Nguyễn Đình Cống: Giáo sư xưa và kẻ phản Đảng hiện nay

Trước hết, tôi có một vài tâm sự với Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Cách đây hơn 30 năm, lớp sinh viên đại học chúng tôi được thầy trực tiếp giảng dạy, ai cũng biết đến tiếng tăm của Giáo sư Nguyễn Đình Cống ở Trường Đại học Xây dựng. Một người thầy có trình độ về khoa học vật liệu xây dựng bê tông cốt thép từng được đào tạo ở nước ngoài, luôn được sinh viên kính trọng, ngưỡng mộ, ai cũng muốn được làm học trò của thầy.
Thế nhưng, đúng vào dịp Đảng ta kỷ niệm 86 năm ngày thành lập (3/2/1930 – 3/2/2016), tôi đọc được những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Đình Cống trên mạng xã hội với cái gọi là “thông báo từ bỏ Đảng”, tôi giật mình với cái tên “Giáo sư Nguyễn Đình Cống”. Đọc đi đọc lại cái “thông báo” đó mà lòng tôi nhói đau khi biết tác giả của nó lại chính là Giáo sư Nguyễn Đình Cống mà tôi và lớp sinh viên ngày ấy luôn ngưỡng mộ và kính trọng hết mực.
Tôi không tin đó là sự thật, nhưng qua bạn bè và mọi người cho biết, tôi vô cùng thất vọng, không hiểu “ma xui quỷ dẫn lối” thế nào mà người thầy đáng kính của tôi lại trở thành người như vậy. Công khai chống Đảng, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, phủ nhận thành quả cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc sự thật và trở thành kẻ vô ơn bạc nghĩa, làm mất đi hình ảnh của một người thầy đáng kính ngày xưa.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống được sinh ra và lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, những năm đất nước còn khó khăn, trong khi lớp lớp thanh niên đều ra chiến trường, với biết bao hy sinh xương máu, không tiếc thân mình vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì Giáo sư được Đảng, Nhà nước ưu ái tạo điều kiện cho đi ăn học ở Liên Xô. Bao nhiêu năm đứng trên bục giảng trường Đại học Xây dựng, bao thế hệ sinh viên đã học Giáo sư ra trường và trở thành những người thành đạt. Còn đối với Giáo sư, ở tuổi đã xế chiều, được Đảng và Nhà nước cho nghỉ chế độ, học vấn đủ đầy, công danh, sự nghiệp khó ai sánh bằng.
Nguyễn Đình Cống: Giáo sư xưa và kẻ phản Đảng hiện nay
Tại sao Giáo sư không an phận với những gì Đảng và Nhà nước đã ưu ái mà lại quay ra phản bội lại lý tưởng một thời ông theo đuổi, phản bội lại chính tổ chức đã nuôi dưỡng và cho Giáo sư tất cả vinh quang trong cuộc đời. Việc Giáo sư cố tình “công khai tuyên bố” rời bỏ lý tưởng mà mấy chục năm phấn đấu là việc riêng của cá nhân Giáo sư, tôi không quan tâm nhiều. Nhưng Giáo sư lại ngang nhiên công khai đưa ra những quan điểm sai trái, xuyên tạc, phản động, chống đối Đảng, chống đối cách mạng. Đó là một tội lỗi còn trên cả sự tha hóa, suy thoái của cá nhân. Thái độ vong ơn, bội nghĩa đối với đất nước, dân tộc, với chế độ xã hội chủ nghĩa của Giáo sư hoàn toàn trái với đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Thứ hai, gần đây đọc trên mạng xã hội thấy bài viết của Giáo sư với tiêu đề: Phản biện 3 nghị quyết về kinh tế. Thực chất đây không phải là một phản biện khách quan, khoa học, mà là sự hằn học cá nhân, cố tình xuyên tạc sự thật, phủ nhận sạch trơn quan điểm, chủ trương của Đảng. Toàn bộ bài viết sặc mùi chống đối, sau khi vòng vo dẫn luận một hồi, cuối cùng vẫn quay về cái đích: Đảng phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng phải từ bỏ vai trò lãnh đạo; phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Phản biện cái giọng điệu này là Giáo sư đang tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Như chúng ta đều biết, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua 3 nghị quyết về kinh tế, thể hiện sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta nhằm đột phá phát triển kinh tế đất nước với mục tiêu là xây dựng chủ nghĩa xã hội, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Nghị quyết ban hành đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao trong toàn xã hội, nhất là đối với thành phần kinh tế tư nhân, và các doanh nghiệp và doanh nhân. Nghị quyết Trung ương 5 đã đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới để phát triển đất nước phù hợp với thực tiễn nước ta.
Thứ ba, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng: “cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa thực ra là sự chắp vá gượng ép, chỉ nhằm làm thỏa mãn sự nhận thức hời hợt, sự bảo thủ ý thức hệ của một số ít người trong nước đã mắc bệnh nghiện CNXH”. Đây là luận điệu cố tình phủ nhận chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa hội là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.
Nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình tìm tòi, khám phá và là một sự vận dụng sáng tạo và khoa học của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn nền kinh tế Việt Nam. Giáo sư nói rất đúng: đã là ý thức hệ, nền tảng chính trị tư tưởng của một Đảng, của một dân tộc phải vững vàng, kiên định. Ý thức hệ không thể “sớm nắng, chiều mưa” dễ gì thay đổi được.
Chỉ có Giáo sư mới là người mà bản lĩnh chính trị “mưa nắng thất thường”, nay theo Đảng, phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, mai lại tuyên bố rời bỏ Đảng, ra sức tuyên truyền, chống phá Đảng. Hơn nữa, con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử dân tộc Việt Nam, là mục tiêu, lý tưởng của toàn Đảng và toàn dân. Không thể có thế lực nào xoay chuyển nổi mục tiêu này. Những hành động phá hoại, xuyên tạc của Giáo sư và các thế lực thù địch chỉ là “vô tích sự” mà thôi.
Cuối cùng, tôi muốn nói với Giáo sư một điều là: Đối với dân tộc Việt Nam, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường đã lựa chọn đúng đắn và duy nhất, không một thế lực nào có thể ngăn chặn được. Mọi sự chống phá, xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng chỉ là những “thứ rác rưởi” cần phải loại bỏ. Giáo sư tuổi đã cao, hãy chú trọng giữ gìn sức khỏe, là tấm gương sáng để con cháu học tập. Đừng vì những ích kỷ cá nhân, hay sự xúi giục của những kẻ xấu mà làm những điều hại nước, hại dân…
NGUYÊN THẠCH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này