QUYỀN LỰC, QUYỀN LỢI VÀ TRÒ CHƠI LIÊN KẾT
Vừa qua, việc tranh chấp quyền lực, quyền lợi thông tin trên không gian mạng giữa các nền tảng số và Australia đã thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới.
Cũng cần thấy rằng, chúng ta những người dùng, đang cung cấp “dinh dưỡng” bằng cách rất tự nguyện và hứng khởi mỗi ngày cung cấp thông tin và sự chú ý của mình cho các nền tảng số. Là một người đang tuổi lao động tôi càng phải sử dụng công nghệ, sử dụng Facebook để kết nối với bạn bè, người thân ở khắp nơi và giải trí, nhưng luôn tự nhắc mình đừng quá tay, đưa qúa nhiều thông tin, hình ảnh cá nhân lên nền tảng này. Tôi tự tin rằng Facebook sẽ chẳng bao giờ lấy được gì nhiều từ tôi cả, mà ngược lại tôi sẽ thu thập được thông tin và sử dụng thông tin trên đó để thực hiện mục tiêu cá nhân của mình.
Đến một ngày tôi nhận ra, trên “tường” của mình chỉ còn tin tức về tiếng anh, clip nhạc trịnh, các ban nhạc nổi tiếng nước ngoài những năm 1980, clip phim và những người tôi ít tương tác thì mất tích từ bao giờ. Bởi Facebook đã sử dụng bộ lọc để chủ động “lựa chọn” tin tức hộ tôi. Tôi bị phụ thuộc vào những gì Facebook “đưa cho” và thay đổi thói quen, thế giới quan trên mạng từ lúc nào với chiều hướng “bó buộc”.
Với “sứ mệnh” ban đầu “kết nối mọi người” hay “tăng cơ hội tiếp cận thông tin cho người dùng”, Facebook và Google hôm nay trở thành những gã khổng lồ toàn cầu gần như không có đối thủ cả về sức mạnh kinh tế và các ảnh hưởng khác.
Từ chính dữ liệu của Facebook, Việt Nam có khoảng 70 triệu người sử dụng mạng xã hội này. Con số rất đáng nói, vì nó chiếm hơn 70% dân số. Đến những người già cả như bố mẹ tôi, ông bà chú bác đã hơn 80 tuổi, vẫn ngày ngày có sở thích “chơi phây” dù với nhiều người mắt đã kém, đánh con chữ không rõ nữa. Nhiều người sửng sốt khi được biết ông chủ của Google hay Facebook đều là những người giàu nhất thế giới vì người dùng không phải trả cho họ đồng nào.
Facebook và Google đã trở thành những “đế chế thông tin” không biên giới nhưng đông dân nhất và ảnh hưởng lớn tới hành vi con người. Với đôi cánh gồm Dữ liệu lớn (Big Data) và Trí tuệ nhân tạo (AI), họ sẽ tiếp tục mở rộng đường biên và sức mạnh. Họ đang trên đường trở thành những quốc gia vô hình có quyền lực mềm mà chúng ta chưa biết giới hạn ở đâu, khi mà các nền tảng đang lấn sân sang mảng thanh toán của các nhà băng, hẹn hò, môi giới kinh doanh, rao vặt, bán hàng trực tuyến… và các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu – thứ được coi là vàng trong kỷ nguyên số.
Quyền lực và quyền lợi luôn đi kèm với nguy cơ lạm dụng nó. Chỉ bằng những dòng code, những cú click chuột, các thuật toán, Google, Facebook có thể quyết định hiển thị hay không hiển thị cái gì trên màn hình của bạn. Họ có xu hướng cung cấp nhiều hơn những thứ mà họ cho rằng bạn muốn thấy và nên thấy, nhưng không luôn là những gì bạn cần hay thực sự tốt cho sự phát triển của bạn.
Khi đã nắm hàng tỷ người dùng trong tay, Google hay Facebook có vẻ sẵn sàng đối đầu với các chính phủ để thể hiện quyền lực và bảo vệ lợi ích ngày càng lớn của mình, nhất là khi họ bắt tay nhau. Google mới đây dọa cắt các dịch vụ liên quan đến tìm kiếm khi Australia lên kế hoạch bảo vệ các công ty truyền thông nội địa. Facebook thẳng tay chặn mọi tin bài từ các báo mạng của nước này khi chính phủ muốn chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo. Còn vô số các trường hợp tranh cãi khác khi quyền lực mềm đã can thiệp vào các hoạt động kinh tế hay chính trị của các quốc gia.
Phải nói thêm rằng thứ quyền lực này thậm chí nguy hiểm đến mức ngay chủ nhân của chúng đôi khi cũng không thể kiểm soát hết, chỉ một sai sót cũng dẫn đến sự biến động xã hội. Khi Facebook muốn “cảnh cáo” chính phủ Australia bằng cách chặn các tin tức của báo chí nước này, họ đồng thời vô tình chặn các thông tin quan trọng về từ thiện, y tế tới những người cần.
Điều gì có thể kiềm chế những “đế chế thông tin” của thế giới hôm nay bớt lạm dụng? Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đang quan tâm đến câu hỏi này. Ngoài Trung Quốc và Triều Tiên đã thể hiện thái độ cứng rắn từ đầu, Australia vừa có động thái cân bằng cuộc chơi, buộc Google và Facebook trả tiền nếu muốn hiển thị nội dung tin tức của truyền thông nước này.
Các nước châu Âu cũng đã và đang có những hành động nhằm hạn chế quyền lực mềm cũng như bảo vệ quyền lợi quốc gia và dữ liệu của người dân. Giới chức Mỹ đã mở điều trần với Google, Facebook, Amazon nhằm điều tra sự lạm dụng quyền lực trên thị trường trực tuyến.
Cuộc chiến giữa những quốc gia và các “đế chế thông tin” hay tương tự như vậy rất có thể quyết định nhiều thứ với loài người và xã hội.
Việt Nam đang đứng thứ bảy trong bảng tổng sắp về số người dùng Facebook trên toàn cầu. Không thể phủ nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc giảm thiểu sự lộn xộn của không gian mạng, cũng như ngăn chặn tin giả, thông tin xấu hay rà soát chính sách thuế trên các nền tảng xuyên quốc gia, nhưng có lẽ là chưa đủ.
Một đường đi nước bước rõ ràng hơn, nhanh hơn nhưng không ngược lại sự tiến bộ phát triển của loài người là nhu cầu có thật để đảm bảo sự hài hòa giữa quyền lợi, trách nhiệm của các nền tảng mạng với lợi ích của cộng đồng, bảo vệ công dân và nguồn tài nguyên thông tin tin, tài nguyên mạnh của quốc gia cần được quan tâm nhiều hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa.
Nhận xét
Đăng nhận xét