Bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về quan hệ Việt – Trung và vấn đề Biển Đông thời gian qua
Bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về quan hệ Việt – Trung và vấn đề Biển Đông thời gian qua
Những ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến quan hệ Việt – Trung, đặc biệt liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (12-14/10/2014) và chuyến thăm, làm việc tại Trung Quốc của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lương Cường (9-12/10/2024).
Trên một số trang mạng mạng xã hội, các thế lực thù địch, chống đối tìm mọi cách xuyên tạc quan hệ Việt – Trung, xuyên tạc đường lối đối ngoại, chính sách ngoại giao của Việt Nam, trong đó có vấn đề Biển Đông. Quyết liệt nhất vẫn là tổ chức phản động Việt Tân, các đối tượng chống phá như Nguyễn Văn Đài, Lê Trung Khoa… Chúng bịa đặt rằng: “Mỗi chuyến thăm của lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc là lại có thêm một hiểm họa cho đất nước và người dân Việt Nam”, “Chỉ hơn một tuần sau khi ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc tấn công, hành hung ở Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam đã long trọng đón rước giặc đến thăm nhà”, “Đối với lãnh đạo Việt Nam, tính mạng người dân đâu có quan trọng bằng tình hữu nghị với ông bạn vàng phương Bắc”, “Việt Nam cứ quan ngại, Trung Quốc cứ lấn tới”, “Sao không thấy lãnh đạo Việt Nam nhắc đến chuyện Biển Đông và ngư dân mình bị Trung Quốc hành hung ở Hoàng Sa nhỉ?”…
Rõ ràng, mục đích của các đối tượng nói trên là xuyên tạc đường lối đối ngoại, chính sách ngoại giao của Việt Nam, đặc biệt là quan hệ với Trung Quốc, nhằm gây bức xúc trong dư luận về vấn đề Biển Đông, chia rẽ quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc, bôi nhọ hình ảnh của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, những âm mưu, thủ đoạn của những đối tượng chống phá không dễ đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế.
Trước hết cần phải nói rằng những cuộc thăm viếng thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước là việc hết sức bình thường vì Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, đang có quan hệ ngoại giao ở mức quan hệ cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện; quan hệ kinh tế, thương mại và các mặt khác ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thực chất, toàn diện. Sau 16 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2008, quan hệ hợp tác giữa hai nước đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Tháng 12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Tháng 8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vừa qua, hai bên đã ký 10 văn bản hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau.
Vấn đề Biển Đông được đề cập đậm nét trong chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cũng như trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vừa qua. Trong buổi tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 12/10 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; đề nghị hai bên thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao, chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực tìm các phương thức, biện pháp hiệu quả để kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng nói rõ quan điểm “không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến sự tin cậy chính trị giữa hai bên và tổn thương tình cảm, lòng tin của nhân dân hai nước”. Chắc chắn, Trung Quốc hiểu rất rõ thông điệp mà phía Việt Nam muốn chuyển tải liên quan đến những diễn biến phức tạp tại Biển Đông trong thời gian gần đây, trong đó có vụ ngư dân Quảng Ngãi bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công ngày 29/9 vừa qua.
Ai cũng biết, Biển Đông là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm, là một thách thức lớn trong quan hệ hai nước Việt – Trung, đồng thời cũng là một vấn đề nóng trong quan hệ quốc tế hiện nay. Trung Quốc coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi, kiên quyết không chịu nhượng bộ. Trong khi đó, quan điểm của Việt Nam trong xử lý các vấn đề đối ngoại nói chung và tranh chấp tại biển Đông nói riêng là luôn đặt lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc lên trên hết, tuyệt đối không nhân nhượng, không thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền, lãnh thổ; đồng thời nhấn mạnh lập trường giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế. Đảng, Nhà nước Việt Nam chưa một giây phút lơ là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ ngư dân. Chúng ta không thể cấm phía Trung Quốc làm những điều họ muốn làm, nhưng điều chúng ta đang làm là cho họ thấy rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ của mình, rằng nếu họ cứ tiếp tục những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam thì họ sẽ mất nhiều hơn là được.
Việt Nam có quan điểm và cách xử lý riêng về vấn đề Biển Đông, không cần đến sự dạy khôn của các đối tượng “chống phá giả danh yêu nước”. Những người sử dụng mạng xã hội cần phải nhận thức rõ vấn đề này, cùng chung tay góp sức với cả hệ thống chính trị trong việc đấu tranh ngăn chặn những thông tin xấu độc trên không gian mạng, ủng hộ đường lối đối ngoại, chính sách ngoại giao, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đưa đất nước tiếp tục tiến lên phía trước./.
Nhận xét
Đăng nhận xét