Sáng tạo cũng cần có giới hạn

 Sáng tạo cũng cần có giới hạn

Thời gian gần đây, tại Việt Nam xu hướng cover (hát lại) bài hát nổi tiếng được nhiều nghệ sĩ lựa chọn, như một cách để thử thách năng lực của bản thân trong việc làm mới các ca khúc vốn đã quen thuộc với khán giả. Nhờ đó thị trường âm nhạc thêm phần sôi động, phong phú, công chúng có thêm những trải nghiệm mới mẻ, nhiều ca khúc có tuổi đời hàng chục năm đến gần hơn với giới trẻ nhờ những cách thể hiện sáng tạo.

Ban nhạc Ngũ Cung từng hát lại nhiều ca khúc cách mạng với phong cách rock thu hút khán giả. (Ảnh FANPAGE NGŨ CUNG)
Ban nhạc Ngũ Cung từng hát lại nhiều ca khúc cách mạng với phong cách rock thu hút khán giả. (Ảnh FANPAGE NGŨ CUNG)

Tuy nhiên, đã và đang xuất hiện những bản cover làm biến dạng nhiều ca khúc và vi phạm bản quyền gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần phải được chấn chỉnh.

Việc hát lại các ca khúc được nhiều người yêu thích vốn khá thịnh hành trên thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, trào lưu cover trở nên thịnh hành khoảng chục năm trở lại đây. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã khiến cho việc hát lại ca khúc ngày càng nở rộ, “trăm hoa đua nở”, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ chuyên và không chuyên. Nhờ đó không chỉ các ca khúc mới nổi trên thị trường mà các ca khúc xuất hiện từ hàng chục năm về trước đã được tái xuất trong phong cách mới với những thể nghiệm táo bạo, khác lạ.

Nhìn ở khía cạnh tích cực, việc làm mới các ca khúc giúp đời sống âm nhạc thêm nhiều mầu sắc, giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng. Cover bài hát cũng mở ra không gian mới giúp các nghệ sĩ thể hiện khả năng sáng tạo của mình, đồng thời giúp công chúng có thêm những trải nghiệm mới mẻ. Với những bài hát tưởng chừng đã quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam nhờ cover nên được thổi luồng gió mới từ cách thể hiện mang dấu ấn của đời sống hiện đại. Cũng nhờ những bản phối mới lạ, phù hợp với thị hiếu của nhiều người nghe mà không ít ca khúc tiền chiến, cách mạng được giới trẻ yêu thích và đón nhận nồng nhiệt.

Tuy nhiên, việc cover ca khúc cũng được ví như “con dao hai lưỡi” vì trong nhiều trường hợp việc sáng tạo quá mức của một số nghệ sĩ đã làm biến dạng, méo mó cả về nội dung cũng như tinh thần của bài hát, thậm chí chêm những câu từ, hình ảnh phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam gây bức xúc dư luận. Bên cạnh đó việc tùy tiện sử dụng ca khúc để cover mà không xin phép tác giả là hành vi vi phạm luật sở hữu trí tuệ.

Mới đây gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên đã buộc phải lên tiếng trước việc ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn” bị một ca sĩ hát lại nhưng biến tấu quá mức về giai điệu khiến người nghe thậm chí không nhận ra bản gốc. Hơn nữa bài hát vốn dành cho thiếu nhi nhưng ca sĩ thể hiện theo phong cách nhạc rock, không chỉ khó nghe mà âm hưởng còn có phần hơi bạo lực, không đúng với tinh thần mà bài hát mong muốn gửi gắm đến công chúng, nhất là với trẻ em.

Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên – nhà báo Hồng Tuyến khẳng định người làm mới ca khúc này không xin phép tác giả, tùy ý điều chỉnh từ giọng trưởng sang giọng thứ mà chưa được sự chấp thuận của tác giả. Mặc dù nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn ủng hộ sáng tạo của giới trẻ, song như vậy không có nghĩa là các nghệ sĩ có thể tùy tiện sử dụng, biến đổi bài hát mà không xin phép tác giả. Sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng “sáng tạo quá đà”, gây phản cảm của một số nghệ sĩ khi thực hiện việc làm mới ca khúc.

