KTTT là “phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”(8). Cùng với những nhân tố chính trị, vai trò định hướng XHCN đối với nền KTTT ở nước ta còn được thực hiện thông qua kinh tế nhà nước. Vai trò định hướng và định hình của kinh tế nhà nước không chỉ thông qua các doanh nghiệp nhà nước mà còn bằng các nguồn lực kinh tế nhà nước, được sử dụng để thâm nhập vào các thành phần kinh tế khác, làm công cụ đòn bẩy, điều tiết, thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN, thông qua đó, từng bước định hình phương thức sản xuất mới tiến bộ. Mặt khác, nền KTTT trong thời kỳ quá độ của nước ta đang trong quá trình định hình nên còn chịu sự tác động, cản trở của “mặt trái”, tính tự phát, bảo thủ của các nhân tố cũ, kể cả những sai lầm chủ quan có thể mắc phải trong lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi khuynh hướng vận động của nền KTTT định hướng XHCN vẫn còn gặp phải những khó khăn, trắc trở, thậm chí còn vấp phải sự khủng hoảng, suy thoái nhất thời. Tuy nhiên, đó là những “đau đớn” tạm thời khó tránh khỏi của sự “sinh nở” một phương thức sản xuất mới mà vai trò “bà đỡ” là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Như vậy, lý luận về “khâu trung gian” và phép biện chứng của thời kỳ quá độ cho chúng ta những luận cứ xác đáng để kiên quyết bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về nền KTTT định hướng XHCN. Đồng thời, qua đây chúng ta càng nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn, để tiếp tục kiên định và quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nền KTTT định hướng XHCN và con đường đi lên CNXH do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo./.
Nhận xét
Đăng nhận xét