Hiểu cho đúng việc “Hòa giải, hòa hợp” dân tộc

Cần nói qua về khái niệm thông thường và bản chất của hai cụm từ “hòa giải” và “hòa hợp”, để từ đó hiểu cho đúng việc “hòa giải, hòa hợp dân tộc” trên đất nước Việt nam hiện nay.
“Hòa giải” là giải quyết các tranh chấp, bất đồng giữa các bên tranh chấp, bằng việc dàn xếp, thương lượng với nhau một cách ổn thỏa, hòa bình và có bên thứ ba làm trung gian (bên này không có liên quan đến các vấn đề tranh chấp). “Hòa hợp” là sự chấp nhận nhau, để tạo nên sự ổn định, làm cơ sở cho sự phát triển hài hòa tiếp theo.
Hiểu theo nghĩa trên bình diện quốc gia, thì sự “hòa giải” đó phải là giữa những thực thể đang tồn tại, có thực lực, không bên nào chịu bên nào, cần phải có một bên trung gian “chấp nối”, có thể xem như làm “trọng tài”, hoặc chứng kiến. Còn đối với nước Việt nam hiện nay, chỉ có một nhà nước duy nhất, chẳng lẽ đi “hòa giải” với những “thây ma” (Quốc gia VN & Vnch) trong qúa khứ?
Có chăng đó là sự “hóa giải” những bất đồng trong quan niệm, nhận thức của những bộ phận, nhóm xã hội, để cùng nhau thống nhất một nhận thức chung vì lợi ích của đất nước. Nhưng Đảng và nhà nước Việt nam vẫn dùng cụm từ “hòa giải”, là thể hiện sự tôn trọng qúa khứ, với thái độ khiêm tốn và rất nhân văn. Bởi mặt khác, tuy thắng-thua đã rõ ràng, nhưng trong thực tế, sự “hòa hợp dân tộc” nhiều vấn đề còn tồn tại, cần phải “hòa giải”, mà thực chất là sự “hóa giải” những bất đồng hiện tồn. Quan điểm đó cũng là chủ trương nhất quán của đảng, nhà nước Việt nam, tiếc rằng những thế lực tay sai cho ngoại bang, đã rất ngoan cố bám chân quan thầy, từ chối những cơ hội để thống nhất đất nước bằng biện pháp hòa bình.
Ngô Đình Diệm đã phá bỏ hiệp định Gionevo, từ chối tổng tuyển cử dự kiến vào Mùa thu 1956. Người Mỹ đã đạo diễn cho y dựng nên cái gọi là Vnch, để biến Miền nam nước ta thành một Việt nam thứ hai và ra sức đàn áp man rợ những người kháng chiến yêu nước. Vì muốn có hòa bình và thống nhất đất nước, mà không phải tốn nhiều xương máu của người Việt nam. Nên Đảng, Nhà nước Việt nam đã kiên nhẫn, kiên trì chủ trương đấu tranh chính trị và tìm mọi biện pháp có thể, thông qua ngoại giao để thuyết phục Ngô Đình Diệm tuân thủ hiệp định Gionevo.
Theo hồi ký của sĩ quan Maneli người Ba Lan, trong phái bộ giám sát đình chiến, thì đã có những cuộc trao đổi hai bên thông qua trung gian, nhưng nhà họ Ngô quyết tâm chia cắt đất nước. Thậm chí Tết Qúy Mão 1963, thông qua Đại sứ Ấn Độ, Cụ Hồ đã gửi một cành Đào cho Ngô Đình Diệm với thông điệp Hòa bình, nhưng bản chất đao phủ và tay sai, nên Ngô Đình Diệm lại bỏ lỡ một cơ hội “hòa giải”, để thống nhất đất nước (theo hồi ký của đổng lý văn phòng Diệm – chưa được kiểm chứng).