Quan sát trào lưu cover, làm mới lại bài hát cũ những năm gần đây có thể thấy việc hát lại ca khúc đang có dấu hiệu lạm phát, phản cảm. Xuất hiện không ít những bản cover bị đánh giá là “những thảm họa” phá nát tác phẩm gốc. Thậm chí một số người vì muốn nhanh nổi tiếng, đã tận dụng những lợi thế của mạng xã hội để triệt để khai thác các ca khúc đang thịnh hành nhằm cover và phát trực tiếp trên các nền tảng mạng. Điều đáng nói là một số nghệ sĩ để gây ấn tượng nhằm tăng like, tăng view đã biến tấu ca khúc theo những cách kỳ quái, “chẳng giống ai”.

Hậu quả là nhiều ca khúc nổi tiếng, thậm chí những ca khúc cách mạng vốn được các thế hệ người Việt Nam yêu thích bỗng hiện diện dưới những phiên bản dị dạng, phản văn hóa song lại được lan tỏa với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Tình trạng này đang tạo ra những nguy cơ làm vẩn đục môi trường âm nhạc, tác động tiêu cực đến nhu cầu thưởng thức âm nhạc lành mạnh của cộng đồng, làm méo mó nhận thức của một bộ phận công chúng, nhất là giới trẻ về sự sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc, cũng như ngộ nhận về sự nổi tiếng. Trong khi đó, không phải tác giả, nhạc sĩ nào cũng có thể lên mạng để theo dõi và lên tiếng kịp thời để bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình như gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên đã làm.

Cần phải khẳng định rằng việc cover, làm mới bài hát tuy không bị cấm song cũng có những quy định của pháp luật liên quan đến quyền tác giả cần phải tuân thủ. Bản chất việc hát lại bài hát là quá trình tạo ra một sản phẩm phái sinh, do đó người thực hiện cần phải có sự cho phép của tác giả hoặc người có quyền sở hữu tác phẩm.

Việc làm phái sinh tác phẩm không phải xin phép trong các trường hợp: Sao chép để phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy; biểu diễn tác phẩm trong các buổi sinh hoạt, tuyên truyền cổ động không thu phí; chuyển tác phẩm sang ngôn ngữ khác hoặc sang chữ nổi phục vụ người khiếm thị. Đồng thời, cũng theo quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề bản quyền, những bản cover không được phép ảnh hưởng đến việc khai thác thương mại của bản chính, phải ghi đầy đủ tên tác giả, nguồn gốc, xuất xứ của bài hát. Tùy mức độ, người vi phạm bản quyền tác phẩm âm nhạc có thể bị phạt tới 15 triệu đồng, đồng thời buộc dỡ bỏ bản ghi âm, ghi hình vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo Điều 12, 13 Nghị định số 131/2013 ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Điều đáng tiếc là một số nghệ sĩ nổi tiếng khi cover ca khúc đã không nắm chắc các quy định của pháp luật nên đứng trước việc bị khiếu kiện. Tiêu biểu có thể kể đến trường hợp ca sĩ Văn Mai Hương, năm 2021 sử dụng ca khúc “Always remember us this way” của ngôi sao người Mỹ Lady Gaga ở nhiều chương trình, sự kiện khác nhau, bao gồm đêm nhạc bán vé và video cover phát hành trên kênh YouTube cá nhân, mà không hề xin phép cũng như để tên tác giả.

