Sự thật về “Đạo Chân không”
Sự thật về “Đạo Chân không”
“Đạo Chân không” hoặc “đạo Lưu Văn Ty” do Lưu Văn Ty, sinh năm 1954 tại Hà Nội sáng lập. Lưu Văn Ty có trình độ học vấn 7/10, vợ của ông này là bà Lê Thị Oanh, sinh năm 1947, nguyên là giáo viên cấp I, bỏ nghề dạy học giúp Lưu Văn Ty hành nghề. Sau đó, ly thân với Lưu Văn Ty về sống ở Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Trước đây, Lưu Văn Ty từng làm công nhân kỹ thuật lái máy kéo, bị kỷ luật do trộm cắp tài sản, bị buộc thôi việc về địa phương sinh sông. Sau đó, Lưu Văn Ty vào miền Nam tìm hiểu kinh sách Phật giáo, trở về địa phương tự xưng là nhà sư, tuyên truyền là đã nói chuyện được với “người nhà trời” và có năng lượng siêu phàm để chiêu dụ và cứu rỗi chúng sinh.
Xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hà Tĩnh, dưới hình thức tín ngưỡng đạo Phật, Lưu Văn Ty đã tổ chức làm lễ tại đền Võ Miếu (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh). Ban đầu, hoạt động của Lưu Văn Ty chỉ thuần túy Phật giáo nên đã thu hút được nhiều người mộ đạo theo. Sau khi tập hợp lôi kéo được nhiều người, Lưu Văn Ty đã dựng lều trái phép trong khu vực đền Võ Miếu, đặt tên là “Chùa Tam ấm”, tự xưng là “giáo ngoại biệt truyền diệt tâm”.
“Đạo Chân không” không có kinh sách mà chỉ là những lời thuyết giáo bằng miệng của Lưu Văn Ty dựa trên các giáo lý của nhà Phật. Lưu Văn Ty dùng giáo lý Phật giáo như: “thuyết diệu đế”, “sinh tử luân hồi”, “nhân quả”, “nghiệp báo”... nhằm hướng luật, kinh sách tới những người có hoàn cảnh éo le, những người giàu có nhưng mê tín để thuyết giáo.
Ngoài ra, Lưu Văn Ty còn đưa ra thuyết “xả phú cầu bần” làm cho một số người tin theo đem của cải, tài sản, thậm chí cả tính mạng mình để cho Lưu Văn Ty lợi dụng. Trong những lúc thuyết giáo, Lưu Văn Ty luôn răn dạy đạo hữu phải biết diệt dục, diệt nghiệp, thậm chí còn đưa ra luận điệu rất phản văn hóa, đại loại như: “thân xác con người ta vì cứ che đậy nên sinh ra ham muốn và muốn diệt trừ được ham muốn thì phải thoát bỏ y phục”.
“Đạo Chân không” tổ chức theo nhóm, đứng đầu là Lưu Văn Ty, lập chân rết ở các địa phương và giao cho các đệ tử đi truyền đạo, thu hút tín đồ. Đạo “Lưu Văn Ty” không có nghi thức rõ ràng, người theo đạo này không cần đến chùa chiên, không cần kinh sách, chuông mõ, tượng Phật mà chỉ cân tu tại tâm và chỉ cần tu hành khổ hạnh, chia của cải cho các oan hồn, phải đi khất thực lấy tiền về cúng cho “giáo chủ”.
Khi tiến hành nghi lễ của đạo, Lưu Văn Ty cho các đệ tử cởi bỏ quần áo rồi chất thành đống rồi tưới xăng đốt, sau đó nhảy múa xung quanh tụng niệm, bố thí lẫn nhau, hóa đốt các động vật, thức ăn và các loại vật dụng rồi quăng xuống sông. Đến năm 1991, Lưu Văn Ty chuyển sang hoạt động “tà giáo”.
Để trục lợi cá nhân và mê hoặc được nhiều người, Lưu Văn Ty tuyên truyền là đã đến thời kỳ “phá chấp”, người đi theo đạo này không cần chùa chiền, kinh sách, chuông mõ, chỉ cần tu tại tâm nên đã phá chùa do ông ta dựng lên, đốt phá bàn thờ gia tiên, tượng Phật và các loại vật chất có thể đốt được. Ngoài ra, Lưu Văn Ty còn tổ chức lễ “diệt dục”, “diệt nghiệp” mang tính phản văn hóa.
Năm 1992, Lưu Văn Ty bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt trong khi đang tổ chức làm lễ “diệt dục” tại nhà riêng. Cơ quan pháp luật đã tuyên truyền, tuyên phạt đối tượng 3 năm tù giam về tội “hành nghề mê tín dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong thời gian ở tù, các đệ tử của Lưu Văn Ty vẫn tiếp tục hoạt động ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Sau khi mãn hạn tù, Lưu Văn Ty trở về địa phương ở thành phố Hà Tĩnh tiếp tục hành nghề và đã dùng nhiều thủ đoạn để lôi kéo nhiều người tin và xem y như bậc “chân tư” là “thầy” Ty.
Hết thời gian bị quản chế, Lưu Văn Ty bắt đầu mở rộng hoạt động của mình ra các địa phương khác như: Can Lộc (Hà Tĩnh), Tp. Vinh (Nghệ An). Ngoài những địa bàn trên, Ty còn cho đệ tử đi hoạt động ở nhiều nơi như: Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Tiền Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Bạc Liêu. Những người theo “đạo Lưu Văn Ty” phải nộp một khoản tiền gọi là tiền cúng giường nhằm “tiêu tội, tiêu nghiệp”.
Ngoài ra, các đệ tử mới tham gia phải hành xác bằng cách lao động mệt nhọc, ăn uống kham khổ, ngủ đất và thậm chí còn ngủ trong bao tải. Sau khi vượt qua được các thử thách trên, ai được thu nạp thì phải mặc áo nâu sồng, cạo trọc đầu như tu sĩ Phật giáo để đi khất thực kiếm cơm, nước uống hàng ngày và mỗi ngày chỉ được 500 đồng, số còn lại phải nộp về “thầy” Ty.
Hiện nay Lưu Văn Ty đã tuyên bố từ bỏ không hoạt động, nhưng các đệ tử của ông ta vẫn hoạt động lén lút ở các địa phương. Tuy nhiên, số người tin theo giảm dần. Thành phần tin theo chủ yếu là những người bị bệnh nặng, phần nhiều là phụ nữ…
Nhận xét
Đăng nhận xét