Vì sao người Việt gọi người Nga là “NGA NGỐ”, còn người Nga gọi người Việt là “đồ khôn vặt”?
Từ cái thời thập kỷ 80 – 90 của thế kỷ trước khi tôi còn sống ở CCCP thì cái từ “Nga ngố” đã được người Việt ta sử dụng, không biết nó đã xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng lúc đó đã trở thành câu cửa miệng của người Việt nhà ta.
Ngược lại thì người Nga gọi người Việt nhà ta bằng câu chẳng nhẹ nhàng gì “đồ khôn vặt”, chắc chắn ai đã từng sống thời đó thì đều đã bị người Nga gọi như thế, không trước mặt thì cũng sau lưng.
Những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, thời kỳ của xuất khẩu lao động, hàng chục ngàn lao động Việt Nam từ trẻ đến gần già bằng mọi cách đổ bộ sang CCCP, lúc này hàng hóa tiêu dùng cá nhân ở nước Nga chủ yếu là tự sản tự tiêu, chính vì thế người Việt ta khuân qua nào ống son, chì kẻ mi mắt, chiếc nhẫn dở hơi. Nào quần lót, áo thun, váy bò, váy si, áo phao, quần bò cho đến đồng hồ điện tử phát nhạc ò í e, hay chiếc Citizen vàng chóe, hoặc chiếc SK to đùng dày cộp. Ngay cả bột nghệ, bột ca-ri tha sang cũng được giá.
Với người Nga tất cả những thứ này như một chuẩn mực mới của đời sống cá nhân, dành dụm tiền lương mua cho được cái quần Jean, khoác trên mình cái áo thun cá sấu, tay đeo đồng hồ điện tử, bước lên xe buýt, tàu điện thấy chững chạc làm sao. Các cô gái Nga cố cho được bộ váy bò, váy si, thêm cái xi-líp bông hồng, mặt tô điểm thêm lớp phấn hồng, môi đỏ chót son Thái, mi mắt xanh rì lớp chì dởm. Vậy là đủ để đồng nghiệp thán phục, người yêu ngẩn ngơ vì nàng quá model.
Phải chăng vì những quá bỡ ngỡ với những cái mới của hàng hóa tư bản dỏm mà người Nga bị chúng ta gọi là “Nga ngố” không?
Còn người Việt chúng ta, thời đó trong nước là thời bao cấp vô cùng khó khăn, cái gì cũng thiếu thốn, mong muốn duy nhất là được đổi đời khi đặt chân lên CCCP. Hàng hóa gia dụng của Nga thời ấy nhiều và bán được giá khi về tới Việt Nam, chính vì thế mà bất cứ thứ gì thông dụng thì người Việt ta khuân tất, có khi cả quầy hàng cũng bị quét sạch.
Mình đã từng chứng kiến người Nga trợn tròn mắt nhìn người Việt nhà ta khuân cả ô tô hàng về ốp, nói chung là quét sạch, vét sạch những gì có thể đóng hàng về nước. Xếp hàng là văn hóa của người Nga, ấy thế mà người Việt ta chỉ cần một vài người đứng trước là bạn bè cứ chen vào, nhiều khi người Nga với người Việt đánh chửi nhau chí chóe chỉ vì sự chen ngang này.
Có lẽ chính vì những việc như trên mà người Nga gọi ta là “đồ khôn lỏi” chăng?
Kể ra thì rất là nhiều chuyện, nhưng theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì chính người Việt ta đã tạo ra những hình ảnh xấu trong con mắt người Nga, cái nghèo khó, sự thiếu hiểu biết luôn làm chúng ta hèn đi trong con mắt của họ.
Còn người Nga chẳng qua vì nền kinh tế thời đó chưa mở cửa nên cái gì xa xỉ cũng thiếu, cũng hiếm chính vì thế họ khát khao được tiếp cận những thời trang mới để làm đẹp bản thân mà thôi chứ họ đâu có “ngố” chút nào.
Bài viết của tác giả Lê Thắng, một người Việt đã có nhiều năm sinh sống ở nước Nga giai đoạn 1980 – 1990.
Nhận xét
Đăng nhận xét