Chữa “bệnh” ngại học lý luận chính trị ở sinh viên (Bài 2: Chưa thoát khỏi “thân phận” môn phụ)

 Mặc dù Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và coi trọng việc giáo dục lý luận chính trị (LLCT) trong các trường đại học, cao đẳng, tuy nhiên, thực tế việc dạy và học các môn này còn chưa tương xứng, tồn tại nhiều bất cập khiến các môn LLCT ở nhiều trường, nhiều thời điểm vẫn bị coi là môn học “phụ”.

Hệ lụy của một quyết định phản khoa học

Các môn lý luận chính trị trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học, bảo đảm thế hệ trẻ Việt Nam có hiểu biết, từ đó tự nguyện trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và với chế độ, do vậy cần được xác định là những môn học chính.

Song, từ năm học 2008-2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thực hiện tích hợp các môn LLCT bằng cách cộng gộp và thay đổi kết cấu các môn học để giảm số lượng môn học và giảm thời lượng. Đến năm học 2019-2020, thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT đã tách, trả lại tên cho các môn học và tổ chức biên soạn lại chương trình, giáo trình các môn LLCT dùng chung và đưa vào tổ chức giảng dạy. Hậu quả của việc nhập vào, tách ra làm cho việc dạy và học các môn LLCT gặp vô vàn khó khăn.

Bài 2: Chưa thoát khỏi "thân phận" môn phụ
Một lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới ở Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn 

Trước năm 2008, sinh viên các trường đại học và cao đẳng học 5 môn LLCT: Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 2009, các môn Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học đã được tích hợp thành môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin; môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được thay bằng môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; môn Tư tưởng Hồ Chí Minh được cấu trúc lại theo hướng tinh, gọn hơn.

Từ 12 tín chỉ, những môn LLCT giảm chỉ còn 5 tín chỉ. Thực chất đây là việc dồn ép một cách cơ học, khối lượng kiến thức hầu như không giảm, trong khi thời lượng lại giảm quá nhiều. Việc giảm khoảng 60% về mặt thời lượng tương ứng với một số lượng lớn nhân lực dạy các môn như Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học bị dư thừa.

Suốt 10 năm, các cơ sở đào tạo cử nhân Triết học loay hoay tìm nguồn tuyển sinh, có những nơi đào tạo cử nhân Kinh tế chính trị gần như bị xóa sổ.

Cùng với sự hụt hẫng trong tâm lý, giáo viên môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành giáo viên “đa năng” nhưng không chuyên sâu. Họ phải kiêm nhiệm dạy từ Triết học Mác-Lênin đến Kinh tế chính trị Mác-Lênin hay Chủ nghĩa xã hội khoa học.

Việc không xác định rõ đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu cụ thể đã làm giảm tính khoa học của các môn học LLCT. Kết quả chất lượng đội ngũ giảng viên không bảo đảm, môn học vốn được cho là không dễ thu hút sinh viên nay càng khó học hơn.

Theo kết quả khảo sát vào tháng 12-2021 của Báo Quân đội nhân dân thực hiện, gần 70% số sinh viên trả lời không thích học các môn LLCT vì các lý do: Nội dung các môn học khô khan, trừu tượng; phương pháp dạy của giảng viên không hấp dẫn; cho rằng môn học không quan trọng…

Bộ GD&ĐT dù đã cấp tốc chuyển đổi chương trình đào tạo các môn LLCT, trả lại vị trí môn học như vốn có nhưng hệ lụy của 10 năm thực hiện không thể một sớm, một chiều là có thể thay đổi. Giữa năm 2021, chương trình, giáo trình các môn LLCT mới đã được xuất bản, nhưng đội ngũ giảng viên đáp ứng ngang tầm với nhiệm vụ của công tác này đang là một “khoảng trống”, có lẽ rất lâu nữa mới khỏa lấp.

Nhiều trường biến môn chính thành môn phụ

Hiện nay đang có sự không thống nhất trong phân bổ thời lượng giảng dạy các môn LLCT. Theo phân phối chương trình mới, 5 môn học LLCT được phân bổ 11 tín chỉ. Tuy nhiên, số lượng mỗi tiết trong một tín chỉ tùy theo từng trường lại khác nhau, hầu hết các trường vẫn áp dụng số tiết tín chỉ như niên chế, 1 tín chỉ = 15 tiết; có trường thực hiện 1 tín chỉ = 22,5 tiết, nhưng những trường này lại quy định giờ học trên lên lớp chỉ có 2/3 thời lượng, tự nghiên cứu 1/3 thời lượng.

Điều đó dẫn tới môn LLCT từ môn được coi là quan trọng chuyển sang môn học phụ thuộc vào điều kiện từng trường. Trong khi Bộ GD&ĐT thống nhất viết giáo trình, phân phối chương trình nhưng lại không thống nhất cách thi hết môn học nên mỗi trường thực hiện một kiểu.

Bên cạnh đó, để tiết kiệm thời gian, kinh phí cho cơ sở đào tạo, nhiều trường đã thực hiện ghép lớp. Các lớp ghép tổ chức học tại hội trường lớn với sĩ số lên tới hơn 100, thậm chí 200 sinh viên. Thành phần sinh viên đa dạng các chuyên ngành, giảng viên khó kiểm soát lớp học và không thể triển khai các phương pháp dạy học tích cực.

