Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Ưu việt hay khác biệt?
Ngay sau khi cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ra mắt, trên không gian mạng, một số blogger có địa chỉ ở nước ngoài đã cố tình nhạo báng, cho rằng những luận điểm, nội dung trong cuốn sách đã lỗi thời, lạc hậu, thiếu cơ sở khoa học.
Các ý kiến này quy chụp: Sự lựa chọn con đường đi lên CNXH của Việt Nam là một sai lầm, đó là cách đi khác biệt, thậm chí là dị biệt.
Con đường duy nhất đúng
Cần khẳng định ngay, các ý kiến trên là nhằm phủ nhận tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN); hòng gây hoang mang trong nhận thức và dư luận xã hội về con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đây cũng là thủ đoạn tinh vi, thâm độc nhằm nói xấu, hạ bệ vai trò, sự đóng góp của cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Dễ nhận thấy, không phải đến tận bây giờ, kẻ thù mới hướng mũi chống phá vào việc phủ nhận CNXH, mà thực chất, đây là mục tiêu xuyên suốt, bao trùm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Cái cách mà chúng đã thành công ở Liên Xô và các nước Đông Âu 3 thập kỷ trước. Theo đó, mỗi khi có cơ hội, kiếm tìm được cái cớ về sự kiện, hiện tượng ở xã hội Việt Nam, chúng lại réo lên những thông tin phản nghịch, đậm chất ngụy biện, bịa đặt, hòng gây xáo trộn nhận thức, lung lay niềm tin về mục tiêu lý tưởng của Đảng. Và lần này, cũng không loại trừ những âm mưu bẩn thỉu ấy.
Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Ảnh:TTXVN |
Chúng ta biết rằng, suốt quá trình cách mạng, Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân tộc Việt Nam luôn tuyệt đối trung thành, vững tin lựa chọn và quyết tâm đi lên theo con đường CNXH. Đây không chỉ là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, mà còn là nguyện vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là con đường duy nhất đúng, hợp với quy luật cách mạng, được thực tiễn kiểm nghiệm, khẳng định tính đúng đắn.
Lịch sử cho thấy: Từ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trong khi nhiều khuynh hướng cách mạng lâm vào khủng hoảng trầm trọng, bế tắc thì chỉ có con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng lãnh đạo, đi theo CNXH là phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử và đưa cách mạng Việt Nam đi tới thành công. Trải qua các giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau, với những thắng lợi trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như thành công trong lãnh đạo đất nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, chính là minh chứng hùng hồn cho sự đúng đắn đó.
Đặc biệt, trong hệ thống lý luận và nhận thức của Đảng ta, luôn nhất quán, khẳng định mục tiêu cách mạng của Đảng, là: Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không còn lợi ích gì khác! Minh chứng là, trong cuộc đối đầu với “giặc Covid-19” vừa qua, toàn Đảng và cả hệ thống chính trị đã chung sức đồng lòng, trực tiếp dấn thân vào nơi gian khó, hiểm nguy, khu tâm dịch… để linh hoạt, sáng tạo lãnh đạo, tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “không bỏ ai lại phía sau”, “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”… toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chủ động khắc phục khó khăn, từng bước đẩy lùi dịch bệnh, đưa đất nước phát triển trong điều kiện bình thường mới. Những thành quả tốt đẹp đó cũng chính cách thức hiện thực hóa mục tiêu, con đường cách mạng, hướng đến các đặc trưng của CNXH; khẳng định tính ưu việt của chế độ XHCN ở Việt Nam.
Trên lĩnh vực kinh tế, đất nước ta đã đạt được những kết quả toàn diện trên mọi mặt đời sống xã hội. Sau hơn 35 năm đổi mới, trải qua nhiều thời khắc khó khăn, kinh tế nước nhà đã có bước tiến rất dài, khác về chất. Đặc biệt, thời gian qua, khi bóng đêm kinh tế bao trùm nhân loại thì nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững ổn định, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; tiềm lực kinh tế, sức mạnh tổng hợp được tăng cường; các chế độ chính sách, an sinh xã hội vì người dân được đảm bảo. Đại hội XIII của Đảng, đánh giá: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.
Kế tục những vấn đề lý luận và tổng kết thực tiễn, qua nội dung các bài viết trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định: Xã hội XHCN với giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới là một xã hội ưu việt, “thực sự vì con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”.
Không chỉ nêu lên khái niệm về CNXH, Tổng Bí thư còn khái quát các đặc trưng của CNXH và khẳng định quyết tâm chính trị, cùng niềm tin vững chắc về tính tất thắng đi lên CNXH ở Việt Nam. Ở chế độ chúng ta đang hiện thực, con người được tự do, sống hòa bình và hữu ái giữa các cộng đồng, một xã hội thực sự vì con người, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện. Đây cũng là một xã hội toàn nhân loại hướng tới.
Việt Nam – điểm đến và điển hình chưa có trong tiền lệ
Có thể thấy, với những thành quả cách mạng to lớn và khẳng định rõ tính ưu việt của chế độ XHCN, Việt Nam luôn là “điểm đến của hòa bình”, là quốc gia tổ chức nhiều sự kiện quốc tế, khu vực nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề của toàn nhân loại, hoặc các mục tiêu thiên niên kỷ. Tiêu biểu như: Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017; Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018); Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên năm 2019… Điều đó cho thấy, Việt Nam không chỉ có đủ năng lực, điều kiện tổ chức các sự kiện quan trọng mang tầm quốc tế; mà quan trọng hơn là khẳng định được sự tin cậy cao của các nước dành cho Việt Nam.