Hiệp định Pari cũng có điều khoản như một giải pháp “hòa giải”, với việc thành lập một “hội đồng hòa giải, hòa hợp dân tộc”, trên cơ sở đó để thành lập một chính phủ Liên hiệp ba bên (Vnch, CHMNVN, Lực lượng thứ ba). Nhưng Nguyễn Văn Thiệu cũng kiên quyết từ chối, đồng thời đẩy mạnh kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, đánh chiếm ra các vùng giải phóng. Những thiện ý “hòa giải dân tộc” đều bị những kẻ hiếu chiến khước từ và hành động đó là chính y đã tự đào hố chôn mình vào Mùa Xuân 1975.
Sau năm 1975, đảng, nhà nước Việt nam vẫn kiên trì chủ trương “hòa giải, hòa hợp dân tộc” để “hóa giải” những vấn đề còn tồn tại và đã có nhiều chính sách để thực hiện chủ trương đó. Đã không có cái gọi là “cuộc tắm máu”, như những nguời phía bên kia tiên lượng (họ suy bụng ta ra bụng người). Những chóp bu trong Dinh Độc lập đầu hàng, đều được tôn trọng và tự do. Viên chức, giáo chức vẫn đi làm theo nghề cũ, những chuyên gia giỏi vẫn được trọng dụng.
Hiểu cho đúng việc “Hòa giải, hòa hợp” dân tộc
Điển hình như ông Nguyễn Xuân Oánh, hai lần quyền Thủ tướng Vnch, nhưng vẫn được trọng dụng trong tổ tư vấn cho các đời Thủ tướng chế độ mới. Ông trung tướng ngụy Nguyễn Hữu Có, tham gia MTTQVN nhiều khóa, được nhà nước ghi nhận đóng góp và khen thưởng…vv. Mọi nguời dân đều lo làm ăn, không phân biệt, kỳ thị xuất thân. Nghĩa là sự “hòa hợp dân tộc” đã đi vào cuộc sống của xã hội một cách tự nhiên, thực tế. (Dĩ nhiên những thành phần có tội ác với nhân dân thì phải cải tạo để phù hợp với cuộc sống mới, bất kỳ ở đâu trên thế giới cũng vậy, nhưng rất hà khắc chứ không như ở Việt nam).
Ngày nay bà con Việt kiều khắp nơi trên thế giới về thăm quê hương và đầu tư làm ăn, mỗi năm một nhiều, các doanh nghiệp, công ty đó không thể kể hết. Năm 2007 nhà nước đã miễn thị thực cho nguời Việt nam ở nước ngoài; thực hiện chính sách mua nhà ở, tu sửa nghĩa trang quân đội Bình An, các hoạt động như Xuân quê hương, Trại hè thiếu niên nguời Việt ở nước ngoài hàng năm….
Đó chính là hiện thân của tinh thần “hòa giải, hòa hợp dân tộc”, mà đảng, nhà nước Việt nam luôn luôn nhất quán.
Tuy nhiên, cần phải hiểu cho đúng rằng:
– Không cho phép ai lợi dụng những chính sách nhân văn đó để chống phá đất nước, đòi hỏi “hòa giải, hòa hợp” có “điều kiện” theo ý họ, đi ngược với lợi ích của đất nước và chế độ hiện hành. Bởi đó là con đường mà tuyệt đại đa số người dân đã hy sinh xương máu để có được như ngày hôm nay.
– Chính sách nhân văn đó, là cho những ai thực tâm với đất nước, còn những kẻ cố tình chống lại đất nước, chống lại nhân dân thì kiên quyết loại bỏ. “Hai bàn tay vỗ mới thành tiếng kêu”, chứ không “hòa giải, hòa hợp” bằng mọi giá, một cách ươm hèn. Người Việt nam có câu: “hiền với Bụt, chứ không hiền với Ma”.
– “Hòa giải, hòa hợp dân tộc” là từ đường lối, chính sách của đảng và nhà nước và cái Tâm tự giác của mỗi người, chứ không phải bằng “đánh tráo” bản chất của lịch sử. Lịch sử là thì qúa khứ, nó như nào thì ghi lại như chính nó, đừng lầm lẫn qúa khứ và hiện tại.
Do vậy cần hiểu cho đúng việc “hòa giải, hòa hợp dân tộc”. Không thể để cho những kẻ cơ hội có tâm địa đen tối lợi dụng, để thực hiện mưu đồ của họ.
Nguyễn Ran

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này