Phải phòng, chống lãng phí như thế nào? (Bài 3: Những giải pháp tích cực, đồng bộ)

 Phải phòng, chống lãng phí như thế nào? (Bài 3: Những giải pháp tích cực, đồng bộ)

Công Minh

Vấn đề có ý nghĩa quyết định đặt ra là phải có được những giải pháp tích cực, phù hợp để thực hiện  phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm có hiệu quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã rất tích cực, cố gắng thực hiện nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, nặng nề này.

Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiều chủ trương, biện pháp thiết thực và yêu cầu thực hiện nghiêm túc. Trước hết, Người nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền giáo dục, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng trong phòng, chống lãng phí. Người xác định dư luận trên đe dưới búa của phê bình sẽ nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí, nên yêu cầu phải mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan cũng như ngoài quần chúng, từ trên xuống dưới và từ dưới lên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cơ chế chính sách trong chống lãng phí. Nếu thiếu cơ chế chính sách hoặc cơ chế chính sách không chặt chẽ, phù hợp sẽ ảnh hưởng đến kết quả chống lãng phí.

Một trong những giải pháp hữu hiệu mà Hồ Chí Minh đề ra và đã được thực hiện tốt trên thực tế là thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Người nhấn mạnh chống lãng phí phải thực hiện đồng thời với tiết kiệm, đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Người nêu rõ: chính sách kinh tế, tài chính của ta là làm ra nhiều, chi dùng ít, không cần thì không chi dùng. Người căn dặn: thi đua sản xuất tốt chưa đủ, tăng gia sản xuất phải đi đôi với tiết kiệm,  phải tiết kiệm thì giờ, nguyên vật liệu, tiền bạc.

Hồ Chí Minh từng công khai thừa nhận trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí mặc dù có nhiều thành công, nhưng nhìn chung, vòng vây của chúng ta trên mặt trận này chưa được siết chặt lắm, vì vậy của cải dành dụm của chúng ta “không những rơi vãi một phần vào cái hố lãng phí, mà còn bị bọn tham ô đục khoét mất một phần khác”. Người nhắc nhở phải kiên quyết trừng phạt những hành vi và những kẻ tham ô, lãng phí, bất kể chúng là ai!

Tư tưởng, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống lãng phí đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục quán triệt, tiếp thu, triển khai thực hiện với nhiều chủ trương, giải pháp tích cực, phù hợp, hiệu quả.

Trước hết, Đảng, Nhà nước đã có những cơ chế, chính sách, quy định chặt chẽ, hợp lý trong thực hiện chống lãng phí. Điển hình như trong công tác tuyên truyền, giáo dục, hiện nay, Đảng đưa ra giải pháp tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân; xác định đa dạng hoá, đổi mới hình thức, huy động các cơ quan thông tấn, báo chí cùng tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương chống lãng phí. Đảng yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, nêu cao trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đảng nhấn mạnh trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, vận động gia đình và quần chúng Nhân dân tích cực tham gia thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đáng chú ý từ khi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ra đời và đi vào cuộc sống đã mang lại những hiệu quả, ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt. Luật đã quy định Nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với Nguyên tắc đầu tiên là: “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra giám sát”.



Trên thực tế Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta có rất nhiều cố gắng trong việc ban hành và thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, giải pháp phòng, chống lãng phí.

Nổi bật là một số chủ trương, chính sách, quy định nâng cao trách nhiệm, hành động gương mẫu chống lãng phí, thực hành tiết kiệm của cán bộ, đảng viên. Ví dụ, ngày 21 – 12 – 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa XI có Chỉ thị 21-CT/TW đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội. Tại Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25 – 10 – 2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII về những điều đảng viên không được làm có quy định đảng viên không được làm: “Không thực hành tiết kiệm, để xảy ra thất thoát, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công trái quy định”. Hay mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9 – 5 – 2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, trong đó tại Điều 3 Cần, Kiệm, Liêm, Chính có quy cán bộ, đảng viên phải: “Quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và  hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân”.

Đảng, Nhà nước cũng nỗ lực huy động được sức mạnh đồng tâm nhất trí cùng đồng hành của Nhân dân trong phòng, chống lãng phí. Nhân dân tin tưởng, đóng góp thiết thực vào nhiệm vụ quan trọng này, cùng cả hệ thống chính trị thực hiện tốt phương châm: “Dân biết , dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, mọi công việc, đức tính cần cù, tiết kiệm, không hoang phí của người dân Việt Nam cũng được phát huy và đem lại những giá trị sâu sắc về nhiều mặt.

Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới đất nước, trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, Đang, Nhà nước và Nhân dân ta đã gắn chặt việc phòng, chống lãng phí với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hàng loạt biện pháp, cách làm kiên quyết, mạnh mẽ được tiến hành kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, như: kỷ luật về Đảng, chính quyền, xử lý hình sự, thu hồi tài sản… đối với các vụ án, các đối tượng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Tháng 8 – 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, với phương châm: “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Hiện nay, chúng ta còn phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, thế lực xấu đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, trong đó có công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta. Trên không gian mạng, các thế lực thù địch, thế lực xấu xuyên tạc rằng Việt Nam không có giải pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả để phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Chúng phê phán đó chỉ là những cách thức đánh lừa dân, không có hiệu quả và theo chúng thì chỉ có thay đổi Đảng Cộng sản, thay đổi chế độ thì mới là biện pháp chống được lãng phí cũng như tham nhũng, tiêu cực.

Trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam là cần đồng thuận, tích cực đồng hành, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, sự chống phá của thế lực thù địch, thế lực xấu… bằng sự kiên định, vững vàng, niềm tin sắt đá vào Đảng, vào chế độ, với những việc làm cụ thể, thiết thực của mình để góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh, hùng cường như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này