Đặc biệt, từ năm 2014, việc Việt Nam chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta cả trong đối ngoại và hợp tác quốc tế, phù hợp với khát vọng và truyền thống ngàn đời của dân tộc ta, thể hiện trách nhiệm với thế giới trong giải quyết những vấn đề nóng bỏng, phức tạp, vì nền hòa bình của toàn nhân loại.
Từ thành quả cách mạng Việt Nam khi đi theo con đường CNXH, nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động bắt tay, hợp tác trên nhiều phương diện với Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước thuộc tất cả các châu lục và có quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn, các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện. Đáng nói hơn là uy tín, vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được nâng cao trên trường quốc tế. Khi các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thực hiện các chuyến công du, thăm ngoại giao đến các nước, kể cả những cường quốc trên thế giới, luôn nhận được sự tiếp đón trọng thị, nồng nhiệt, cởi mở của các nhà lãnh đạo cao nhất. Đặc biệt, lãnh đạo các đảng phái trên thế giới (dù khác nhau về chế độ, thể chế) nhưng đã chủ động bắt tay hợp tác, ký kết nhiều nội dung phối hợp trên nhiều lĩnh vực. Những năm gần đây, bạn bè quốc tế, các tổ chức lớn trên thế giới, cùng nhiều quốc gia phát triển mời Việt Nam tham dự nhiều Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển trên thế giới; dự các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước ở Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cử đại biểu dự nhiều hội thảo khoa học, hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo giữa các đảng cộng sản, hoặc giữa các chính đảng với nhau.
Dẫn chứng như vậy để thấy rằng, hầu hết các quốc gia, các đảng phái trên thế giới đều ghi nhận, tôn trọng sự lựa chọn con đường tiến lên CNXH của Việt Nam; ghi nhận những nỗ lực xây dựng, phát triển chế độ, xem đó là điển hình chưa có trong tiền lệ, tạo niềm tin cho bạn bè quốc tế về sự lựa chọn mô hình XHCN về mục đích mà chúng ta đang tiến đến đó là nhân văn, nhân ái, hòa bình, về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hòa hiếu. Cho nên, mọi suy diễn, chủ ý phủ nhận bước phát triển lý luận trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ là những ý kiến của một bộ phận hiềm khích, đã và đang cố tình chống phá cách mạng Việt Nam, bôi nhọ các nhà lãnh đạo và dã tâm phủ nhận tính ưu việt của chế độ XHCN ở Việt Nam.
Chính trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết, khái quát những thành quả cách mạng to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; đúc rút nên nhiều bài học quý báu dẫn đến thành công, trong đó bài học đầu tiên là việc xác định đúng con đường đi lên CNXH. CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu-con đường duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam. Đó cũng chính là luận cứ sắc bén phủ định tất cả những mưu hèn, kế bẩn của những kẻ cố tình bôi nhọ, xuyên tạc, chống phá Việt Nam.
Những vấn đề lý luận mà Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng đúc rút (cả trước đây và hiện nay), từng được các quốc gia, các chính đảng, tổ chức quốc tế tìm đến trao đổi, học tập kinh nghiệm, bày tỏ ấn tượng và sự ghi nhận đặc biệt. Thậm chí, nhiều chính đảng và nhiều tờ báo trên thế giới đã cho đăng tải các bài viết của Tổng Bí thư, phân tích các luận điểm của Tổng Bí thư và xem đây là tư liệu có giá trị tham khảo lớn, cung cấp câu trả lời cho nhiều nhà nghiên cứu thế giới đang trăn trở. Mặt khác, cũng từ đây, bạn bè quốc tế có thêm cơ sở củng cố niềm tin vào thành công của Việt Nam, tăng thêm sự ủng hộ công cuộc xây dựng đất nước của Việt Nam trên con đường đi lên CNXH.
Với cuốn sách xuất bản lần này, thêm một lần nữa minh chứng cho đánh giá của Đảng Cộng sản Liên bang Nga được ghi trong Nghị quyết (ngày 14-4-2020) về việc trao tặng Giải thưởng Lênin, một giải thưởng lớn tôn vinh những tập thể, cá nhân có công đóng góp xuất sắc trong hoạt động xã hội và có nhiều đóng góp làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn của Chủ nghĩa Mác-Lênin… Đối với Tổng Bí thư Đảng ta, nghị quyết ghi “đã có những đóng góp cá nhân to lớn vào thực tiễn xây dựng CNXH và phát triển phong trào cộng sản trong giai đoạn hiện nay…”.
Vậy nên, không cần bàn cãi gì thêm: Đi lên CNXH là con đường duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam. Thực tế ở thời điểm hiện tại cho thấy: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, vững tin đi theo con đường cách mạng. Sự thật ấy là gáo nước lạnh hắt thẳng vào mặt những kẻ hiềm khích, cố tình chống phá cách mạng Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét