Chữa “bệnh” ngại học lý luận chính trị ở sinh viên – Bài 4: Lấy sinh viên là trung tâm để đổi mới dạy và học (Tiếp theo và hết)
Về mặt lý thuyết, phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục các môn lý luận chính trị (LLCT) cho sinh viên.
Nhưng trên thực tế, có những giải pháp cần thời gian dài kiên trì thực hiện mới có hiệu quả; cho nên, theo các chuyên gia, nếu giải pháp nào có thể chữa “bệnh” ngại học LLCT cho sinh viên mà có thể sớm điều chỉnh, thay đổi thì cần triển khai ngay.
Quan tâm, chăm lo đội ngũ giảng viên
Chất lượng của hoạt động giảng dạy trước hết được quyết định bởi người thầy. Để nâng cao chất lượng giảng dạy LLCT trong các trường đại học hiện nay, đội ngũ giảng viên LLCT cần được tuyển chọn tốt từ khâu đầu vào. Để thu hút những thí sinh giỏi, ngành học này cần được coi là ngành đặc thù, có những chính sách đặc thù, phù hợp và cũng không kém phần khắt khe như tuyển người học trong các ngành quân đội, công an.
Nhà trường cũng phải tạo điều kiện cho giảng viên giảng dạy các môn LLCT được học tập nâng cao trình độ chuyên môn ở một số cơ sở đào tạo chuyên sâu. Tạo điều kiện cho giảng viên nghiên cứu khoa học và xem đây là một nhiệm vụ không thể thiếu trong đổi mới phương pháp.
Nghiên cứu khoa học là động lực thúc đẩy say mê nghề nghiệp, giúp cho giảng viên làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng tri thức vào bài giảng. Mỗi bài viết, mỗi vấn đề nghiên cứu đòi hỏi giảng viên phải vạch ra đề cương, đọc những tài liệu liên quan, vì thế, giảng viên có quá trình tích lũy về lượng để biến đổi về chất; tri thức ngày càng được mở rộng và chuyên sâu.
Giảng dạy LLCT ở các trường đại học nhằm mục đích giúp sinh viên hình thành thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng, tư tưởng, niềm tin, ý chí cách mạng… Đội ngũ giảng viên LLCT do đó vừa là một nhà giáo vừa là một nhà chính trị. Vì vậy, bên cạnh chế độ chính sách hiện nay, các trường đại học cần tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên đi tham quan, nghiên cứu thực tế hằng năm, từ đó lồng ghép, vận dụng vào trong bài giảng.
Thực hiện tốt điều này, việc giảng dạy các môn LLCT sẽ khắc phục được tình trạng giảng lý thuyết suông. Các trường đại học cần thực hiện đúng và đầy đủ quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chế độ đi thực tập, thực tế, tập huấn hằng năm của giảng viên.
Với đặc thù giảng dạy các môn LLCT, giảng viên ngoài những phẩm chất của một người trong ngành sư phạm phải có, còn phải bảo đảm có tri thức lý luận chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về con đường và định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không bị dao động, lung lay trước cám dỗ vật chất, tinh thần hay chiêu bài “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch… Những điều đó sẽ thật khó nếu hằng ngày họ vẫn phải ngược xuôi chăm lo cho cuộc sống bằng đồng lương ít ỏi.
Chỉ khi Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo để giảng viên giảng dạy LLCT hội đủ hai yếu tố giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức cách mạng tốt thì giảng viên sẽ tâm huyết với nghề, có thêm cơ hội nâng cao kiến thức cũng như trau dồi thực tiễn. Đây là một việc ai cũng biết. Nói ra thì dễ, nhưng để thực hiện sẽ phải “động chạm” đến rất nhiều vấn đề về chủ trương, chính sách vĩ mô và cả nhận thức, hành động của từng nhà trường cụ thể; cho nên cần phải có thời gian nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Lấy sinh viên là trung tâm để đổi mới dạy và học. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy
Bản thân các môn LLCT không khô khan nếu được tiếp cận với tư cách là môn khoa học. Việc dạy và học đòi hỏi phải tổ chức thực hiện dưới các yêu cầu, điều kiện phù hợp với đặc điểm của môn khoa học. Do đó đòi hỏi phải đổi mới toàn diện, đồng bộ cả quá trình dạy và học cho học sinh, sinh viên. Trước hết là về hệ thống giáo trình, khi biên soạn phải cập nhật mới những tri thức tinh hoa của nhân loại trên nền tảng những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, bảo đảm tính sinh động của những môn học này.
Cần có một lượng thời gian nhất định đối với từng môn học, nhất là các môn có khối lượng kiến thức tăng lên nhiều cùng với sự biến đổi, phát triển của các điều kiện kinh tế-xã hội như môn: Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam…
Ở các trường đại học, các môn LLCT nên kết cấu nội dung theo các chuyên đề, vừa bảo đảm tính logic về mặt khoa học nội dung, vừa khắc phục sự trùng lặp. Luôn gắn đổi mới nội dung của bài giảng với yêu cầu đổi mới phương thức đào tạo; sự vận động, biến đổi của tình hình đất nước, thế giới. Mỗi bài giảng được kết cấu theo hướng chuyên đề hóa, tối ưu hóa nội dung, xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm, kiến thức phát triển, mở rộng… Khái quát hệ thống nội dung kiến thức bài giảng theo logic các mệnh đề khoa học với hệ thống những vấn đề, những câu hỏi thảo luận, gợi mở với sinh viên. Khắc phục căn bản sự dàn trải nội dung các đơn vị kiến thức.
Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng gợi mở, nêu vấn đề và lấy sinh viên là trung tâm. Dạy và học theo hướng tích cực, sinh viên phải là chủ thể tích cực tìm kiếm kiến thức, phát triển tri thức, tuy nhiên, không phải là “khoán trắng” quá trình học tập cho sinh viên. Giảng viên đóng vai trò vừa là người giảng dạy vừa là chuyên gia, cố vấn, tư vấn học thuật cho sinh viên. Sinh viên phải nắm được bản chất, nội dung kiến thức cốt lõi của nội dung bài học thông qua tư duy độc lập của mình để tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, tìm tòi và làm chủ tri thức khoa học.
Giảng viên phải thường xuyên sử dụng linh hoạt các phương pháp (phương pháp thuyết trình, phương pháp phỏng vấn nhanh, phương pháp hỏi -đáp, nêu tình huống…) và các phương tiện giảng dạy cho bài học phong phú… Cần tăng cường thời gian trao đổi, thảo luận với sinh viên. Thông qua thảo luận, tranh luận trong tập thể, vốn hiểu biết, kinh nghiệm, năng lực, trình độ của mỗi cá nhân sẽ bộc lộ, đồng thời, quá trình nhận thức cá nhân sẽ được điều chỉnh, phát triển, hoàn thiện hơn; nguồn tri thức của các cá nhân sẽ được tối đa hóa do nhờ kết hợp được trí tuệ, sức sáng tạo cá nhân với tập thể…
Thực hiện phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng lấy sinh viên làm trung tâm, phát huy khả năng tự nghiên cứu của người học, thực hiện học đi đôi với hành, gắn lý luận với thực tiễn. Thay vì kiểm tra năng lực người học theo hướng ghi nhớ, nên chăng tổ chức theo hướng triển khai những đề tài, công trình nghiên cứu để giải quyết một vấn đề cụ thể của thực tiễn. Dù mới chỉ tiếp cận sơ khai nhưng sinh viên hiểu kiến thức đã học sẽ được áp dụng cụ thể, giải quyết những vấn đề gì trong cuộc sống.
Trước những thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế, có nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn mà chúng ta chưa kịp tổng kết để bổ sung, phát triển về lý luận. Điều này đã tạo nên sự thiếu thống nhất, sự tách rời giữa lý luận và thực tiễn, làm cho lý luận thiếu sức thuyết phục. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, trong từng bài giảng, giảng viên cần tăng cường liên hệ với thực tiễn trong nước và quốc tế, với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường cho sinh viên đi tham quan thực tế ở các bảo tàng, khu di tích…
Có thực tiễn minh họa, bài giảng sẽ hay và sinh động hơn, người học sẽ tiếp thu nhanh và dễ hiểu bài. Các sự kiện thực tế đưa vào bài giảng phải mang tính điển hình, tính thời sự và phải có sự phân tích, lý giải ở những mức độ nhất định để bảo đảm sự thống nhất, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. Những nội dung đưa vào bài giảng phải thiết thực, góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học phục vụ thực tiễn xã hội, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó, giảng viên phải chủ động đưa ra và phân tích những quan điểm khác cùng tồn tại về vấn đề, để cùng sinh viên so sánh, đánh giá và nhìn nhận đâu là đúng, sai.
Chú trọng nghiên cứu lý luận, các quan điểm, đường lối của Đảng, kịp thời phát hiện những vấn đề mới, mang tính đột phá để vận dụng sáng tạo vào trong quá trình giảng dạy. Coi trọng tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận, nhất là những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, đã được thực tiễn kiểm nghiệm để vận dụng trong các bài giảng của các môn học LLCT gắn với khắc phục tính hình thức học tập, quán triệt, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Chính những điều này sẽ tạo nên sự tự giác của người học, và họ là những người nhận ra giá trị của tri thức, từ đó chủ động tạo không khí lớp học sôi nổi, hấp dẫn, tránh tình trạng người học chỉ ngồi nghe, không cần tham gia học tích cực.
Một vấn đề quan trọng khác là phải biên soạn các tài liệu học tập, tham khảo; đầu tư cơ sở vật chất lớp học và nhất là đổi mới phương thức phục vụ của hệ thống thư viện để phục vụ tốt nhất cho sinh viên tự nghiên cứu, học tập. Kinh nghiệm ở một số nền giáo dục như New Zealand, học sinh trung học phổ thông không học môn triết học bài bản như ở Pháp; thế nhưng, nếu theo học ngành triết học ở bậc đại học sẽ không quá bỡ ngỡ, “sốc” kiến thức bởi có đầy đủ sách nhập môn, sách tham khảo triết học, từ điển nằm trong hệ thống thư viện trường học, thư viện công cộng dày đặc.
Có quá nhiều việc cần phải làm để cho việc dạy và học LLCT tốt lên, nên những việc gì có thể thực hiện được ngay, thiết nghĩ nhà trường, giảng viên tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mình để sớm điều chỉnh. Trên hết là để việc dạy và học các môn LLCT đi vào thực chất, tạo ra hứng thú giúp sinh viên học tập, nắm vững kiến thức LLCT, trở nên con người toàn diện.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục triển khai biên soạn các tài liệu hỗ trợ và tổ chức phát hành theo quy định về việc biên soạn tài liệu giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tạo điều kiện hình thành kho học liệu ngày càng phong phú ở tất cả các môn học, trong đó có tài liệu của các môn lý luận chính trị” (PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo). “Các trường phải sắp xếp lại công việc giảng dạy, giảng viên chuyên sâu môn học nào thì dạy môn đó. Tính chuyên sâu sẽ tạo ra sự hấp dẫn trong giảng dạy của người thầy. Người thầy phải luôn đổi mới, sáng tạo, trên cơ sở nền tảng là giáo trình, phải thiết kế bài giảng sao cho phù hợp với người học mới có thể thu hút sinh viên” (PGS, TS Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương). |
Nhận xét
Đăng nhận xét