Cộng đồng hâm mộ nữ ca sĩ Lady Gaga tại Việt Nam đã gửi thư khiếu nại lên Universal Music Group (trụ sở tại Mỹ) và ca sĩ Văn Mai Hương đã buộc phải gửi lời xin lỗi tới Lady Gaga và cộng đồng người hâm mộ, đồng thời bổ sung ngay tên Lady Gaga, các tác giả của ca khúc gốc trong một clip cover của mình. Dù đã được kịp thời xử lý nhưng sự việc là lời cảnh báo đối với các nghệ sĩ khi sử dụng ca khúc của tác giả khác để cover và biểu diễn trong những chương trình mang tính thương mại. Theo dõi đời sống âm nhạc Việt Nam những năm gần đây, những sự việc tương tự xảy ra khá nhiều.

Trước hiện tượng vi phạm bản quyền âm nhạc trên môi trường mạng ngày càng gia tăng, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường – tác giả của nhiều ca khúc được yêu thích như “Hoa nở không mầu”, “Bao nhiêu thương nhớ cho vừa”, “Vươn lên Việt Nam”,… cho biết anh đã nhiều lần cảnh báo các ca sĩ trẻ khi cover ca khúc của mình mà không xin phép cũng như yêu cầu các cá nhân, đơn vị đang vi phạm bản quyền âm nhạc thuộc quyền sở hữu của mình phải liên hệ để giải trình trong 7 ngày, nếu không hợp tác, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường sẽ nêu việc vi phạm và nhờ pháp luật can thiệp. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung – người có nhiều ca khúc được cover trên YouTube, cũng đồng quan điểm trên. Anh phân tích chỉ rõ về tình trạng có những ca sĩ mạng, những TikToker, YouTuber… hát cover cho vui, đăng trên mạng làm kỷ niệm, nhưng cũng đầy người cover không xin phép mà bật chức năng kiếm tiền với bài hát của người khác.

Theo anh ở đây có một sự mập mờ, lợi dụng sản phẩm trí tuệ thuộc sở hữu người khác để thu lợi bất chính. Do đó, theo quan điểm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, các ca sĩ khi cover bài hát phải xin phép trực tiếp tác giả hoặc xin phép thông qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả tại Việt Nam để được sử dụng tác phẩm; đồng thời phải thực thi nghĩa vụ quyền tác giả, tức là phải gửi lại một phần chi phí tác quyền cho tác giả theo khoản 3, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý vi phạm hiện vẫn còn khá nhẹ, chưa có tính răn đe.

Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ vẫn chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình nên bỏ qua cho nhiều vi phạm. Từ đây khiến cho nạn xâm hại bản quyền không những không được ngăn chặn mà còn có chiều hướng gia tăng, trong đó việc cover ca khúc không xin phép là một trong những biểu hiện dễ thấy nhất.

Từ thực tế này đòi hỏi cùng với sự vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan chức năng cần có thêm tiếng nói từ các nghệ sĩ có quyền và nghĩa vụ liên quan. Các nghệ sĩ cần thể hiện thái độ kiên quyết trước những hành vi vi phạm bản quyền vì điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của chính mình mà còn góp phần hình thành một môi trường âm nhạc văn minh, lành mạnh, tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, vai trò của người tiếp nhận, nhất là cộng đồng mạng là hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đang nở rộ các chương trình, clip nhạc cover như hiện nay.

Theo đó, các khán thính giả khi phát hiện những hành vi vi phạm bản quyền như sản phẩm cover không ghi tên tác giả, việc hát lại ca khúc làm lệch lạc, biến tướng tác phẩm trở nên phản cảm,… cần kịp thời lên tiếng; tuyệt đối không cổ xúy, theo dõi, chia sẻ các video, clip nhạc cover, nhạc chế phản cảm.

Sáng tạo là cần thiết nhưng không thể vượt quá giới hạn, làm tổn hại đến tác giả và tác phẩm. Người sử dụng mạng xã hội có thể dùng quyền năng của mình để báo cáo với các nhà cung cấp nền tảng mạng xuyên biên giới kịp thời phát hiện và đánh dấu bản quyền với những video, clip vi phạm, góp phần “dọn rác” trên không gian mạng cũng như bảo vệ sự phát triển lành mạnh của thị trường âm nhạc Việt Nam.

THÀNH NAM

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này