Chỉ có 15,2% sinh viên tham gia khảo sát trả lời họ được trải nghiệm phương pháp dạy học sáng tạo. Chất lượng dạy và học môn học vì thế bị giảm sút, sinh viên học để đối phó. Điều đó làm cho người học càng ngày càng xa rời các môn LLCT.

Một bất cập khác là việc bố trí thời gian môn học không phù hợp. Theo chia sẻ của PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), các môn LLCT là môn học đòi hỏi người học cần phải có độ chín nhất định về mặt tư duy, trải nghiệm ít nhiều trong cuộc sống.

Tuy nhiên, đa phần tân sinh viên mới chỉ 18 tuổi, gần như không có những yếu tố đó. Giới chuyên môn cũng đồng ý rằng những môn học này không nên dạy ngay từ học kỳ 1 năm thứ nhất mà có thể dạy vào năm thứ 2, thậm chí năm thứ 3 đại học.

Hiện có hai quan điểm, đó là sinh viên nên học môn có tính chất cơ bản như các môn LLCT trước để có cơ sở tiếp cận các môn chuyên ngành khác. Quan điểm khác cho rằng sinh viên học môn chuyên ngành trước, các môn LLCT học sau, lúc đó người học đã có cái nhìn tổng hợp, khái quát, đúc rút được các quy luật để tiếp cận các môn LLCT tốt hơn. Tuy nhiên, theo kế hoạch đào tạo của các cơ sở đào tạo, các môn học LLCT thường được xếp học và tiếp thu trước để định hướng cho các môn học khác. Kết quả, phần lớn sinh viên học những môn học LLCT như “vịt nghe sấm”.

Ví dụ ở một trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu mỗi ngành đào tạo khoảng hơn 100 môn học, thì khối lượng giảng dạy của trường lên tới hàng nghìn môn. Hàng năm tuyển khoảng 1.900 sinh viên, chia thành 20 lớp. Các khoa chuyên môn sẽ trừ thời gian học các môn học LLCT để xếp các môn học khác. Nên để “tiện” trong việc quản lý, những môn cơ bản được dồn hết vào những năm đầu, kỳ đầu.

Điều đó gây áp lực quá lớn cho người học, dẫn đến người học chán nản mặc dù môn học rất hay. Đã có 62,4% người học được khảo sát nhận định các môn LLCT có nội dung khô khan, trừu tượng. Phải chăng thời lượng các môn học nên có mức độ bố trí ở các học kỳ cho phù hợp để người học tiếp cận một cách chủ động, có lẽ chất lượng sẽ tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp trình tự các môn học tại nhiều trường cũng không giống nhau. Có trường do số lượng sinh viên quá đông, lớp học quá nhiều, thiếu giảng đường, thiếu cán bộ quản lý… nên tiện đâu xếp đấy.

Ngoài ra, số giảng viên dạy các môn LLCT ở phần lớn các trường hiện nay rất “mỏng” dẫn đến những quá tải. Phần lớn các trường thường ưu tiên chỉ tiêu bố trí nhân sự cho những môn chuyên ngành. Còn giảng viên những môn khoa học cơ bản thường phải đảm nhiệm thêm 1-2 môn liên quan với chuyên ngành được đào tạo. Do đó, chuyện một giáo viên các môn LLCT dạy vượt giờ là điều dễ thấy ở nhiều trường.

Ví dụ, ở một trường có quy mô tuyển sinh từ 1.800-1.900 sinh viên, có khoảng 12 giáo viên môn LLCT cơ hữu đảm nhiệm 100 lớp/năm. Định mức trung bình một giáo viên đảm nhiệm tầm 230-300 giờ/năm, nhưng thực tế rất nhiều giảng viên phải dạy lên tới 650-700 giờ/năm, thậm chí có người dạy 1.100-1.200 giờ/năm.

Tuy nhiên khi vượt qua 300 giờ định mức, thay vì số tiền thù lao 80.000 đồng/giờ, giảng viên chỉ được nhận số tiền 40.000 đồng/giờ. Từ con số đó có thể tính ra số tiền thù lao của một giảng viên dạy các môn LLCT trong một năm chỉ được khoảng 40-60 triệu đồng, có nghĩa khoảng 3,3-5 triệu đồng/tháng.

Với những trường không tuyển đủ sinh viên, việc giảm tiết, ghép lớp đã làm giảm khối lượng công việc của giảng viên giảng dạy các môn LLCT, giảng viên phải chuyển sang làm các công việc không đúng chuyên môn. Thậm chí có trường cho giảng viên nghỉ việc không lương và cho vào danh sách cắt giảm biên chế.

Các môn LLCT liên quan máu thịt với nền tảng tư tưởng của Đảng, của chế độ, là môn học chính, bắt buộc, cần phải được quan tâm xây dựng, tổ chức và quản lý thật tốt. Việc xem nhẹ các môn LLCT khiến cho một tầng lớp thanh niên “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, dễ dẫn đến những lệch lạc trong tư tưởng và hành động, hệ lụy sẽ khó lường.

“Đổi mới nội dung, chương trình giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. Gắn lý luận với thực tiễn, cập nhật kiến thức mới, khắc phục sự trùng lắp, khép kín, thiếu liên thông giữa các chương trình, các cấp học, bậc học. Tăng cường giáo dục, rèn luyện kỹ năng thực hành, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn”. (Trích Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030).

(còn nữa)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này